Du lịch Lâm Đồng: Loài cây khổng lồ cao hơn 10m, tán rộng 100m2 nhưng nở hoa “toàn phần”
Hoa phượng vàng “ăn khách” bởi sắc vàng tạo cảm giác tươi mới, căng tràn sức sống. (Ảnh: Nguyễn Xuân Vĩnh)
Được mệnh danh là “thủ phủ trà xanh” với những trang trại trà phủ trong sương mù, cao nguyên Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) còn khiến hành trình xê dịch của những “đôi chân không mỏi” trở nên hào hứng, thú vị và rộn ràng hơn bao giờ hết bởi sắc màu của những loài hoa rợp trời nở rộ theo từng mùa.
Đến xứ B’lao vào những ngày đầu Xuân, tô điểm trên nền xanh tươi của núi rừng hùng vĩ, có một sắc vàng đang “căng tràn sức sống” dưới ánh nắng mặt trời khiến du khách dường như bị “hớp hồn” bởi vẻ đẹp hoàn mỹ chỉ có tại vùng đất cao nguyên này. Đó là hình ảnh của hoa phượng vàng, một loài hoa đặc biệt cả về tên gọi cho đến màu sắc, kích thước.
Người “hồi sinh” phượng vàng duy nhất ở xứ B’lao chia sẻ về độ quý hiếm của cây. (Clip: Nguyễn Xuân Vĩnh)
Là người con của “thành phố sương mù” – nơi hội tụ của sự mát mẻ và mộc mạc trong lòng Tây Nguyên, anh Nguyễn Xuân Vĩnh (sinh năm 1991, Bảo Lộc) có một tình yêu mãnh liệt với loài hoa mang biểu tượng mùa xuân của quê hương.
Phượng vàng trở thành “nguồn cảm hứng bất tận” cho nhiếp ảnh gia và các “nàng thơ” thỏa sức tạo dáng. (Ảnh: Nguyễn Xuân Vĩnh)
Chia sẻ với Dân Việt, anh Vĩnh cho biết: “Phượng vàng rất đặt biệt vì chiều cao của cây thường là từ 10m đến vài chục mét, tán rộng đến cả 100m2, là một trong những loài cây khổng lồ nhưng lại ra hoa toàn phần. Tức là khi ra hoa, cây sẽ bỏ hết lá, thay toàn bộ màu xanh của lá bằng màu vàng của hoa. Chính vì thế mỗi khi ra hoa, cây sẽ làm nổi bật cả một vùng, từ cách xa vài km vẫn có thể thấy được sắc vàng đang bung nở”.
Phượng vàng còn được gọi là hoa Phật Y (áo Phật), một loại cây họ đậu (tên khoa học là Schigolobium excelsum) có xuất xứ từ đất nước phật giáo Tịch Lan (Sri Lanka). Người Pháp mang 2 cây phượng vàng đến trồng tại Thảo Cầm Viên và Bảo Lộc vào năm 1929, nhưng cho đến năm 1945, chỉ còn lại một cây ở xứ B’lao ra hoa, khoe sắc vàng rợp một vùng trời.
Khi ấy, thầy giáo Bùi Văn Tho – giảng dạy tại Trường Trung học Nông Lâm Súc những năm 1970 -1975 nảy ra ý tưởng “nhân bản” những cây phượng vàng con và gửi tặng cho các trường học, chùa, nhà thờ ở xứ B’lao. Dù cây phượng gốc của người Pháp mang đến đã bị cơn mưa giông và lốc xoáy “càn quét” làm gẫy đổ vào năm 2007, nhưng 20 cây con được “nhân bản” đem hiến tặng đã bừng nở rực rỡ, trở thành một “hiện tượng lạ” ở “thủ phủ lá chè” Bảo Lộc.
Khi Xuân về, hoa phượng vàng nơi nhà thờ Tân Thanh bước vào thời kỳ nở rộ nhất. (Ảnh: Nguyễn Xuân Vĩnh)
Lý giải về độ quý hiếm của phượng vàng, ông Bùi Văn Tho cho biết: “Hoa phượng vàng quý là bởi vì người ta trân trọng, bao nhiêu người đến để xem cây phượng vàng và muốn có được một hình ảnh đối với cây phượng, tôn cao, tôn xưng nó. Còn hiếm là đến giờ này, khi mà chúng tôi biết được cây phượng vàng, gần gũi với cây phượng vàng 25 năm rồi, qua rất nhiều các quá trình ươm trồng. Nhưng mà tôi nói thật với các bạn, đến giờ này, cả Việt Nam tôi chắc chắn là chưa có được 100 cây đang nở hoa”.
Phượng vàng cùng họ với phượng đỏ; thân, lá và hoa cũng gần giống nhưng lại nở hoa vào mùa xuân. (Ảnh: Nguyễn Xuân Vĩnh)
Điều đặc biệt khiến du khách phải “chớp thời cơ” đến “săn” hoa phượng vàng bởi thời gian khoe sắc kéo dài khoảng 30 ngày, thường ra hoa vào đầu Xuân. Thời điểm này tại Bảo Lộc, hoa phượng đang bung nở rực rỡ nhất, tô điểm cho vùng đất cao nguyên một nét chấm phá đẹp “khó cưỡng”.
Du lịch Lâm Đồng: “Cơn mưa vàng” trút xuống tạo nên khung cảnh đẹp như trong truyện cổ tích
Hoa nở thành từng chùm, tạo nên những mảng màu sống động giữa nền xanh của núi rừng và trời cao. (Ảnh: Nguyễn Xuân Vĩnh)
Chia sẻ về kinh nghiệm “săn” phượng vàng, anh Vĩnh cho hay: “Để ngắm phượng vàng nên nắm được thời gian ra hoa của cây. Hoa chỉ nở khoảng 30 ngày, khoe sắc rực rỡ trong 15 ngày đầu và bắt đầu rụng ở những ngày tiếp theo. Trong 15 ngày đầu, hoa còn trên cây, đứng dưới tán phượng vàng khổng lồ trên nền xanh của những ngày đầu xuân ở Bảo Lộc là cảm giác thật sự rung động.
Trong 15 ngày tiếp theo, cây bắt đầu rụng hoa, thời gian này sẽ ngắm hoa theo kiểu khác ngắm “những cơn mưa màu vàng”. Tôi ngồi dưới gốc phượng, từng đợt gió ập đến, những cơn mưa hoa trút xuống tạo ra khung cảnh hệt như trong truyện cổ tích. Thời điểm này cũng sẽ xuất hiện những con đường, những thảm hoa màu vàng bên dưới gốc phượng rất tươi mới và tràn ngập sức sống”.
Khi rụng, muôn vàn cánh phượng ken dầy, tạo thành thảm hoa trải dọc con đường đi. (Ảnh: Nguyễn Xuân Vĩnh)
Ngoài tu viện Bát Nhã – sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc và thiên nhiên thì nhà thờ Tân Thanh, nông trường Tâm Châu, bảo tàng đá, đầu đèo Bảo Lộc, đường vào Sen Villa là top những địa điểm ngắm phượng vàng nổi tiếng và đẹp tại Bảo Lộc mà các “tín đồ sống ảo” không thể bỏ lỡ. Riêng nông trường Tâm Châu có vé vào cổng với mức giá 80.000/người và bảo tàng đá Hoa Tài Ngọc Châu là 30.000 đồng/người, tất cả các địa điểm ngắm phượng vàng còn lại đều cho phép vào tham quan miễn phí.
Các địa điểm cách xa nhau, chia thành 2 hướng chính: hướng thác Dambri (tu viện Bát Nhã, nông trường Tâm Châu) và hướng trung tâm (nhà thờ Tân Thanh, Trường Cao Đẳng Bảo Lộc, đường Huỳnh Thúc Kháng, nhà thờ Tân Hà, bảo tàng đá).
Loài hoa mang vẻ đẹp tươi sáng khiến nhiều “tín đồ sống ảo” không thể chần chừ mà đặt chân đến xứ B’lao để “săn” đúng thời điểm. (Ảnh: Nguyễn Xuân Vĩnh)
Theo anh Vĩnh, phượng vàng là loài hoa đặc biệt nở vào đúng dịp Tết Nguyên đán 2025 nên thu hút lượng khách du lịch đông đảo. Nhiều du khách phương xa lựa chọn đến xứ B’lao để check-in dưới tán phượng khổng lồ rợp sắc vàng, thả mình vào không gian thoáng đãng của thiên nhiên, chiêm ngưỡng cánh rừng thông bạt ngàn tỏa sắc xanh đan xen và chậm rãi lắng nghe tiếng chim hót vang vọng giữa không gian bao la.
Đứng dưới tán phượng vàng khổng lồ, đợi những cơn gió đến, để “cơn mưa vàng” trút xuống hệt như khung cảnh trong truyện cổ tích. (Ảnh: Nguyễn Xuân Vĩnh)
Được trồng nơi cửa Phật, phần lớn du khách đến tu viện Bát Nhã để ghi lại những hình ảnh đẹp nhất với loài hoa đặc biệt phượng vàng, đồng thời tham quan kiến trúc Á Đông với phần tường gạch được sơn vàng, thiết kế mái ngói cong điêu khắc hình rồng uốn lượn nơi tu viện.
Ngắm phượng vàng còn là để tận hưởng không gian yên bình, tĩnh lặng nơi cao nguyên hoang sơ. (Ảnh: Nguyễn Xuân Vĩnh)
Với những con đường rực rỡ sắc vàng, cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ mang vẻ đẹp mộc mạc nhưng cũng đầy quyến rũ, du khách sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời và khó quên khi đến với xứ B’lao. (Ảnh: Nguyễn Xuân Vĩnh)
Nở cùng thời điểm với phượng vàng là hoa xác pháo mang sắc cam rực rỡ và bắt mắt. Sau “mùa vàng” của hoa phượng, xứ B’lao sẽ “khoác lên mình tấm áo mới” mang sắc hồng gây thương nhớ của hoa kèn hồng – một loài hoa trên cây thân gỗ đầy ấn tượng.