CUNG ĐƯỜNG TÂY BẮC

– Thời gian: 7 ngày 6 đêm
– Phương tiện: ô tô tự lái
Tây Bắc bao gồm 6 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Thật may tôi đã rong ruổi khắp các con đường Tây Bắc, được thỏa mình vùng vẫy giữa núi rừng và hít thở cái không khí mát lạnh như những ngày cuối thu.

❤️ NGÀY THỨ 1: HÀ NỘI – YÊN BÁI (NGỦ ĐÊM TÚ LỆ)
– Trên đường đi Yên Bái chúng tôi ghé thăm làng cổ Đường Lâm ở Sơn Tây, Hà Nội. Nơi đây vẫn còn lưu giữ những bóng dáng xưa như đình, làng, miếu nhà và đặc biệt bắt gặp cái mõ treo trong đình làng. Bỗng nhớ thương thằng mõ thời xa xưa, kẻ chuyên đi truyền tin việc làng, được xem là “nhà báo” đầu tiên ở Việt Nam. Thằng mõ thường là kẻ cùng đinh, khốn khó, cha truyền con nối, dân làng vừa cần, vừa khinh, vừa sợ…Chúng tôi rời Đường Lâm đi Yên Bái, ăn cơm trưa dọc đường. Đến Mù Căng Chải vào khoảng 4 giờ chiều, nhận phòng khách sạn ngay trung tâm thị trấn Tú Lệ và tranh thủ đi ngắm hoàng hôn nơi đây. Đêm ở Tú Lệ không nhộn nhịp nhưng rất ấm cúng.

❤️ NGÀY THỨ 2: YÊN BÁI – LÀO CAI (NGỦ SAPA)
Sáng ở Mù Căng Chải không thể bỏ qua món xôi Tú Lệ thơm lừng đặc sản. Sau đó đi vào bản Lìm Mông, Lìm Thái rất thơ mộng chênh vênh nơi lưng chừng núi dưới chân đèo Khau Phạ. Giữa tháng 9, tháng 10 ở đây là khoảng thời gian đẹp nhất, những thửa ruộng bậc thang như được nhuộm vàng óng bởi những bông lúa chín. Tiếc thay, hôm tôi đi trễ vài ngày lúa đã gặt chỉ còn cánh đồng rạ, nhưng vẫn cảm nhận được vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, đôi mắt vui của người dân sau mùa gặt. Giấc trưa chúng tôi vượt đèo Khau Phạ thuộc tỉnh Yên Bái, dài 30 km, cao độ hơn 1.200 mét, được xếp trong nhóm “Tứ đại đỉnh đèo” của miền Bắc đất nước. Dừng xe ngắm cảnh ở một triền núi nhô ra bên vực, được chọn là điểm bay dù lượn Mù Căng Chải, nhìn sang cung đường trên sườn núi bên kia, khoảng cách theo đường chim bay chưa đầy một c ây số nhưng đường thực địa dài gần mười cây số. Đủ biết con đường dích dắc gian nan đến cỡ nào. Người vùng cao chỉ quen đi bộ thường nói “Thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày” là vậy. Dọc đường đi rất nhiều cảnh đẹp, cứ hễ đâu thích là đừng xe ngắm cảnh, thậm chí thấy lũ trẻ con ăn trái ngô ngon quá thòm thèm cái mùi vị thì cũng không chần chừ dừng xe vào chơi và ngõ ý muốn ăn ngô. Chính vì sự la cà dọc đường nên trời tối lúc nào không hay, cứ lái xe trong đêm lên tới chổ có ánh đèn sáng mới biết đây là điểm dừng chân ngắm cảnh đèo Ô Quy Hồ mới thở phào hèn gì nãy giờ đi qua đoạn đường hãi hùng quá. Nhận phòng khách sạn, đi ăn nồi lẩu nóng hổi, dạo chơi Sa Pa về đêm. Đêm xuống, ánh đèn chớp tắt mọi thứ trở nên đẹp lung linh.

❤️ NGÀY THỨ 3: SAPA- LAI CHÂU (ĐÊM TẠI LAI CHÂU)
Sáng thức dậy ở SaPa chúng tôi lái xe đánh một vòng dạo quanh thành phố để kiếm món gì đặc sản ăn sáng và cà phê. Thật ngạc nhiên, Sa Pa trong ký ức tôi là vùng đất đầy quyến rũ với không gian kỳ vĩ, dân dã, người dân thuần phác… Trở lại Sa Pa sau hơn bảy năm, tất cả đã đổi thay. Nói không ngoa, nếu không có Nhà thờ Đá, trông thấp lùn bởi những kiến trúc đồ sộ lạ lẫm vây quanh, tôi đã không nhận ra Sa Pa mộng mơ một thời. Thị trấn giờ là công trường xô bồ, nhếch nhác, bẩn thỉu, trạm thu tiền nhan nhản trên đường vào bản làng du lịch, nhiều trẻ con trong trang phục dân tộc mới dăm ba tuổi cũng lăng xăng kiếm tiền. Dự định hai đêm nghỉ tại Sa Pa nhưng chỉ qua một đêm là tận cùng ngao ngán. Tôi không ngần ngại tháo chạy khỏi Sa Pa trong tiếc nuối.
Rời Sa Pa điểm đến tiếp theo của chúng tôi đến Lai Châu, vào khoảng bốn giờ chiều thật may mắn khi đi qua xã Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, bất ngờ bắt gặp không những một mà tới chín guồng nước khổng lồ kết thành hàng dài. Guồng nước bây giờ là dấu tích hiếm hoi cho trí tuệ, tài hoa, gắn bó với thiên nhiên của người dân vùng cao suốt một thuở nông nhàn. Guồng nước đã ngày càng hiếm vắng ở vùng cao khi điện và máy bơm đã len lỏi tới các bản làng. Đêm Lai Châu, dạo quanh thành phố, nơi đây tốc độ phát triển rất nhanh và khá đẹp.

❤️ NGÀY THỨ 4: LAI CHÂU – ĐIỆN BIÊN ( NGỦ ĐIỆN BIÊN)
Sáng sớm mua vài hộp xôi trước cổng trường học đem lên Tam Đường Tea uống cà phê ăn sáng ngắm toàn thành phố Lai Châu rất thú vị, trên đường đến đây tôi bắt gặp một vạt núi vàng rực bởi rêu phong, một màu vàng xốn xang giữa ngút ngàn xanh ngắt.Thiên nhiên, luôn bí ẩn, diệu kỳ. Tiếp đến chúng tôi đi vào bản làng, chợ dân bản địa nơi đây.
Giấc trưa từ Lai Châu chúng tôi đi Điện Biên, lần đầu tôi mới biết cơm xe tải ngon và rẻ đến vậy. Đến Điện Biên trời vừa tôi, nhận phòng khách sạn và ăn tối, dạo chơi.

❤️ NGÀY THỨ 5 : ĐIỆN BIÊN ( NGỦ ĐIỆN BIÊN)
Sáng chúng tôi đi Hầm Đờ Cát nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh. Cấu trúc và cách bố trí, sắp xếp của căn hầm vẫn còn được giữ nguyên. Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng. Hầm Đờ Cát dài 20m và rộng 8m, bao gồm bốn gian dùng cho cả nơi ở và làm việc. Đứng ở đây và nghĩ, suy tính mết, chắc có lúc cũng phải đầu hàng số phận. Trong cái thời tiết se lạnh, rong ruổi mấy ngày trời cơ thể đã mệt, ngâm mình trong suối nước nóng Hua Pe rất đã. Chiều chiều thì đi vào Bản Mển nơi đây là điểm du lịch cộng đồng còn giữ nguyên văn hóa truyền thống đặc sắc, giàu sắc thái bản địa vùng cao Tây Bắc. Nhìn từ xa, bản Mển đẹp như một bức tranh với lưng tựa núi, mặt hướng ra cánh đồng rộng mênh mông. Nổi bật trên nền xanh của cây cối và bầu trời là những nếp nhà sàn truyền thống của người Thái đen, không khí trong lành, mát mẻ và môi trường xanh, sạch và đẹp, người Thái đen vui vẻ, cởi mở, mến khách. Tất nhiên ở Điện Biên còn rất nhiều điểm tôi đến như Tượng đài chiến thắng Điện Biên, đồi A1, bảo tàng, cánh đồng Mường Thanh…

❤️ NGÀY THỨ 6: ĐIỆN BIÊN – SƠN LA (NGỦ MỘC CHÂU)
Đường sá ở các tỉnh vùng cao phía Bắc luôn là nỗi ám ảnh do quá nhỏ, đèo dốc quanh co, cheo leo trên sườn núi. Thêm vào đó, một nét riêng độc đáo, đó là có thể bất chợt gặp sương mù. Lần này, tôi đã đi trong sương gần hai chục cây số trên một cung đường từ Điện Biên về Sơn La. Sương mù dày đặc, cảm tưởng có thể thò tay ra khỏi xe là nắm bắt được. Tầm quan sát chỉ chừng ba mét. Đi tiếp thì nguy hiểm, dừng nghỉ thì không biết bao giờ sương tan. Cảnh vật trở nên huyền bí và huyền ảo. Cảm xúc cũng đa chiều, như bồng bềnh trên mây, vừa sợ hãi vừa thích thú. Nếu là cặp đôi trên xe, có thể hôn nhau cho đỡ sợ mà không lo thiên hạ dòm ngó và trong giây phút đắm đuối ấy, có thể… lăn xuống vực. Tới một khúc quanh, bỗng sương mù biến mất, như trò ảo thuật. Trời đất trong veo, dửng dưng. Vừa mừng vừa nuối tiếc. Không lẽ quay đầu xe trở lại, bởi trong đời mấy khi gặp được chốn thần tiên… Đến nơi cũng đã xế chiều, tất nhiên buổi tôi không thể bỏ qua món bê chao cá suối ở Mộc Châu, rất ngon, hương vị về đến Sài Gòn rồi nhưng lúc nào nhắc đến, cảm giác vẫn thèm…

❤️ NGÀY THỨ 7: SƠN LA – HÒA BÌNH- HÀ NỘI
Sáng sớm chúng tôi đi đồi chè Mộc Châu, người dân đang thu hoạch chè, như một bản nhạc giăng giữa trời, Cung thanh trầm mộng mơ và xen giữa cõi trần. Đẹp vô cùng. Rời đồi chè chúng tôi đến Mai Châu (Hòa Bình) đi một số bản làng nhưng không ấn tượng lắm. Trên con đường về Hà Nội chúng tôi ghé thủy điện Hòa Bình, tận mắt chứng kiến sự tuyệt vời trong kiến trúc và không khỏi trầm trồ thán phục khả năng của con người khi ngăn sông, đắp đập để làm ra một nhà máy thuỷ điện có quy mô hoành tráng và lớn như thế này. Rời Thủy Điện Hòa Bình có chút tiếc nuối vì trời đã tối, chúng tôi về đến Hà Nội vào khoảng bảy giờ tối kết thúc cung đường Tây Bắc 6 tỉnh trong tròn bảy ngày sáu đêm. Một chuyến đi với tôi không chỉ là đích đến, điểm đến, hành cả hành trình chi tiết nhỏ dọc đường đều rất đáng nhớ. Ghi chép lại bài này tôi không liệt kê tất cả hành trình vì rất nhiều và dài mà tôi chỉ ghi lại cảm nhận nơi tôi đến, Cung đường Tây Bắc này có cả ba con đèo trong “Tứ đại đỉnh đèo” của miền Bắc đất nước đều mang nét riêng, cảm nhận riêng. Đúng là, mỗi chuyến đi là một cơ duyên đều mang đến những trải nghiệm thú vị,đều mở ra những cơ hội và thách thức để… liều mình lao tới.
#CheckinVietNam
#CheckinTâyBắc





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *