cu-ba-92-tuoi-bi-dot-quy-qua-“gio-vang”-van-duoc-cuu-song-ngoan-muc

Cụ bà 92 tuổi bị đột quỵ qua “giờ vàng” vẫn được cứu sống ngoạn mục

Tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị thành công 1 trường hợp đột quỵ cho cụ bà 92 tuổi. 

Bệnh nhân đột quỵ qua “giờ vàng” vẫn cứu chữa thành công

Người bệnh là cụ V.T.N (92 tuổi, trú tại Thanh Ba, Phú Thọ) có tiền sử khỏe mạnh, chưa từng phát hiện tiền sử bệnh lý đặc biệt (tăng huyết áp, đái tháo đường,…). 

Trước vào viện 5 giờ, người bệnh được phát hiện trong tình trạng rối lẫn lộn, nói khó, méo miệng, liệt 1/2 người phải và được chuyển tới Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba. 

Cụ bà 92 tuổi bị đột quỵ qua

Hình ảnh chụp CT cắt lớp vi tính cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não cấp do tắc động mạch não. Ảnh BVCC

Ngay lập tức, các bác sĩ tại đây đã tiến hành trao đổi trực tuyến nhanh với ekip của Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ về tình trạng đột quỵ ở người cao tuổi và chuyển người bệnh về Trung tâm điều trị trong giờ thứ 6.

Tại Khoa Cấp cứu và Điều trị tích cực, Trung tâm Đột qụy, các bác sĩ đã thăm khám và chỉ định cận lâm sàng. Kết quả chụp cắt lớp vi tính CT mạch máu não cho thấy hình ảnh tắc động mạch não giữa bên trái.

Người bệnh được chẩn đoán: “Nhồi máu não cấp do tắc động mạch não giữa bên trái giờ thứ 6”.

Qua hội chẩn các bác sĩ xác định người bệnh đã qua giờ vàng (0h – 4,5h), không còn chỉ định tiêu sợi huyết. Tuy nhiên người bệnh đến viện ở giờ thứ 5-6 nên vẫn có thể can thiệp mạch để lấy huyết khối.

Mặc dù can thiệp đột quỵ ở người cao tuổi sẽ gặp nhiều khó khăn khi mạch máu bị “biến dạng”, xơ vữa, nhưng sau khi hội chẩn và thống nhất với gia đình, các bác sĩ vẫn quyết định chỉ định can thiệp mạch não cho người bệnh.

Quá trình can thiệp diễn ra rất thuận lợi, huyết khối được lấy ra hoàn toàn. Sau can thiệp, người bệnh đã được tái thông hoàn toàn động mạch não giữa trái, sức khỏe người bệnh hồi phục tốt, tỉnh táo, gọi hỏi biết, cử động được tay chân theo yêu cầu.

Cảnh giác với đột quỵ ở người cao tuổi

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Minh, khoa Cấp cứu và Điều trị tích cực, Trung tâm Đột qụy, đột quỵ ở người cao tuổi xảy ra khá phổ biến. 

Thời gian vàng điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết chỉ nằm trong 4,5 giờ đầu tính từ khi khởi phát bệnh, tối ưu là 3 giờ đầu.

Cụ bà 92 tuổi bị đột quỵ qua

Các trường hợp đột quỵ ở người cao tuổi thường xuyên được các bác sĩ theo dõi, thăm khám về khả năng phục hồi vận động sau đột quỵ (Cụ bà 92 tuổi bị đột quỵ đã phục hồi sau phẫu thuật. Ảnh BVCC)

Những người bệnh nhập viện sau 4,5 giờ thì gần như không được dùng thuốc tiêu sợi huyết vì tính hiệu quả của thuốc sẽ giảm.

Đối với người bệnh bị tắc động mạch lớn vào sau 4,5 giờ, sẽ được lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Bác sĩ sẽ đưa dụng cụ cơ học vào mạch máu não để lấy cục huyết khối ra. Cửa sổ thời gian của kỹ thuật này dài hơn và có thể kéo dài 6 giờ, một số trường hợp có thể lên tới 24h.

“Mức độ phục hồi sau tiêu sợi huyết và lấy huyết khối phụ thuộc vào thời gian được can thiệp của người bệnh. Càng sớm thì hiệu quả càng cao. Nếu can thiệp muộn có thể sẽ gây biến chứng phù não hay chảy máu. Lúc này cần phải phẫu thuật sọ giảm áp, tuy nhiên vẫn để lại một số di chứng cho người bệnh”, bác sĩ Minh chia sẻ.

Theo bác sĩ Minh, có rất nhiều trường hợp đột quỵ ở người cao tuổi nhưng gia đình có ý định từ bỏ điều trị với lý do sợ sức khỏe yếu, hiệu quả chữa bệnh không cao.

Tuy nhiên, với những người bệnh đủ điều kiện sức khỏe, các bác sĩ vẫn có thể can thiệp và điều trị. Minh chứng là đã có rất nhiều người bệnh cao tuổi sau can thiệp sức khỏe hoàn toàn ổn định, khỏe mạnh. 

Theo chuyên gia y tế, các dấu hiệu của bệnh đột quỵ gồm:

– Rối loạn ý thức.

– Méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được.

– Đột ngột mất thị lực.

– Liệt 1 nửa cơ thể, liệt 1 tay, 1 chân, vận động khó khăn.

– Chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội.

Khi thấy người bệnh có các dấu hiệu trên, người nhà nên nhanh chóng sơ cứu bệnh nhân bằng cách cho bệnh nhân nằm nghiêng, gối cao đầu và tạo thông thoáng đường thở.

Tiếp đó cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có trung tâm hoặc đơn vị đột quỵ để được xử trí kịp thời.

Tuyệt đối không cố gắng cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất kỳ loại thuốc gì vì rất dễ gây sặc và nghẹt đường thở cho bệnh nhân.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *