Cô Văn Thuỳ Dương “dặn dò” con gái trong đám cưới gây xôn xao
Ngày 21/3 vừa qua, đám cưới của tiểu thư Tô Sa (Đặng Tiểu Tô Sa, SN 1998) cùng chú rể Đạt Phùng nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người. Tiệc cưới được tổ chức ở một khách sạn sang chảnh tại Hà Nội, cô dâu xinh như công chúa nên duyên cùng anh bạn thân 7 năm của mình với khoảng 1.000 khách tham dự.
Đưa ái nữ về nhà chồng, cô Văn Thuỳ Dương, Hiệu phó trường THPT Lương Thế Vinh – mẹ của Tô Sa không khỏi xúc động. Mới đây, cô đã đăng một bài viết dài trên trang cá nhân, chia sẻ kinh nghiệm giữ gìn hôn nhân cho hai con, đặc biệt là lời nhắn gửi đến mẹ chồng Tô Sa gây nhiều chú ý.
Cô Văn Thuỳ Dương đã có những trải lòng về hôn nhân, đồng thời dặn con gái con rể cần sống sao cho phải đạo khi đã trở thành vợ chồng.
Mở đầu bài viết trên trang cá nhân, cô Văn Thuỳ Dương xúc động: “Thưa tất cả các vị khách quí có mặt trong ngày hôm nay, ngày vui của hai gia đình chúng tôi. Như bố chú rể đã có lời, chúng tôi thật sự cảm kích vì sự có mặt của tất cả các vị khách quí và xin ghi nhớ tấm thịnh tình mà tất cả đã dành cho hai gia đình chúng tôi và nhất là cho các con!
Hôm nay có hơn 1.000 lời chúc phúc cho các con. Tôi tin rằng điều này quá đủ cho một hành trình dài mới được bắt đầu”.
Sau đó cô dành 2 phút để được tâm sự cùng tất cả. “Tôi là mẹ đơn thân khi Tô Sa lên 4 tuổi và tái hôn khi tôi tìm được một người cùng tôi thương yêu con bé. Và tôi đã nhận ra hôn nhân là một quyết định hệ trọng. Bố tôi- ông ngoại của Tô Sa nói rằng: Hôn nhân không phải là một điểm đến, nó là điểm đầu tiên của một hành trình. Muốn hành trình này đẹp đẽ và được dài mãi, chúng ta phải học cách yêu đi yêu lại một người. Tôi cho rằng điều này luôn đúng và mãi đúng”, cô nói.
Cũng theo cô Văn Thuỳ Dương, trong hành trình để có thể yêu đi yêu lại nhau, có những điều buộc phải tuân thủ, những điều cần phải làm và vô vàn những điều nên làm. Ví dụ như: “Một trong những điều cần phải tuân thủ đó là sự chung thuỷ! Tiếp đó là sự ưu tiên: hãy luôn đặt vị trí người vợ người chồng lên hàng đầu vì đó chính là người sẽ đi cùng mình đến cuối cuộc đời; sự tôn trọng nhau: dành sự tôn trọng cho nhau mọi lúc mọi nơi, hãy yêu người mình theo cách họ muốn chứ không chỉ yêu theo cách mình muốn; sự tử tế: đây chính là ý thức gánh vác và sự chia sẻ trong cuộc sống chung, là sự cảm thông, là sự chịu đựng và cả sự tha thứ”.
“Tôi cũng xin nhắc các con điều mà tất cả các bố mẹ ở đây đều đã trải qua và đó là sự thật, đó là hôn nhân là sự bắt đầu của hành trình. Hôn nhân không chỉ đơn giản là tình yêu và tình dục mà còn là tiền sinh hoạt phí hàng tháng, tiền đóng học cho con, tiền phụng dưỡng cha mẹ, là sự phân công công việc trong nhà, ai sẽ đi chợ nấu cơm, ai rửa bát, ai đón con…
Hôn nhân cũng phải có sự chịu đựng những tính khí thất thường của nhau, là chịu đựng những thói quen không giống mình, chịu đựng cả những điều nhỏ nhất như dép guốc về để không đúng chỗ thậm chí đi tè không xả nước…
Trong hôn nhân còn có cả sự tha thứ…. không có sự vị tha độ lượng thì không thể thấu hiểu nhau và đi cùng nhau cả một hành trình.
Và để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc và để đi được hết hành trình đó cần sự cố gắng từ cả hai người”, cô Văn Thuỳ Dương bộc bạch.
Người mẹ ấy nhấn mạnh thêm rằng ngoài việc buộc phải tuân thủ và việc cần phải làm thì có rất nhiều điều nên làm: “Nên thường xuyên nói lời yêu với vợ với chồng, nên hôn vợ/chồng mỗi tối, mỗi sáng đi làm, không cãi nhau qua một đêm hay bỏ đi khi vợ chồng cãi cọ, nắm tay nhau qua đường… và nên thay đổi mình để hoà hợp, hãy luôn yêu người yêu mình theo cách họ muốn thay vì cách mình muốn….”.
Cuối cùng, cô Văn Thuỳ Dương gửi lời đến con rể và thông gia: “Con rể yêu quý. Mẹ luôn mong con sẽ yêu thương con mẹ hơn cả những gì con có thể. Nếu lúc nào đó cãi nhau, con hãy tin là mẹ sẽ là chỗ dựa vững chắc cho các con, là cầu nối để các con quay về bên nhau bởi hạnh phúc của các con luôn là sự bình yên và là hạnh phúc của các mẹ. Mẹ tin rằng con sẽ hạnh phúc vì được con gái mẹ yêu thương, và mẹ cũng sẽ luôn yêu con như yêu con trai, con gái và con dâu mẹ!
Thưa chị! Xin chị hãy yêu con gái em vì con sẽ là người đi cùng con trai chị lâu hơn chị có thể, sẽ ở bên con trai chị lúc buồn lúc vui, sẽ phần con trai chị trước tiên những món ngon nó nấu mà không phải dành cho người dứt ruột đẻ ra nó, nếu kiếm được tiền nó cũng sẽ dành cho con chị, cho gia đình bé nhỏ của nó trước tiên – em dặn nó phải thế….
Em sẽ dạy con yêu thương chị vì chị sinh ra người để nó yêu thương vì vậy nếu con có gì chưa đúng với mong muốn của anh chị, xin anh chị cứ dạy con bằng cả sự bao dung và độ lượng. Em tin tất cả chúng ta sẽ luôn hạnh phúc! Em cảm ơn anh chị đã đón con về và yêu con như em đã thấy”.
Ngay sau khi được đăng tải, bài viết trên đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng. Ai cũng nghẹn ngào trước tâm tư của người mẹ vừa ngả con gái đi lấy chồng, đặc biệt là chi tiết dặn dò các con phải biết sống sau hôn nhân, đồng thời gửi lời chúc phúc đến cặp đôi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng bài phát biểu trên của cô Văn Thuỳ Dương tới 20 phút trong một đám cưới là quá dài, mang tính chất “lên lớp”. Có thể chia sẻ riêng “gói gọn” trong góc độ hai bên gia đình và con cháu.
Chuyên gia cho rằng nói dài trong đám cưới là “chưa phù hợp”
Chia sẻ với PV Dân Việt, bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục, Tổng Cục Dân số (nay là Cục Dân số, Bộ Y tế) cho biết, đã đọc được những chia sẻ của cô Văn Thuỳ Dương chia sẻ trên mạng xã hội thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo ông Phương, những năm gần đây tỷ lệ các cặp vợ chồng ly hôn ngày càng gia tăng, năm sau nhiều hơn năm trước. Nguyên nhân cội nguồn sâu xa nhất hiện nay chính là bạo lực gia đình mà phụ nữ là người phải chịu hậu quả nhiều nhất.
“Hiện tượng kết hôn muộn và hệ luỵ của hiện tượng kết hôn muộn để lại nỗi đau cho rất nhiều gia đình. Vợ chồng lấy nhau muộn nhưng không hạnh phúc dẫn đến chia tay. Bạo lực gia đình hiện có 4 nhóm gồm: bạo lực tinh thần, thể xác, kinh tế và tình dục.
Một số nguyên nhân khác đó là cặp vợ chồng trẻ thiếu kỹ năng sống, văn hoá ứng xử, kỹ năng giao tiếp của lớp trẻ hiện nay đang có rất nhiều vấn đề bất cập. Chính vì lo đó, cô Văn Thuỳ Dương đưa ra thông điệp tới 20 phút về mong đợi với con gái, con rể và bên nhà thông gia”, ông Phương nói.
Ông Phương cho rằng, nếu góc độ phía hai bên gia đình và con cái thì những chia sẻ trên hoàn toàn phù hợp. Thế nhưng không chỉ góc độ gia đình mà cô giáo này muốn nói ra và nhắn nhủ với cả xã hội khi có hơn 1.000 khách tham gia đám cưới là “chưa phù hợp”.
“Cô Dương phát biểu với mong đợi đối với tất cả các gia đình thời hội nhập này khi nhiều cặp vợ chồng trẻ sống không hạnh phúc. Hoàn toàn tự đến với nhau, tự tìm hiểu chứ không giống như xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đó nhưng thời bấy giờ sống với nhau hạnh phúc.
Hiện nay con đặt đâu cha mẹ ngồi đó nhưng sống với nhau vẫn không hạnh phúc. Thực ra, mái ấm gia đình thời hội nhập hiện nay có nhiều bất cập so với gia đình truyền thống trước đây. Hiện tượng kết hôn muộn hoàn toàn tự nguyện đến với nhau nhưng không ít vợ chồng sống với nhau không chung thuỷ”, ông Phương cho hay.
Ông Phương cũng chia sẻ thêm: “Theo quan điểm của tôi không nên đưa ra thông điệp này giữa đám cưới giống như mình đang lên lớp cho cả những người tham dự. Nếu muốn thì có thể nói chuyện với gia đình thông gia, con gái, con rể chứ không phải ở diễn đàn đám cưới như thế.
Rõ ràng điều cô ấy nói không phải sai nhưng để đi vào cuộc sống nhiều khi nói thì dễ nhưng khi vận dụng trong xã hội hiện nay không đơn giản. Đám cưới hiện nay đa phần là bạn bè của cha mẹ hai bên, nói với con thì không sao nhưng nói trong đám cưới con mình là không phù hợp”.