Xuyên suốt lịch sử nhân loại, biết bao nhiêu kẻ già trẻ lớn bé đã cố chinh phục thử thách này, nhưng không một ai thành công. Sau khi vẽ được một vòng tròn hoàn hảo ngay từ lần thử đầu tiên, bạn cuối cùng cũng hiểu hành động của mình đã gây ra hậu quả gì.
____________________
Dĩ nhiên, đó là chuyện không thể.
Đâu đó trong nhà, mẹ vẫn còn lưu giữ video về tôi. Tôi gần ba tuổi, đôi mắt vô hồn lấp lánh tia sáng, nhìn chằm chằm vào tờ giấy, tay vẽ hết vòng tròn này đến vòng tròn khác.
“Con bé đang vẽ kìa”, phía sau camera, mẹ thầm thì. “Quả thật là có tác dụng.”
Tôi dời tầm mắt sang bà, tay vẫn không ngừng vẽ. Máy móc, mê hoặc.
Đó là lần đầu tiên tôi cầm bút. Trang giấy giờ dày đặc những vòng tròn hoàn hảo. Tay tôi cứ mải miết vẽ, kể cả lúc mắt nhìn chằm chằm vào người phụ nữ mình gọi là Mẹ.
Trước đêm bỏ nhà ra đi, tôi đã cố tìm lại cái video đó, và cả những video khác nữa, để tiêu hủy chúng. Đêm mà, tôi hét vào mặt bà sao mẹ có thể, sao mẹ có thể, sao mẹ có thể.
Bà giấu hết chúng đi. Video từ lúc tôi chập chững tập đi đến khi từng nhịp tôi bước đều hoàn hảo. Video lúc tôi bốn tuổi, di chuyển như một vận động viên thể dục dụng cụ chuyên nghiệp. Rồi ném phi tiêu luôn trúng hồng tâm. Một số video được bà up lên trang web của Viện, nhưng đa phần chúng đều được giấu kín trong văn phòng bà – những lần nghiên cứu, những thí nghiệm dự đoán các “lần thử đầu tiên” bất khả và hoàn mỹ của tôi.
Lúc tôi tìm chúng – lật tung các ngăn kéo lên để tìm chúng – lúc thế giới quanh tôi đổ nát thành bụi, thì bà đứng đó lắc đầu, như thể tôi là một lỗi sai khó chịu trong cuộc đời bà.
Câu cuối cùng bà nói với tôi là, “Tao thật sự đã nghĩ mày giỏi giang hơn thế này.”
Con cũng vậy, Mẹ à. Trong biết bao người trên cõi đời này, con chưa từng nghĩ người phản bội con sẽ là mẹ.
—
Khi lên sáu, tôi xuất hiện trên tivi, tại một talkshow buổi sáng nào đó.
Dưới sân khấu là một dãy đèn chói đến lóa mắt. Phía sau dãy đèn ấy, khán giả trông như một bức tường được dựng lên từ bóng đêm.
Mẹ ngồi cạnh tôi, mặc bộ váy mới, bộ váy bà mua chỉ để dành riêng cho hôm nay. Váy của tôi cũng thế. Tôi thấy đôi mắt sáng ngời của mình phản chiếu lại trên đôi giày da bóng loáng.
Người dẫn chương trình bảo tôi, “Giờ thì, Gracie, cho chúng ta xem khả năng đặc biệt của con nào.” Ông ta giơ tấm bảng và bút chì lên trước ống kính, như thể mình là trợ lý của ảo thuật gia. “Với những ai đang xem qua tivi, đây chỉ là giấy bút bình thường. Sao con không cho chúng ta chiêm ngưỡng thứ làm con trở nên đặc biệt nhỉ?”
“Làm đi, Gracie.” Mẹ tôi thì thầm. Mồ hôi chảy ròng ròng xuống thái dương bà. “Cho họ thấy đi.”
Giờ nghĩ lại, tôi không rõ vì sao khi ấy không ai nhận ra. Mỗi khi say xỉn, tôi lại xem lại buổi quay đó. Cánh tay nhỏ xíu của tôi trượt dần xuống, mắt tôi ngập tràn ánh sáng, vô cảm dõi theo đôi tay khi nó vẽ một loạt các vòng tròn hoàn mỹ, những quả trứng vô hồn chẳng bao giờ có thể nở.
Tôi giơ ra cho khán giả xem và họ bắt đầu vỗ tay.
Người dẫn chương trình cầm thứ gì đó lên từ trên bàn. Một thứ gì đó nặng trịch hình nêm và kêu răng rắc khi lướt ngang qua người tôi, như một con chó săn.
“Thấy chưa?” ông ta nói. “Không gắn kim loại. Đây là cô gái có thể làm điều bất khả thi.”
Khán giả ồ lên và vỗ tay, còn tôi thì chỉ đứng nhìn chằm chằm vào thứ đó, tự hỏi ý ông ta là sao.
Về sau tôi hỏi mẹ ông ta nói vậy nghĩa là gì.
Bà chỉ nở một nụ cười đầy khó hiểu, rồi nói, “Chú ấy chỉ đang làm chương trình cho mọi người xem thôi con yêu à.”
Tôi tin bà. Ngây thơ, đần độn, mù quáng tin vào mẹ mình. Niềm tin chỉ trẻ con mới có. Tôi đã tin bà.
—
Lần đầu tôi được nghe đến từ robot là lúc lên mười.
Khi ấy tôi đã nổi tiếng rồi. Tôi luôn làm được những việc tưởng chừng không thể. Tôi là đứa trẻ dẻo dai, nhanh nhẹn, tài hoa, sáng tạo, năng suất, có thiên phú nhất hành tinh. Tranh của tôi được treo trong Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan. Mẹ tôi sớm đã liên lạc với đội ngũ huấn luyện vận động viên Olympic. Bài tôi viết được đăng trên tờ The New Yorker, những bài viết trông như thể do chính các bậc lão làng chấp bút.
Khi một trong số các bài tập nhào lộn mẹ biên đạo cho tôi lại tràn lên mặt báo, đây là cách họ miêu tả tôi: như robot, hệt như robot, cứ như là không có thật.
Ban đầu tôi nghĩ đó là một lời khen.
Dĩ nhiên tôi nào phải robot. Tôi có chảy máu, tôi có nhịp tim, tôi có đói bụng, tôi có mọi thứ mà một con người có, tôi chỉ hoàn hảo mà thôi.
Mẹ bảo tôi, “Đó là cách người ta gọi những thứ họ không hiểu nổi.”
Đôi khi tôi muốn quay ngược thời gian để lay người mẹ, để tra khảo bà tại sao bà lại để chuyện như thế xảy ra, tại sao bà lại đánh cược nhiều đến thế trong khi kẻ nhận lấy hậu quả chỉ có duy nhất mình tôi.
Nhưng nơi duy nhất tôi có thể quay lại chỉ có chốn này, ở góc hành lang tối tăm nằm trong tâm trí, nơi ký ức tôi được lưu trữ như những cuộn phim.
Tôi ước gì mình có thể vứt bỏ hết chúng, đốt chúng thành tro.
Người thường sẽ làm gì khi họ muốn quên đi?
—
Tôi biết được sự thật nhờ một tờ báo lá cải trong tiệm tạp hóa. Khi ấy tôi mười bốn tuổi, đứng cạnh giỏ hàng của mẹ, mắt đang quét một lượt qua đống tạp chí.
Tôi không có bạn. Cũng không đến trường học. Tôi chẳng có gì ngoài công việc và luyện tập. Mẹ bảo tôi quá đặc biệt, tôi không thể phí thời gian vào những thứ mình biết còn tường tận hơn giáo viên, thế nên tôi chưa từng học cách nói chuyện với người cùng trang lứa. Hay là, cách kết bạn.
Và cũng bởi vậy nên tôi chỉ có thể nói với mẹ khi tôi thấy gáy mình được in lên mặt báo. Gió thổi tóc tôi bay tán loạn, và một ai đó, paparazzi hay người nào đó, đã chụp lại.
Trên đầu tôi có một vết sẹo lởm chởm. Nhạt màu, trơn bóng, rõ dấu vết phẫu thuật.
Tờ báo đó giật tít: PHẢI CHĂNG CÔ GÁI BẤT KHẢ CŨNG CÓ BÍ MẬT?
Mặt mẹ tôi cắt không còn giọt máu.
“Đồn bậy đồn bạ,” bà nói nhỏ với tôi. “Đừng tin chúng.”
Lúc về đến nhà, tôi ào vào phòng tắm, trên tay là cây kéo và dao cạo của mẹ. Tóc tôi trông ra sao chẳng quan trọng. Chuyện gì cũng chẳng quan trọng, ngoại trừ sự thật.
Tôi cắt sạch tóc mình, mặc chúng rơi lả tả quanh người, rồi cạo nốt phần còn lại, chỗ gần với vết sẹo. Tôi bây giờ như phát rồ, tóc lởm chởm chỗ có chỗ không, còn ánh sáng trong đôi mắt kia lại đang rung lên, xoay tròn.
Tôi quay người lại và nhìn vào gương. Nó đây rồi. Một vết sẹo nằm sau xương sọ. Nhạt màu, sáng bóng, trông già cỗi.
Cửa phòng tắm bật ra. Mẹ tôi chạy vào, mặt đỏ gay vì cơn thịnh nộ.
“Mày đã làm gì?” bà rít lên.
—
Tôi sẽ không kể lại nội dung cuộc cãi vã đó. Tôi gào và bà thét và đóng sầm cửa trước mặt nhau và não tôi đông cứng lại và bốc cháy như một chiếc máy tính cũ mèm đang tự mình rút ngắn tuổi thọ của nó.
Tôi chỉ hỏi bà, “Con có thật không? Có thật không?”
Bà không bao giờ trả lời.
Nhiều năm sau đó, tôi cũng tự mình tìm được lời giải. Sau khi đã bỏ nhà ra đi. Sau khi truyền thông phỉ nhổ rằng chúng tôi là lũ lừa đảo, lũ dựng chuyện, sau khi mẹ bắt đầu nhìn tôi như thể tôi là kẻ không mời mà đến trong chính ngôi nhà này.
Tôi nhận được câu trả lời khi đang ngồi tại một quán ăn trưa ở New York trong giờ nghỉ. Tôi đã nhuộm mái tóc ngắn cũn cỡn của mình. Tôi không bao giờ nhìn vào mắt người khác. Khi sếp hỏi làm sao tôi không bao giờ quên bất cứ chỉ thị nào, tôi chỉ nhún vai và nói rằng sở trường của tôi là ghi nhớ mọi chuyện.
Nhưng rồi khuôn mặt của mẹ tôi xuất hiện, sau màn hình chiếc tivi thùng treo trong góc. Lớp trang điểm của bà trông như một lớp mặt nạ. Một tấm khiên.
Chạy phía dưới là tiêu đề NHÀ KHOA HỌC BÁN SÁNG CHẾ CẤY GHÉP THẦN KINH VỚI GIÁ 35 TRIỆU ĐÔ
“Khi đó chúng tôi không thể công bố được. Con bé là công trình nghiên cứu bí mật. Tôi có ước mình đã làm khác đi không à? Có chứ.”
Tim tôi thắt lại, như thể có bàn tay nào đó vừa cầm lấy nó vặn.
“Tôi ước gì mình đã không lừa dối các bạn. Nhưng thí nghiệm này cần phải được chứng thực. Làm sao tôi có thể chắc chắn rằng con bé có thể qua mặt tất cả mọi người nếu không làm như thế?
Các người dẫn chương trình bật cười. Khán giả cũng thế.
Tôi thì không.
“Bí mật của bà là gì?” một người dẫn chương trình hỏi.
“Tôi thiết kế và đưa một con chip siêu nhỏ tương thích với mạng lưới thần kinh vào thân não con bé khi nó được hai tuổi. Lúc đó nó mắc một rối loạn về hệ thần kinh. Mục đích của con chip là để giúp não con bé biết cách tập đi. Tôi chưa từng nghĩ nó sẽ hoạt động tốt ngoài sức tưởng tượng như thế. Giờ đây các ứng dụng của y học và công nghệ đã thật sự vô tận, theo đúng nghĩa đen.”
Bà có lưu trữ những video quay tôi trước lúc được cấy chip. Chập chững tập đi, bập bẹ tập nói, bình thường như mọi đứa trẻ khác. Sự can thiệp của y tế cái con khỉ.
Miếng sandwich trong miệng tôi trở nên khô khốc như ngói. Tôi lại chỗ thùng rác, quăng nó thẳng vào đó. Và nhổ cả mớ còn lại trong miệng ra.
“Gracie giờ đang đâu rồi?” một người khác hỏi.
“À, đang vui vẻ ở nhà. Lên kế hoạch mang đến cho mọi người một bất ngờ lớn.”
Tôi bước ra khỏi quán, không nói thêm lời nào. Sau giờ nghỉ trưa, tôi cũng không quay lại nơi làm việc.
Tôi chẳng bao giờ trở lại nữa.
…
Bạn có thể hỏi rằng tại sao tôi lại không lên sóng truyền hình để kể góc nhìn của mình. Có lẽ đó cũng có cùng lý do với việc tại sao mẹ chưa từng đi tìm tôi.
Chuyện đã được kể rồi. Xong hết rồi. Qua lời của mẹ tôi, cả thế giới sẽ chỉ biết đến một cô gái nhỏ lạ kỳ và vui tươi, người có thể làm bất cứ chuyện gì, người luôn yêu việc làm một vật thí nghiệm bí mật.
Nhưng nhìn tôi này. Một người lạ trên tàu điện ngầm, với đôi mắt ngập tràn ánh sáng của những điều không thể.
Tôi thấy mọi thứ. Tôi nhớ tất thảy. Trí óc tôi là một kho tàng, và tôi ở đó, đơn độc một mình.
Giờ tôi tìm kiếm những thứ thất lạc. Một số tôi giữ, khi nguồn gốc của chúng vẫn còn là bí ẩn: đồ chơi bị rơi mất, hay trang sức, hay quà lưu niệm. Những mảnh vụn vặt của những cuộc đời xa lạ. Mỗi khi nhận ra người nào đó từ ký ức nhiều tuần hay nhiều tháng trước, tôi lại làm điều bất khả duy nhất mình vẫn còn để tâm đến.
Tôi để chúng lại ở chỗ làm của họ. Hoặc nhà họ. Không ghi chú, không động tĩnh.
Tôi chỉ muốn cho họ vài phép màu nho nhỏ trong đời. Chút niềm vui, chút thắc mắc. Khoảnh khắc khuôn mặt họ bừng sáng như thể vừa tìm thấy món quà tuyệt nhất trần đời, tôi thấy mình được tiếp thêm sức sống. Và ít đi một chút cô đơn.
Có lẽ một ngày nào đó có người cũng sẽ nghĩ tôi là một món đồ thất lạc vất vưởng tại ga điện ngầm, và họ sẽ đưa tôi về nhà, kề bên tôi, đi cùng tôi qua hết hành lang trong trí óc, nhất là đoạn đường tăm tối đó, nơi có bí mật của mẹ đứng chờ.
Không gì là không thể mà, nhỉ?