Từ hồi cấp 1 mình đã nghe bạn than về ba bạn.
Bạn kể – ông già ở nhà, tối ngày mở miệng ra chỉ biết “tiền, tiền”. Hồi nhỏ bạn đòi mua cây súng nước, ba bạn hỏi: “Có ăn được không?”; lớn chút nữa bạn đòi mua trái banh, ba bạn cười: “Có ăn được không?”. Lên cấp ba bạn đòi đi học đàn ghi-ta, ba bạn nhìn thẫn thờ: “Môn đó có thi tốt nghiệp không?”.
Nhấp chút rượu giọng bạn buồn bã: “Bao nhiêu năm rồi mà tính ông già vẫn y chang vậy!”. Bạn đòi bán miếng đất sau nhà ra phố ở. Ông già cười: “Ra đó lấy gì ăn?”. Bạn nói – nhiều khi không biết nói chuyện gì với ông già vì câu chốt hạ thường gọn bâng “có ăn được không”, hay “rồi có mài ra ăn được không”.
Mình nhìn bạn cười, có khi như vậy … cũng tốt.
Mình nhớ – hồi nhà bạn còn ở trong khu tập thể của giáo viên, ba bạn trong ký ức của mình là một người hiền lành, chịu khó.
Có ông thầy Tư sát vách vẫn hay cười ba bạn “trùm sò”. Bởi có mấy lần lãnh lương, ba bạn gom hết tiền trong nhà đi… sắm vàng. Đếm tới đếm lui còn thiếu đúng 100.000 đồng nữa là sắm được 2 chỉ vàng, ba bạn qua nhà thầy Tư kế bên mượn đỡ cho đủ.
Thầy Tư cười bĩu môi mà vẫn cho mượn. Để rồi có lần – con của thầy Tư bị xe đụng phải chuyển lên tuyến trên, ba bạn mang vàng tích góp dúi vào tay đồng nghiệp “cầm theo phòng thân”.
Hôm đó – mình đang đứng nép vào sau lưng ba của bạn nên vô tình chứng kiến .
Hồi nhỏ bạn thích trồng cây kiểng, cứ hễ thấy cây gì lạ mắt bạn lại hì hục đào xới trước khu tập thể. Ba bạn lắc đầu, trồng bụi mồng tơi, gốc hành, cây ớt… phải có cái để ăn không. Cái màu rực rỡ của bông hoa mười giờ, cái dáng lạ của cây tra bồ đề đâu có làm ba bạn bận tâm. Bạn định cãi mà biết trước câu trả lời nên … thôi.
Vào học tiết của ba bạn.
Bạn hay ngồi nhăn nhó với mình chỉ vì cái quần “chó táp ba ngày chưa tới”, với cái áo ngả phèn của ba bạn.
Bạn hay cằn nhằn mỗi khi ba bạn sắm đồ mới cho bạn, mặc tới nửa năm thì quần áo của bạn mới vừa y. Ba bạn nói, con nít thấy vậy mau lớn lắm, mua trừ hao đến đó là vừa. Cho nên bạn cứ mặc rộng thùng thình đi học, tụi trong lớp cứ chọc quê bạn mặc đồ “khính ” của ba – Lúc đó mình nhìn thấy mắt bạn buồn hiu.
Hàng xóm nói : một mình nhà bạn ăn hết cái đìa rau muống ở ủy ban xã luôn rồi, đến nỗi người ta muốn hái ăn cũng ngại. Ba bạn cứ chiều chiều lại xách rổ ra đồng hái rau, giăng lưới, câu cá. Đối đế lắm mới thấy nhà bạn mua cá, thịt ở ngoài chợ.
Mình hay bỏ bạn những chiều như thế. Mình có thói quen theo ba bạn đi kiếm cá, hái rau về cho má. Ba bạn vẫn hay sớt cá vào rổ cho mình – mỗi khi thấy cái rổ của mình nhẹ tênh, nghe được cả tiếng gió lùa.
Lên cấp ba – bạn giận dỗi lúc ba bạn chiên cơm cho mang theo những hôm học hai buổi. Ba bạn chỉ thật sự từ bỏ khi thấy cái cà-mên nằm bơ vơ ở góc nhà và cái nhìn khó chịu của đứa con trai. Ngày ấy mình ngu ngơ: “Mày không ăn thì mang theo cho tao”.
Quanh nhà bạn đâu cũng là cây thuốc. Bệnh ho thì có cây cỏ cứt heo, chảy máu đứt tay thì có cỏ mực, bệnh cảm sốt thì hái lá sả, lá ổi, lá bạch đàn nấu nồi nước xông…
Ở gần nhà bạn nên mình cũng thuộc lòng tên từng nhành cây ngọn cỏ, biết nó có công dụng thế nào. Bạn thì chẳng bao giờ tin vào mấy cây cỏ cho bò ăn, lại có thể chữa được bệnh cho con người.
Bạn nói : nhìn ông già ở nhà phát rầu. Hôm bạn mua đôi giày tây về cho ba để có cái đi đám tiệc với người ta. Ba bạn cầm đôi giày trên tay giọng buồn buồn: “Đôi giày gì mà bằng 3 giạ lúa”.
Bữa đó mình đứng về phía ba của bạn: “Mắc vậy tao cũng không dám mang”.
Ngày mà mấy đám cỏ sau nhà không còn đủ sức níu giữ ba bạn lại nữa . Bạn ngồi cầm mớ vàng trong tay – gục khóc. Ba bạn chuẩn bị cho cuộc đi xa bằng cách gửi lại con “chút đỉnh phòng thân”.
Ba bạn thều thào – chỗ này ba cho con Hai, chỗ này ba cho thằng Út, còn chỗ này là phần làm mồ mả cho tao với má mày. Mình thấy bạn không lấy cái túi vàng, bạn ngồi nắm tay ba bạn mà lắc đầu nguầy nguậy.
Mình đứng lặng bên ba bạn rất lâu, cả đời người đàn ông ấy chắt chiu cũng chỉ để dành cho các con. Chẳng bao giờ mình thấy người đàn ông ấy nghĩ cho bản thân mình – dù chỉ một lần.
Ba bạn đã rời đi. Ông cũng để lại cho mình một cái túi (không phải là vàng) mà mình xài cả đời không hết…
NGUYỄN CHÍ NGOAN