Cuộc chiến Nam Chiếu – Đại Đường và tác động của nó cư dân châu thổ sông Hồng “Huống…

Cuộc chiến Nam Chiếu – Đại Đường và tác động của nó cư dân châu thổ sông Hồng

Cuộc chiến Nam Chiếu – Đại Đường và tác động của nó cư dân châu thổ sông Hồng
“Huống Cao Vương cố đô Đại La Thành, trạch thiên địa khu vực chi trung; đắc long bàn hổ cứ chi thế. Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị; tiện giang sơn hướng bội chi nghi. … Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa. Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội; vi vạn thế đế vương chi thượng đô”.
Thiên Đô đã vẽ lên chân dung về cuộc thiên đô của nhà Lý. Văn bản này cũng mở lối cho chúng ta biết về vai trò của Cao Biền (Cao Vương).
Vai trò của Cao Biền
Nửa cuối TK thứ IX, Giao Châu biến động khốc liệt. Toàn thư chép: “Đô hộ là Lý Trác làm chính sự tham lam tàn bạo, mua hiếp bò ngựa của người Man, mỗi con chỉ trả cho một đấu muối, lại giết tù trưởng Man là Đỗ Tồn Thành, dân Man oán giận, dẫn đường cho người Nam Chiếu đến lấn cướp biên giới”.
Thêm vào loạn lạc là đói kém diễn ra trong 6 năm trời.
Đến năm 863, “Nam Chiếu hai lần chiếm Giao Châu, vừa giết vừa bắt gần 15 vạn người. [Khi rút lui] lưu lại 2 vạn quân, sai Tư Tấn giữ thành Giao Châu ta. Người Di Lão ở các khe động không cứ xa gần đều hàng phục cả” (Toàn thư). Tạ Chí Đạ Trường trong Bài sử khác cho Việt Nam nhận định đây là cuộc thanh lọc sắc tộc, lấy đất trồng lúa.
Nhưng vẫn chưa phải là đã hết. Năm 865, tướng nhà Đường là Cao Biền phản công. Biền đánh úp già trẻ gái trai người Man đang gặt lúa ở Phong Châu, bắt giết 5 vạn người. Quân Đường vây chặt Tống Bình vì Cao Biền bị vua Đường gọi về mà “quân Man” trong thành có cơ hội trốn đi quá nửa. Sau Biền về dẫn quân phá thành chém hơn 3 vạn đầu. Biền lại phá được hai động thổ man dã theo Nam Chiếu, giết tù trưởng. Người thổ man rủ nhau quy phục đến 1 vạn 7 nghìn.
Như vậy trong hai ba năm, số người bị giết vì chiến loạn ở Giao Châu lên tới con số cả chục vạn. Số người bị bắt, phiêu dạt có thể lên tới trên mười vạn. Cuộc chiến kinh khủng này có lẽ đã làm sụt giảm nghiêm trọng dân cư khu vực quanh trụ sở của Giao Châu?
Dòng sự kiện mà Toàn thư ghi lại tiếp tục củng cố thêm thông tin này. Cao Biền đắp thành Đại La xung quanh lại cho xây hơn 40 vạn gian nhà (Việt Sử Lược chép có 5000 gian). Biền phá đá mở thông đường biển nối liền Giao Châu với Lĩnh Nam Đông Đạo (tức là Quảng Đông). Ông ta nói rằng: “Nay khai đường biển để giúp dân sinh, nếu mình không theo lòng riêng thì có gì khó”.
Có lẽ Cao Biền đã cố gắng bù đắp lại số nhân khẩu bị xiêu tán, tổn thất sau cuộc chiến đẫm máu với Nam Chiếu? Ông ta đã thành công được phần nào, khi có thể “cử ngã phủ xưng Vương” – Hoặc được dân chúng coi như một ông Vua (Vương) của đất Giao Châu.
Và sau này chính Lý Công Uẩn xưng tụng Cao Biền là Cao Vương. Xưng tụng Đại La thành là Cố Đô. Còn Lê Văn Hưu trong Toàn Thư thì ca ngợi rằng: “Một Cao Biền đốc suất bộ thuộc mà chém được vài vạn quân giặc mạnh, huống chi lại có người giỏi hơn Cao Biền nữa! Cho nên Trác không thể bảo toàn được mình, mà Cao Biền thì giữ thành xưng vương, người khéo trị nước phải nên cẩn thận việc chọn người”.
Châu thổ sông Hồng và lớp cư dân mới
Quá trình “thiên đô” từ nơi mà ta gọi là Cổ Loa đến thành Tống Bình mất gần ngàn năm. Đó cũng là thời gian đủ để cho vùng Rốn Rồng (Long Đỗ) đủ vững để đắp được thành trì. Cũng là thời gian mà biển lùi xa dần, Châu thổ trở dần phù hợp với việc canh tác lúa nước.
Với cư dân mà sử cũ gọi là Man, với người Nam Chiếu hẳn vùng đất này quá hấp dẫn. Vừa có thể canh tác lúa nước, vừa mở đường nối thông với biển. Điều đó đến tận bây giờ vùng Vân Nam vẫn còn ước muốn. Đáng tiếc họ đã thất bại trong “cuộc giải phóng Man dân” (hay là Lạc dân chăng?) khỏi bàn tay Đại Đường? Trên Châu thổ mở ra cục diện mới về cư dân, ở đó man dân (hay Lạc dân) không còn đủ sức để bước lên vũ đài chính trị.
Chu Khứ Phi trong Lĩnh Ngoại đại Đáp cho biết: “dân số vùng đồng bằng sông Hồng hết sức đông đúc và nửa trong số đó là từ Quảng Đông, Quảng Châu”.
Các chiến dịch chinh phạt Chiêm Thành của Lý trong các năm 1042, 1069 đã đem về Đại Việt tới 5,5 vạn dân Chăm. Toàn Thư cho biết Lý Thái Tông cho phép dân Chăm được nhận bộ khúc, phân theo làng theo đúng tên gọi Chăm.
Những tư liệu trên chứng tỏ châu thổ sông Hồng rất thiếu thốn sức lao động. Phải chăng đây là hậu quả của cuộc chiến Nam Chiếu – Đại Đường?
Những người Man – cư dân canh tác lúa nước ở Phong Châu, những người Hán, cư dân Việt tại khu vực quanh thành Tống Bình đã bị cuộc chiến này thổi bay. Và Cao Biền là người bắt đầu cho việc quy tụ lại dân xiêu tán, kêu gọi dân từ Quảng Đông di cư tới?
Thành Đại La vững chãi, hàng chục vạn gian nhà mà Biền xây dựng đã trở thành một thỏi nam châm thu hút các luồng dân di cư. Để thuận lợi hơn cho dân di cư, Cao Biền đã phá đá nối thông thủy lộ Giao Châu và Lĩnh Nam Đông Đạo.
K.W Taylor trong “A History of the Vietnamese” cho rằng: “Mọi khía cạnh trong nền văn hóa Việt Nam có được đều nhờ thuộc về đế quốc ấy (Trung Quốc), và nhờ sự hiện diện của một cộng đồng Hoa ngữ đông đảo. Cộng đồng này phát triển qua nhiều thế hệ, cuối cùng hòa vào với dân bản địa, sau khi liên lạc với chính quốc bị chia cắt”.
Phân chia Kinh – Trại
Các thế lực mới nổi ở Châu thổ sông Hồng bắt đầu vùng vẫy. Kiều Công Tiễn (một sứ quân gốc Hán, hâm mộ Nam Hán) đã sát hại Khúc Thừa Dụ (năm 938). Điều này hẳn có tác động đến những vị đại thủ lĩnh sau này?
Ngô Quyền không hào hứng lắm với khối “tân dân” quanh Đại La. Ông đóng đô tại Cổ Loa. Nhà Đinh “dẹp loạn 12 sứ quân được bầu làm Bộ Lĩnh”. Ông Bộ Lĩnh lui hẳn về Hoa Lư.
Toàn Thư ghi nhận từ năm 991 đến năm 995 Lê Đại Hành phong tám trong số chín hoàng tử về địa bàn châu thổ sông Hồng (đặc biệt ở vùng nay là Hưng Yên, Hải Phòng). Lý Công Uẩn trở thành phò mã nhà Lê, thăng tiến vượt bậc cũng cho thấy thế lực Đại La không hề tầm thường.
Cư dân thống trị ở đây rất có thể là gia tộc nguồn gốc Quảng Đông, Mân, di tản xuống theo hấp lực Đại La Thành và lời kêu gọi của Cao Biền. Tất nhiên dân các khe động, các tộc người quanh khu vực trung châu cũng tràn xuống mà phân chia Kinh – Mường là một ví dụ.
Trở lại với Thiên Đô Chiếu. Đây là một áng hùng văn, thấm đẫm tinh thần Hán Đường: “Tích Thương gia chí Bàn Canh ngũ thiên. Chu thất đãi Thành vương tam tỉ, khởi Tam Đại chi sổ quân…”. Hẳn nhiên Lý Công Uẩn không viết cho những bộ thuộc (quan chức triều đình) không hiểu Hán văn.
Lý Công Uẩn “trở thành người Kinh đầu tiên”. Nhiều nguồn tư liệu cho rằng ông người gốc Mân. Từ bỏ Hoa Lư (trung tâm của thế lực cựu dân) ông về cứ điểm Đại La (thế lực tân dân) và kiến quốc. Ông hạ thấp khối cựu dân: “Cải thập đạo vi nhị thập tứ lộ Ái châu, Hoan châu vi trại”.
Bằng việc biến Ái Châu, Hoan châu thành “Trại” Lý Công Uẩn đã … ngoại vi hóa thế lực bản địa.
Tất nhiên còn một điều mà vị hoàng đế này lo ngại đó là thế lực các hào trưởng địa phương, những người “có hàng ngàn con nuôi”. Đó cũng là những người mà Lê Hoàn gọi là “người núi rừng hung ác, dân khe động tráo trở, nếu không chiều ý họ, sợ có tai biến xảy ra” (TT). Quyền lực của các nhóm địa phương núi rừng, khe động này có thể ép uổng cả Vua, khiến Vua “sợ có tai biến”.
Và đó là nguyên do Lý Công Uẩn phải hỏi: “Trẫm muốn nhân chỗ thắng địa đó mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?”. Nhưng dù sao đi nữa thì Trung Châu Đại Việt đã hình thành! Đó là cai nôi văn hiến chi bang “y quan Chu chế độ, lễ nhạc Tống quần thần”.
Tài liệu tham khảo chính:
Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên …: Đại Việt Sử ký toàn thư
Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt truyện
Tạ Chí Đại Trường: Bài sử khác cho Việt NamTạ Chí Đại Trường: Có một nguyên nhân dời đô khác
K.W.-Taylor: “A History of the Vietnamese” Cambridge University Press, 2013.
Trần Quốc Vượng, Nguyễn Dương Bình: Một vài nhận xét về mối quan hệ Mường Việt và quá trình phân hóa giữa tộc Mường và tộc Việt.
Lê Tư: Hợp tác với quân Minh, người Kinh Lộ.
Lê Thị Xuân: Lược sử về cư dân tiền Đại Việt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *