Bạn có việc đột xuất ở chỗ làm và phải ở lại muộn, khiến bạn không về nhà kịp để mua thực phẩm và nấu món súp cho bữa tối như dự định. Vì vậy bạn gọi bảo chồng ra cửa hàng mua nguyên liệu và chuẩn bị sẵn. Thay vì làm theo những gì bạn yêu cầu, chồng bạn bắt đầu mè nheo rằng anh ta không biết đi chợ hoặc chẳng bao giờ mua đúng đủ những gì bạn dặn cả, và nếu phải ăn tối trễ do bạn về nấu muộn thì cũng không vấn đề gì. Nếu bạn thường xuyên phải làm những việc nhà lặt vặt vì nửa kia của bạn kêu ca rằng họ không biết cách làm, hoặc nếu câu “thôi nhờ lão chồng mình là lần nào việc cũng be bét, mình làm luôn cho lành” là một điệp khúc phổ biến đối với bạn, thì đối tác của bạn đang lạm dụng việc cố ý tỏ ra vô dụng (weaponized incompetence).
Lần đầu được đặt ra vào năm 2007, thuật ngữ này gần đây đã trở thành xu hướng trên TikTok – tính đến 24/11 thì hashtag #weaponizedincompetence đã có hơn 27 triệu lượt xem và đang tiếp tục tăng – với ngày càng nhiều người chia sẻ các trường hợp về các hành động của nửa kia của họ. Để biết xem liệu vấn đề này có xảy ra trong mối quan hệ của bạn hay không, hãy cùng xem các dấu hiệu nhận biết của kiểu hành vi này.
Cố ý tỏ ra vô dụng là gì?
“Cố ý tỏ ra vô dụng nghĩa là một người giả vờ không biết làm điều gì đó dù trên thực tế họ biết cách làm,” theo nhà trị liệu tâm lý và cây viết, Emily Mendez. “Trong một mối quan hệ, biểu hiện có thể là một người nói điều gì đó như, ‘Tôi không biết làm [việc X] như nào đâu. Vì vậy, tôi sẽ để bạn lo việc đó’. Đây có thể được coi là một thủ đoạn thao túng”. Về cơ bản, bằng cách giả vờ hoặc bày tỏ sự kém cỏi ở một số việc như đi chợ hoặc tắm cho chó, kẻ thao túng muốn đảm bảo rằng lần tới đối tác của họ sẽ chọn cách tự làm thay vì nhờ họ giúp đỡ.
Các ví dụ trên TikTok bao gồm từ việc nuôi dạy con cái nửa vời, hoàn thành kém việc nhà, đến những nỗ lực yếu kém trong việc đảm nhận các nhiệm vụ mới tại nơi làm việc. Ví dụ, một video cho thấy hậu quả sau một buổi “trông con” của một phụ huynh: bồn rửa bị tắc, ngăn kéo bị kéo ra, đồ chơi và sơn vung vãi khắp nơi. Trong một video khác, một người phụ nữ bảo chồng bỏ thức ăn thừa đi, và sáng hôm sau, cô ấy phát hiện nguyên cái nồi thức ăn thừa bị nhét vào tủ lạnh.
Theo Mendez, hành vi này, đôi khi được coi là sự vô dụng có chiến lược, có hại vì nó tạo ra sự mất cân bằng trong mối quan hệ khi một bên phải nỗ lực nhiều hơn nửa kia. Việc cảm thấy thiếu sự hỗ trợ từ đối tác của có thể dẫn đến oán giận và bực bội vì cảm giác bất công, xích mích và xa cách.
Theo huấn luyện viên mối quan hệ và giao tiếp, Chloe Ballatore, hành vi cố ý tỏ ra vô dụng là vấn đề vì nó cũng là một dạng hung hăng thụ động. Cô nói: “Trẻ em rất hay thực hiện việc này, nhưng nếu nó xuất hiện ở người trưởng thành thì đó là một vấn đề lớn. Loại hành vi cố ý gợi lên cảm giác tội lỗi ở đối phương, và câu cửa miệng của họ sẽ là kiểu “Bạn phải giúp tôi vì tôi quá ngu ngốc để làm điều đó”. Nếu bạn đang ở trong mối quan hệ với một người chơi trò này, hãy thẳng thắn chỉ ra bản chất của nó cho đối phương biết”. Chịu đựng sẽ chỉ dẫn đến kiệt sức và mệt mỏi.
Đối phó với việc cố ý tỏ ra vô dụng trong mối quan hệ
Nếu đây là điều mà đối tác của bạn luôn làm, việc kiềm chế hành vi này sẽ đòi hỏi bạn phải rất kiên nhẫn. Tuy nhiên, đó là điều cần thiết nếu bạn muốn đạt được một mối quan hệ cân bằng hơn.
Bắt đầu bằng cách cùng trò chuyện về hành vi của họ. “Có thể đối tác không nhận ra rằng họ đang làm điều này, có thể họ cảm thấy họ không biết làm thật, hoặc đó có thể chỉ là do họ thiếu tự tin chứ không nhất thiết nghĩa là họ cố ý thao túng,” Mendez nói.
Nói ra trước sẽ giúp giải tỏa những hiểu lầm. Ví dụ: nếu nhà bạn có trẻ nhỏ, đối tác của bạn có thể không cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi thực hiện một số công việc nhất định vì họ không muốn làm mọi việc rối tung lên. Trong trường hợp này, bạn có thể dạy đối tác của mình cách làm những việc nhất định – nhỏ và dễ làm – để họ có thể đóng góp công bằng vào việc chăm sóc con nhỏ.
Điều quan trọng nữa là bạn phải đặt ra ranh giới rõ ràng cho bản thân và tuân theo các ranh giới đó. Nếu bạn cảm thấy mình đang làm quá nhiều, đừng phủ nhận điều đó. “Hãy chia sẻ điều này với đối tác của bạn và cùng nhau đảm bảo rằng các nhiệm vụ được chia đều,” Mendez nói. Hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng đối tác của bạn là một người trưởng thành rất có năng lực và có thể làm những công việc đơn giản. Nếu bạn cứ tiếp tục chấp nhận việc họ lặp đi lặp lại kiểu hành vi đó, sẽ chẳng có gì thay đổi.
Trong một số trường hợp, nói chuyện với một nhà trị liệu chuyên tư vấn cho các cặp đôi có thể hữu ích. Theo Mendez, một chuyên gia có thể giúp bạn cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình. Họ cũng có thể giúp bạn khám phá xem có bất kỳ vấn đề sâu hơn nào cần được giải quyết hay không.
