CỌP BA TƯ – Một trong các loài cọp to lớn nhất thế giới bị tuyệt chủng vào những năm 1960

Cọp Ba Tư, hay còn gọi cọp Caspian, cọp Turania, cọp Mazandara hay cọp Hyrcania (tên khoa học là Panthera tigris virgata) là phân loài cọp lớn đã tuyệt chủng từ những năm cuối thập niên 1960, với cá thể cuối cùng được nhìn thấy vào năm 1968 do bị săn bắn quá mức và mất đi môi trường sống lẫn con mồi trong tự nhiên. Trước kia, chúng phân bố khắp vùng Trung Á giáp châu Âu ở các nước như Iran, Armenia, Azerbaijan, Iraq, Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan qua tận phía Tây và Tây Bắc Trung Quốc, cụ thể là tập trung nhiều ở bìa rừng và ven sông ở phía Tây và Nam tại biển Caspian.

Ban đầu người ta cho rằng loài cọp này là một phân chi riêng, như qua nghiên cứu di truyền năm 2009 đã chứng minh rằng loài này có quan hệ gần gũi với cọp Siberia ở Nga, tuy nhiên lông chúng có màu hơi cam rất khác lạ và tập tục sinh sống tách biệt. Cọp Ba Tư có thân hình chắc nịch và dài, cặp chân khỏe mạnh, bàn chân to có những chiếc móng vuốt rất lớn, đôi tai ngắn và nhỏ. Điều đặc biệt là ở phần má của chúng phủ lông dài như râu. Màu sắc của chúng tương tự như cọp Bengal ở Ấn Độ với bộ lông màu vàng từ nhạt tới đậm cùng các sọc vằn từ nhạt đến nâu sẫm và có màu trắng sọc vàng ở vùng ngực và bụng. Một con cọp Ba Tư đực nặng khoảng 140–240 kg, còn con cái thì nhỏ hơn khoảng 85–135 kg với chiều dài trung bình khoảng 3 m và là là một trong những loài cọp lớn nhất từng xuất hiện trên Trái Đất. Chúng là loài sống đơn độc, chỉ tìm kiếm bạn tình trong mùa giao phối. Chúng còn có điểm đặc biệt là vào mùa đông, để giữ cách nhiệt thì chúng sẽ mọc một lớp lông dày hơn có màu nâu đỏ đặc trưng nên chúng là loài cọp có lông rậm nhất trong số tất cả các loài cọp. Trong tự nhiên, chúng có tuổi thọ từ 10-15 năm.

Loài cọp lớn này từng bị săn lùng ráo riết vào đầu thế kỷ 20 trong một phần của chương trình cải tạo đất canh tác do Liên Xô khởi xướng, chúng bị giết do cho rằng làm hại tới gia súc. Mãi cho đến khi chúng được thông báo đang trong tình trạng nguy cấp gần như là tuyệt chủng vào năm 1940 thì mới có lệnh cấm săn nhưng tất cả đã quá muộn để cứu lấy sinh vật đẹp đẽ này. Vào đầu những năm 1970, các nhà sinh vật học thuộc Bộ Môi trường đã tìm kiếm loài cọp Caspian này để hi vọng chứng tỏ chúng chưa tuyệt chủng ở những khu vực không có người ở trong khu rừng Caspian. Nhưng sau nhiều năm tìm kiếm, họ đã không tìm thấy bằng chứng nào về sự có mặt của chúng. Cuối cùng, chúng đã được ghi nhận là tuyệt chủng chính thức trước đó vào năm 1968. Hiện nay, các nhà khoa học muốn mang chúng trở lại bằng cách đưa loài cọp Siberia (là loài có họ hàng gần giống với loài cọp Ba Tư ) vào sống ở môi trường sống cũ của cọp Ba Tư kết hợp với việc sử dụng loại gen của loài cọp Siberia. Theo đó, địa điểm rộng khoảng 7,000 km vuông, nằm giữa đồng bằng sông Lli và hồ Balkhash, Kazakhstan, sẽ trở thành nơi sinh sống của loài cọp này. “Việc đầu tiên chúng ta phải làm đó là ngăn chặn sự xói mòn ở khu vực ven sông. Tiếp theo, chúng ta có thể mất 5-15 năm để khôi phục quần thể động vật có móng guốc hoang dã, là con mồi chính của loài cọp Ba Tư, trong khu vực. Ngoài ra, vấn để an toàn và lợi ích kinh tế, xã hội của người dân địa phương cũng cần được giải quyết để xây dựng một tương lai bền vững cho cả con người và loài cọp”, Mikhail Paltssyn, nghiên cứu sinh tiến sĩ, cho biết.

Nhóm nghiên cứu dự kiến trong 50 năm tới, địa điểm này có thể trở thành môi trường sống cho gần 100 con cọp Ba Tư mới và hy vọng chúng có thể thích nghi được với điều kiện này tuy nhiên tới nay vẫn chưa có hi vọng nào cho dự án tái sinh loài cọp to lớn này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *