CUỘC ĐỜI ĐẪM NƯỚC MẮT CỦA CÔNG CHÚA ĐINH PHẤT KIM

Mối lương duyên chứa đựng toan tính

Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế. Trong 12 sứ quân bại trận dưới tay vua Đinh, Ngô Nhật Khánh là sứ quân hàng phục sau cùng. Theo một số ghi chép, sắc đẹp của công chúa Phất Kim đã khiến cho Ngô Nhật Khánh si mê ngay từ phút đầu gặp mặt. Nhật Khánh nhiều lần ngỏ ý với nàng, nhưng đều bị nàng từ chối.

Nhìn ra tâm tư và đoán được con người Ngô Nhật Khánh vẫn luôn nuôi tính chuyện phục thù, vua Đinh Tiên Hoàng đã gọi công chúa Phất Kim đến và nói:

“Tướng quân Ngô Nhật Khánh là người thao lược vào bậc nhất, nhưng chưa thực sự tận trung vì sự nghiệp của cha. Nay giặc Tống và giặc Chiêm đang lăm le bờ cõi, nếu được Nhật khánh giúp thêm vây cánh thì Đại Cồ Việt ta còn gì bằng… Cha muốn con ưng thuận lời thỉnh cầu của Nhật Khánh, để lấy tình phu phụ thuyết phục Nhật Khánh giữ trọn đạo hiếu trung”.

Nghe theo lời cha dạy, công chúa Phất Kim đồng ý nên duyên với Ngô Nhật Khánh.

Tiến thoái lưỡng nan

Tình thân giữa hai nhà Đinh – Ngô ngỡ tưởng từ đây sẽ bền chặt. Thế nhưng sứ quân Ngô Nhật Khánh vốn dòng dõi vương quyền, lại có tài thao lược. Bị Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp, y vẫn nuôi chí phục thù, những mong dựng lại cơ đồ nhà Ngô đã đổ nát từ những năm trước.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Một hôm, sau khi nhận được mật thư của vua Chiêm thông báo sẵn sàng chi viện binh lính đánh Đại Cồ Việt, Ngô Nhật Khánh đưa vợ chạy sang Chiêm Thành”.

Thuyền xuôi dòng Vân Sàng, qua Ngọc Thỏ cảng, vượt cửa Thần Phù rồi ra Biển Đông, tiến về Chiêm Thành. Ngồi trên thuyền, Phất Kim hỏi chồng : “Chúng ta đi đâu?”

Nhật Khánh lúc nãy nghĩ công chúa Phất Kim nay đã là phận gái thì phải theo chồng nên dỗ dành vợ: “Chúng ta sẽ vượt qua Nam giới, chạy sang cầu cứu vua Chiêm. Người Tống đưa đường và sẽ giúp chúng ta. Nếu việc thành, nàng sẽ trở thành chính cung hoàng hậu của nước Đại Cồ Việt.

Nhưng trái với những gì Nhật Khánh mong đợi, công chúa Phất Kim cương quyết nói rằng : “Không! Chúng ta không bao giờ được phản bội phụ vương, phụ bạc kinh thành Hoa Lư và nước non Đại Việt.”

Nhật Khánh lại nói thêm: “Hôm vừa qua viên khách thương nhà Tống báo cho ta biết, sứ giả nhà Tống đang đợi ta đến yết kiến vua Chiêm. Nàng không nghe ta thì sau có hối hận là muộn.”

Lúc này công chúa Phất Kim nói với giọng tha thiết : “Thiếp theo lệnh vua cha đã xuất giá để theo minh công. Trọn đời này, kiếp này chỉ biết có minh công mà thôi. Nhưng chàng phải hồi triều, không thể nào phản lại dân tộc, phản lại vua cha để mang tội bất trung, bất hiếu.”

Trước những lời tâm huyết của công chúa Phất Kim, Ngô Nhật Khánh không những không hồi tâm chuyển ý, mà với dã tâm trả thù bấy lâu nay, hắn rút dao bên mình ra, xẻo má vợ mà kể tội:

“Cha ngươi đã lừa gạt để ức hiếp mẹ con ta. Ta có đâu lại vì yêu ngươi mà bỏ qua tội ác của cha ngươi. Thôi, ngươi hãy trở về, ta sẽ một thân một mình đi tìm ai có thể cứu được ta…”.

Nói xong, Phò mã sang thuyền chiến cạnh đó hối thúc quân chèo, bỏ lại công chúa bên cửa biển Nam Giới.

Công chúa Phất Kim được đưa về Hoa Lư để chạy chữa, dù vết thương sau đó đã lành, nhưng vết sẹo cũng như nỗi đau khổ tủi nhục trong lòng nàng thì không gì có thể chữa nổi. Sau đó không lâu, công chúa xuống tóc đi tu tại một ngôi chùa ở kinh thành Hoa Lư.

Cái chết lặng lẽ đầy tủi khổ

Vết thương cũ còn chưa lành thì công chúa lại nghe tin vua cha và anh cả Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại. Giữa lúc ấy lại thêm tin xấu, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Năm 979, Phò mã Ngô Nhật Khánh dẫn thuyền quân Chiêm Thành hơn nghìn chiếc vào muốn đánh thành Hoa Lư, theo hai cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang. Qua một đêm, gặp gió bão nổi lên, thuyền đều lật đắm, Nhật Khánh cùng bọn người Chiêm đều chết đuối, chỉ có thuyền của vua Chiêm thoát trở về nước…”.

Công chúa càng trở nên đau đớn, xót xa và tủi nhục. Tuyệt vọng, nàng nhảy xuống giếng nước lầu Vọng Nguyệt, phía tây bắc kinh thành Hoa Lư tự vẫn. Người dân cảm phục, tiếc thương, lập đền thờ công chúa Phất Kim ngay trước cửa cung Vọng Nguyệt, nơi công chúa từng sống.

Cuộc đời bi thảm của công chúa triều Đinh khiến cho nhiều người đời sau thương cảm. Cái chết của công chúa đã chứng tỏ được sự trung trinh đáng ngợi ca của người phụ nữ Việt Nam, nguyện vì cha vì nước mà chịu cực hình bị chồng xẻo má, giữ trung trinh với chồng mà chọn cái chết cho mình. Trong dòng chảy lịch sử nước nhà, các triều đại sau tôn vinh, sắc phong cho nàng là Tiết liệt trung trinh.

Nguồn: Soha

Ảnh minh họa: Nhàn Bùi (Lạc Một Nồi)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *