Cùng mất trong Chiến tranh Nha phiến: Hong Kong về với Trung Quốc, Vladivostok thì không! – Câu chuyện về cuộc đàn áp người Trung Quốc ở Liên Xô năm 1937.
Có gì để mai mình post chùm ảnh thành phố Vladivostok từ khi còn người Trung Quốc đến khi khai quật mộ của người Trung Quốc nhé.
Cách đây lâu, thực sự là khá lâu rồi, có đọc được tin tức trên một số báo mạng Trung Quốc về việc Nga khai quật một số mộ tập thể ở thành phố Vladivostok, vùng Viễn Đông Nga (dưới phần bình luận mình sẽ để một số link báo Trung Quốc). Ngay sau đó, người Trung Quốc đã ồn ào khẳng định đây là hài cốt của người Trung Quốc bị thanh trừng bởi Stalin vào những năm 1937-1938. Không lâu sau đó thì Nga công nhận việc này, và vụ việc không bị làm căng sau đó bởi chính quyền 2 nước. Tuy nhiên, qua vụ việc cũng nói lên một điều rằng, ký ức và hy vọng về một ngày đòi lại thành phố Vladivostok của người Trung Quốc vẫn nung nấu trong nhiều năm qua. Điều này có thể sẽ dễ hiểu nếu so sánh với một vùng đất tương tự hoàn cảnh lịch sử với Vladivostok, đó là Hong Kong!
1/ Lịch sử mất đất Vladivostok của Trung Quốc vào tay Nga.
Vùng đất tên Vladivostok ngày nay, trước kia là vùng đất thuộc tổ tiên người Mãn ở Đông Bắc Trung Quốc. Sau khi nhà Thanh hoàn tất chinh phục Trung Hoa, họ gọi khu vực này là ''海參崴'' – Hải Sâm Uy (đầm lầy có nhiều hải sâm – để ám chỉ khu vực này thực sự có nhiều hải sâm). Đến ngày nay chính phủ Trung Quốc vẫn quy định bản đồ phải gọi đúng tên Hải Sâm Uy của thành phố.
Vì nhiều lý do, triều đình Mãn Thanh rất hạn chế người Hán đến khu vực này. Chỉ có những người bắt hải sâm mới đến đây mỗi khi vào mùa khai thác, nên khu vực này trong lịch sử khá tiêu điều, hoang vắng. Chính sự hoang vắng này đã khiến triều đình Mãn Thanh không có được sự kiểm soát chặt chẽ với khu vực Hải Sâm Uy. Năm 1842, Anh mở đầu cuộc chiến của phương Tây với Trung Quốc bằng cuộc Chiến tranh Nha Phiến. Hậu quả là nhà Thanh bị mất Hồng Kong vào tay Anh. Không lâu sau đó, các cường quốc phương Tây: Anh, Pháp, Mỹ, Nga… lại một lần nữa ''hội đồng'' nhà Thanh trong Chiến tranh Nha phiến lần 2. Trong lần này, Nga bên cạnh cùng Anh, Pháp, Mỹ chia nhau những món lợi giành được từ Trung Quốc, thì cũng đơn phương ép nhà Thanh ký một hiệp ước bất bình đẳng tên là ''Hiệp ước Ái Hồn'' năm 1858. Theo đó, hơn 600.000 km2 lãnh thổ Trung Quốc, tương đương gần 2 lần nước Việt Nam, đã bị mất cho Nga. Trong số lãnh thổ bị mất, có toàn bộ tả ngạn sông Amur, vùng đất tổ tiên người Mãn, có cả đảo Sakhalin và thành phố Vladivostok ngày nay. Cho đến hiện tại, điều ước Ái Hồn ký với Nga năm 1858 vẫn được coi là một trong những điều nhục nhã nhất trong lịch sử Trung Quốc, điều mà chính quyền kêu gọi người dân ''khắc cốt ghi tâm'' vào lịch sử. Không chỉ mất 60 vạn km2 đất, nó còn khiến Trung Quốc mất vĩnh viễn đường ra biển Nhật Bản, để lại hậu quả đia chính trị đến tận ngày nay.
Năm 1860, Đế quốc Nga chính thức thành lập thành phố Vladivostok, và biến nó thành một căn cứ Hải quân lớn quan trọng nhất trên bờ biển Thái Bình Dương. Tuy vậy, điều này diễn ra khá chậm do nằm quá xa trung tâm nước Nga. Trong suốt hơn 50 năm, thành phố được xây một cách chậm chạp và phải đến năm 1916, mới có đường sắt nối Vladivostok với các thành phố khác.
2/ Cuộc đàn áp người Trung Quốc ở Viễn Đông
Mặc dù có khá nhiều cuộc sát hại và trục xuất người Trung Quốc trong lãnh thổ Nga diễn ra, tuy nhiên trong lịch sử Nga và Trung Quốc đều ghi nhận một cuộc đàn áp lớn nhất nhằm vào người Trung Quốc diễn ra ở vùng Viễn Đông vào năm 1937-1938, trùng với thời kỳ Đại Thanh Trừng của Stalin ở Liên Xô, và cũng là thời điểm Nhật Bản mở rộng cuộc chiến xâm lược ở Trung Quốc.
Vào tháng 8 năm 1937, các cơ quan mật vụ Liên Xô đã lên kế hoạch coi những sắc tộc Trung Hoa và Triều Tiên ở khu vực Viễn Đông là ''nguy cơ cao về gián điệp và phản bội''. Kế hoạch có tên là ''Trấn áp vì biên giới quốc gia của Liên Xô (1937-1938)'' (Репрессии по «национальным линиям» в СССР (1937-1938)) được Bộ Chính trị Liên Xô phê duyệt và vẫn được bảo lưu nguyên vẹn trong kho tài liệu của Liên Xô sau này. Thực hiện kế hoạch, chính quyền Liên Xô tiến hành trục xuất nhằm vào các sắc dân này. Người Triều Tiên đã bị đưa lên tàu đi đến Trung Á, hình thành nên cộng đồng Triều Tiên rất lớn ở Kazakhstan ngày nay (vấn đề này sẽ có bài cụ thể). Còn với người Trung Quốc, chính quyền Liên Xô cho một phần trong số họ trở về Trung Hoa Dân Quốc thông qua nhiều ngả đường gồm Mãn Châu, Mông Cổ, Tân Cương, Trung Á,… Tuy vậy, đã có một số lượng rất lớn người Trung Quốc ở vùng Viễn Đông bị mất tích. Vào năm 1920, có hơn 200.000 người Trung Quốc ở Viễn Đông. Nhưng vào năm 1940, người Trung Quốc ở Viễn Đông gần như biến mất không dấu vết. Các chuyến tàu chở người Trung Quốc về nước năm 1938 có khoảng 10.000 đến 20.000 người. Vậy số còn lại đã đi đâu?
Câu trả lời sau này đã được hé lộ một phần, khi Nga thỉnh thoảng tìm được một số một tập thể quanh khu vực thành phố Vladivostok. Các dấu tích trong một như quần áo, bàn cờ, sách báo,… đã dẫn đến kết luận các cư dân Trung Quốc đã bị mật vụ Liên Xô hành quyết và chôn trong các ngôi mộ tập thể ở Viễn Đông trong những năm 1937 – 1938. Tuy vậy, số hài cốt tìm thấy trong các ngôi mộ này vẫn cách khá xa so với con số gần 200.000 người Trung Quốc mất tích ở Viễn Đông. Một ý kiến khác là người Trung Quốc đã được đưa vào các trại tập trung Gulag sâu trong lãnh thổ Nga. Số phận của họ ra sao, đến nay vẫn là câu hỏi lớn mà người Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy việc hợp tác với Nga để tìm được câu trả lời cuối cùng.
3/ Quan điểm của Nga về các vụ đàn áp người Trung Quốc và vấn đề Vladivostok ngày nay.
Ngày nay, đa số coi Nga và Trung Quốc là 2 đối tác gần gũi, gắn bó với nhau về nhiều mặt lợi ích. Và về vấn đề các cuộc đàn áp người Trung Quốc ở Liên Xô những năm 1937, chính phủ Nga cơ bản là thừa nhận, không né tránh vấn đề này và hợp tác với Trung Quốc trong việc tìm kiếm hài cốt người Trung Quốc mất tích.
Trong các cuộc thanh trừng năm 1937 ở Liên Xô, không ít người Trung Quốc bị thanh trừng là những nhân vật cao cấp trong hàng ngũ Quốc Dân Đảng lẫn Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tướng Mã Trọng Anh, thủ lĩnh quân đoàn 36 dân tộc Hồi của Quốc Dân Đảng ở vùng Cam Túc, một trong những tướng lĩnh tài năng nhất của Quốc Dân Đảng lúc đó, sang Liên Xô năm 1936 và vĩnh viễn không trở về. Có ít nhất 5 giả thiết vè cái chết của ông trên đất Liên Xô, và ngày nay vẫn là một trong những câu hỏi bí ẩn nhất lịch sử Trung Quốc. Hay vào ngày 30/4/2017, Nga bất ngờ đặt một biển tưởng niệm một người Trung Quốc tên Wang Xi Xiang, bị kết án và tử hình năm 1938 trên tòa nhà số 13 đường Grokholsky, thủ đô Moscow. Nhiều người không biết Wang Xi Xiang là ai, nhưng trong hồ sơ của Liên Xô, ông có vẻ là một người cách mạng Trung Quốc đến Moscow để hoạt động nhưng bị kết án gián điệp. Ngày 16/1/1989, Văn phòng công tố quân sự của Quân khu Moscow đã khôi phục danh dự cho công dân Trung Quốc Wang Xi Xiang. Hoặc vào ngày 30/12/2012, cùng lúc ở hai nơi cách nhau hàng nghìn cây số, thủ đô Moscow và thành phố Blagoveshchensk trên sông Amur, Nga khánh thành tượng đài tưởng niệm các nạn nhân châu Á trong thanh trừng chính trị thời Stalin, hướng bia về phía Trung Quốc.
Một trong những vấn đề hóc búa nhất là số phận và hài cốt của người Trung Quốc mất tích. Về vấn đề này, dù không rầm rộ nhưng Nga thỉnh thoảng vẫn có các đội tìm kiếm ở Viễn Đông, truy tìm các một tập thể được cho là của người Trung Quốc. Việc này đã thu một số kết quả khả quan: đã có vài lần họ tìm được các một tập thể với hàng trăm hài cốt xác định là của người châu Á, chủ yếu quanh khu vực thành phố Vladivostok. Điều này làm người Trung Quốc phần nào được an ủi
Dù vậy, vấn đề Vladivostok vẫn được coi là khá nhạy cảm và gay gắt đối với cư dân Trung Quốc, nhất là khi họ so sánh với Hong Kong. Cùng là những vùng đất mất trong chiến tranh Nha phiến, nhưng Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc, còn Vladivostok thì bị Nga chiếm giữ, đồng hóa, trục xuất người Trung Hoa. Hiện nay, các bản đồ xuất bản ở Trung Quốc vẫn phải in tên thành phố Vladivostok là ''Hải Sâm Uy''. Ngay tháng 7 vừa qua, một vụ lùm xùm ngoại giao đã nổ ra khi cư dân Trung Quốc tấn công trang web của Đại Sứ quán Nga nhân việc có bài đăng kỷ niệm 160 năm thành lập thành phố Vladivostok. Ngay cả một số quan chức ngoại giao Trung Quốc cũng ''hùa theo'' cư dân, bày tỏ quan điểm muốn đòi lại vùng Hải Sâm Uy lịch sử của Trung Quốc. Chưa biết vụ việc sẽ thế nào, nhưng nó cũng cho thấy một điều rằng trong tâm trí người dân Trung Quốc, vẫn có ý định nung nấu muốn đòi lại vùng đất bị mất vào tay Nga.