CÔNG THỨC ĐÁNH ĐÂU THẮNG ĐÓ NGƯỜI TÀI GIỎI LUÔN SỬ DỤNG

01

Theo đuổi sự hoàn hảo có sai không?

Ngày xửa ngày xưa, có một thuyền phu, vô tình nhặt được một viên ngọc trai vô cùng sáng và đẹp, khiến anh vô cùng vui mừng.

Nhưng, khi xem kĩ viên ngọc trai, anh phát hiện ra có một vết nứt rất nhỏ, điều này khiến anh cảm thấy khó lòng chấp nhân được.

Vì vậy, anh đi tìm một con dao để mài nhẵn vết nứt.

Mài đi mài lại, vết nứt cuối cùng cũng biến mất, nhưng viên ngọc trai cũng vì vậy mà trở thành một đống những mảnh vụn…

Theo đuổi sự hoàn hảo là chuyện tốt, nhưng rất nhiều khi nó lại vô tình đem lại cho bản thân và người khác những gánh nặng không cần thiết, khiến bản thân bị nhốt trong cái bóng của sự “hoàn hảo”.

Một vị đại sư trước khi chết muốn tìm một người thừa kế mình, ông nói hai đệ tử mà mình tin tưởng nhất vào rừng tìm cho ông một chiếc lá hoàn hảo nhất.

Đại đồ đệ mang về một chiếc lá và nói: “Thưa thầy, con không tìm được chiếc lá hoàn hảo nhất, vì vậy con đem về cho thầy một chiếc lá hoàn chỉnh.”

Đồ đệ còn lại chỉ chăm chăm đi tìm chiếc lá hoàn hảo nhất, ở trong rừng cả nửa ngày trời rồi quay trở về với tay không, và nói với thầy rằng: “Trong rừng lá tuy nhiều như vậy, nhưng con không tìm được chiếc lá hoàn hảo nhất.”

Người thầy mỉm cười rồi trao quyền thừa kế cho đại đồ đệ. Vì sao lại như vậy?

Bởi lẽ trên thế gian vốn dĩ không tồn tại chiếc lá hoàn hảo, thiếu sót mới là diện mạo vốn có của vạn vật trên đời.

“Mai nhu tốn tuyết tam phân bạch, tuyết khước thâu mai nhất đoạn hương”.

Ý muốn nói trên đời không có gì là hoàn hảo cả, hoa đào và bông tuyết đều là đại diện cho xứ lạnh, chúng luôn tị nạnh nhau rằng mình là tuyệt sắc, nhưng công bằng mà nói thì, nói về sự tinh khiết, thanh thuần, hoa đào phải nhường bông hoa tuyết 3 phần; nhưng nói về hương thơm, bông tuyết tuyệt đối không thể bằng hoa đào.

Mù quáng theo đuổi sự hoàn hảo sẽ chỉ khiến bạn rơi vào vòng xoáy của sự điên cuồng, không biết mình đã phải đánh đổi đi những gì để có lại được sự hoàn hảo ấy. Khi ấy, nó không còn gọi là theo đuổi nữa, mà gọi là cưỡng cầu.

02

Hoàn hảo = hoàn thành + hoàn thiện

Trên mạng có một chủ đề bàn tán như này: cứ theo đuổi sự hoàn hảo để rồi cuối cùng vẫn không nên được chuyện gì, không có gì trong tay thì phải làm sao?

Phía dưới phần bình luận có một câu trả lời nhận được rất nhiều lượt yêu thích rằng: sợ hãi thất bại ngay từ đầu đã là thứ cản trở chúng ta.

Đối với không ít những người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo mà nói, không phải họ đang tận hưởng niềm hạnh phúc của việc theo đuổi sự hoàn hảo, mà là họ đang trốn tránh nỗi sợ của sự thất bại.

Biểu hiện của kiểu tâm lý này chính là, hoặc là phải hoàn hảo theo ý tôi, hoặc là không làm gì hết.

Lúc nhỏ khi bị thầy cô giáo đặt câu hỏi, luôn sợ rằng câu trả lời của mình chưa phải là tốt nhất, do dự cả ngày trời rồi vẫn nói “Em không biết”.

Vấn đề không hiểu cũng không dám giơ tay hỏi lại, bởi lẽ không dám làm người duy nhất không hiểu, làm người duy nhất còn cảm thấy hoang mang về vấn đề đó.

Sau khi lớn lên, viết kế hoạch dự án hay chương trình, thường xuyên viết rồi lại xóa, xóa rồi lại viết, cuối cùng chỉ còn lại một trang hoàn toàn trống trơn.

Nhưng bạn cần phải biết rằng, hoàn hảo không phải là yêu cầu khắt khe với bản thân ngay từ đầu, mà là kết quả của quá trình không ngừng điều chỉnh trong khi hành động.

Người giỏi giang luôn theo đuổi sự hoàn hảo, nhưng họ đồng thời cũng tiếp nhận sự không hoàn hảo của bản thân, bởi lẽ người tài giỏi không bao giờ chỉ nghĩ, họ lựa chọn làm, lựa chọn hành động. Cứ làm cứ làm, rồi bạn sẽ biết điều gì đang diễn ra, cứ làm cứ làm, rồi không ngừng có sự điều chỉnh sao cho phù hợp, đây mới là tâm thái của những cao thủ.

Theo thời gian, bạn sẽ ngày một cảm thấy rằng, có những người, cứ làm cứ làm, rồi trở nên ưu tú; có những người cứ nói cứ nói, rồi chẳng bao giờ làm nữa.

Hoàn thành quan trọng hơn hoàn hảo, hành động quan trọng hơn lời nói.

03

Trước khi theo đuổi sự hoàn hảo, hãy cho phép bản thân được sai lầm

Một bài nói chuyện của TED đã từng trích dẫn ví dụ này:

Việc lập trình thường bao gồm rất nhiều chỉ dẫn, đôi khi chỉ cần một dấu chấm phẩy cũng có thể quyết định sự thành công hay thất bại, có thể nói đó là một công việc đòi hỏi rất nhiều sự hoàn hảo.

Dù vậy, nó cũng phải trải qua rất nhiều rất nhiều những lần thử nghiệm, cho đến khi khoảnh khắc kỳ diệu xuất hiện, đó là khoảnh khắc thông báo chương trình đã hoàn thành.

Một thứ dù có hoàn hảo tới đâu, nếu không trải qua sự thất bại cũng sẽ không thể thành công. Thành công, không phải vì bạn theo đuổi sự hoàn hảo, mà là bởi vì bạn dũng cảm, bạn chấp nhận và vượt qua được thất bại.

a. Đặt ra cho mình thời gian hoàn thành nhiệm vụ

Có thể bạn cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh này:

Làm một việc gì đó được một nửa rồi, bỗng nhiên cảm thấy một bộ phận nào đó không hoàn hảo, vậy là “đập đi xây lại” từ đầu, làm như vậy mặc dù có thể cho ra một kết quả khá hài lòng, nhưng nó lại thường làm lãng phí thời gian, bởi lẽ kết quả bạn thu được nó không xứng với thời gian mà bạn phải bỏ ra.

Phàm là chuyện gì cũng hãy đặt ra cho mình một khoảng thời gian hoàn thành xác định, làm vậy có thể “ép” mình không quá chú trọng vào tiểu tiết mà lãng phí thời gian.

b. Phân chia ra việc nặng việc nhẹ, việc gấp với không gấp

Chia công việc ra thành các mức độ khác nhau như quan trọng, cấp bách, cần thiết, chưa cần thiết, làm vậy sẽ rất hiệu quả trong việc nâng cao hiệu suất công việc.

Không chỉ trong công việc, mà trong bất cứ việc gì trong cuộc sống hàng ngày cũng hãy phân chia việc cần làm theo mức độ, việc quan trọng hay cấp bách thì đầu tư nhiều thời gian hơn, việc không quan trọng có thể lựa chọn không làm, hoặc là tới mức đạt là được, người khác sẽ không trách bạn vô trách nhiệm, ngược lại sẽ càng tán thưởng năng lực và tầm nhìn của bạn hơn.

c. Chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân

Trong thực tế cuộc sống, có vô số người cảm thấy bản thân là hoàn hảo, họ dùng yêu cầu với sự hoàn hảo để phê phán chính mình. Hãy học cách chấp nhận rằng bản thân không hoàn hảo, rồi trên cơ sở này, dần dần thay đổi, hoàn thiện, nâng cao, từ từ thoát khỏi sự căng thẳng và bất lực vô hình mà sự hoàn hảo đem lại cho bản thân.

Cuộc đời không thể giống như nấu ăn, chuẩn bị tất cả các nguyên liệu gọn gàng, xong xuôi đâu ra đấy rồi mới đi nấu được.

Bắt đầu từ ngày hôm nay, đừng sống vì sự hoàn hảo, mà hãy sống vì sự dũng cảm, dám chấp nhận bản thân và dám hành động!

Nguồn: Trí thức trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *