CÔNG CUỘC HỒI SINH NỀN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC TRUNG QUỐC (phần 1)
Năm 1966, Mao Trạch Đông phát động cuộc Đại cách mạng văn hóa vô sản, gây nên một thời kỳ hỗn loạn chưa từng thấy trong đời sống chính trị, văn hóa và xã hội ở Trung Quốc đại lục. Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của Trung Quốc trong giai đoạn đen tối này chính là giáo dục, mà cụ thể là giáo dục đại học.
Trong quãng thời gian đỉnh điểm của Cách mạng văn hóa, hầu hết các trường học bị đóng cửa, trừ một vài cơ sở đào tạo lớn vẫn duy trì hoạt động. Ngày 21 tháng 7 năm 1968, Mao ra chỉ thị buộc tất cả các trường đại học tại Trung Quốc phải rút ngắn thời gian đào tạo sinh viên từ 4 năm xuống chỉ còn 2 năm. Quy chế tuyển sinh cũng thay đổi 360 độ, các trường bị buộc phải tiếp nhận một lượng lớn công nhân và nông dân ít học, những người này sau khi hoàn thành chương trình đào tạo 2 năm sẽ phải lập tức quay trở lại dây chuyền sản xuất. Hàng triệu thanh niên thành thị sau khi tốt nghiệp trung học đã bị gửi về các vùng nông thôn trong cái được gọi là “Phong trào Xuống Nông thôn”, trong số đó có một thanh niên tên Tập Cận Bình, chính là chủ tịch nước CHND Trung Hoa hiện nay.
Vào tháng 6 năm 1970, Mao quy định rằng tất cả các trường đại học sẽ không còn được quản lý và điều hành bởi các học giả (giáo sư, tiến sĩ..) nữa, mà thay vào đó những người công nhân, nông dân và binh lính sẽ đảm nhiệm vai trò này. Sinh viên ngoài giờ học trên lớp còn bị buộc phải dành thời gian tham gia lao động tại các nhà máy, công xưởng. Chương trình học bị cắt giảm nặng nề, trong khi khối lượng các môn học về Chủ nghĩa cộng sản và Tư tưởng Mao Trạch Đông lại tăng lên. Đến tháng 8 năm 1971 thì các kỳ thi tuyển sinh đại học chính thức bị bãi bỏ trên toàn quốc.
Khỏi phải nói những thay đổi này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của nền giáo dục đại học Trung Quốc. Ngay sau khi Tổng thống Nixon đến thăm Trung Quốc năm 1972, giáo sư trường Đại học Bắc Kinh là Zhou Peiyuan đã được yêu cầu gửi báo cáo cho thủ tướng Chu Ân Lai về tình hình khoa học Trung Quốc. Zhou Peiyuan đã báo cáo một cách thẳng thắn rằng trong tất cả các lĩnh vực khoa học, Trung Quốc đã tụt hậu nghiêm trọng so với các nước phát triển. Vào tháng 5 năm 1973, khi một nhóm các nhà khoa học Hoa Kỳ có chuyến thăm đến Đại học Bắc Kinh, trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc thời điểm đó, họ đã kết luận rằng trình độ đào tạo khoa học ở đây chỉ tương đương với một trường cao đẳng kỹ thuật của nước Mỹ.
Trước tình trạng đáng báo động đó, vào mùa hè năm 1975, Đặng Tiểu Bình, Chu Ân Lai, Hồ Diệu Bang, cùng với bộ trưởng giáo dục Zhou Rongxin và một số người khác đã rất nỗ lực và dũng cảm để tìm cách hồi sinh nền giáo dục đại học Trung Quốc.
Chu Ân Lai đã chiến đấu quyết liệt với “bè lũ 4 tên” (những kẻ cầm trịch cuộc Cách mạng Văn hóa) để đưa được Zhou Rongxin – một người có đầu óc cải cách – vào vị trí Bộ trưởng Giáo dục. Ngay sau khi đảm nhận cương vị mới, Zhou Rongxin đã ngay lập tức bắt tay vào việc phác thảo ra một kế hoạch để cải cách hệ thống giáo dục của đất nước. Để giảm nguy cơ bị Mao cản trở, Zhou đã cẩn thận nhắc lại tầm quan trọng của các môn học chủ nghĩa Mác-Lênin và các chỉ thị của Mao Chủ tịch về giáo dục.
Bộ giáo dục Trung Quốc – dưới sự chỉ đạo của Zhou Rongxin – đã xuất bản một tạp chí có tên là “Cách mạng Giáo dục”. Tờ tạp chí này đã xuất bản một loạt các bài viết nói lên hiện trạng đáng lo của nền giáo dục Trung Quốc, và ngầm phê phán những chính sách mang tính phá hoại của Mao. Trong một bài viết, Zhou mạnh dạn chỉ ra rằng những công nhân, nông dân và binh lính đang theo học tại các trường đại học sẽ chỉ đơn giản là trở về hợp tác xã nông thôn của họ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, họ không thể đáp ứng nhu cầu nhân lực của đất nước.
Đặng Tiểu Bình hoàn toàn ủng hộ Zhou Rongxin. Trong một bài phát biểu vào ngày 26 tháng 9 năm 1975, Đặng tuyên bố rằng tất cả các quốc gia trên thế giới, bất kể hệ thống chính trị của họ là gì, đều cần đến nguồn nhân lực có trình độ học vấn và tay nghề cao, ông khẳng định rằng chất lượng của các trường đại học Trung Quốc giờ đây chỉ ngang bằng gcác trường trung học ở một số nước khác. Khi một phái đoàn gồm các hiệu trưởng của những trường đại học hàng đầu tại Mỹ trình bày với Đặng một cách thận trọng rằng theo quan điểm của họ, nền giáo dục đại học Trung Quốc có những vấn đề hết sức nghiêm trọng, Đặng trả lời rằng ông hoàn toàn đồng ý với họ về điều này.
Với sự khuyến khích của Đặng, Zhou Rongxin bắt đầu soạn thảo đề án cải cách nền giáo dục đại học Trung Quốc. Trong văn bản này, Zhou đã đưa ra những đề xuất táo bạo và thẳng thắn: Thời gian đào tạo đại học phải tăng lên, các môn khoa học-kỹ thuật phải được chú trọng, thời lượng của các môn chính trị (CN Mác Leenin, Tư tưởng Mao Trạch Đông…) phải được giảm bớt để tránh bị quá tải, giới trí thức phải nhận được quan tâm và đối xử công bằng.
Zhou tin rằng với tất cả sự tâm huyết của mình, những đề xuất cải cách của ông sẽ được chấp nhận. Nhưng kết cục của ông lại vô cùng cay đắng: vào ngày 14 tháng 11, Zhou Rongxin được triệu tập đến một cuộc họp của Bộ Chính trị, tại đây ông đã bị công kích gay gắt, những đề xuất của ông bị xem là quá “thân hữu”, “tư sản”.
Sốc, phẫn nộ và đau buồn, Zhou Rongxin đã đổ bệnh và phải nằm viện trong một thời gian. Thế nhưng, sau khi xuất viện, ông tiếp tục phải hứng chịu những lời chỉ trích không ngớt từ các quan chức cấp cao khác của Đảng. Tại một cuộc họp vào sáng ngày 12 tháng 4 năm 1976, trước những lời phê bình kịch liệt nhằm vào mình, Zhou Rongxin đã ngất xỉu giữa buổi họp và sáng hôm sau ông qua đời ở tuổi 59.
Còn Đặng thì sao? Trước đó không lâu, Đặng Tiểu Bình cùng với Hồ DIệu Bang đã cùng nhau soạn thảo “quy hoạch mười năm phát triển khoa học- kỹ thuật Trung Quốc”. Trong tài liệu này, Đặng đã ca ngợi vai trò của giới trí thúc và các nhà khoa học – những người bị bài trừ trong Cuộc cách mạng Văn hóa. Đặng khẳng định rằng giới trí thức cũng chính là thành viên của “giai cấp vô sản”, khoa học và công nghệ cũng là một phần của lực lượng sản xuất. Mặc dù vẫn khéo léo dành những lời khen ngợi cho Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Mao Trạch Đông, Đặng vẫn mạnh dạn tuyên bố rằng “lý luận chính trị không thể thay thế cho khoa học”
Khi bản thảo tới tay Mao, ông ta đã tỏ ra vô cùng tức giận. Mao cảm thấy rằng Đặng đang tỏ ra quá “thiên hữu”, “xa rời tư tưởng cách mạng” và “có cảm tình với tư sản”. Bè lũ 4 tên dưới sự chỉ đạo của Mao đã tiến hành một chiến dịch gọi là “Phê bình Đặng và Phản đối Sự phục hồi của Những thành phần Cánh hữu”. Không lâu sau, Đặng cũng bị loại trừ khỏi hầu hết các chức vụ trong Đảng.
Công cuộc hồi sinh nền giáo dục của Trung Quốc có lẽ đã tan thành mây khói? Hãy chờ đến Phần 2 để biết thêm những diễn biến tiếp theo
Nguồn: Tổng hợp từ cuốn “Deng Xiaoping and the Transformation of China” và chị Google.