CON MÈO NHỎ CỦA LANG TIÊN SINH – Phần 01

01.

Năm tôi 18 tuổi, nương tựa vào một lão đại 40 tuổi kiên cường, rắn rỏi.

Đúng vậy, không phải là một tên già lắm tiền, mà là một lão đại. Cả đám anh em đều gọi chú là anh Lang. Còn ở đây tôi sẽ gọi chú là Lang tiên sinh.

Tôi không có bất kì ký ức gì về lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, khi đó tôi cũng không có tên, tất cả đều là sau này chú cho tôi.

18 năm trước, chúng tôi gặp nhau tại một buổi hôn lễ, chú rể là một người anh em của Lang tiên sinh, cô dâu là một người chị giàu lòng thương người.

Người chị đó tên là Giang Phi, mở hiệu sách nhỏ trước cổng một trường Đại học ở Tế Nam. Cuối năm ấy chị phải kết hôn nên muốn thuê một người trông hiệu sách cho chị trong một khoảng thời gian ngắn. Không hiểu thế nào, tôi lại xông vào hiệu sách của chị.

Giang Phi kể lại, lúc đó tôi đúng là người không ra hồn người, sắc mặt trắng bệch, trên đầu có băng cứu thương, không nhớ được mình là ai. Nhưng vì tôi rất đói, cần tìm một chỗ để cho tôi ăn cơm, đúng lúc mấy người ở quán cơm bên cạnh bảo là hiệu sách của chị đang tuyển người làm việc, nên tôi mới đến.

Giang Phi cũng gan to thật, không chỉ nhận tôi vào làm, đưa tôi đi bệnh viện thay băng gạc, lại còn giúp tôi đi tìm lại người thân, nhưng kết quả là không thể tìm thấy, nên lúc chị đi lấy chồng, cũng đưa tôi đi cùng luôn.

Vì chị thấy chất giọng đặc mùi Đông Bắc của tôi nghe rất giống với anh chồng sắp cưới của chị, nên muốn nhân cơ hội này để đưa tôi đi tìm ít manh mối.

Chị thật sự rất lương thiện, nói với người nhà rằng tôi là bạn chị, còn mua cho tôi một chiếc mũ bông vô cùng đẹp để che vết thương trên đầu tôi đi.

Tôi cùng chị leo lên tàu hỏa, hướng về phương Bắc, sau mười mấy tiếng đồng hồ chòng chành, đã đặt chân tới thành phố công nghiệp cũ – nơi mà sau này tôi sẽ bám rễ ở đó. 

02.

Ngày tổ chức hôn lễ có rất nhiều khách là quân nhân xuất ngũ, trong đó Lang tiên sinh là người có khí chất mạnh mẽ nhất. Giang Phi nói, bọn họ đều là thành viên của Chiến đội Thiên Lang, và Lang tiên sinh chính là lão đại của bọn họ.

Nghe có vẻ vô cùng lợi hại, từ lúc đó tôi đã bắt đầu thấy cung kính nể phục Lang tiên sinh rồi.

Khuôn mặt chú sạm đen, góc cạnh sắc lẹm như dao, đôi mắt sâu thẳm và sắc sảo, chữ Xuyên giữa hai hàng lông mày như vô hình biểu hiện ra thái độ – “Đừng động đến tôi!”

Chú rất ít nói, không hay cười, nhưng khi bước lên sân khấu để làm người chứng hôn, mở miệng ra là một tràng lời hay ý đẹp, nói rằng những cô gái tốt đều bị đám anh em cuỗm hết rồi, để lại một người độc thân là chú đến làm người chứng hôn, khiến chú cảm thấy rất áp lực.

Lời này không chỉ khiến cho cô dâu chú rể và khách mời ôm bụng cười, mà còn khiến cho chính chú phì cười. Chú cười lên nhìn rất đẹp, y như Nhậm Đạt Hoa trong phim điện ảnh Hồng Kông.

Vì chú mà tôi mới trở thành fan của Nhậm Đạt Hoa. Ấn tượng của tôi về chú, đã chuyển từ sự kính nể tận trong xương tủy, thành sự yêu thích xuất phát từ đáy lòng, nghe đúng là có chút phức tạp.

Họ hàng hai bên gia đình bắt đầu trò chuyện, nhà chồng Giang Phi nghe thấy chất giọng vùng Đông Bắc của tôi, bèn hỏi xem tôi là họ hàng gì của Giang Phi.

Tôi không biết nói dối, nên có thế nào trả lời thế nấy. Nét mặt của mẹ chồng Giang Phi không còn tự nhiên được nữa.

Giang Phi thấy vậy, bèn kể lại thẳng thừng lai lịch của tôi, đồng thời cũng nhờ người thân, bạn bè có mặt tại hôn lễ nghe ngóng hộ, xem có nhà nào lạc mất đứa con gái này không.

Mọi người bắt đầu rỉ tai thì thầm, bàn tán đủ tất cả mọi thứ. Nhà mẹ đẻ Giang Phi cũng không vui vẻ được nữa, nói cô từ nhỏ đã rất dễ mềm lòng, không biết cách từ chối người khác, luôn khiến cho bọn họ lo lắng.

Trong lúc tôi đang không biết nên nói gì, Lang tiên sinh vốn trầm mặc bỗng lên tiếng: “Trên đầu quấn băng gạc, có khi nào là chạy ra từ bệnh viện không?”

Lời này của Lang tiên sinh như đánh thức tất cả mọi người. Giang Phi vỗ vào đầu mình, tự mắng bản thân ngốc quá, lúc ấy chỉ mải hỏi thăm mấy nhà xung quanh mà không hề nghĩ gì đến bệnh viện, đợi khi nào hai vợ chồng về nhà bố mẹ vợ sẽ đưa tôi đến bệnh viện hỏi thử xem.

Giang Phi vừa dứt lời, hai bên gia đình đều hoảng hốt, liên tục nói không được làm thế đâu. Đôi vợ chồng vừa mới kết hôn, ai lại chạy đến bệnh viện, không may mắn. Còn có người đưa 200 tệ bảo tôi tự mua vé tàu mà về.

“Mấy hôm nữa tôi có việc phải đến kho hàng ở Tế Nam, để tôi đưa con bé về cho.” – Không ngờ Lang tiên sinh lại đứng ra chịu trách nhiệm lo cho đứa như tôi.

Giang Phi vui mừng ra mặt, nhưng vẫn thấy rất áy náy: “Thôi ạ, không dám gây thêm phiền phức cho anh đâu, anh bận thế mà…”

Lang tiên sinh xua tay, nhìn vào mắt tôi: “Tôi đưa cháu về Tế Nam, có sợ không?”

Tôi lắc đầu.

Ngày hôm sau, tôi cùng Lang tiên sinh bước lên chuyến tàu trở về Tế Nam.

03.

Vì là chuyến tàu đêm nên chú mua hai vé giường nằm. Sau khi lên tàu, ăn cơm xong xuôi thì trời đã tối rồi, chú bảo tôi lên giường ở tầng trên ngủ, có việc gì thì cứ gọi chú, chú ở ngay bên dưới.

Cả quãng đường tôi cứ mơ mơ màng màng, mỗi lần mở mắt ra đều thấy chú đang ngồi bên cạnh cửa sổ, hoặc là cúi đầu ngủ gật, hoặc là ngắm cảnh đêm bên ngoài cửa sổ. Bóng người cường tráng giữa đêm tối, mang lại cảm giác rất an tâm.

Sáng hôm sau, chúng tôi đã đến Tế Nam. Sau khi ăn xong bánh nướng nhân thịt và bát hoành thánh nóng hổi ở quán ăn bên đường, Lang tiên sinh đưa tôi về hiệu sách, còn chú thì đi ra ngoài có việc.

Tôi ngồi trong hiệu sách đợi nửa ngày trời, cuối cùng cũng thấy chú quay lại, đưa tôi đến một bệnh viện cách đó hơn ba trạm xe buýt.

Một bác sĩ khá trẻ tuổi nhìn thấy tôi liền gật đầu lia lịa, nói với Lang tiên sinh rằng đúng là tôi rồi, còn hỏi tôi còn nhớ bệnh viện này không.

Tôi lắc đầu, trong não không hề có chút kí ức nào.

Bác sĩ lại đặt một tập bệnh án trước mặt, hỏi tôi có nhớ lại được gì không.

Tôi lướt mắt qua tập bệnh án, thấy bên trên có viết tên của một cô gái, 18 tuổi, do không may chấn thương hộp sọ nên được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Tôi không hề có chút ấn tượng gì với cái tên này, cũng không cảm thấy cô gái ghi trên này là tôi, hoàn toàn vô cảm với tập bệnh án này.

Bác sĩ nhìn thấy vẻ mặt thờ ơ của tôi, thở dài nói tình trạng này cũng không hiếm gặp. Lúc tôi được đưa đến đã trong tình trạng hấp hối rồi, hoàn toàn không có ý thức. Tuy đã được cứu sống, nhưng đại não bị tổn thương nghiêm trọng, kèm theo các chấn thương khác trên cơ thể, với tình hình này, trong thời gian ngắn rất khó có thể hồi phục lại trí nhớ, cũng không dám bảo đảm trong thời gian dài hơn có thể khôi phục.

“Cô bé được đưa đến đây trong tình trạng rất nguy kịch, mấy lần tim ngừng đập, bà mẹ thậm chí còn muốn từ bỏ việc cứu sống cô bé. Cả nhà cãi nhau ầm ĩ, sau đó cô bé tỉnh lại, nhưng mất đi trí nhớ. Bà mẹ không trả nổi tiền viện phí, chúng tôi còn có thể thông cảm được, nhưng sao lại có thể quá đáng đến mức len lén dẫn con vứt ra ngoài đường chứ?” – Bác sĩ lắc đầu ngao ngán, cất bệnh án đi.

Lang tiên sinh cau mày, “Tại sao người nhà cô bé lại cãi nhau?”

“Ông nội cô bé mắng mẹ cô bé tàn nhẫn, ngăn cản không cho con thi Đại học. Mẹ cô bé nói rằng tại ông nội lắm mồm, đã kể với cô bé những thứ không nên kể. Dù sao mỗi người nói một kiểu, chúng tôi cũng không tiện hỏi…”

Ồ, thì ra là tôi bị vứt bỏ! Tôi đứng một bên nghe, biết rằng họ đang nói về tôi, nhưng cũng giống như đang nghe chuyện của người khác, trong lòng không hề có chút lăn tăn nào.

Lang tiên sinh hỏi thêm vài câu, rồi gật đầu chào tạm biệt bác sĩ, đưa tôi rời khỏi khỏi bệnh viện. Chúng tôi đi bộ dọc theo một con phố dài trồng đầy cây tiêu huyền, rồi dừng lại ngồi dưới một tán cây.

“Chuyện này của cô bé có chút phiền phức, có lẽ trong thời gian ngắn không thể tìm được nhà của cháu đâu…” – Lang tiên sinh nhìn tôi, định nói thêm gì nữa nhưng lại thôi.

Tôi mỉm cười, giả vờ ung dung nói: “Cháu không muốn biết cháu là ai nữa, nghe đã thấy số phận không may mắn gì.”

“Ừ, đúng là hẩm hiu thật!” – Lang tiên sinh cười – “Nhưng cháu vẫn còn nhỏ, vẫn phải đi học chứ. Phải học thì mới có thể thay đổi được số phận.”

“Chẳng phải bác sĩ nói mẹ không cho cháu thi đại học sao?” – Tôi vẫn nhớ rõ đoạn đối thoại với bác sĩ ban nãy.

“Vậy thì ít nhất cháu cũng phải biết mình là ai, phải quay lại làm thẻ căn cước chứ.”

“…” – Tôi cũng muốn có thẻ căn cước, nhưng biết tìm người nhà ở đâu bây giờ?

Tôi ngồi trên con phố xa lạ, trước mắt và trong tim đều thấy mù mờ.

Im lặng hồi lâu, tôi thấy Lang tiên sinh không có ý định vứt tôi ở lại, bèn lấy hết can đảm hỏi: “Chú cho cháu đi theo chú được không? Khi nào nhớ ra nhà ở đâu, cháu sẽ rời đi.”

“Đi theo tôi sẽ vất vả lắm, cháu dám không?” – Lang tiên sinh trầm tư một lát, nhìn vào mắt tôi, nghiêm túc hỏi.

Tôi cũng nhìn vào mắt chú, gật đầu: “Cháu không ngại khó, cũng sẽ không gây rắc rối cho chú đâu!”

Lang tiên sinh cười, vuốt tóc tôi: “Ngoan vậy hả, từ giờ cứ gọi cháu là ‘con mèo nhỏ’ đi.”

04.

Tôi không hề ngoan, mà là đang sợ hãi.

Ngay cả khi không có trí nhớ, tôi vẫn tự biết tính toán cho bản thân.

Tôi biết chị Giang Phi đã kết hôn rồi, người trong gia đình bàn ra tán vào, sau này chị muốn giúp tôi cũng sẽ phải kiềm chế sao cho vừa lòng người nhà.

Nhưng Lang tiên sinh thì khác, chú một thân một mình, và cũng là người duy nhất sẵn sàng giúp đỡ tôi, thế nên tôi phải bám sát theo chú.

Lang tiên sinh bàn chuyện làm ăn ở Tế Nam trong hai ngày. Khi vợ chồng chị Giang Phi về thăm nhà mẹ vợ, tôi lại đi theo chú về vùng Đông Bắc.

Khi tàu bắt đầu lăn bánh rời sân ga, tôi tựa người vào cửa sổ, nhìn ga tàu phía Tây Tế Nam đang lùi dần về phía sau.

“Hồi cháu còn nhỏ cũng thường xuyên đi tàu hỏa.” – Tôi đột nhiên thốt ra câu này, khiến cho cả tôi lẫn Lang tiên sinh đều giật mình.

Mắt Lang tiên sinh sáng lên, hỏi tôi ngồi tàu hỏa để đi đến đâu, nhưng tôi không trả lời được, ban nãy chỉ là một cảm giác bất chợt hiện lên thôi.

“Không sao đâu, rồi sẽ nhớ ra.” – Lang tiên sinh mở một lon coca cho tôi – “Cứ từ từ, không phải vội.”

Trở lại vùng Đông Bắc, Lang tiên sinh đưa tôi đến công ty công trình của chú, đó là một khu nhà xưởng rộng có thể chứa tới hàng trăm chiếc xe, ở vùng ngoại ô thành phố, có mấy chục tài xế và thợ sửa chữa, bên trong có cả nhà ăn và ký túc xá.

Lang tiên sinh đích thân tìm cho tôi một căn phòng có lò sưởi và giường. Chú lái xe chở tôi đến siêu thị mua một số đồ dùng cá nhân, quần áo, ga giường và một vài thứ khác. Vậy là tôi đã có nhà.

“Tôi ở phòng bên cạnh, ban đêm tôi không khóa cửa. Nếu có ai dám dọa cháu sợ, cháu hãy hét lên và lập tức chạy sang phòng tôi.” – Chú thu xếp ổn thỏa mọi thứ cho tôi.

Tối đến, chú uống rượu cùng các anh em trong công ty, kể về hoàn cảnh éo le của tôi, cũng như nói về công việc sau này của tôi ở đây.

Tôi cứ nghĩ chú sẽ để tôi đến nấu ăn ở nhà ăn của công ty, nhưng không ngờ chú lại nói với một người thợ sửa xe lành nghề: “Trình Phong, từ giờ cậu hướng dẫn cho con mèo nhỏ này đi, trước tiên cứ dạy cô bé cách thay lốp xe đã.”

Lúc đó tôi sợ hãi vô cùng. Tôi đây, một cô gái mười bảy, mười tám tuổi, tuy không phải cành vàng lá ngọc, nhưng ít ra cũng đang trong tuổi tươi trẻ phơi phới, thế mà chú lại bắt tôi đi thay lốp xe?

Người thợ sửa xe tên là Trình Phong gật đầu đồng ý, những người ngồi đó cũng không có ai tỏ ra kinh ngạc, tôi cũng không dám nói gì. Sáng sớm ngày tiếp theo, Trình Phong đưa cho tôi một bộ quần áo đồng phục, rồi dẫn tôi đến xưởng sửa chữa.

Lang tiên sinh bận lắm, sáng sớm thức dậy đã không thấy chú đâu, tối về chú thấy mặt tôi toàn là dầu nhớt, cũng không hề mở miệng hỏi xem tôi có mệt không.

Hôm đó, đến tận 11 giờ đêm thì công việc mới kết thúc. Tôi mệt đến mức nằm ườn trên giường, không muốn ăn uống gì cả. Bây giờ tôi thấy hối hận vì đã xin được đến vùng Đông Bắc này với chú rồi, đây chính là công xưởng đen trong lời đồn, phải không?

Sáng hôm sau, tôi ngủ dậy hơi trễ, Lang tiên sinh tự mình đến gõ cửa ầm ĩ gọi tôi dậy. Tôi cáu lắm, than phiền với Trình Phong, nói rằng Lang tiên sinh đúng là một con sói đang lột da người ta mà!

Trình Phong bị tôi làm cho bật cười, bắt đầu kể cho tôi nghe vài điều về Lang tiên sinh. Chú vốn là một người lính đặc chủng dũng cảm và thiện chiến. Sau đó, vì chấn thương mà chú đã xin rút khỏi quân ngũ, bắt đầu ra ngoài kinh doanh riêng. Từ một chiếc xe sửa chữa lưu động, giờ đã phát triển thành một công ty công trình, cũng sắp xếp cho không ít lính xuất ngũ vào công ty làm việc.

Lang tiên sinh chăm lo cho những người anh em của mình, nhưng chưa bao giờ nuông chiều họ. Chú áp dụng cách quản lý như đàn sói. Ở công ty của chú, không ai có quyền hành đặc biệt hơn hẳn người khác, thế nên mới gọi là Chiến đội Thiên Lang.

Thì ra là vậy! Không nuông chiều ai, nên đương nhiên cũng chẳng nuông chiều tôi. Tôi đành tự biết thân biết phận, dần dần làm quen với những tháng ngày đánh vật cùng cờ lê, xà beng.

05.

Thời gian lặng lẽ trôi qua trong tiếng sửa xe leng keng, chưa gì đã gần đến Tết.

Lang tiên sinh cuối cùng cũng hết bận rộn. Và tôi cũng phát hiện ra rằng chú không chỉ điềm tĩnh và nghiêm khắc, mà còn là một người đàn ông cứng rắn, tràn đầy nhiệt huyết.

Chú lái một chiếc xe Jeep Wrangler đã qua cải tạo với mã lực vô cùng lớn. Trong xe luôn phát các bài hát của La Đại Hựu, loa được cải tạo lại khiến âm trầm xuống, rung động lòng người.

Gần công ty có một con sông, là một nhánh của sông Đại Liêu. Khi mùa đông đến, mặt sông sẽ bị bao phủ bởi lớp băng dày. Chú và các anh em của mình thường kéo đi đua xe trên mặt băng. Kĩ thuật lái xe của chú vừa ngầu, vừa bá đạo, khiến tôi chỉ đứng nhìn thôi cũng đã thấy sục sôi nhiệt huyết.

Lang tiên sinh dạy tôi lái xe. Cách giảng dạy đơn giản, thô lỗ. Chú giảng một hồi về chức năng của ly hợp, phanh xe và vị trí cần số. Sau đó, chú ngồi vào ghế lái phụ, sai tôi lái xe trở về nhà xưởng.

Hiện tại đang là thời điểm “tam cửu” sau Đông chí, thời điểm lạnh nhất trong năm, tôi ngồi trong một chiếc xe bốn phía đều lọt gió, mồ hôi nhễ nhại vì sợ hãi, lòng bàn tay ướt đẫm trượt trên vô lăng.

Lang tiên sinh không hề thông cảm cho tôi, mà liên tục ra lệnh: “Đừng chỉ nhìn tay, phải nhìn đường chứ, vào số, nhả côn, tăng phanh, châm dầu, rồi đi!”

Sau một hồi tay chân luống cuống, chiếc xe thực sự bắt đầu chuyển động chầm chậm về phía trước. Khi đó tôi đã suýt bật khóc.

Một con quái vật thép dũng mãnh như vậy thực sự bắt đầu di chuyển trong sự khống chế của tôi. Muốn di chuyển sang trái hay sang phải, đều là do tôi quyết định. Thế là tôi biết lái xe rồi?

“Được đấy! Phải biết lái xe thì mới có thể sửa xe, sau này lúc rảnh rỗi cháu phải tập lái nhiều vào, thấy có cái xe nào trống thì cứ ngồi vào mà lái.”

Lòng tôi đang trào dâng niềm kích động, nhưng Lang tiên sinh có vẻ vẫn rất bình tĩnh.

Hóa ra chú dạy tôi lái xe là để tôi học sửa xe tốt hơn?

Chút kích động trong lòng lập tức tắt ngóm, tôi tức tối đáp lại: “Biết rồi, Lang tiên sinh!”

“…” – Lang tiên sinh nhìn tôi, có vẻ như muốn nói gì đó, nhưng cuối cùng chú không nói gì, mà chỉ cười nhẹ.

Lúc đó, trên xe đang phát bài hát “Câu chuyện thời gian”. Và kể từ ngày đó, mỗi khi nghe thấy giai điệu của bài hát này, tôi lại bất giác nghĩ đến nụ cười của chú. Đó là lần đầu tiên tim tôi rung động, khắc sâu vào trong xương tủy!

Tết năm đó, hai chúng tôi ở lại cùng nhau, do công nhân đều đã về quê sum họp với gia đình rồi. Tôi không có người nhà, còn chú có không thì tôi không biết, nhưng tôi cũng không dám hỏi.

Đêm giao thừa, Lang tiên sinh hầm một con cá mè hoa to bằng nồi sắt, thêm vào đó rất nhiều miến, đậu hũ, thịt ba chỉ. Chú còn bê một thùng bia Tuyết Hoa đến, mở một chai đưa cho tôi, cả hai chúng tôi ngồi ăn bên chiếc nồi mà mồ hôi nhễ nhại.

Men bia Tuyết Hoa rất mạnh, tôi uống được vài ngụm mà cả người như đang bay lên, trôi lơ lửng về phía đám mây có luồng sáng trắng. Ở phía cuối của luồng sáng đó có một ông cụ, ông cụ vẫy tay, nhẹ nhàng gọi tôi: “Hứa Nặc, Hứa Nặc, dậy đi cháu…”

Giọng ông cụ vô cùng dịu dàng và thân thương. Tôi không kìm được mà đi về phía ông cụ. Khi tôi gần bước tới, cuối cùng tôi cũng nhận ra ông cụ là ai, vội dang tay ra và lao về phía ông cụ: “Ông nội ơi!”

Không ngờ, thứ tôi ôm lấy được chỉ là một khoảng không trống rỗng. Tôi bất thình lình tỉnh táo lại.

“Con mèo nhỏ, sao vậy?” – Lang tiên sinh vội hỏi tôi.

Bên ngoài vang lên tiếng pháo hoa nổ đinh tai.

Qua năm mới rồi!

Tôi sững sờ nhìn Lang tiên sinh: “Cháu nhớ ra mình tên là gì rồi.”

06.

Lang tiên sinh lại đưa tôi trở lại Tế Nam một chuyến.

Giang Phi đã chuyển nhượng lại hiệu sách cho người khác, đến sống cùng gia đình nhà chồng ở vùng Đông Bắc, nên tôi và Lang tiên sinh đành phải vào khách sạn ở.

Chúng tôi bất chấp gió lạnh, giẫm lên vụn giấy đỏ rực rơi lả tả trên nền đất, gần như đã đi gần hết tất cả các đồn cảnh sát ở gần bệnh viện hôm đó, cuối cùng cũng tra ra được cái tên không dễ trùng lặp đã xuất hiện trong giấc mơ của tôi.

Hứa Nặc, sinh ngày 29/03/1984, địa chỉ thường trú là ở gần bệnh viện nơi tôi được đưa đến cấp cứu.

Tôi và Lang tiên sinh đều vô cùng kích động, nghĩ rằng đó đúng là tôi rồi.

Nhưng đồng chí ở đồn cảnh sát bảo là không phải, vì cô gái này vào đợt trước Tết vừa mới nhận căn cước công dân rồi, ở đồn cảnh sát có ghi chép lại rõ ràng.

Tôi lại một lần nữa rơi vào tuyệt vọng, nhưng Lang tiên sinh bèn hỏi cảnh sát địa chỉ vừa nãy và bắt taxi đưa tôi đến đó.

Xe taxi dừng dưới chân một ngọn núi, tài xế chỉ chúng tôi tự đi lên lưng chừng núi.

Chúng tôi trèo lên dốc, đi vòng qua những khoảng sân nhỏ được bao quanh bởi nhiều tảng đá xếp chồng lên nhau, tìm thấy số nhà mà cảnh sát cung cấp.

Nhìn về phía cánh cửa lớn đang mở, tôi chợt thấy sợ hãi, như thể đang đứng ở một lối ra không biết là đúng hay sai của mê cung.

Tôi sợ mình tìm nhầm chỗ, sẽ thấy thất vọng, nhưng càng sợ mình sẽ tìm đúng, phải gặp lại những người đã bỏ rơi mình!

Lang tiên sinh do dự một lúc mới đưa tay khi gõ cánh cửa có dán đôi câu đối đỏ dọc hai bên.

“Ai thế?” – Trong phòng truyền đến giọng nói của một cô gái, sau đó một gương mặt trẻ trung xuất hiện ở cửa.

Nhìn đôi mắt và đôi lông mày hết sức giống nhau của đối phương, cả tôi và cô gái đó đều giật mình.

“Xin chào, là Hứa Nặc đúng không?” – Lang tiên sinh ngập ngừng hỏi.

Cô gái đó nhướng mày: “Đúng, có việc gì không?”

Tôi kinh ngạc nhìn cô gái đó, cô ấy là Hứa Nặc, vậy tôi là ai?

“Hứa Nguyện, con nói chuyện với ai đấy?” – Một người phụ nữ trung niên khác xuất hiện ở cửa, khi nhìn thấy tôi, khuôn mặt bà bỗng tái nhợt như nhìn thấy ma.

Đầu tôi như nứt ra, đau như búa bổ. Từng kí ức giống như một bộ phim bị chỉnh hỏng, từng cảnh tượng hiện lên không theo bất kì trình tự nào.

Hứa Nặc, Hứa Nguyện, sổ hộ khẩu, vé tàu hỏa, đơn đăng ký thi Đại học, những trận cãi vã và đánh nhau…

Tôi nhớ ra rồi!

Bà ấy chính là mẹ tôi, còn cô gái đứng bên cạnh là em gái tôi – Hứa Nguyện.

Tôi bỗng chốc hoảng loạn, ôm lấy tay Lang tiên sinh, kéo chú rời đi.

“Cậu là ai?” – Mẹ tôi đẩy Hứa Nguyện vào nhà, nhìn Lang tiên sinh với vẻ mặt cảnh giác.

Lang tiên sinh kéo tôi đứng ra đằng trước mặt: “Tôi là ai không quan trọng, tôi đến để hỏi rõ xem cô bé này là ai?”

“Là con gái tôi.” – Lúc này mẹ tôi vừa bước ra ngoài, cố nặn ra vẻ mặt lo lắng – “Con ôn này, mấy ngày vừa rồi mày chạy đi đâu hả?”

Tôi nấp phía sau Lang tiên sinh, mẹ tôi chỉ thẳng vào mặt chú và hỏi: “Cậu là ai? Có phải là cậu bắt cóc con bé đi đúng không?”

Tôi ngẩn người. Đã vứt tôi đi, lại còn định đổi trắng thay đen, một người mẹ sao có thể nhẫn tâm đến mức này?

Lang tiên sinh cũng tức giận: “Được, chị đã thừa nhận rằng cô bé là con gái chị. Bây giờ tôi chỉ muốn xác nhận xem, rốt cuộc tên cô bé là gì?”

“Con bé… Cậu quản được sao? Con bé có liên quan gì tới cậu không? Nhà tôi đều là người thật thà lương thiện, cậu đừng có làm con gái tôi hư người! Bố nó đâu, ông còn ngồi đó làm gì? Mau lôi con ôn này vào nhà…”

Miệng bà bắn liên thanh như pháo nổ, bà vừa nói vừa tiến lại gần, nắm cổ tay tôi lôi vào sân nhà.

Tôi ôm chặt lấy cánh tay của Lang tiên sinh, kêu đứt gan đứt ruột: “Cứu cháu với, cứu cháu với, đừng vứt cháu lại đây…”

Nhìn hấy bộ dạng hoảng loạn của tôi, Lang tiên sinh liền hất tay mẹ tôi ra, kéo tôi xoay người bỏ đi.

“Thứ của nợ, mày còn dám quay lại đây, tao đánh gãy chân mày!” – Mẹ tôi ở đằng sau gân cổ lên chửi.

07.

Tôi quay lại khách sạn, tự nhốt mình trong phòng, khóc ấm ức.

Tôi nhớ tất cả mọi chuyện hồi trước rồi. Tôi chính là Hứa Nặc, chỗ vừa rồi chính là nhà tôi, nhưng tôi chưa bao giờ sống ở đó.

Vì mẹ tôi muốn có con trai, đẻ tôi ra chưa được bao lâu liền mang thai ngay đứa thứ hai, nên bà đã mang tôi đi cho một cặp vợ chồng ở miền Nam. Chính ông bà nội đã đón tôi về và nuôi nấng tôi.

Nhưng mẹ tôi sinh ra đứa thứ hai lại là con gái. Muốn có con trai thì lại phải sinh tiếp, mà sinh tiếp thì chắc chắn sẽ bị phạt một khoản lớn tới mức khuynh gia bại sản. Vì thế bắt buộc phải cho một đứa đi, thế là tôi bị cho sang nhà cậu mợ.

Sau này, mẹ tôi cuối cùng cũng sinh được con trai, nhưng mấy năm sau dì tôi cũng sinh một đứa con gái nên gửi trả tôi về. Giờ mẹ tôi đã có một cặp long phượng, không muốn có thêm một đứa như tôi, do đó lại lấy lí do sợ bị phạt để gửi tôi đến nhà bác gái ở vùng Đông Bắc.

Bác gái tôi không phải là không có con, nhưng xuất phát từ trách nhiệm của một người chị, bác đồng ý tạm thời nuôi hộ bố mẹ tôi, đến khi nào tôi lớn thì sẽ gửi lại tôi về nhà.

Tôi vẫn học ở trường gần nhà bác. Cho đến năm ngoái thi đại học, bắt buộc phải về nơi mình đăng ký hộ khẩu, nên tôi mới quay về đây.

Nhưng mẹ tôi khăng khăng rằng tôi không có đăng ký hộ khẩu ở đây, bắt tôi quay lại nhập hộ tịch vào nhà bác gái, nếu không thì đừng thi đại học nữa.

Ông nội tôi nói là không thể thế được. Khi ấy, ông đón tôi từ miền Nam về, tận tay đi đăng ký nhập hộ khẩu cho tôi, làm sao bây giờ lại không có tên tôi được?

Nhưng mẹ tôi cứ không thừa nhận điều đó, lúc thì nói rằng làm mất sổ hộ khẩu rồi, lúc thì nói rằng thi đại học cũng chẳng có tác dụng gì, thà cứ đi làm vài năm rồi sau đó cưới chồng còn hơn.

Tôi bị mẹ làm cho vô cùng tức giận. Tôi học hành biết bao nhiêu năm, thành tích cũng nổi trội. Nếu giờ tôi bỏ không thi Đại học, chẳng phải sẽ uổng công bao nhiêu năm nuôi dưỡng vất vả của nhà bác gái sao?

Nhưng tôi cãi lại cũng vô ích, làm loạn lên cũng vô ích. Cái gì bố tôi cũng nghe theo mẹ tôi. Đứa em trai và em gái thì chẳng có tình cảm ruột thịt gì với tôi, coi tôi như đứa xâm nhập vào nhà. Bà nội đã mất, ông nội cũng chẳng nói được mẹ tôi nữa.

Sắp tới hạn nộp hồ sơ thi, tôi nóng ruột như lửa đốt. Mẹ tôi dẫn một thanh niên tới nhà, nói rằng đó là con của một đồng nghiệp của mẹ, để chúng tôi làm quen xem sao, nếu được thì hai nhà thỏa thuận, hai năm sau làm đám cưới.

Tôi nổi giận, cầm ghế lên đập phá hết tất cả đồ đạc. Kết quả thì bị cả nhà vây vào đánh, mẹ chửi tôi là đứa con gái ra ngoài thì như bát nước đổ đi, nghĩ gì mà dám quay lại đòi thi Đại học. Đứa em Hứa Nguyện trong mắt đầy sát khí, dùng sức đẩy tôi ngã đập vào góc cửa sổ làm bằng đá cẩm thạch…

Cảnh tượng hỗn loạn trước khi hôn mê này cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí tôi, khiến tôi cảm thấy kinh hãi. Hóa ra những người thân mà tôi lặn lội hàng nghìn dặm để tìm kiếm, thực chất là một lũ ma quỷ đã nhẫn tâm bỏ rơi tôi, thậm chí còn muốn diệt tôi tận gốc!

Trời đã về khuya, gió bắc gào rít qua khe cửa, cành khô đung đưa loạn xạ bên ngoài cửa sổ, như thể thần chết đang vẫy gọi tôi. Cả thế giới này, đâu đâu cũng thấy ma quỷ. Tôi rốt cuộc cũng không áp chế được sự sợ hãi trong lòng nữa, chân trần chạy đến phòng của Lang tiên sinh.

Lang tiên sinh vừa tắm xong, đang tựa vào đầu giường hút thuốc. Tôi đứng ở cửa phòng chú, người run cầm cập.

Chú dập tắt điếu thuốc, đưa một cánh tay hướng về phía tôi.

Tôi lảo đảo lao vòng tay Lang tiên sinh, khóc òa thành tiếng.

Ngực chú nóng bừng bừng, tôi khóc trong vòng tay chú, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Khi tôi giật mình tỉnh giấc, thấy rằng chú đã ngủ rồi, nhưng cánh tay của chú vẫn cẩn thận vòng qua người tôi, giống như ôm một con mèo nhỏ.

Lúc này tôi mới thấy rõ trên người chú có rất nhiều vết sẹo, đậm có nhạt có, trên vai, trên ngực, khắp nơi đều có. Tôi nhìn mà thấy đau lòng, không kìm được mà thử chạm vào đầu ngón tay của mình vào.

Chú tỉnh lại, bị tôi nhìn chằm chằm nên có chút bối rối, nhéo mũi tôi: “Sao cháu không ngủ thêm nữa đi?”

Tôi lại bắt đầu ấm ức: “Tại sao bọn họ lại nhẫn tâm như vậy? Sinh ra cháu rồi không nuôi, bây giờ còn không chịu đưa cháu sổ hộ khẩu nữa?”

“Con mèo ngốc này, cháu cũng biết trong nhà có hai đứa con gái, chỉ được giữ lại một đứa, vậy có thể nào ghi tên cả hai đứa vào sổ hộ khẩu không?” – Lang tiên sinh giúp tôi vuốt lại mớ tóc rối bù trước trán.

“…” – Tôi sững sờ nhìn chú, đột nhiên hiểu ra tất cả.

Đúng vậy, theo như chính sách kế hoạch hóa gia đình hồi đó, Hứa Nguyện không thể nào nhập tên vào hộ khẩu được, cho nên biết bao nhiêu năm nay, con bé đều dùng trên danh nghĩa của tôi!

Do đó, khi tôi trở lại để chuẩn bị cho kỳ thi đại học, Hứa Nguyện còn ghét tôi hơn cả mẹ tôi ghét tôi, quyết định ra tay với tôi.

Và sau khi tôi bị mẹ vứt lại ngoài đường, Hứa Nguyện liền nhanh chóng đi làm thẻ căn cước.

Con bé sợ tôi quay lại, sợ bản thân sẽ mất đi thân phận theo đúng pháp luật trên đời này.

Còn tôi, một người đang sống sờ sờ, đã bị họ thẳng thừng xóa sổ khỏi ngôi nhà và thế giới này.

Đừng nói đến việc mất trí nhớ, không ai đoái hoài gì, kể cả tôi có chết ngay ở chính khu vực mà tôi sinh ra này, đồn cảnh sát cũng sẽ chẳng thể tra ra được tôi là ai. Thật là khủng khiếp!

08.

Thế giới này thật nham hiểm, và Lang tiên sinh chính là người duy nhất mà tôi có thể tin tưởng vào lúc này.

Chúng tôi lại đến đồn cảnh sát, muốn lấy lại hộ tịch và họ tên của tôi.

Cảnh sát cũng bị sốc sau khi nghe về trải nghiệm ly kỳ của tôi, bày tỏ sự cảm thông sâu sắc.

Cảnh sát nói, những vụ mạo danh này không hề hiếm gặp, nhưng trường hợp em gái chiếm mất hộ tịch của chị gái mình, đúng là từ trước đến giờ anh ta chưa từng nghe qua.

Cảnh sát khẳng định trên sổ hộ khẩu của gia đình tôi không hề có tên Hứa Nguyện. Nhưng nếu tôi muốn lấy lại hộ tịch của mình, cũng rất khó, trước hết tôi phải chứng minh được tôi là tôi đã.

Làm sao tôi có thể chứng minh được? Cảnh sát nói rằng cần bố mẹ tôi thừa nhận rằng tôi chính là Hứa Nặc, rằng hộ tịch của tôi đã bị Hứa Nguyện chiếm dụng bất hợp pháp, sau đó mới có thể hủy bỏ căn cước công dân đã bị Hứa Nguyện lấy mất.

Riêng điều này tôi đã không làm được rồi! Nếu bọn họ sẵn sàng thừa nhận tôi, vậy thì lúc đó đã không vội vàng đưa Hứa Nguyện đi làm căn cước công dân rồi.

Lang tiên sinh nhìn nét mặt đau khổ của tôi, im lặng không nói gì. Chú dẫn tôi ra khỏi đồn cảnh sát, hỏi tôi có nhớ ông nội sống ở đâu không.

Tất nhiên là tôi có nhớ! Nhà ông ở cách nhà tôi một con hẻm. Từ khi trở về từ nhà bác gái, tôi đều sống ở nhà ông nội, vì Hứa Nguyện không thích chen chúc trên cùng một chiếc giường với người khác.

Lang tiên sinh đưa tôi đến nhà ông nội. Nhìn thấy tôi còn sống trở về, ông nội bật khóc nức nở, nói rằng mấy tháng qua ông đã tìm kiếm suốt cả Tế Nam này, ông còn tưởng là tôi đã không may bị giết chết rồi.

Lang tiên sinh hỏi xem rốt cuộc hồi còn nhỏ tôi đã trải qua những gì. Ông nội liền kể lại thân thế, cảnh ngộ của tôi, chứng tỏ rằng những kí ức của tôi là chính xác.

Ông nội vô cùng biết ơn Lang tiên sinh. Chú hỏi ông xem liệu có cách nào giúp tôi lấy lại hộ tịch của mình được không, ông nói chỉ có thể làm chứng bằng lời nói, ngoài ra thật sự không còn cách nào khác.

Lang tiên sinh và tôi đều rơi vào tuyệt vọng. Ông nội cũng chỉ đành bất lực, chỉ cần tôi còn sống quay lại là được rồi. Ngày mai ông sẽ ngay lập tức đưa tôi về nhà bác gái, kể cả tôi có lấy chồng cũng không cho bố mẹ tôi có cơ hội lấy được của sính lễ.

Lang tiên sinh bảo rằng chú cũng tiện đường về Đông Bắc, có thể đưa tôi về nhà bác gái hộ ông. Nhưng quan trọng là tôi không có hộ tịch, về sau biết làm sao đây, đâu thể làm một người bất hợp pháp suốt đời này, phải không?

“Tôi thật sự không hề giấu diếm, nếu tôi còn có cách, chắc chắn đã không để cháu gái tôi phải chịu nỗi oan khuất này! Đúng là nhà tôi vô phúc, nhà tôi vô phúc mà!” – Ông nội thở dài.

Lang tiên sinh cũng không có gì để nói nữa.

Tôi ở lại nhà ông nội một đêm, nghe ông kể lại chuyện cũ, cả hai đều rơi nước mắt lã chã. Sáng hôm sau lại lên đường cùng với Lang tiên sinh.

“Ân nhân, xin cậu đưa cháu gái của tôi tới nhà bác gái con bé an toàn. Đứa nhỏ này đã chịu biết bao khổ cực ở nhà họ Hứa này, không thể để nó gặp thêm bất trắc nào nữa…” – Ông nội tiễn tôi bước lên tàu, bám tay vào cửa sổ cạnh chỗ tôi ngồi, liên tục dặn dò.

Khoảnh khắc tàu bắt đầu lăn bánh, nước mắt tôi trào ra. Cuối cùng tôi cũng nhớ ra lý do tại sao hồi nhỏ tôi thường xuyên đi tàu rồi, bởi vì luôn bị đưa đi nhà khác, rồi lại bị trả về.

Có lẽ vì lần này đưa tôi về rồi sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa, Lang tiên sinh nói nhiều lời hơn với tôi, hỏi tôi trước đây có mơ ước gì, về sau dự định như thế nào.

Ước mơ của tôi là thi đỗ vào Đại học Phúc Đán, trở thành một nhà văn trong tương lai. Từ khi học Cấp hai, tôi đã bắt đầu viết bài cho báo trường, thậm chí đã giành được giải thưởng trong các cuộc thi viết bài do tạp chí văn học tổ chức.

Nhưng giờ đây, tất cả đều đã tan thành mây khói. Nhà bác gái tôi ở thôn Thanh Hà, cách thành phố nơi Lang tiên sinh ở hơn 300 dặm về phía bắc. Nhà bác gái không khá giả gì, nuôi tôi học xong hết Cấp ba đã là đại ân đại đức rồi. Sao tôi có thể đòi bác cho tôi nhập hộ khẩu để học Đại học được?

Nếu như không có gì thay đổi, có lẽ về sau tôi sẽ chỉ đi làm thuê ăn lương ngày qua ngày cho người ta. Rồi giống như bao cô gái trong thôn, sớm gả đi, trở thành thứ đồ sở hữu của một người đàn ông xa lạ nào đó…

“Nhưng cháu có bằng lòng với cuộc sống như thế không?” – Lang tiên sinh hỏi tôi.

Tất nhiên là tôi không muốn!

Tôi đến với thế giới này với biết bao hy vọng, cũng ra sức học hành chăm chỉ vì ngày mai tốt đẹp hơn, nhưng cớ sao tôi lại phải nhẫn nhục chịu đựng, tham sống sợ chết như thế này?

“Tốt lắm, hãy nhớ lấy ước mơ của mình” – Lang tiên sinh đẩy cho tôi một lon bia – “Nếu cuộc sống này trở thành một vũng nước đọng, cháu vẫn có thể tự tạo ra cho mình một vài điều ngoài ý muốn.”

Tôi nhớ lời Lang tiên sinh rồi.

09.

Tối hôm đó về đến công ty, Lang tiên sinh gọi một vài người làm một bữa tiệc để tiễn tôi.

Thừa Phong nghe xong những điều éo le mà tôi gặp phải, tức giận đập bàn: “Không còn cách nào để thuyết phục bọn họ sao?”

“Bố mẹ muốn sắp đặt số phận của cô bé, không ai ngăn bọn họ lại được!” – Lang tiên sinh uống hơi quá chén – “Bây giờ tôi lại thấy hối hận vì đã giúp con mèo nhỏ này tìm lại kí ức! Nếu sớm biết thế này, thà cứ để cô bé ôm niềm hy vọng còn hơn.”

Lời này của chú khiến tôi xót xa. Tôi đáp lại rằng tôi không hề hối hận chút nào cả. Sớm biết bọn họ là loại người như thế nào, sớm dẹp mọi hy vọng của tôi đi, thế còn tốt hơn là cứ để tôi tâm tâm niệm niệm muốn tìm lại người nhà trong suốt quãng đời còn lại.

“Đúng là như vậy, cháu có thể hiểu ra là tốt!” – Lang tiên sinh nâng cốc bia lên – “Chặng đường sau này có thể sẽ không dễ dàng gì, đành phải dựa hết vào sự gan dạ và bản lĩnh của chính bản thân cháu thôi.”

Tôi nhận lấy cốc bia, cũng chính là nhận lấy lời động viên của Lang tiên sinh.

Ngày hôm sau, Lang tiên sinh chở tôi đến nhà bác gái, xe chạy ầm ầm vào thôn Thanh Hà. Xe ô tô của chú hùng hổ quá, khiến mọi người trong thôn đều ngó ra xem.

Bác gái nghe kể những gì đã xảy ra với tôi trong vài tháng qua, vừa căm hận vừa đau lòng: “Để bác đi tìm Hứa Nguyện hỏi cho ra lẽ. Sao nó lại nhẫn tâm với cháu như thế? Đã cướp hộ tịch của cháu, lại còn dám giết người diệt khẩu?”

Bác gái tôi tính tình rất dễ nóng nảy. Bác nuôi tôi mười mấy năm nay, có đánh, có mắng, nhưng bác thương tôi thật lòng.

Tôi giống bác, tính tình cũng không dịu dàng gì: “Bác không cần phải lo, về sau tự cháu quay lại tìm nó!”

“Không có cuốn sách nào là vô dụng. Về sau những thứ cháu học được đều sẽ là của cải của cả cuộc đời. Nếu có cơ hội, vẫn nên để cô bé đi học tiếp.” – Lang tiên sinh nhắc bác gái tôi.

Mặt bác gái nhăn lại như trái khổ qua: “Tất nhiên là tôi muốn để con bé học tiếp chứ. Nhưng mẹ con bé cứ như thế, chúng tôi cũng không biết làm thế nào.”

“Không sao, cháu học xong Cấp ba là đã đủ lắm rồi!” – Từ nhỏ tôi đã phải ở nhờ nhà người ta, rất biết cách nhìn sắc mặt người khác, tôi không muốn làm khó dễ bác gái.

Lang tiên sinh gật đầu, móc ví ra, đếm một xấp tiền rồi đưa cho tôi: “Đây là tiền lương của cháu, bao ăn bao ở, hai tháng là 1000 tệ. Còn 200 tệ này, cho cháu để đi mua một cái bánh sinh nhật. Ngày 29 tháng 3, tự cháu phải nhớ lấy.”

Tôi không kìm được, lại thấy chua xót. Trên đời này, người nhớ sinh nhật của tôi, ngoài ông nội ra thì cũng chỉ có mình Lang tiên sinh thôi.

Nói xong những lời này, Lang tiên sinh rời đi. Tôi và bác gái đứng ở cổng tiễn chú, sau khi quay người lại thì phát hiện ra khóe mắt mình đã ướt đẫm nước mắt.

Bác gái liếc tôi một cái, vẻ mặt nghi ngờ: “Nhưng mà, cháu với cậu ta có chuyện gì không đấy? Một con bé ngây thơ thế này, dám theo cậu ta rong ruổi khắp nơi…”

“Có chuyện đấy!” – Rồi tôi lại rưng rưng – “Nếu có chuyện thì chú ấy còn đưa cháu về đây làm gì…”

10. 

Ngày mùng 1 tháng 3 năm đó, tôi quay trở lại trường học, tiếp tục sự nghiệp học hành đầy vô vọng của tôi trong bầu không khí căng thẳng của kỳ thi Đại học sắp đến gần.

Ngày 29 tháng 3, tôi bước sang tuổi mười chín rồi. Giờ hoạt động tự do của buổi chiều, khi các bạn học khác đang cắm đầu vào sách vở, tôi mua một cái bánh kem nhỏ ở tiệm bánh ngoài cổng trường, ngồi trong gió se lạnh, vừa ăn vừa khóc.

Không biết hôm nay bố mẹ tôi có tổ chức sinh nhật cho Hứa Nguyện không. Không biết Lang tiên sinh bận rộn trăm công ngàn việc, liệu có bất chợt nghĩ đến tôi vào ngày hôm nay không.

Hai tháng sau, chặng đường học tập của tôi kết thúc. Tôi vốn dĩ muốn quay lại công ty của Lang tiên sinh để học sửa xe, nhưng bác gái tôi không cho. Tôi đành phải quay lại nhà bác, phụ giúp bác trai phơi nông sản.

Khi đó, núi rừng cây cỏ mọc um tùm, bác trai ngày nào cũng phải chạy xe ba gác quanh đi quẩn lại, nông sản sau khi thu gom sẽ được phơi khô rồi gửi lên thành phố bán. Công việc mưu sinh này, bác trai đã làm cả đời.

Nhưng giờ tuổi tác đã cao, tất nhiên cũng có nhiều thứ lực bất tòng tâm. Hôm đó, xe ba gác bị hỏng, bác loay hoay cả buổi sáng vẫn không sửa được, nên tức quá, đứng ngoài sân chửi bới một hồi lâu.

Tôi bị đánh thức, liền ra sân sửa xong chiếc xe ba gác trong sự phàn nàn của bác trai, rồi bảo bác trai ngồi lên xe, phóng đi trong ánh mắt đầy kinh ngạc của bác gái.

Hôm đó thu hoạch được mùa. Trên đường về, bác trai hỏi: “Nặc à, nhìn bộ dạng này của cháu, chẳng lẽ định ở lại thu hoạch nông sản với bác luôn à?”

Tôi biết trong lời bác nói có ẩn ý, nên tôi im lặng, để bác nói tiếp.

Bác bảo: “Hay là bác mua cho cháu một cái xe nữa, để một mình cháu làm, kiếm chút tiền để dành làm của hồi môn?”

“Tiết kiệm của hồi môn làm gì? Cháu có bao giờ bảo là cháu muốn đi lấy chồng đâu?” – Bác trai lại nhắc đến chuyện này, khiến tôi bực mình.

Bác trai là người hài hước, cởi mở. Hồi tôi còn nhỏ, bác luôn nói rằng về sau bác sẽ tìm cho tôi một đứa cháu rể tốt, có thể uống rượu cùng bác.

Sau khi Lang tiên sinh rời đi, bác trai cứ lảm nhảm, khen người ta là người tốt, chỉ là hơi lớn tuổi một chút, nếu ngồi uống rượu với Lang tiên sinh thì bác sẽ không tiện phân vai vế. Bác gái tôi nghe thấy vậy, tức quá vác cán chổi đuổi bác trai chạy khắp sân.

“Không muốn gả cho người ta? Cháu chắc chưa? Suy nghĩ của con bé này, bác nhìn phát biết luôn mà!” – Bác trai cười, miệng bắt đầu ngâm nga khúc “Rượu giao bôi”.

Tôi vừa giận vừa buồn cười, van bác đừng hát nữa, cẩn thận không lũ sói hoang trên núi nghe thấy bác hát liền kéo đến đây đấy.

“Bác gái cháu cổ hủ lắm. Theo bác thấy, con gái lớn rồi đương nhiên phải đi lấy chồng, mà phải lấy anh chồng nào mình vừa ý. Thời đại bây giờ đã khác ngày xưa rồi, cháu thấy đúng không?”

“Biết tìm anh chồng vừa ý mình ở đâu bây giờ? Tám thôn mười dặm quanh đây, cháu chẳng ưng được anh nào cả!” – Tôi nghe ra được ý đồ của bác trai, cũng cố tình trêu lại bác.

Bác trai cười phá lên, cười đến mức khiến tôi đỏ bừng mặt, suýt chút nữa đã phi xe xuống rãnh nước.

Về đến nhà, bác trai nói với bác gái: “Không thể cứ bắt con bé ở lại cái thôn nhỏ trong khe núi này được. Vẫn nên cho nó ra ngoài mà học gì đó. Tôi thấy chỗ Lang tiên sinh cũng khá ổn, không những được học lái xe, mà còn biết cả sửa xe nữa.”

Bác gái tôi vẫn không đồng ý, nói rằng con gái con đứa đi học cái đấy thì cực quá, mà sau này đằng nào cũng phải lấy chồng. Bác trai bảo rằng có cực cũng còn tốt hơn việc phải suốt ngày nâng mâm nâng bát cho nhà người ta.

Thấy bác trai gợi lên, tôi cũng vội vàng nói rằng tôi vẫn muốn học nghề sửa xe, không muốn đi hầu hạ nhà người ta như vậy đâu.

Bác gái cuối cùng cũng đành thỏa hiệp: “Thế bác phải nói rõ cho cháu biết nhé, học nghề là học nghề cho đến nơi đến chốn. Đừng có lấy chuyện đại sự đời người của chính mình ra đùa giỡn, nghe rõ chưa? Cháu mà để bác biết được cháu yêu đương nhăng nhít ở bên ngoài, bác đánh gãy chân cháu luôn, nghe rõ chưa?”

Tôi không nói gì, giả vờ như không nghe thấy gì hết!

———————–

(Còn nữa)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *