Tin từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết, bệnh viện lần đầu tiên phẫu thuật nội soi đặt thanh nâng ngực cho 1 bệnh nhi bị lõm xương ức.
Bệnh nhi là bé Chu Thị P. (10 tuổi, trú tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang). Chị Hoàng Thị H, mẹ bé P cho biết, từ năm con 7 tuổi gia đình đã phát hiện ngực con bị lõm nhẹ. Mỗi khi con vận động mạnh, chạy nhảy thì con thấy khó thở và đau ngực.
Tuy nhiên, khi đi thăm khám tại 1 cơ sở y tế trong tỉnh lại được tư vấn chưa cần can thiệp gì. Khi bước vào tuổi dậy thì, cơ thể bé P bắt đầu phát triển nhanh thì vùng ngực lõm rõ hơn. Lo lắng cho sức khoẻ của con nên tháng trước tôi có đưa con ra Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám.
Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị bệnh lõm xương ức bẩm sinh và có chỉ định phẫu thuật. Biết được các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương cũng hỗ trợ phẫu thuật bệnh lõm xương ức ngay tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang nên gia đình quyết định cho cháu phẫu thuật tại bệnh viện “nhà” để đi lại.
Đặt thanh kim loại để nâng xương ức
Các kết quả thăm khám cho thấy, tình trạng lõm xương ức của bệnh nhi ở mức trung bình nên chức năng tim phổi vẫn bình thường và cột sống không bị ảnh hưởng.
Các bác sỹ quyết định thực hiện phương pháp phẫu thuật nội soi đặt thanh nâng xương ức (phẫu thuật Nuss), gây mê nội khí quản cho trẻ và giảm đau trong phẫu thuật, sau phẫu thuật bằng gây tê ngoài màng cứng.
So với phương pháp phẫu thuật truyền thống Ravitch phải mổ mở để cắt xương ức và lớp sụn sườn bất thường của 2 bên, để lại vết sẹo lớn gây mất thẩm mỹ và khiến bệnh nhân rất đau đớn thì phẫu thuật Nuss là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, vết mổ mang tính thẩm mỹ hơn, hạn chế chảy máu, giảm đau nên sức khoẻ bệnh nhi phục hồi nhanh hơn sau phẫu thuật.
Để thực hiện kỹ thuật này, kíp phẫu thuật chọc Trocar 5mm vào khoang màng phổi và bơm khí vào khoang màng phổi. Dưới hướng dẫn của nội soi đưa dụng cụ vào bóc tách màng phổi và màng tim ra khỏi xương ức, sử dụng chỉ thép để khâu xương ức và kéo xương ức từ vị trí lõm trở về vị trí bình thường.
Sau khi kéo xương ức về vị trí bình thường, kíp phẫu thuật đưa thanh nâng ngực bằng hợp kim Titan đã được uốn cong vào lồng ngực (trước tim, sau xương ức).
Một camera được đặt vào lồng ngực trong suốt quá trình phẫu thuật, giúp bác sỹ quan sát rõ tim và các mạch máu lớn để không làm tổn thương những cơ quan này.
Ngay sau khi đặt thanh nâng ngực, dị dạng vùng ngực bé P. được khắc phục hoàn toàn. Ca phẫu thuật được thực hiện thành công bởi kíp phẫu thuật gồm các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương, phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang.
Đây là ca phẫu thuật nội soi điều trị lõm xương ức đầu tiên tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang.
Điều trị lõm xương ức bẩm sinh càng sớm càng tốt
Bác sĩ Phạm Đăng Bình – Phó Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết, với phẫu thuật nội soi đặt thanh nâng ngực thì giảm đau góp phần quan trọng vào sự thành công của ca mổ bởi trẻ sẽ cảm thấy rất đau những ngày đầu sau mổ.
Nếu giảm đau không tốt, trẻ thấy đau mà không dám thở thì sẽ rất ảnh hưởng tới chức năng hô hấp, có thể suy hô hấp. Các bác sỹ áp dụng phương pháp giảm đau tối ưu nhất là gây tê ngoài màng cứng ở đốt sống ngực T7 gúp trẻ giảm đau trong vòng 3 ngày đầu sau mổ mà không ảnh hưởng tới hoạt động của cơ hô hấp.
Hiện tại, sau 3 ngày được chuyển về điều trị tại Khoa Ngoại, sức khoẻ của bé P. tiến triển tốt và dự kiến có thể xuất viện trong vòng 3 ngày tới.
Theo bác sĩ Bình, để đạt được hiệu quả tốt trong điều trị cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống và hoạt động thể lực của bệnh nhi, sau khi xuất viện, cha mẹ cần lưu ý nhắc trẻ giữ tư thế ngực thẳng, không được gập người, không được nằm nghiêng hoặc vặn người tránh bị di lệch thanh nâng ngực.
Trong vòng 2 năm đầu sau mổ không được vận động mạnh và chơi những môn thể thao đối kháng. Chống chỉ định chụp cộng hưởng từ cho trẻ khi trẻ chưa được rút thanh nâng ngực.
Sau khoảng 2 năm kể từ ngày phẫu thuật, xương ức đã ổn định ở tư thế phẳng, trẻ được phẫu thuật rút thanh nâng ngực, kết thúc quá trình điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Minh Khôi, khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh lõm xương ức hay lõm ngực (Pectus excavatum) là tình trạng biến dạng thành ngực trước do lõm xương ức phần thân và mũi ức cùng với biến dạng cong của sụn sườn tương ứng, tỷ lệ mắc trong phần lớn các báo cáo khoảng 1/1000 trẻ em và chiếm 80% các dị tật thành ngực, trong đó nam nhiều hơn nữ với tỉ lệ 4:1.
Bệnh lõm ngực thường tiến triển chậm, tăng nhanh ở tuổi dậy thì. Gia đình thường ít khi phát hiện sớm mà chỉ đưa trẻ đi khám vì tình cờ nhìn thấy lồng ngực con biến dạng khi đã 9-10 tuổi.
Ở trẻ nhỏ, đôi khi không có triệu chứng về hô hấp và tuần hoàn, nguyên nhân do lồng ngực trẻ còn mềm dẻo và có khả năng thay đổi thể tích tốt.
Ở lứa tuổi cao hơn, lồng ngực cứng, khả năng thay đổi thể tích chủ yếu dựa vào cơ hoành, do vậy bệnh nhân thường có triệu chứng đau ngực, đánh trống ngực, khó thở khi gắng sức và thiếu sức bền trong các bài tập thể lực so với các bạn cùng lứa tuổi.
Các triệu chứng khác không thường xuyên gồm nhiễm trùng hô hấp và các triệu chứng của bệnh hen suyễn. Biến dạng cột sống thường gặp ở trẻ lõm ngực lệch tâm.
Theo các chuyên gia y tế, lõm xương ngực là bệnh lý cần được phát hiện và điều trị sớm, nếu không lồng ngực của trẻ bị biến dạng và đè lên tim và phổi khiến trẻ bị tim đập nhanh; nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại; thở khò khè hoặc ho tức ngực; tiếng thổi ở tim; mệt mỏi; chóng mặt hụt hơi, có dấu hiệu đuối sức khi tập thể dục…
Tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cũng cho biết, bệnh viện vừa cứu sống 1 bệnh nhi 3 tuổi nhưng bị lõm ngực mức độ nặng “chưa từng thấy”, khiến xương ức gần như chạm vào xương sống.
Bệnh nhân là bé B.K.N.T. (3 tuổi, ngụ Ninh Thuận) đã bị lõm xương ức khi vừa sinh ra, thường xuyên thở mệt, ăn uống khó.
Trước đấy, bé T. đã 4 lần nhập bệnh viện địa phương nhưng đều được chẩn đoán viêm phổi, viêm phế quản. Các bác sĩ kê thuốc uống nhưng tình trạng không cải thiện. Bé ngày càng mệt nặng, thở khó nên được chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM theo yêu cầu của gia đình.
Theo đánh giá của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1, tình trạng lõm xương ức của bé T. nặng gấp 3 lần so với mức độ nặng của thang tính độ lõm của Tổ chức Y tế thế giới, dẫn đến xương ức và xương sống của bé gần như chạm vào nhau, khiến tim và phổi của bé đều bị chèn ép.
Bác sĩ còn phát hiện bé bị kén khí trong phổi, khiến chức năng hô hấp giảm, bé thường xuyên bị viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần. Nếu không phẫu thuật, tình trạng chèn ép tim sẽ dẫn đến hở van 2 lá, 3 lá.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định cùng lúc thực hiện cả phẫu thuật mổ cắt phần thùy phổi có chứa kén khí, đồng thời đặt thanh nâng lồng ngực cho bé.
Hiện ngực của bé đã được nâng lên gần như bình thường, bé đã thở ổn định, ăn uống tốt, được theo dõi sát.