Công trình nhân tạo đồ sộ và vĩ đại nhất mà cha ông ta đã để lại cho chúng ta không phải là Thánh địa Mỹ Sơn hay Kinh thành Huế mà là hệ thống kênh đào ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ai cũng biết ĐBSCL bát ngát, cò bay gãy cánh, trù phú…. Nhưng ít ai biết là khi các chúa Nguyễn mới đặt chân đến vùng đất này, nơi đây rất hoang hóa, ẩm thấp, giao thông khó khăn, toàn là rừng rậm và đầm lầy…. Hai vùng đất nổi tiếng về trù phú ngày nay là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, ngày ấy là vùng đất phèn, ngập nước.

Sau đó là cả quá trình đào kênh liên tục, trải dài qua nhiều thế hệ, hàng triệu tấn đất được đào lên để tháo mặn, rửa phèn, mang nước tưới đến cho các cánh đồng và tạo nên đường giao thông chính, cũng như văn hóa cho con người miền Tây.

Hai con kênh lớn nhất mà nhà Nguyễn đã đào là Vĩnh Tế và Thoại Hà. Ngày ấy đào kênh xuyên qua rừng rậm, đầm lầy rất là vất vả, số người chết vì bệnh tật, kiệt sức, vì thú dữ như cá sấu, rắn rít… là rất lớn.

Kênh Vĩnh Tế chỉ phải đào có 37km, rộng 30m, sâu trung bình 2,5m, thời gian thi công chưa đến một năm. Nhưng vì quá tốn kém, số người chết quá đông, nó bị tạm dừng đào hai lần và mất tận 5 năm, trải qua hai đời vua Nguyễn mới hoàn thành. Lúc kênh hoàn thành, Minh Mạng mừng lắm và khi đúc Cửu đỉnh ông cho khắc kênh Vĩnh Tế lên Cao đỉnh.

Hoạt động đào kênh còn kéo dài qua các thời Pháp thuộc, VNCH và đến tận ngày nay. Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, ĐBSCL có 45.657 kênh rạch lớn nhỏ, với tổng chiều dài hơn 91.000 km (gấp 2 lần đường xích đạo).

Chính hệ thống kênh rạch chằng chịt này đã tạo nên sự khác biệt rất lớn giữa đồng bằng hạ lưu sông Mekong ở Campuchia và ở Việt Nam. Một bên xanh mướt, một bên bên vàng như cánh đồng hoang.

Nguồn: Trương Nguyễn Luân chia sẻ trong nhóm MetaMinds Network – Mạng Lưới Tri Thức Số

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *