CỔ PHIẾU BỊ HỦY NIÊM YẾT – NHÀ ĐẦU TƯ MẤT TRẮNG?

Gần đây có một vài cổ phiếu bị hủy niêm yết như THA (Thaco – CTCP Ô tô Trường Hải), PME (CTCP Pymepharco) .. và NĐT khá hoang mang, lo lắng liệu mình có bị mất toàn bộ số cổ phiếu đó? Vì khi NĐT đang sở hữu cổ phiếu trong tài khoản, đến ngày hủy niêm yết số cổ phiếu đó sẽ bị trừ luôn khỏi tài khoản chứng khoán, biến mất một cách không dấu vết.

Vậy tại sao cổ phiếu lại bị hủy niêm yết? NĐT phải đi đâu để tìm lại số cổ phiếu đó? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Cổ phiếu bị hủy niêm yết là gì?

Cổ phiếu bị hủy niêm yết là các mã cổ phiếu đã đăng ký niêm yết và được chấp thuận trên sàn giao dịch chứng khoán như HOSE hay HNX. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động tình hình kinh doanh thua lỗ khiến công ty không đạt được những tiêu chí niêm yết ban đầu.

Nói dễ hiểu cổ phiếu bị hủy niêm yết là cổ phiếu không còn được giao dịch trên sàn giao dịch trước đó, có thể là bị hủy bắt buộc, có thể là tự động đưa đơn hủy niêm yết tùy vào công ty. Một số công ty thì sẽ hủy niêm yết trên các Sở giao dịch chứng khoán nhưng sau đó niêm yết trên sàn Upcom để đảm bảo tính thanh khoản cổ phiếu.

Cổ phiếu khi bị hủy niêm yết đồng nghĩa với việc các quyền giao dịch chứng khoán sẽ không được thông qua các công ty chứng khoán và sàn giao dịch chứng khoán.

Theo quy định của pháp luật, có 2 trường hợp hủy niêm yết cổ phiếu:

– Hủy niêm yết chứng khoán bắt buộc: Là những chứng khoán bắt buộc bị hủy bỏ do không đáp ứng đầy đủ các quy định, quy tắc cho việc niêm yết chứng khoán tại các sở/sàn giao dịch chứng khoán như: Hoạt động sản xuất kinh doanh chính bị ngừng hoạt động từ 1 năm trở lên; Công ty bị lỗ 3 năm liên tiếp và tổng số lỗ vượt quá số vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính gần nhất; Và một số quy định khác.. Như vậy, khi các công ty không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu do một sàn giao dịch đặt ra thì sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

=> Ví dụ: Thaco bị hủy niêm yết chứng khoán bắt buộc do không đáp ứng tiêu chí niêm yết, tại thời điểm chốt danh sách cổ đông ngày 3/3/2021 do Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam thực hiện, THACO có 2.172 cổ đông, trong đó cổ đông nhỏ lẻ sở hữu chưa tới 3% tổng số cổ phần biểu quyết của THACO, nghĩa là chưa đạt điều kiện 10% của Luật Chứng khoán 2019.

– Hủy niêm yết chứng khoán tự nguyện: Là cách thức hủy niêm yết chứng khoán khi tổ chức niêm yết đưa ra đề nghị hủy bỏ niêm yết trên sàn chứng khoán. Điều kiện: Phải có trên 50% số phiếu biểu quyết của các cổ đông (không phải là cổ đông lớn) chấp thuận hủy bỏ niêm yết và không được đề nghị hủy bỏ niêm yết trong thời hạn 02 năm kể từ ngày đưa cổ phiếu vào niêm yết lần đầu tiên.

Ví dụ: Cổ phiếu HHV (CTCP Đầu tư hạ tầng Giao thông Đèo Cả) hủy đăng ký giao dịch trên Upcom từ 7/1/2022 để chuyển sang HOSE.

Khi nào thì cổ phiếu bị hủy niêm yết?

Đối với doanh nghiệp nếu xuất hiện những dấu hiệu sau thì có lẽ cổ phiếu của công ty đó sắp bị hủy khỏi Sở giao dịch chứng khoán.

– Không đáp ứng được điều kiện niêm yết chứng khoán Việt Nam

– Công ty niêm yết bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh từ 1 năm trở lên

– Công ty đã niêm yết bị thu hồi giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép hoạt động

– Cổ phiếu của công ty không có bất kỳ giao dịch nào trên sàn chứng khoán trong 12 tháng

– Kinh doanh 3 năm liên tục bị thua lỗ

– Công ty chấm dứt sự tồn tại do Sáp nhập, chia tách, hợp nhất. Quỹ đầu tư chứng khoán chấm dứt hoạt động

– Công ty vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính kinh doanh trong 3 năm liên tiếp

– Công ty niêm yết không tiến hành làm thủ tục niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán trong thời gian quy định 3 tháng kể từ ngày được chấp thuận niêm yết

– Công ty niêm yết làm giả mạo hồ sơ niêm yết hoặc cung cấp thông tin sai lệch trong hồ sơ niêm yết

– Công ty đã niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin

Về cơ bản nếu mọi người thấy doanh nghiệp nào đó đang có những dấu hiệu trên thì hãy nên cân nhắc về việc mua bán cổ phiếu.

Mua cổ phiếu bị hủy niêm yết thì phải làm sao?

Nếu như bạn lỡ mua cổ phiếu của 1 công ty nào đó trên sàn nhưng bất ngờ Sở giao dịch chứng khoán công bố thông tin cổ phiếu của công ty đó bị hủy niêm yết và số chứng khoán trong tài khoản của bạn bất ngờ bốc hơi, vậy phải làm thế nào? Liệu chúng ta có mất trắng?

Đối với cổ phiếu hủy niêm yết chuyển sàn

Trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết chuyển sàn có nghĩa là công ty đó hủy niêm yết ở sàn cũ để chuyển sang niêm yết ở sàn giao dịch mới. Và thường có trường hợp như sau:

– Hủy niêm yết chuyển sang sàn lớn hơn, ví dụ như từ Upcom chuyển sang Hose. Như trường hợp của HHV thời gian gần đây.

– Hủy niêm yết Sở giao dịch lớn chuyển xuống sàn Upcom

Với trường hợp cổ phiếu niêm yết sàn lớn hơn thì không nói, bởi cổ phiếu sẽ lên giá hơn sau khi niêm yết mới, số lượng cổ phiếu chúng ta đang nắm giữ cũng không ảnh hưởng, sàn sẽ tiến hành thủ tục thực hiện chuyển đổi nhanh chóng cho mọi người.

Nhưng nếu trường hợp bị hủy niêm yết do kinh doanh không tốt hay bất kỳ vấn đề nào đó liên quan đến vi phạm quy định niêm yết thì sẽ khác. Theo quy định, sau khi hủy niêm yết, các doanh nghiệp sẽ tự động được đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM để duy trì thanh khoản. Vậy nên cổ phiếu sẽ được giao dịch trên sàn Upcom, mọi người có thể làm thủ tục giao dịch cổ phiếu như bình thường.

Đối với nhà đầu tư chúng ta nên theo dõi, bám sát mọi thông tin về cổ phiếu và doanh nghiệp đó thì việc nhận ra các dấu hiệu có vấn đề của công ty là điều đơn giản, bởi thông tin được cung cấp liên tục. Báo cáo tài chính được cung cấp sau các quý. Vậy nên hãy tỉnh táo để phân tích xem doanh nghiệp này đang có vấn đề gì, có khả năng bị hủy niêm yết hay không.

Nếu như nhận thấy cổ phiếu có khả năng bị hủy niêm yết do những lỗi từ phía công ty thì chúng ta nên bán ngay và luôn thời điểm đó bởi khi tình hình kinh doanh không tốt, doanh nghiệp có thể đối diện với những nguy cơ phá sản nên tính thanh khoản cổ phiếu đó thường sẽ thấp. Chỉ những cổ phiếu có triển vọng phục hồi mới có thể bán đi nhanh chóng.

Cổ phiếu hủy niêm yết không chuyển sàn

Trong trường hợp nếu cổ phiếu bị hủy niêm yết nhưng không chuyển sàn, có nghĩa là không được niêm yết trên sàn chứng khoán nữa cho dù là Upcom. Đối với cổ phiếu này thì mọi người hãy liên hệ với phòng cổ đông của công ty để được cấp lại sổ và xem lại các chính sách thu mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp hoặc bán dưới dạng thương lượng thỏa thuận với người khác.

Nếu giao dịch trên sàn chứng khoán, việc mua bán cổ phiếu giữa các nhà đầu tư sẽ thuận tiện hơn, khả năng thanh khoản cao. Nhưng khi cổ phiếu bị huỷ niêm yết bắt buộc, việc mua bán sẽ bị giảm đi rất nhiều và ảnh hưởng đến giá trị tài sản của cổ phiếu đó bởi các nhà đầu tư sẽ khó tìm và khó mua cổ phiếu hơn khi được giao dịch trên một sàn giao dịch chứng khoán lớn.

Tuy nhiên chúng ta cũng không cần quá lo lắng, cho dù trong trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc, nhà đầu tư vẫn được đảm bảo về nguồn sở hữu đối với cổ phiếu, bởi cổ phiếu bị huỷ niêm yết nhưng không phải huỷ giá trị. Về phía doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, cần có trách nhiệm đảm bảo cho nhà đầu tư sở hữu hợp pháp cổ phiếu. Có thể nó sẽ khó để bán hơn nhưng vẫn có một số nhà đầu tư lớn thu mua với mục đích tái cấu trúc hoặc thâu tóm doanh nghiệp.

Chúng ta cũng có thể lựa chọn nắm giữ đối với những cổ phiếu bị hủy niêm yết có khả năng phục hồi.

Việc đánh giá về khả năng phục hồi của 1 cổ phiếu bị hủy niêm yết là cực kỳ khó, đòi hỏi bạn phải có nhiều kiến thức cũng như nắm rõ các thông tin nội bộ. Tuy nhiên, trước hết mọi người hãy dựa trên nguyên nhân bị hủy niêm yết của công ty, để xem nguyên nhân có là gì, sau đó dựa vào đó có thể đánh giá được cơ bản các khả năng phục hồi của cổ phiếu đó.

Với cổ phiếu có khả năng phục hồi thì nếu không thể bán chúng ta có thể lựa chọn nắm giữ. Bởi cũng có rất nhiều cổ phiếu sau khi bị hủy niêm yết đã phục hồi rất tốt dựa trên các dự án đầu tư mới, việc tái cấu trúc hay dựa trên sự lãnh đạo của người mới.

Nhìn chung, lý do buộc các cổ phiếu này phải “rời khỏi sàn” là vì doanh nghiệp làm ăn thua lỗ triền miên hay không minh bạch về công bố thông tin.

Những cổ phiếu kém chất lượng bị đào thải là điều tất yếu và các cổ đông nhỏ sẽ bị thiệt hại lớn, do hầu hết cổ phiếu trước khi hủy niêm yết đều rơi vào tình trạng thị giá tụt dốc không phanh. Mức giá thường dưới giá niêm yết rất nhiều, thanh khoản èo uột thậm chí nhiều cổ phiếu bị mất thanh khoản nên rất khó chuyển số cổ phiếu đang nắm giữ thành tiền mặt.

Hoặc ngược lại có không ít trường hợp các cổ phiếu trước thời điểm hủy niêm yết còn xảy ra hiện tượng tăng giá vì có những thông tin đồn đoán về việc có nhà đầu tư mới sẽ tái cấu trúc, được công ty lớn thâu tóm. Điều này khiến cho nhà đầu tư lao vào gom cổ phiếu như con thiêu thân để rồi sau đó phải “ôm hận”.

Để bảo vệ chính mình, cách tốt nhất là đừng bao giờ “đụng” vào cổ phiếu có nguy cơ bị hủy niêm yết khi nhận thấy các dấu hiệu kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thua lỗ nặng nề triền miên (có thể biết được bằng cách phân tích báo cáo tài chính) hoặc cổ phiếu bị Sở Giao dịch Chứng khoán đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Chúng ta nên thường xuyên update thông tin về doanh nghiệp và lưu ý trong quá trình giao dịch để tránh rủi ro trên.

Quan điểm của bạn về cách xử lý những cổ phiếu này như thế nào? Hãy cùng chia sẻ nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *