HỘI CHỨNG PETER PAN LÀ GÌ?
Peter Pan là từ để chỉ những người trưởng thành về tuổi tác và ngoại hình, nhưng tâm lý, nhận thức và cách hành xử không khác gì trẻ con. Họ không muốn trưởng thành, muốn mãi là một đứa trẻ vô lo, thích tận hưởng, thậm chí mè nheo bố mẹ, người thân.
DẤU HIỆU
Dễ tự ái
Họ cần người khác quan tâm đến cảm xúc của họ nhưng bản thân họ lại không màng đến cảm xúc của người khác. Họ dễ nổi giận chỉ vì người khác bày tỏ quan điểm không giống mình và luôn cho rằng những người xung quanh đang công kích họ.
Không thể xử lý xung đột
Những người mắc hội chứng Peter Pan thường phản ứng với xung đột theo 2 cách:
– Chạy trốn: họ nghĩ trì hoãn hoặc làm lơ thì vấn đề sẽ tự biến mất, giống như đứa trẻ khi sợ hãi thường hay bịt mắt và tin rằng thứ làm chúng sợ sẽ biến mất vậy.
– Trả đũa: Trước một cuộc tranh luận hoặc cãi vã, nếu không chạy trốn, người mắc Hội chứng Peter Pan sẽ phản ứng theo kiểu “ăn miếng trả miếng”. Họ sẽ nói hoặc làm những điều tổn thương bạn giống như cách mà họ đang cảm thấy bị tổn thương. Có thể họ sẽ la hét, xúc phạm, thậm chí là ném đồ đạc.
Không giữ lời hứa
Những người Peter Pan không chịu trách nhiệm trước bất kỳ hành động nào của mình và nếu có điều gì sai, họ sẽ nhanh chóng đổ lỗi cho người khác. Tương tự như vậy, họ không thực sự nghiêm túc khi hứa hẹn điều gì đó.
Ghét bị từ chối và sợ hãi sự cô đơn
Đó là lý do tại sao họ muốn được bao quanh bởi mọi người mọi lúc, mọi nơi. Trong thực tế, họ luôn muốn mình là trung tâm của sự chú ý.
Thiếu tự tin
Những khiếm khuyết trong kiến thức thường thức và kỹ năng sống là kết quả của chuỗi ngày được cha mẹ bảo bọc cộng với tính ỷ lại, lười biếng, không chịu học hỏi.
Khó thể hiện cảm xúc
Họ không có phát triển khả năng đối phó với những thất vọng nhỏ của cuộc sống nên họ có xu hướng bị tổn thương dễ dàng. Để bảo vệ bản thân khỏi bị tổn thương này, họ có xu hướng thể hiện thái độ “không quan tâm”. Lâu dần, họ có thể đánh mất cảm xúc và trở nên vô cảm.
NGUYÊN NHÂN XUẤT HIỆN HỘI CHỨNG PETER PAN
Cha mẹ bảo bọc quá mức
Nằm trong vòng tay cha mẹ khiến họ khó phát triển những kỹ năng tự đối mặt với cuộc sống. Thậm chí, sự nuông chiều quá mức còn khiến cho đứa trẻ luôn tin là mình đúng trong mọi trường hợp, luôn xem mình là “cái rốn của vũ trụ” và giữ nguyên nhận thức đó cho đến khi trưởng thành.
Quá yêu bản thân mình.
Họ có xu hướng cảm thấy thoải mái với thế giới tưởng tượng tốt đẹp mà họ nghĩ ra trong đầu. Điều này có thể khiến họ đắm chìm trong những ký ức tươi đẹp thời thơ ấu và không muốn “thoát” ra để đối diện với thực tế khắc nghiệt của cuộc sống.
Bình đẳng giới tăng cao, phụ nữ trở nên độc lập
Phụ nữ có vị trí cao hơn trong sự nghiệp khiến đàn ông cảm thấy bị lép vế hoặc phụ thuộc. Việc phụ nữ tự biến mình thành “nữ cường nhân”, quán xuyến mọi việc trong nhà và làm chủ chi tiêu khiến người đàn ông mất đi nhận thức về vai trò trụ cột gia đình, dần trở nên vô trách nhiệm và hình thành tính cách bốc đồng.
CÁC HỆ LỤY KÈM THEO
Trong công việc: khó phát triển sự nghiệp của mình và xây dựng quan hệ với đồng nghiệp. Thậm chí, một số người còn không có khả năng tự kiếm việc làm.
Trong tình yêu: hoàn toàn vô dụng trong những tình huống cần xử lý như một người lớn. Nói đúng hơn, việc phải thể hiện sự trưởng thành khiến cho họ trở nên cực kỳ căng thẳng, đôi khi là xấu hổ. Họ cũng không muốn gắn kết hôn nhân lâu dài nên sẽ thường “yêu qua đường” rồi bỏ chạy nếu cô gái nào muốn kết hôn hay có ý định chung sống lâu dài với họ.
CÁCH ĐIỀU TRỊ
Vì hội chứng Peter Pan chưa được công nhận là rối loạn tâm lý nên không có phương pháp điều trị xác định.
Những ông bố, bà mẹ phải thay đổi cách ứng xử với con cái, ngưng chiều con một cách quá mức, tập cho con sống một cách tự lập và có trách nhiệm ngay từ nhỏ.
Những bà vợ phải bớt chiều chồng để họ có “cơ hội” trưởng thành và sống có trách nhiệm hơn.
(C): Elle