cong-nhan-truc-tiep-kho-du-dieu-kien-nghi-huu,-muon-rut-bao-hiem-xa-hoi-1-lan,-vi-sao?

Công nhân trực tiếp khó đủ điều kiện nghỉ hưu, muốn rút bảo hiểm xã hội 1 lần, vì sao?

Lao động làm việc trực tiếp đa phần nghỉ việc ở tuổi 42, không đủ tuổi nghỉ hưu 

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và Bộ LĐTBXH, giai đoạn 2016 – 2022, cả nước có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần. Số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 12,3%, trong khi tốc độ tăng đối tượng tham gia BHXH chỉ là 5%-6%/năm. Trong đó, số người hưởng theo điều kiện sau 1 năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH chiếm gần 99% và chủ yếu là người lao động làm việc ở khu vực doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước (gần 91%).

Cụ thể, 67% người nhận BHXH một lần có dưới 5 năm đóng, tuổi bình quân 31,7 tuổi; gần 10% là người có từ 10 năm đóng BHXH trở lên, tuổi bình quân khoảng 42 tuổi.

Chị Nguyễn Thị Loan (Đông Anh, Hà Nội), công nhân làm việc trong doanh nghiệp chế tạo linh kiện điện tử của Hàn Quốc cho biết, vấn đề mà chị cùng nhiều lao động quan tâm nhất chính là tiền lương và tuổi nghỉ hưu.

“Hiện nay dự thảo Luật BHXH đề cập tới nhiều vấn đề  nhằm hạn chế rút BHXH 1 lần nhưng tôi cho rằng vấn đề cốt yếu chính là giảm tuổi nghỉ hưu. Hiện nay tuổi nghỉ hưu quá cao, lao động lại nghỉ việc sớm không đủ tuổi về hưu thì đương nhiên lao động chọn rút BHXH 1 lần”, chị Loan nói.

tuổi nghỉ hưu

Công nhân lao động kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu để hạn chế tình trạng rút BHXH 1 lần. Ảnh: Hà Quân

Chia sẻ thêm về việc giảm số năm đóng BHXH 1 lần, chị Loan cho rằng điều đó là tín hiệu mừng, tuy nhiên, nếu giảm số năm đóng mà không giảm tuổi nghỉ hưu dù có đủ số năm đóng BHXH thì lao động vẫn không đủ điều kiện tuổi nghỉ hưu để về hưu. Nếu vậy thì giảm số năm đóng BHXH không còn quan trọng.

Độ tuổi hưởng BHXH 1 lần là từ 20-40 (chiếm gần 80%). Gần 99% rút BHXH 1 lần hưởng theo điều kiện sau 1 năm nghỉ việc và không tham gia BHXH. Sau khi hưởng BHXH một lần, có khoảng gần 1,3 triệu người (trong tổng gần 5 triệu người) quay trở lại tiếp tục tham gia đóng BHXH, chiếm khoảng 26% số người hưởng BHXH một lần giai đoạn này.

BHXH Việt Nam

Cùng quan điểm, chia sẻ thêm về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Tuân (công nhân Bắc Ninh) cũng cho rằng công nhân hay lao động trực tiếp rất khó có thể về hưu đúng tuổi bởi thường 35 -40 tuổi là công nhân đã bị sa thải, cho nghỉ việc. Có muốn tìm công việc mới cũng rất khó, vì vậy rút BHXH là một phương án được nhiều lao động lựa chọn.

Anh Lê Thái Sơn (công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) rất muốn được có sức khỏe và công việc ổn định để làm việc đến tuổi nghỉ hưu. Nhưng theo anh Sơn có 2 điều kiện quan trọng nhất tác động đến suy nghĩ của anh đó là liệu đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc sau tuổi 45-50 hay không, thứ hai là cơ quan nào dám đảm bảo quyền lợi, tạo việc làm cho người lao động tới khi nghỉ hưu.

“Hiện tại các DN FDI trong tình trạng khó khăn, lao động hoặc phải nghỉ việc hoặc làm việc cầm cự. Khi tuổi sau 40 xin việc ở đâu. Vấn đề này không thấy đề cập đến. Vì sao hơn 91% lao động hưởng BHXH một lần là lao động ngoài nhà nước. Bởi vì họ hiểu rằng mình không thể tồn tại trong DN sau tuổi 45-50. Đó là điều chắc chắn”, anh Sơn nói.

Công nhân đều kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu

Ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chia sẻ với những khó khăn mà lao động gặp phải. Ông Quảng cho biết qua một số cuộc khảo sát, tọa đàm do Tổng liên đoàn tổ chức, tổ chức này nhận thấy khá nhiều công nhân đề cập tới việc giảm tuổi nghỉ hưu cho lao động trực tiếp.

tuổi nghỉ hưu

Nhiều nữ công nhân cho biết họ không thể làm việc tới đủ tuổi nghỉ hưu vì công ty sa thải lao động và không xin được việc làm mới. Ảnh: N.T (công ty May 10)

Ông Quảng cũng cho rằng, hiện nay chính sách khá thiệt thòi cho người tham gia BHXH sớm. Ví dụ 1 người lao động nam tham gia BHXH lúc 20 tuổi, họ đóng đủ 35 năm BHXH để được hưởng 75% cho lương hưu. Nhưng khi đủ 35 năm họ mới 55 tuổi và phải đợi 7 năm nữa đến 62 tuổi mới có lương hưu.

 “Trong độ tuổi từ 55 đến 62 họ không có lương hưu, không có trợ cấp, lại rất khó kiếm được việc làm, cuộc sống của nhóm này sẽ rất khó khăn”, ông Quảng nói.

Một số chuyên gia đầu ngành về lao động, BHXH cho biết họ ủng hộ phương án cho lao động về hưu trước tuổi. Chỉ cần lao động đóng BHXH đủ 35 năm thì sẽ được về hưu luôn mà không cần phải đợi tới đủ tuổi về hưu như quy định hiện nay. Với những lao động trực tiếp đủ tuổi về hưu nhưng chưa đủ 35 năm tham gia BHXH thì có thể về hưu và bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *