Khoảng cuối thế kỷ 15, trong thời gian Leonardo được bảo trợ với tư cách cố vấn kỹ thuật quân sự dưới trướng của Ludovico Sforza, công tước thành Milan để chống quân xâm lược Pháp. Ông đã để lại nhiều phát minh xoay quanh vũ khí và các khí tài chiến tranh. Trong đó bản vẽ cho chiếc xe bọc thép này là nổi bật nhất, ra đời vào năm 1487 (khi mới chỉ 25 tuổi)
Vào thời của Leonardo, thứ gần nhất với một chiếc xe tăng có thể tìm thấy trên chiến trường là Voi, và có tới ba người lính gắn trên chúng. Rất có thể vì ông coi thường việc làm hại hoặc làm bị thương động vật dưới bất kỳ hình thức nào, nên đã phát minh ra chiếc xe tăng này. Với niềm tin rằng phát minh của mình sẽ thay thế hiệu quả việc sử dụng voi trên chiến trường.
Cỗ xe được bảo vệ bằng 1 cái vỏ bọc hình nón giống cái mai rùa. Bệ xe được làm bằng gỗ và được gia cố thêm các tấm kim loại có độ nghiêng để đánh chệch hoả lực đối phương và tăng độ dày của giáp. Cỗ máy cần 8 người dùng sức liên tục xoay trục để quay 2 bánh xe. Và khoảng 2 chục người để vận hành dàn hỏa lực 33 khẩu thần công hạng nhẹ quanh kệ chu vi để có thể khai hỏa được từ mọi hướng. Trên đỉnh của chiếc xe có một tháp quan sát để phối hợp việc khai hoả các khẩu thần công và điều khiển chiếc xe.
Tuy nhiên, thiết kế của Da Vinci chứa một sai sót: trục bánh di chuyển bánh trước bị ngược hướng với trục di chuyển ở bánh sau. Gần như chiếc xe tăng chỉ là bản thiết kế trên giấy, nó hoàn toàn không di chuyển được. Với trí thông minh và hiểu biết về cơ học của Da Vinci, việc mắc phải lỗi cơ bản này là điều không thể, những giả thuyết được đưa ra là Da Vinci không muốn những mẫu thiết kế đó rơi vào tay kẻ thù, để không ai có thể khiễn những cỗ xe này di chuyển ngoài chính ông.
Mặc dù vậy, theo các kỹ sư hiện đại thực ra vẫn có một số sai sót không thể khắc phục trong thiết kế. Các bánh xe quá mỏng để hỗ trợ một chiếc xe nặng như vậy đi qua vùng đất ẩm ướt, rất có thể chúng sẽ chìm xuống đất và không di chuyển được. Leonardo có gắn đinh tán trên bánh xe để hỗ trợ ma sát nhưng không chắc là mọi chuyện sẽ khá hơn. Mãi đến đầu thế kỷ 20, các kỹ sư quân sự mới khắc phục được vấn đề này bằng cách thêm các bánh xích.
Do các hạn chế về kỹ thuật của thế kỷ 15, cỗ xe cũng gần như không thể di chuyển trên địa hình gồ ghề.
Ngoài ra, dưới góc độ quản trị kinh tế, quân sự. Không khó để nhận ra tại sao công tước Milan không cho sản xuất món này hàng loạt. Khoảng 33 khẩu đại bác, mỗi khẩu chỉ có thể bắn được 1 hướng. Nếu như đem ra chiến trường thì chắc chắn sẽ bị áp đảo hỏa lực do chỉ có thể bắn 3-5 khẩu được 1 lần. Chưa kể nếu như kẻ thù tập trung hỏa lực, hoặc trúng phải chỉ 1 viên đạn Lựu pháo (Howitzer) cũng có thể khiến tổ lái 30 người đều thiệt mạng mà không thể chạy thoát được. Thay vào đó sẽ tạo ra 33 khẩu dã pháo đồng loạt khai hỏa và di chuyển linh hoạt vẫn ấn tượng hơn là 1 cỗ xe chậm chạp tiên phong đầu quân để thu hút hỏa lực địch. Với lý do tốn nhiều tài nguyên, nhân sự, chi phí duy trì cao mà hiệu quả tác chiến thấp, bản vẽ của ông nhanh chóng bị bác bỏ.
Phải đến tận thế chiến thứ nhất, khi công nghệ quân sự và khả năng công nghiệp hóa phát triển, những cỗ xe tăng đầu tiên mới xuất hiện và làm mưa làm gió khắp các chiến trường bộ binh, đánh dấu hình thức chiến tranh mới trong lịch sử loài người bắt đầu.