Đôi khi nước mắt quý hơn nụ cười, vì nụ cười có thể tặng cho bất kì ai, nhưng nước mắt chỉ dành cho người mà ta không muốn mất.
Gửi em bé của chị!
Chàng trai à, dù đã 22 tuổi, nhưng chị vẫn gọi em là em bé. Bởi bây giờ, em cũng đang học những thứ mà một đứa trẻ cần phải học, học cầm thìa đúng cách, học đánh răng, học viết chữ, học đứng, học đi…
Em từng là chàng trai đầy ước mơ, hoài bão, chàng trai Hà Nội cao 1m85, đôi mắt 1 mí và nụ cười toả nắng. Từng là cậu sinh viên nhiệt huyết, sáng đi học, chiều đi làm để tích luỹ kinh nghiệm. Cũng có một tuổi trẻ cháy bỏng như các bạn.
Nhưng đâu ai biết trước được ngày mai chuyện gì sẽ xảy đến với mình phải không em. Những ngày hè cuối tháng 6, cái nắng hạ như thiêu đốt, em có ca làm buổi tối, vẫn là chàng trai chỉn chu, luôn mang cơm nhà đi ăn mỗi ca làm, vẫn tóc tai, quần áo gọn gàng trước khi rời khỏi nhà.
Vậy mà, chưa đầy nửa tiếng sau, mẹ nhận được tin em tai nạn, em nói qua điện thoại: “Mẹ ơi con đau lắm, mẹ nhanh đến với con đi”… Bố mẹ vội vàng đến đưa em vào viện, thấy người em chỉ bị trầy xước nhẹ, nghĩ rằng em ổn, chỉ là va đập nhẹ. Nhưng không, mọi thứ trở nên thật nghiêm trọng, bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu ngay. Em bị chấn thương sọ não, chảy máu trong gây áp lực lớn lên não. Nghe từng lời nói của bác sĩ mà như nghẹn lại, không còn tin vào tai mình nữa, kí giấy cam kết, cánh cửa phòng cấp cứu đóng lại, trái tim của những người bên ngoài như bị bóp chặt lại, không thể thở, không thể suy nghĩ được gì nữa rồi.
1 tiếng, 2 tiếng… trôi qua, rồi bác sĩ thông báo kết thúc ca mổ, em được đưa xuống phòng hồi sức tích cực, không ai được vào thăm.
Sau khi hội chẩn, bác sĩ thông báo gia đình nên chuẩn bị tâm lý, có thể em sẽ không tỉnh lại, hoặc có thể sống thực vật, mọi trường hợp xấu đều có thể xảy ra. Sinh mệnh này phải do em nắm giữ rồi, số mệnh này em phải tự giành lấy từ tay tử thần, bác sĩ và người thân đã làm mọi cách có thể cho em.
1,2,3….mười mấy ngày trôi đi, em vẫn nằm đấy, dây chuyền, máy móc quấn quanh người, mỗi ngày chỉ được 30 phút buổi trưa và 30 phút buổi tối có một người nhà vào thăm. Nói chuyện, xoa bóp chân tay cho em. Để em biết, cảm nhận được mọi người vẫn luôn ở bên cạnh em.
Và rồi, bằng sự kì diệu nào đó, em tỉnh lại. Sự sống đã quay trở về. Chỉ là cái chớp mắt, rồi dần dần là cái nhúc nhích của ngón tay, khẽ rung lên của đôi môi. Mọi thứ với em, không phải là bất động đều là may mắn.
Sau gần một tháng trời ròng rã, viện là nhà, ngày cũng như đêm, thì cũng đến ngày em được về nhà, vẫn phải mở lỗ khí quản và ăn qua sone dạ dày. Thời gian cứ thế trôi đi, em ngày một tiến triển tốt hơn, rút được ống sone, có thể tự thở bình thường. Nhưng em lại chẳng thể nói được, chân tay chưa cử động được. Mọi thứ dường như bắt đầu lại từ đầu, như một đứa trẻ. Ai nấy trong nhà đều tự nhủ rằng, mọi chuyện sẽ ổn thôi, còn sống là còn hy vọng, em sẽ sớm hồi phục.
Hai tháng sau em nhập viện lần nữa, lần này là để ghép sọ. Mọi thứ được chuẩn bị sẵn sàng, cả thể chất và tinh thần. Em cũng rất hào hứng, vì em biết lần này sẽ giúp em nhanh chóng hồi phục hơn. Cả nhà nghĩ rằng cửa sinh tử em đã qua, lần này chỉ là một cuộc phẫu thuật đơn giản hơn, lại được các bác sĩ tư vấn kĩ càng, nên rất yên tâm.
Nhưng rồi cuộc phẫu thuật xảy ra sự cố, em lại chìm vào hôn mê. Cú sốc lúc này thật sự quá lớn, bố đã bạc hết tóc, mẹ đã mờ đôi mắt vì khóc thương em. Lại đếm, lại chờ… từng ngày trôi qua. Có lẽ ông trời đã không phụ lòng người, ở hiền ắt sẽ gặp lành. Em tỉnh lại, một thời gian sau được xuất viện về nhà. Mặc cho những ngày ở viện là những ngày tháng ám ảnh không thể quên, mọi sự đau đớn em phải trải qua, có lẽ cả đời này chị ko bao giờ quên được. Cái cảm giác đau đớn, giày vò em, chỉ ước ngay lúc đó chị có thể chịu một phần đau đớn thay em.
Về ngôi nhà ấm cúng, có Chun, có hai em Bông Bống, có bố mẹ, có chị và mọi người. Dần dần em bình tâm trở lại, không còn đau đớn, gào khóc nữa. Nỗi đau được xoa dịu. Có lẽ bằng nghị lực bản thân, sức mạnh của tuổi trẻ và sự yêu thương của đại gia đình, em đã hồi phục rất nhiều.
Em giờ đây vẫn chưa thể nói tròn vành, rõ chữ. Chân tay vẫn còn co cứng. Thử nghĩ mà xem, người bình thường chỉ cần bị chuột rút một chút thôi đã đau lắm rồi, vậy mà em thường xuyên bị như vậy, đau lắm phải không?
Một năm qua là hành trình có nhiều nước mắt và nụ cười. Và hành trình ấy dù có khó khăn thì vẫn sẽ tiếp tục. Nhưng em hãy an tâm, mọi người luôn ở bên em, cùng em vượt qua tất cả. Vì đây chỉ là thử thách đầu đời, thử thách vượt lên chính mình của em thôi, đúng không?
Sau bao nhiêu việc xảy đến với gia đình, chính Tùng là người đã giúp chị hiểu ra rằng: Đừng ngại trao cho nhau những cái ôm, đừng ngần ngại nói ra những lời yêu thương khi còn có thể. Và biết được, hạnh phúc là những điều nhỏ nhoi, giản đơn thường ngày đôi khi bị chúng ta bỏ qua.
Đó là khi được nhìn thấy những người thân yêu quây quần bên mâm cơm, ăn một cách ngon lành các món ăn mình nấu.
Hạnh phúc là khi chị mở tiệm bắp rang bơ tại gia, thực khách là những thành viên trong gia đình, cùng ngồi ăn bỏng ngô và xem hết 1 bộ phim. Là khi cô em gái út nũng nịu tối nay mình phải rửa bát nhiều hơn lúc trưa chị rửa.
Là những ngày rảnh rỗi, mấy chị em cùng nhau nặn những chiếc bánh bao, cái tròn, cái méo đầy vụng về, rồi háo hức đợi nó căng phồng trong nồi hấp.
Và hơn hết, lúc nào cũng phải giữ tinh thần lạc quan. Qua những ngày giông bão, sẽ là những ngày đầy nắng, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Rồi 1 ngày nào đó, bà chị vừa già, vừa xấu tính này có người đến hốt đi. Người đầu tiên chị muốn người đó gặp là em, chị sẽ nói rằng: “Tùng của chị đã mạnh mẽ như thế đấy.” Chị mong ngày cưới của chị, em đứng bên cạnh chị, trong khung hình của cả gia đình, đứng thật hiên ngang, lại là chàng trai khôi ngô, tuấn tú năm nào trong lòng chị.
Cố lên nhé, chàng trai nghị lực!
Thương em!
CRe minh minh/yêu bếp