CUNG LIÊN HỢP

CUNG LIÊN HỢP

#VN #Vũkhí

Các loại cung dài (long bow), cung làm từ một mảnh gỗ, có thể làm tương đối nhanh, nhưng nhược điểm của nó là chỉ có thể dùng cho xạ thủ đi bộ vì cung rất lớn và cồng kềnh (nếu muốn duy trì tầm bắn xa và sức xuyên phá cao). Do đó, trong lịch sử ở nhiều khu vực khác nhau đã xuất hiện một loại cung mới là cung liên hợp. Các nhà học giả đến tận hiện nay vẫn còn tranh luận về việc cung liên hợp xuất hiện đầu tiên từ đâu và bao giờ, nhưng tất cả cũng chỉ dừng ở mức phỏng đoán.

Cung liên hợp dùng trong chiến trận không chỉ làm bằng gỗ, mà còn ghép thêm sừng và gân, dán bằng a dao (keo nấu bằng xương). Theo John Keegan, cung liên hợp (composite bow) được chế tạo như sau:

“ …. Nó bao gồm một thanh gỗ mỏng – có khi là nhiều thanh được ghép lại với nhau – phần lưng được dán sát vào một sợi gân động vật dẻo suốt chiều dài, phần bụng dát bằng những thanh sừng, thường là sừng bò rừng (bison). Keo được nấu bằng gân trộn với da, thêm một phần xương và da cá và phải mất hơn một năm mới khô hẳn và được trét trong những nhiệt độ và độ ẩm thật chính xác … rất nghệ thuật cả về việc chế tạo lẫn thực hiện”

Tùy theo mỗi nơi khác nhau, cách chế tạo có thể khác nhau, và vật liệu sử dụng cũng khác.

Ưu thế của cung liên hợp là tăng cường tụ lực và sức đàn hồi bằng cách phối hợp các loại vật liệu riêng biệt mà không quá dài, thích hợp để sử dụng một cách linh hoạt cả khi đi bộ lẫn khi cưỡi ngựa, hoặc trên chiến xa. Trong lịch sử Trung Hoa, tiền thân của nó là một kỹ thuật riêng của dân sa mạc sau đó được người TRung Hoa bổ túc thành một kỹ thuật phức tạp và trở thành một loại vũ khí lợi hại trong nhiều thế kỷ, chép vào trong kinh điển. Những cây cung liên hợp vẫn được sử dụng trong quân Bát Kỳ của nhà Thanh đến tận thế kỷ 19, quân Thanh từng dùng những cây cung này đánh bại quân người Hồi sử dụng hỏa khí, và chỉ được thay thế khi cung tên không còn có thể chống được với súng đạn của người Âu.

Một ưu điểm nữa là mũi tên của cung liên hợp ngắn và nhẹ hơn các loại tên dùng cho cung dài (chừng 30 gram) – tùy theo loại cung và vật liệu chế tạo nhưng tầm bắn hiệu quả được ghi nhận có thể lên tới 300 m, xuyên áo giáp trong 100 m.

Chế tạo một cây cung liên hợp rất cầu kỳ, theo một số loại sách có thể cần phải đến bốn năm cho một cây cung, kỹ thuật chế tạo chi ly trong từng phân đoạn.

Kể cả gỗ để dùng làm cánh cung, sách phân ra bảy loại theo thứ tự: Gỗ chá, gỗ ý, gỗ yểm (dâu núi), gỗ cam, mộc quai, gỗ kinh và sau cùng là tre. Gỗ phải chọn loại gỗ già, gõ kêu, màu sậm không gốc, không mấu, thớ phải thẳng. Gỗ phải cắt vào mùa đông vì nó sẽ chắc hơn và đỡ bị mối mọt.

Sừng thú phải cưa vào mùa thu, chọn những con mạnh khỏe , sừng chắc và thẳng.

Keo (a dao) gắn cung phải để lâu năm cho thấm vào từng thớ gỗ, mỗi loại da thú cho một loại keo khác màu và chỉ dùng da của một số loài vật nhất định.

Cánh cung phải cưa dọc theo thớ gỗ, uốn và tẩm luyện bằng cách hơ trên lửa theo kỹ thuật nhất định, một cây cung tốt đòi hỏi sự khéo léo và kỹ lưỡng mà người chuyên môn trong lĩnh vực chế tạo này gọi là là: tam quân, cửu hòa. – Nguồn: Vó ngựa và cánh cung – Nguyễn Duy Chính

Sau khi hoàn thành, người ta treo cung lên cao thường là trong bếp, hoặc lều của người du mục để cho keo thấm vào thớ gỗ trong từ nửa đến hai tháng, hong khô xong mới đánh bóng trét thêm keo hoặc sơn.

Muốn đo sức mạnh của cung, người ta thường treo quả cân vào dây cung cho đến khi tới đúng như khi giương cung. Do đó, đơn vị đo lường sức mạnh của cung thường là thạch, cân. Cung càng mạnh càng đòi hỏi sức kéo của người sử dụng.

“Vĩnh Khánh đế, năm thứ 3(1731),Đổi lại phép thi Bác cử: Trường nhất, bắt chước phép thi ở Trung Quốc,thi giương cung và múa đao, đều chia làm 3 bậc. Cung dùng thứ sức cứng bằng 55 cân (33,25 kg), hoặc 45 cân(27,2 kg), phải giương đẫy sức …Bắn bộ thì dựng cái đích cách 80 bước(160 m),băn 5 phát tên,được 8,9 tiếng “điêu” là hạng ưu,6,7 tiếng là hạng thứ,4,5 tiếng là hạng thứ nữa…” – Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, phần Binh chế chí,quyển 3 – Thi võ ở nước ta.

Theo Thiên công khai vật của Tống Ứng Tinh thời Minh, dây cung được làm bằng tơ tằm, chập hai chục sợi làm lõi, sau đó mới quấn dây chung quanh, chia thành ba khúc cách quãng nhau, khi không dùng đến có thể gấp lại để cất giữ. Riêng người du mục thì dùng gân bò làm dây cung, gân cần những sợi dài, tước thành từng sợi rồi gắn vào cung bằng keo, lấy những sợi gân dọc theo xương sống của bò, mỗi con bò có thể cho ba mươi lượng gân, phơi khô tước thành từng sợi nhỏ. Người Hán thì thường chỉ dùng gân bò để tăng lực cho cánh cung. Trên dây cung người ta còn gắn vào một “điểm huyền” bằng da bò hoặc gỗ mềm ở chỗ đặt tên. Một số nơi dùng ruột cừu, ruột dê, ruột hưu … làm dây cung, hoặc dùng dây gai bện lại, dùng một loại lá cây đặc biệt thoa lên cho các sợi gai tết lại với nhau. Cung thủ thường có thể mang theo một vài bộ dây để phòng hờ.

Trong thời kỳ còn sử dụng vũ khí lạnh, thậm chí cả giai đoạn ban đầu của hỏa khí, cung liên hợp vẫn giữ một vai trò rất quan trọng trong vũ khí quân đội, đặc biệt lợi hại trong tay quân du mục, nhiều đội quân đã dùng nó mà hùng bá thiên hạ, điển hình như quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *