cong-nhan-nhiu-may,-so-hai-khi-doi-dien-voi-nhung-khoan-chi-tieu-“khong-lo”-dip-tet

Công nhân nhíu mày, sợ hãi khi đối diện với những khoản chi tiêu “khổng lồ” dịp Tết

Công nhân “đau đầu” với chi tiêu Tết

Thưởng Tết 600.000 đồng nhưng chi tiêu cho Tết ước chừng khoảng 10 triệu đồng

17 giờ chiều, trời chạng vạng tối với những đợt gió mùa se lạnh cuối tháng 12, trong dãy trọ công nhân trên đường Cổ Điển 2 (Đông Anh, Hà Nội), chị Ngô Thu Thúy đang tất bật chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình nhỏ của mình, gương mặt thoáng hiện lên chút lo âu. Chị Thúy hiện là công nhân làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội).

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, chị Thúy cho biết: “Bây giờ nhắc đến Tết là thấy đau đầu vì có hàng tá thứ phải chi trả. Mình ra Hà Nội làm từ năm 2021, khi vừa tốt nghiệp cấp 3 xong. Hai vợ chồng đều cùng quê Tuyên Quang ra đây làm. Khi sinh con gái đầu long, mình nghỉ việc để ở nhà chăm con”.

“Giờ con tròn 18 tháng tuổi, mình mới quay trở lại khu công nghiệp làm được 6 tháng nay thôi. Chồng mình làm shipper, nhưng mình đi làm thường xuyên nên chồng phải ở nhà trông con, chỉ thỉnh thoảng đi giao hàng vào thứ 7, chủ nhật thôi. Những ngày cuối tuần đó, mình được nghỉ nên chồng sẽ tranh thủ đi giao các đơn hàng ở tận khu vực nội thành Hà Nội”, người phụ nữ 22 tuổi vừa thoăn thoắt nhặt rau vừa bộc bạch.

img

Chị Thúy cho biết, mỗi lần nhắc đến Tết là thấy đau đầu vì có hàng tá thứ phải chi trả. Ảnh: K.A

Khi được hỏi về việc chuẩn bị cho các khoản chi tiêu trong dịp Tết năm nay, chị Thúy bỗng ngừng tay, ánh mắt hướng về phía đứa con bé bỏng đang được chồng ẵm trong lòng, chị thở dài. Dịp Tết năm nay, cả hai vợ chồng chị Thúy tích cóp chỉ vừa đủ để mua đồ cho con, về quê lì xì và biếu tặng người thân, trang trí nhà cửa, còn việc sắm sửa cho bản than thì hai vợ chồng chị… không dám nghĩ đến.

Dáng vóc mảnh mai nhưng gánh vác trên mình nhiều bộn bề lo toan, người phụ nữ quê Tuyên Quang tâm sự: “Năm nay khó khăn hơn mọi năm. Vì mới chỉ làm được 6 tháng nên mình không đủ điều kiện để được nhận “lương tháng 13”. Dịp Tết, công ty hỗ trợ thưởng khoảng 600.000 đồng, còn số tiền phải chi tiêu cho những ngày Tết ít nhất cũng phải 10 triệu đồng. Hai vợ chồng chắt bóp cũng sợ rằng không đủ, nhưng không có ý định vay mượn bố mẹ hay bạn bè, mình có bao nhiêu thì mình tiêu bấy nhiêu thôi”.

Theo anh Hoàng Văn Nghĩa (chồng của chị Thúy), vì con gái còn nhỏ, vợ chồng trẻ nên phải chật vật xoay sở mỗi ngày để trang trải cuộc sống. Dù đã lên kế hoạch chuẩn bị cho dịp Tết từ rất sớm, nhưng việc phải mua sắm và sinh hoạt mỗi tháng khiến khoản tiết kiệm của hai vợ chồng ngày càng hao hụt dần. Chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán, áp lực chi tiêu khiến vợ chồng anh liên tục bất đồng quan điểm, thậm chí có những lúc to tiếng cãi cọ nhau.

“Tiết kiệm từng chút một, nhưng có những thứ không thể bảo cắt giảm là mình cắt được. Ví dụ như việc ăn uống hàng ngày, vẫn phải đủ 3 bữa thì mới có sức khỏe mà làm việc. Hay mua sữa, tã bỉm cho con. Tết này, hai vợ chồng tôi dự tính cho hai mẹ con về quê bằng xe khách, còn tôi sẽ đi xe máy về, vừa để tiết kiệm tiền xe pháo, cũng vừa để khi về quê có xe máy đi lại chỗ này chỗ kia cho tiện”, anh Nghĩa cho hay.

Tâm sự công nhân: “Nghĩ đến là thấy sợ, không muốn Tết đến”

Khi không khí Tết đến Xuân về cận kề, nỗi lo toan của nhiều gia đình, người lao động xa quê càng thêm chồng chất. Trong một căn phòng trọ nhỏ thuộc xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội), gia đình 4 thành viên của anh Lê Văn Quý (34 tuổi, quê Thanh Hóa) quây quần bên nhau chuẩn bị cho bữa cơm tối.

Cùng làm chung tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, vợ chồng anh Quý linh hoạt và luân phiên đưa đón con cái đi học, nấu nướng bữa cơm sau giờ tan tầm. Anh Quý là công nhân sản xuất linh kiện điện tử, còn chị Tống Thị Hòa (vợ của anh Quý) phụ trách sản xuất các vật phẩm y tế.

Nhắc đến Tết, hai người con của anh Quý reo hò thích thú vì được sắm quần áo mới, được nhận lì xì, được đi chơi và đến nhà họ hàng chúc Tết. Còn chị Tống Thị Hòa lại nhíu mày, trầm ngâm trong giây lát.

img

Anh Quý cho biết, trung bình mỗi tháng, gia đình anh chi trả cho các khoản sinh hoạt, học phí của con hết khoảng 10 triệu đồng. Ảnh: T.H

Chị Hòa chia sẻ với phóng viên Dân Việt: “Tôi phải tính toán từng chút một, cân đo đong đếm mỗi bữa ăn để dành dụm tiền cho Tết. Ngày thường ra chợ mua hết khoảng 100.000 đồng tiền thức ăn, gần đến Tết phải giảm bớt đi tầm 10.000 – 15.000 đồng mỗi bữa. Lương tháng của hai vợ chồng tôi cũng không nhiều, không quá ít, nhưng vẫn không thể nào dư dả đến mức tiêu xài thoải mái trong dịp Tết được. Giờ nghe chữ Tết là tôi thấy sợ, chẳng muốn đến Tết chút nào”.

Anh Quý cũng cho biết, trung bình mỗi tháng, gia đình anh chi trả cho các khoản sinh hoạt, học phí của con hết khoảng 10 triệu đồng. Dịp Tết năm nay, gia đình ước chừng mức chi tiêu dao động từ 15 – 20 triệu đồng, bao gồm các khoản: trang trí nhà cửa, mua quần áo cho con cái, lì xì đầu năm, biếu tặng bố mẹ hai bên, xăng xe đi lại. Đó là những khoản chi cấp thiết của gia đình anh Quý trong mỗi dịp Tết, tùy vào từng năm sẽ có những chi phí phát sinh khác nhau.

img

Chị Hòa cho biết, chị phải tính toán từng chút một, cân đo đong đếm mỗi bữa ăn để dành dụm tiền cho Tết. Ảnh: T.H

Vừa tranh thủ dạy con học bài, anh Quý vừa bộc bạch: “Để tiết kiệm cho Tết thì hai vợ chồng đã phải chuẩn bị từ 3 – 4 tháng nay rồi. Lương công ty chuyển về, mình cân nhắc chi tiêu kỹ càng, không sử dụng hoang phí. Ra Hà Nội làm được khoảng 10 năm rồi, nhưng Tết năm nào về quê cũng phải chi cho những khoản ấy, dường như là khoản cố định luôn, không thêm bớt một đầu mục nào được. Cũng may mắn là hai vợ chồng đều được nhận “lương tháng 13”, bên khu công nghiệp cũng hỗ trợ xe đưa đón về quê dịp Tết”.

“Nói chung, chi tiêu trong Tết sẽ phụ thuộc vào kinh tế của mỗi gia đình. Ví dụ, nhà nào nhiều tiền thì họ tiêu nhiều, sắm sửa nhiều, mình ít thì sắm ít. Nếu nói về áp lực kinh tế thì mình cũng có nhưng những người không có công việc cố định còn bấp bênh hơn. Tôi cũng hy vọng rằng những công nhân xa quê như vợ chồng tôi sẽ có sức khỏe để hoàn thành những công việc cuối năm và đạt được mục tiêu của mình trong năm tới. Khi mình kiểm soát được chi tiêu, mọi thứ sẽ bớt khó khăn, nghĩ đến Tết sẽ không còn thấy ám ảnh hay sợ hãi nữa”, anh Quý giãi bày tâm sự.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *