Tưởng tượng có một công việc nào đó mà người làm phải:
1/ Lặn xuống vùng nước bị ô nhiễm bởi dầu và bơi qua những ngóc ngách chật hẹp, đầy mảnh vụn và những nguy hiểm chết người như đạn dược chưa nổ, khí gas.
2/ Tiếp xúc trực tiếp với những xác chết bị thối rữa, phân hủy nặng nề trôi nổi trong những ngóc ngách chật hẹp đó.
3/ Có một nỗ lực phi thường để nâng những con tàu hàng chục nghìn tấn bị đắm dưới đáy biển lên mặt nước để sửa chữa và khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Đoán xem công việc ấy là gì nào?
.
.
.
Giải cứu các tàu chiến bị chìm ở Trân Châu Cảng.
_______
BỐI CẢNH.
Ngày 7 tháng 12 năm 1941, quân Nhật đã thực hiện Cuộc tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng khiến chính phủ và quân đội Hoa Kỳ hoàn toàn bất ngờ. Đó là một trong những thất bại tồi tệ và nhục nhã nhất trong lịch sử quân đội Hoa Kỳ. Ngoài thiệt hại lên danh dự quốc gia, quân đội Mỹ đã phải chịu thiệt hại nặng nề, Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ phải chịu một đòn giáng mạnh:
1/ 4 thiết giáp hạm bị chìm: USS West Virginia (BB-48), USS California (BB-44), USS Arizona (BB-39), USS Oklahoma (BB-37).
2/ 4 thiết giáp hạm khác bị hư hại: USS Nevada (BB-36), USS Pennsylvania (BB-38), USS Tennessee (BB-43), USS Maryland (BB-46).
3/ 3 tuần dương hạm và 3 khu trục hạm bị hư hại (không bị chìm có thể vì mục tiêu chính của Nhật là thiết giáp hạm).
4/ 188 máy bay bị tiêu diệt và 159 máy bay bị hư hại.
5/ 2335 người chết + 1143 người bị thương, hầu hết là quân nhân Hoa Kỳ.
Bị kích động vì coi đây là một cuộc tấn công lén lút và vô đạo đức, Tổng thống Mỹ Roosevelt và chính phủ Mỹ tuyên chiến với Nhật và quyết tiêu diệt Đế quốc Nhật Bản tới cùng. Địa hình ở Thái Bình Dương khiến Hải quân Hoa Kỳ và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trở thành vũ khí chính để chống Nhật. Ngoài các tàu chiến và tàu sân bay sẵn có, Hải quân Hoa Kỳ đã được mở rộng nhanh chóng nhờ Đạo luật Hải quân hai đại dương. Khi nền kinh tế chiến tranh của Mỹ đạt đến đỉnh cao, các loại tàu chiến cũng ngày càng được cải tiến hơn – đặc biệt là các tàu sân bay tấn công nhanh thuộc lớp Essex – tạo thành một lực lượng hải quân mới và vô cùng mạnh mẽ, cuối cùng giúp nghiền nát Nhật Bản.
Việc mở rộng nhanh chóng Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ về tàu chiến lẫn thủy thủ dẫn đến việc cần mở rộng căn cứ hải quân tiền phương của Mỹ tại Trân Châu Cảng. Căn cứ này được xây thêm nhiều căn hộ, nhà kho, bến tàu, sân bay, kho cung cấp, pháo phòng không mới và đặc biệt là các vị trí neo đậu mới cho các tàu chiến. Từ năm 1941-1945, hơn 13 triệu mét khối bùn, cát được gỡ bỏ tại Trân Châu Cảng để có chỗ đậu cho các tàu chiến mới.
Cùng lúc đó, một câu hỏi được đặt ra là phải giải quyết 4 xác tàu thiết giáp bị chìm trong vụ Trân Châu Cảng như thế nào. 5 trong số 8 chiếc thiết giáp hạm bị Nhật đánh đã được sửa chữa. Nhưng còn 3 chiếc là Arizona, Oklahoma và Utah vẫn còn chìm dưới đáy đại dương.
Trọng lượng của những chiếc tàu chiến khổng lồ đó (khoảng cả chục nghìn tấn), và việc chúng nằm ngay bên dưới cảng biển khiến công việc của các kỹ sư quân sự vô cùng khó khăn. Để đưa những con tàu này lên bờ để sửa chữa, đội cứu vớt phải lặn sâu xuống chỗ còn tàu để vá tất cả các lỗ hỏng và sau đó bơm nước ra ngoài.
CÔNG VIỆC TỒI TỆ BẮT ĐẦU.
Cần phải nhớ rằng khi Arizona và Oklahoma bị đánh chìm, con tàu vẫn chứa hàng trăm thủy thủ + hàng trăm tấn đạn dược, tất cả vẫn còn bị mắc kẹt bên trong xác tàu trong hơn 2 năm.
Điều này có nghĩa là khi đội cứu vớt tìm được đường vào bên trong tàu, họ sẽ phải bơi qua các xác chết bị phân huỷ, thối rữa và đối mặt với nguy cơ chất nổ chết người.
Được trang bị dụng cụ thở, ủng cao su và bộ đồ lặn, những thợ lặn sử dụng đèn lồng nặng để di chuyển qua xác tàu. Họ liên lạc với nhau thông qua các đường dây điện thoại gắn chặt với ống khí. Họ phải bơi qua các ngóc ngách của con tàu trong điều kiện thiếu ánh sáng (đèn điện gần như vô dụng), sau khi vào trong, họ sẽ cố lục soát các ngỏ ngách trong con tàu, mở hoặc đóng cửa kín nước, vô hiệu hóa đạn dược chưa nổ, dọn dẹp các mảnh vỡ và xác chết. Thợ lặn hải quân Edward C. Raymer kể lại trong hồi ký của mình về công việc nguy hiểm và lạnh sương sống mà ông làm:
“[Trong khi đang kiểm tra quả ngư lôi chưa nổ của quân Nhật] tôi vươn tay ra ngoài một chút và cảm thấy có thứ gì đó như một cái túi lớn trôi nổi trên đầu. Khi tôi đẩy nó ra, bàn tay trần của tôi lướt qua và cảm giác thứ ấy như một khối bọt biển thối rữa. Tôi kinh hoàng nhận ra một điều rằng “chiếc túi” ấy chính là một cái xác không đầu. Nghiến răng trong sự sợ hãi, tôi đẩy xác chết ra xa hết mức có thể. Khi nó trôi đi, những ngón tay không da thịt của nó cào xé bộ đồ cao su của tôi, gần như thể thủy thủ đã hy sinh đang vươn tay về phía tôi kêu cứu vậy.“
Không gian bên trong các con tàu không chỉ chật hẹp, mà còn chứa đầy:
“Vô số bùn đen được tạo thành từ nước biển và dầu nhiên liệu.”
Các xác chết bị phân huỷ kể trên sẽ được đưa vào các túi vải và đưa lên bờ cho nhân viên y tế xử lý.
Các thợ lặn phải đo cẩn thận các lỗ hỏng trên tàu. Sau đó họ sẽ sử dụng các miếng gỗ tạm thời lấp lại. Vá lỗ xong thì phải đưa các máy bơm công xuất lớn xuống để đẩy nước ra ngoài. Do các miếng vá không thể kín nước, nước sẽ tiếp tục chảy vào thân tàu và do đó hàng trăm máy bơm đã được sử dụng đồng thời để giữ tốc độ chảy ra lớn hơn tốc độ chảy vào.
Khi trở lại vào bờ, toàn bộ từ đầu đến chân các thợ lặn đều bị phủ kín bởi:
“một chất nhờn, dính màu đen không thể loại bỏ được trừ khi tắm trong dầu diesel.”
Khi các xác tàu được nhấc lên khỏi mặt nước, sàn và vách ngăn của chúng bị bao phủ bởi một lớp màng dầu mỡ bẩn thỉu. Làm sạch lớp màng đó là một việc vô cùng khó khăn, cần có một biện pháp quyết liệt. Cuối cùng, các kỹ sư của Hải quân Mỹ quyết định dùng vòi xịt mạnh một khối lượng lớn nước mặn + chất ăn da nóng vào chỗ lớp màng để tẩy rửa. Quá trình làm sạch này rất tốn tài nguyên và thời gian, kéo dài trong nhiều tuần cho đến khi bề mặt của tàu sạch sẽ. Các chất bẩn được làm sạch khỏi con tàu được đưa ra biển làm ô nhiễm nguồn nước ở Trân Châu Cảng đến nỗi nước ở đây không thể sử dụng trong các nhà máy khử muối được nữa và nước ngọt từ các khu vực khác phải được vận chuyển đến đây.
Kinh hơn nữa là việc xử lý các thực phẩm bị phân huỷ và thối rữa trên kho tàu tàu:
“Hàng tấn thịt lợn thối rữa và sườn thịt bò bị phân huỷ cần phải được xử lý. Một nhân viên trong đội cứu vớt kể lại rằng việc loại bỏ thịt ôi thiu là một trong những “công việc có ý nghĩa nhất trên thế giới.” Cuối cùng, họ phát hiện ra rằng sẽ dễ hơn nếu dùng vòi nước áp lực cao để xé thịt thối thành những miếng nhỏ và sau đó dùng máy bơm xăng đẩy những thứ ấy đi nơi khác.”
Con tàu khó phục hồi nhất là USS Oklahoma, do nghiên hơn 150 độ theo phương thẳng đứng và kiến trúc thượng tầng của Oklahoma đã bị chôn vùi xuống bùn dưới đáy biển. Hải quân quyết định bỏ Oklahama. Nhưng xác tàu vẫn phải được gỡ bỏ để có chỗ cho các tàu khác đậu. Cuối cùng thì phải đến tận ngày 28 tháng 12 năm 1943 thì con tàu này mới được thành công vớt lên bờ. Con tàu sau đó được tháo gỡ làm kim loại phế liệu.
Con tàu duy nhất bị mất vĩnh viễn là USS Arizona do phần sống thuyền đã bị hư hỏng nặng, và các kỹ sư kết luận rằng thân tàu không thể được nâng lên nguyên vẹn. Mặc dù cũng có thể đưa lên bờ được, nhưng với chi phí quá lớn mà vớt lên chỉ có thể làm phế liệu như Oklahoma thì lỗ nặng. Hải quân Mỹ quyết định để USS Arizona ở lại dưới đáy đại dương. Xác tàu đã được dùng làm đài tưởng niệm và ngôi mộ cho hàng trăm thủy thủ vẫn bị mắc kẹt bên trong.