1/ Cộng hòa Đông Turkestan đệ nhất.
Đầu thế kỷ 20, sự sụp đổ của nhà Thanh đặt khu vực Tân Cương vào trạng thái không ổn định. Thực chất tên gọi Tân Cương chỉ được dùng bởi Trung Hoa, còn các nước khác coi vùng này là Đông Turkestan, để phân biệt với các nước Trung Á gọi là Tây Turkestan. Lợi dụng tình hình đó, các đế quốc đã tăng cường mở rộng ảnh hưởng vào Tây Trung Quốc. Và như một hệ quả của ''ván cờ Lớn'' đầu thế kỷ 20, trong khi Tây Tạng rơi vào ảnh hưởng của Anh, vùng Tân Cương nằm trọn trong tầm Đế quốc Nga.
Di sản Đế quốc Nga để lại được Liên Xô thừa hưởng. Nhưng ban đầu, thay vì kiểm soát trực tiếp Tân Cương, Liên Xô biến nơi này thành nơi định cư cho tàn binh Bạch Vệ thua trận trong nội chiến. Lực lượng Bạch vệ và gia đình ở Tân Cương lên tới hàng vạn người, sau này đóng vai trò lớn trong các sự kiện ở Tân Cương. Ngược lại, các chính phủ Trung ương ở Trung Quốc gần như không có ảnh hưởng gì ở đây cho đến tận năm 1944. Nhưng lãnh đạo thực tế ở Tân Cương vẫn nằm trong tay một người Hán.
Đến năm 1928, lãnh chúa Tân Cương người Hán là Dương Tăng Tân bị ám sát. Lên thay ông là Kim Thụ Nhân, một người tham lam và bạo ngược với dân địa phương. Ông tăng thuế với dân thiểu số và cắt đất đai cho người Hán từ Cam Túc di cư qua. Đến khi một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bị ép lấy người Hán (người Trung Quốc truyền tai nhau vậy) thì người Duy Ngô Nhĩ đã nổi dậy, với cái tên ''Loạn Kumul'' hay ''Khởi nghĩa Cáp Mật''.
Cuộc nổi loạn kéo dài hơn 3 năm, đến năm 1933 những người nổi dậy thành lập Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhất. Lúc này, Liên Xô quyết định thay ngựa bằng cách phế lãnh chúa tham tàn Kim Thụ Nhân để thay bằng Thịnh Thế Tài. Nhưng cũng lúc đó, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc cử lãnh chúa Cam Túc Mã Trọng Anh – người dân tộc Hồi (khác với Hồi giáo) – sang Tân Cương đánh dẹp. Đến năm 1934, hai lực lượng Liên Xô và quân Hồi Cam Túc cùng nhau tấn công quân Duy Ngô Nhĩ, đánh bại Cộng hòa Turkestan đệ Nhất ở Tân Cương.
2/ Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhị
Do có 2 lực lượng tham gia đánh Turkestan đệ Nhất, nên sau khi đánh bại quân nổi dậy 2 lực lượng này của các tướng Thịnh Thế Tài và Mã Trọng Anh đã quay sang đấu đá nhau. Từ năm 1933 đến 1934, hai bên đã đánh nhau nhiều trận đẫm máu. Quân của Mã Trọng Anh 2 lần tấn công thủ phủ Urumqi của Tân Cương làm Thịnh Thế Tài phải bỏ chạy. Trong lần 1, khi Tân Cương gần thất thủ, tướng Bạch vệ Nga Pavel Pappengut đã mang quân giải cứu Thịnh Thế Tài. Nhưng sau đó, Thịnh Thế Tài theo lệnh Stalin đã xử tử tướng Pavel Pappengut do ông này chống Liên Xô. Kết quả là vừa nghe tin, Mã Trọng Anh đã mang quân đánh Urumqi lần 2, đánh tan tác quân Thịnh Thế Tài trong khi quân Bạch Vệ Nga không ra tay cứu giúp.
Tình thế hiểm nghèo buộc Liên Xô phải trực tiếp cử quân tham chiến. Đầu năm 1934, 7.000 Hồng quân cùng 1 vạn Bạch Vệ từ Trung Á kéo sang Tân Cương trong cuộc can thiệp lớn nhất vào Tân Cương trong lịch sử. Dù ban đầu, Hồng quân có những thất bại nặng nề, như trên đèo Dawan Cheng gần 100 lính Hồng quân bị đẩy xuống hẻm núi chết (sau này năm 2011 Trung Quốc mới thu hài cốt của họ về Công viên Đông Sơn an táng). Dù vậy thì đến tháng 4 năm đó, với lực lượng vượt trội, Liên Xô đã đánh bại quân Mã Trọng Anh, tiếp tục duy trì chính quyền của Thịnh Thế Tài.
Từ đó đến năm 1944, Tân Cương trên thực tế được coi là quốc gia vệ tinh thuộc Liên Xô. Nhiều bản đồ thế giới lúc đó thể hiện Tân Cương là một nước độc lập, thậm chí còn nhầm lẫn ghép Tân Cương vào lãnh thổ Liên Xô (trường hợp tương tự với Cộng hòa Tannu Tuva). Lãnh chúa Thịnh Thế Tài trở thành nhân vật trung thành được đánh giá cao bậc nhất ở Liên Xô thời đó.
Nhưng mọi chuyện đảo chiều năm 1942 Khi Liên Xô bị Đức tấn công, Thịnh Thế Tài lo sợ đã tìm cách quay sang chính phủ Trung Hòa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch. Năm 1944, khi Liên Xô bắt đầu thắng trở lại, Thịnh Thế Tài đã mời quân Tưởng vào tiếp quản Tân Cương với hy vọng sẽ giúp ông chống lại Liên Xô nếu có ý định quay lại.
Nhưng Thịnh đã tính sai, cả 2 bên đều không còn coi y ra gì. Tưởng Giới Thạch ra lệnh bắt Thịnh Thế Tài về Nam Kinh nhậm chức. Ngày Thịnh cuốn gói rời Tân Cương, hắn mang theo hàng ngàn xe tải và lạc đà trở tài sản vơ vét, trong khi dân Tân Cương đổ ra đường ăn mừng. Còn Stalin, ông cũng không còn tin dùng Thịnh, mà quay sang những người trước kia từng chống lại: người Duy Ngô Nhĩ.
Năm 1944, tại vùng thung lũng Ili – nơi định cư của quân Bạch vệ Nga, Liên Xô kích động một cuộc nổi loạn lớn chống Trung Hoa dân quốc. Nòng cốt của cuộc nổi dậy là các tướng Bạch Vệ A.Polinov và F.Leskin, cả 2 đều gốc Turk ở Trung Á. Lần này, họ thành lập Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhị, và thậm chí có quân đội riêng là Quân đội quốc gia Ili- lấy theo tên vùng thung lũng định cư của Bạch Vệ. Từ năm 1944 đến 1945, quân Đông Turkestan đã đánh bại quân Quốc dân Đảng, duy trì nền độc lập cho Tân Cương.
Do thất bại và cũng do ảnh hưởng của Stalin quá lớn sau Thế chiến 2, Tưởng Giới Thạch buộc phải đàm phán cho Đông Turkestan – mà họ gọi là Tân Cương, được độc lập hạn chế. Độc lập của Đông Turkestan được duy trì đến năm 1949. Tuy nhiên, lúc này quân PLA của Mao Trạch Đông đã đánh bại Tưởng, và định thu hồi Tân Cương. Stalin, với ý định giúp đỡ Mao, đã quyết định trả Tân Cương cho Trung Quốc. Và để thực hiện điều này, mật vụ Liên Xô đã được lệnh thực thi một nhiệm vụ bí mật. Tháng 9 năm 1949, máy bay chở các lãnh đạo cao cấp Tân Cương đến Bắc Kinh đàm phán đã bị rơi trên lãnh thổ Liên ô gần hồ Baikal. 5 thành viên chính phủ cao cấp nhất của Tân Cương thiệt mạng. Các sĩ quan KGB sau này đã công nhận Stalin đã ra lệnh khủ các lãnh đạo Tân Cương.
Cuối cùng, sau năm 1949, Cộng nhân dân Trung Hoa đã sáp nhập Tân Cương. Do các lãnh đạo Tân Cương cao cấp đã thiệt mạng, điều này không bị phản đối, kết thúc gần 20 năm độc lập của Tân Cương. Phần lớn chính quyền Tân Cương gia nhập chính quyền của CHND Trung Hoa, nhưng cũng có không ít người tìm cách tự sát, hoặc đào thoát qua Trung Á cầu xin Liên Xô quay lại.
Sau này, nhiều người ủng hộ Tân Cương độc lập thất vọng với Stalin, tuyên bố '' Stalin đã bán rẻ Tân Cương cho Trung Quốc''.
Vậy sau này nếu có hỏi: ai ủng hộ, đỡ đầu Tân Cương độc lập, cứ Stalin và Liên Xô mà trả lời!
Tham khảo: Vai trò của quân độiBạch Vệ trong đàn áp cuộc nổi dậy của người Hồi giáo Tân Cương nửa đầu của thập niên 30 Thế kỷ XX – (E.N. Nazemtseva)