Công trình xây dựng của Liên đoàn Địa chất Xạ – Hiếm phải dừng 2 lần trong 7 tháng vì gây lún nứt, nghiêng nhiều nhà dân
Nhiều ngày qua, hàng chục người dân sống tại tổ dân phố số 2, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết phải sống trong lo sợ, cuộc sống bị đảo lộn khi nhà có hiện tượng nứt, nghiêng lún, chuyển vị ngang sau khi đơn vị thi công triển khai hạng mục đào móng tầng hầm cho công trình “Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật Liên đoàn Địa chất Xạ – Hiếm”. Đáng chú ý, do tính chất nghiêm trọng của sự việc, đã có 4 gia đình phải di dời khẩn cấp ngay trong đêm cách đây gần 1 tháng.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Đắc Sơn, Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Xạ – Hiếm, đại diện chủ đầu tư đã thừa nhận một phần trách nhiệm sau sự việc.
Cụ thể, theo ông Sơn, dự án Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật Liên đoàn Địa chất Xạ – Hiếm được Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trực tiếp giao cho Liên đoàn làm chủ đầu tư với số vốn đầu tư công lên đến 99 tỷ đồng.
“Các thủ tục từ thiết kế đến thi công được lập chi tiết. Liên đoàn cũng đã thuê các đơn vị có chuyên môn lập báo cáo đó qua Bộ Xây dựng thẩm định, thiết kế, dự toán sau đó Liên đoàn địa chất Xạ – Hiếm cũng đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường duyệt kết quả đưa lên đấu thầu công khai trên mạng, Công ty Liên danh Công ty cổ phần xây dựng công trình Nam Đô – Công ty cổ phần công nghệ Trường Giang là đơn vị trúng thầu. Dự án được Bộ, Ban quản lý dự án Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Liên đoàn để kiểm tra giám sát hoàn thiện hồ sơ pháp lý”, ông Sơn chia sẻ.
Ông Sơn cho hay, ngày 23/3, nhà thầu tiến hành ép cọc đại trà. Tuy nhiên, 3 ngày sau, (tức 26/3) công trình đã gây tác động ảnh hưởng tới một số nhà dân liền kề ngay cạnh. Một số nhà dân có hiện tượng bị nứt, rạn… nên công trình phải tạm dừng thi công. Lúc này, đơn vị thi công mới tính phương án ép cừ xung quanh công trình để hạn chế tối đa ảnh hưởng các hộ kế cận.
Ông Sơn đánh giá sau khi ép cọc đã có nhiều ảnh hưởng. Về nguyên nhân ông cho rằng do ép cọc sâu. Thứ 2, ông Sơn “đổ lỗi” cho người dân khi “móng nhà dân làm nông, 4, 5 hộ dân xây đua ra gây ảnh hưởng công trình”.
“Tính đến nay Liên đoàn đã làm việc với người dân trong đó có cả UBND phường, tổ dân phố 7 cuộc họp. Đến cuối tháng 8 vừa qua sau nhiều cuộc họp tháo gỡ, giải quyết người dân đồng ý cho tiếp tục thi công. Chủ đầu tư cam kết sau khi ổn định xong tầng hầm sẽ tiến hành mời bảo hiểm, bên giám định để giám định chi tiết từng hộ gia đình. Từ đó đánh giá hiện trạng ảnh hưởng của từng nhà rồi đưa ra phương án giải quyết hiện trạng ảnh hưởng của từng hộ dân. Tất cả biên bản cam kết họp đều rõ ràng, chúng tôi rất cầu thị”, ông Sơn nói.
Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Xạ – Hiếm cho hay, công trình phải tạm dừng 5 tháng để có phương án giải quyết với người dân và chính quyền địa phương đảm bảo an toàn khi thi công trở lại.
Chủ đầu tư thừa nhận trách nhiệm sau loạt nhà phải di dời khẩn cấp
Ngày 30/8, công trình tiếp tục thực hiện, bắt đầu thi công đào tầng hầm. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng “do mưa, thời tiết xấu” đã ảnh hưởng tới một số hộ dân tiếp theo. Việc đào móng tầng hầm gây sạt lở tạo thành khung trượt địa chất nên các nhà dân liền kề khu vực thi công có hiện tượng nứt, nghiêng lún, chuyển vị ngang… về phía công trình nên đến ngày 25/8 công trình tạm dừng thi công.
Ngay sau đó, Đội Trật tự xây dựng đô thị quận Nam Từ Liêm và đại diện UBND phường Xuân Phương cũng đã kiểm tra, lập biên bản hiện trường, thống nhất yêu cầu Liên đoàn dừng thi công cho tới nay.
“Chúng tôi là đại diện chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị giám sát đã làm việc với chính quyền địa phương, người dân bị ảnh hưởng để đưa ra thống nhất phương án, biện pháp tiếp theo. Trước mắt, sau sự việc di dời cho 4 hộ gia đình có nhà ở thuộc diện mất an toàn với nguy cơ sụp đổ lớn. Thống nhất phương án hỗ trợ 3 tháng tiền nhà và 1 tháng tiền cọc với 4 nhà dân thuộc diện phải di dời.
Cụ thể với gia đình đông nhân khẩu mỗi tháng hỗ trợ 17 triệu đồng. Riêng một gia đình có 2 vợ chồng thì được hỗ trợ 7 triệu đồng/tháng tiền nhà”, ông Sơn thông tin.
Đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, sau 2 lần xảy ra sự cố liên tiếp đơn vị đều phải báo cáo lên Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tình trạng, hiện trạng, tiến trình giải quyết của Liên đoàn đến cấp cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Sơn bày tỏ rất lo lắng sợ nhà dân đổ sập nên đã yêu cầu nhà thầu thực hiện khẩn cấp phương án chống nghiêng để đảm bảo tài sản của các hộ dân liền kề khu công trình xây dựng.
“Việc này để hạn chế bớt ảnh hưởng của các nhà, tạo an tâm cho chúng tôi, cuối tuần trước, chúng tôi lấy số liệu, mời đơn vị thẩm tra đánh giá phương pháp trên xem đảm bảo không. Từ 1/9 đến nay, nhà thầu cũng đã thuê đơn vị độc lập để quan trắc ảnh hưởng của các nhà, theo quy định 3 ngày đo bằng máy một lần. Chúng tôi thành lập đội hàng ngày sang hộ dân kiểm tra xem hiện trạng tách nứt, ảnh hưởng gì không”, ông Sơn nêu.
Trước ý kiến của người dân về việc mời đơn vị giám định độc lập đánh giá mức độ hư hỏng của các hộ liền kề, thống nhất phương án sửa chữa, khắc phục để trả lại hiện trạng ban đầu cho các nhà liền kề công trình trước khi tiếp tục thi công… ông Sơn cho hay, sẽ tiến hành mời đơn vị giám định từng nhà một để đưa ra phương án khắc phục, thống nhất với từng hộ dân.
Tiếp lời ông Sơn, một vị đại diện chủ đầu tư cho hay, việc sụt lún nhà dân là điều không mong muốn của đơn vị thi công, của Liên đoàn Địa chất Xạ – Hiếm cũng như các hộ dân.
“Việc dừng thi công nhiều tháng gây thiệt hại về tài chính lớn, chủ đầu tư thiệt hại về tiến độ bởi dự án dự kiến hoàn thành trong 2 năm, như này hoàn toàn có thể bị kỷ luật trước cơ quan cấp trên. Đây là điều không ai mong muốn. Chúng tôi biết cuộc sống nhiều người dân bị xáo trộn, ảnh hưởng. Chúng tôi phải có trách nhiệm với công trình của các hộ dân làm sao đảm bảo, đây là điều không mong muốn. Chủ đầu tư sẽ tìm đủ phương án tốt nhất, đủ cơ sở khoa học, đảm bảo công trình để mọi người về ở”, vị đại diện này thông tin.
Vị này nói tiếp: “Lúc này không còn tính đến lợi nhuận, tiến độ nữa rồi mà chỉ nghĩ làm sao an toàn nhất cho công trình. Phải xử lý được việc này thì chính quyền địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đồng ý cho triển khai xây dựng tiếp, hoàn thành công trình theo mục đích ban đầu đặt ra. Trong thời gian này, có mời một số đơn vị khác đến tham gia, góp ý kiến để xử lý công trình tốt nhất. Chúng tôi mong hai bên đồng thuận, không xảy ra mâu thuẫn để công trình được tiếp tục”.
Về giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Đắc Sơn thông tin thêm, đơn vị cũng sẽ tổ chức hội thảo với sự tham dự của chuyên gia để phản biện lại nhà thầu. Từ đó đưa cơ sở khoa học tốt nhất.
Trước câu hỏi của PV Dân Việt về việc kể từ khi công trình vừa khởi công xây dựng đã liên tiếp phải dừng thi công tới 2 lần, vậy chủ đầu tư có báo cáo lên Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam để xem xét năng lực của nhà thầu?
Về việc này, ông Sơn nhấn mạnh: “Tất cả sự việc xảy ra bao giờ chúng tôi cũng phải báo cáo lên cấp trên về hiện trạng, tiến độ xử lý, biện pháp khắc phục. Đơn vị thi công sau sự việc cũng nhận trách nhiệm. Ai thi công cũng muốn làm cho trôi chảy, tuy nhiên trách nhiệm thuộc chung tất cả đơn vị liên quan: chủ đầu tư, ban quản lý dự án, giám sát, nhà thầu. Xảy ra việc gì đều yêu cầu 4 đơn vị ngồi với chúng tôi, thậm chí cả bảo hiểm tham gia đều có trách nhiệm”, ông Sơn nói thêm.
Dự án Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật Liên đoàn Địa chất Xạ – Hiếm do Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho Liên đoàn Địa chất Xạ – Hiếm làm chủ đầu để xây trụ sở làm việc theo vốn đầu tư công với số tiền 99 tỷ đồng.
Đây là công trình xây dựng xây mới các nhà làm việc cho khối Liên đoàn và các đơn vị trực thuộc, nhà phân tích, thí nghiệm và xử lý dữ liệu về môi trường phóng xạ (tại khu A, B); cải tạo nhà 2 tầng (tại khu C); xây dựng hạ tầng kỹ thuật toàn bộ khu đất lập tổng mặt bằng dự án.
Tại khu đất A (diện tích khoảng 4.523m2) xây dựng nhà làm việc chính có quy mô 3 tầng nổi và 1 tầng hầm; diện tích xây dựng khoảng 1.336m2, tổng diện tích sàn xây dựng (không bao gồm tầng hầm) khoảng 4.310m2; tầng hầm có diện tích khoảng 2.200m2.
Tại khu đất B (có diện tích khoảng 850m2) xây dựng nhà 3 tầng, có diện tích xây dựng 247m2, tổng diện tích xây dựng khoảng 765m2.
Tại khu đất C (có diện tích khoảng 1.178m2) sửa chữa, cải tạo nhà 2 tầng hiện có.
Danh sách các nhà thầu:
Tổ chức quản lý dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng – Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nhà thầu tư vấn thiết kế bản vẽ thi công, dự toán: Công ty cổ phần tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng.
Nhà thầu tư vấn giám sát: Liên danh Văn phòng tư vấn – Quản lý dự án Việt Nam.
Nhà thầu thi công: Liên danh Cônh ty cổ phần xây dựng công trình Nam Đô – Công ty cổ phần công nghệ Trường Giang.
Báo Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này!