Bài viết dưới góc nhìn trải nghiệm cá nhân, hy vọng sẽ nhận được thêm góc nhìn khác từ phía anh chị. Công lý của một tổ chức là những quy chế, nội quy, quy định nhằm đảm bảo cho sự ổn định và phát triển của nó.
Công lý được đình hình chủ yếu bởi lý trí nhiều hơn so với công tâm, công bằng phần nhiều là khởi phát từ trái tim. Công lý có tác dụng ngăn con người làm bậy, làm những điều sai trái gây tổn hại đến lợi ích, hình ảnh của tố chức. Cho nên, dù công ty lớn hay nhỏ đều cần phải có bảng nội quy công ty, quy tắc ứng xử, quy định xử phạt, những hình thức kỷ luật mang tính răn đe cao.
Tuy nhiên, nếu như công lý bị thao túng bởi những người có thế lực dù ngầm hay công khai, dung túng cho con cháu người thân của lãnh đạo dù làm sai cũng không ai dám đụng vào để xử phạt hay răn đe thì niềm tin vào công lý của nhân viên với lãnh đạo, với công ty sẽ không còn nữa.
Khi công lý không còn, lý lẽ thuộc về kẻ mạnh, có quyền, có sức ảnh hưởng thì nhân viên “thấp cổ bé họng” có thể họ sẽ hình thành nên liên minh để bảo vệ chính mình, công ty trở thành “đấu trường” cho những “trò chính trị” mà chúng ta vẫn hay nghe. Có thể bề nổi mọi người tỏ ra vẻ hợp tác, tương trợ nhau trong công việc rất tốt nhưng sau lưng thì có trời mới biết là họ đang ủ mưu gì để hãm hại nhau, để chống phá nhau, để cản trở nhau. Và cuối cùng công ty là thiệt hại nhất.
Đảm bảo thực thi công lý, nghĩa là “có công thì thưởng, có tội thì phạt”, công tội phải được phân định rạch ròi không trộn lẫn vào nhau. Người có công thì thưởng, khen tặng kịp thời, công khai, có thể kèm theo chứng nhận hay bằng khen gì đó để gây phấn khởi cho người được khen và khuyến khích tất cả mọi người phát huy tinh thần này. Ngược lại, có tội thì phạt phê bình nhưng cần tinh tế, kín đáo tránh gây sự xấu hổ hay mặc cảm tự ti. Bởi mục đích của việc phạt không phải là triệt hạ cá nhân mà thay vào đó là giúp họ tiến bộ hơn, làm việc hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, thực tế nhiều khi công lý lại được thực thi một cách “ngược lại” làm mất đi tác dụng của nó. Tôi mạn phép kể tình huống mà tôi đã trải qua.
Hôm đó, tôi được anh bạn chủ 1 quán rượu vang mời đến dự khai trương showroom thứ 2 của anh. Hôm đó bạn bè đến đông vui, anh mang 4-5 loại vang mới nhập về ra khui thiết đãi bạn bè. Anh bận tiếp khách nên giao cho 1 câu nhân viên mới vào khui rượu, không biết cậu run hay chưa quen mà khui làm rượu văng tung tóe ra xung quanh, hốt hoảng cậu làm rớt bể vài cái ly quý trên kệ xuống sàn. Anh bạn tôi không biết có bất mãn gì về cậu trước đó không mà ngay lúc ấy nhào tới và la cậu ta 1 trận tơi bời. Nhiều khách đứng gần cũng phải ngoái cổ lại nhìn xem việc gì đang diễn ra. Tôi chạy lại hỏi khẽ có gì mà la rầy em nó thế, thì anh bạn tôi thản nhiên đáp là “la 1 đứa để dạy dỗ mấy đứa còn lại luôn, sau này tập trung vào công việc cho đàng hoàng”. Nhưng việc la mắng nhân viên trước hàng chục quan khách như thế sẽ làm tổn thương danh dự, nhân phẩm của cậu nhân viên kia. Thực thi công lý không khéo léo lại khiến làm tổn thương đến người khác thì liệu có đáng chăng.
Ở nhiều doanh nghiệp, công lý vẫn chưa được thực thi một cách trọn vẹn. Vì người lãnh đạo, người đứng đầu doanh nghiệp tự cho mình cái quyền “đứng ngoài vòng pháp luật”. Vì họ là chủ, là CEO nên họ cho mình những đặc quyền mà không ai dám đụng đến. Họ muốn làm gì cũng được, đi đâu cũng được mà không cần phải báo cáo cho ai. Riết trong công ty tồn tại 1 slogan kinh điển “Điêu 1, sếp luôn đúng. Điều 2, sếp sai thì coi lại điều 1”. Một ví dụ điển hình là ai trong công ty không đạt KPI là bị khiển trách, bị giảm thưởng nhưng ông/bà chủ thì không bị gì cả. Hoặc đầu năm sếp hứa quá trời nhưng cuối năm tổng kết sếp “làm lơ” hoặc tìm cách cắt xén hoặc không thực hiện lời hứa. Rồi cũng đâu có ai dám làm gì sếp đâu. Chính lãnh đạo là người vi phạm công lý, dù nó được chính họ là người phê duyệt, đóng mộc, treo bảng rất trang trọng.
Ở những công ty có thêm tầng quản lý cấp trung thì những trường hợp quản lý cấp trung lạm chức, lạm quyền “bẻ cong công lý” không phải là ít. Theo thống kê có đến 70% nhân viên nghỉ việc việc quản lý trực tiếp chứ không phải vì công ty hay ông chủ. Và nếu như doanh nghiệp gia đình thì tình trạng này cũng không kém phần nhức nhối khi mà vợ sếp làm sai, em vợ sếp làm sai thì ngay cả sếp cũng không dám đụng đến huống chi là chị nhân sự hay anh quản lý muốn thực thi công lý cho ra lẽ.
Và còn rất nhiều trường hợp khác nữa, về lâu dài nó sẽ tạo nên sự ấm ức, bất mãn trong công ty. Niềm tin vào công lý, vào lãnh đạo không còn thì nhân viên họ sẽ làm việc với một tâm thế hờ hững, mặc kệ công ty ra sao thì ra và họ sẽ âm thầm rời công ty khi tìm được cơ hội khác tốt hơn.
Do đó, một khi công lý được đảm bảo thì niềm tin và sự tin tưởng của nhân viên vào lãnh đạo, vào quản lý, vào đồng nghiệp sẽ gia tăng. Nhân viên sẽ dốc lòng, dốc sức cống hiến cho sự phát triển của công ty. Họ làm việc hiệu quả hơn, năng suất hơn. Doanh nghiệp trở nên hấp dẫn và thu hút được người giỏi về nhiều hơn.
Mến chúc anh chị những ngày cuối năm thật nhiều niềm vui.
Lê Thanh Duy