co-nen-han-che-hoc-sinh,-sinh-vien-lam-them-qua-20h/tuan?

Có nên hạn chế học sinh, sinh viên làm thêm quá 20h/tuần?

Vì nghèo nên sinh viên đi làm thêm? 

Nguyễn Nam Anh (21 tuổi), quê Thanh Hóa, sinh viên năm 2 Đại học Bách Khoa sáng lên giảng đường, chiều tối lúc được nghỉ lại lấy xe máy ra đường chạy grab kiếm thêm tiền lo học hành, trang trải cho cuộc sống.

Nam Anh tâm sự lần đầu tiên vừa đặt chân xuống Hà Nội đi học cậu đã đặt mục tiêu phải làm thêm kiếm tiền. Nhà nghèo, có 3 anh em, cậu là con trai đầu nên hứa với bố mẹ chỉ cần đậu đại học là sẽ tự đi làm thêm để lấy tiền ăn học.

“Một ngày em làm từ 5-7 tiếng. Ngày nghỉ thì làm 8 tiếng thậm chí là 10 tiếng. Năm đầu học ít nên ngày nào em cũng phải làm từ 7-10 tiếng. Có hôm đi làm tới 10 giờ đêm mới về”, Nam Anh chia sẻ.

sinh viên làm thêm

Lê Quang Thuận – Sinh viên năm 2 ĐH Thủy lợi đang làm công việc bán thời gian tại một spa chăm sóc chó mèo. Ảnh: Trung Hiếu

Theo nam sinh viên, đi làm nhiều cũng mệt, nhiều lúc lên lớp ngủ gật. Cuối kỳ có lúc không thi được hết môn vì chưa kịp ôn bài nhưng không đi làm thì không có tiền ăn học. Dù chăm chỉ thì một tháng cậu cũng chỉ kiếm thêm được 5-6 triệu đồng. Khoản này phải rất tiết kiệm mới đủ đóng tiền học phí, tiền ăn, tiền thuê nhà trọ.

Vừa nghe tin Dự thảo Luật Việc làm quy định hạn chế học sinh, sinh viên làm thêm quá 20h/tuần, Nam Anh lại thêm lo lắng. Không biết, tới đây nếu sinh viên bị hạn chế làm thêm thì lấy tiền đâu để ăn học.

“Một tuần nếu chỉ được làm thêm 20 giờ, có nghĩa là một ngày chỉ được làm khoảng 3 giờ. Nếu vậy trung bình mỗi tuần cũng chỉ kiếm thêm được 400-500 nghìn đồng. Một tháng cũng chỉ có khoảng 2 triệu đồng. Khoản tiền này quá thấp để duy trì sinh hoạt và học hành cho em”, Nam Anh lo lắng.

Cậu sinh viên cho biết, ngoài việc đi chạy grab thu nhập còn cao hơn chút thì công việc tại nhà hàng, quán ăn quá rẻ. Mỗi tiếng làm việc, cậu chỉ được chủ nhà hàng trả cho 25 nghìn đồng-30 nghìn đồng.

Quy định “siết” học sinh, sinh viên làm thêm quá 20h/tuần có phù hợp?

Dự thảo Luật việc làm sửa đổi đang được lấy ý kiến dành một chương quy định về chính sách hỗ trợ việc làm thanh niên, trong đó có quy định về việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên.

Hiện cả nước có khoảng hơn 3 triệu sinh viên đang học các trường đại học, số còn lại học các trường cao đẳng, trung cấp nghề cũng vào khoảng hơn 1 triệu người.

Cụ thể, học sinh, sinh viên đủ độ tuổi lao động (đủ 15 tuổi trở lên) được làm việc nhưng không quá 20 giờ trong 1 tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ trong 1 tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.

Theo ban soạn thảo, trách nhiệm quản lý làm việc bán thời gian của học sinh, sinh viên thuộc về cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Dự thảo Luật nêu rõ, tiền công của học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động và căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng, chất lượng công việc đã thực hiện.

Hơn nữa, học sinh, sinh viên tham gia việc làm bán thời gian được bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Việc hạn chế học sinh, sinh viên làm thêm quá 20h/tuần nhằm bảo vệ học sinh, sinh viên giúp các em có đủ thời gian để học tập, nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. 

việc làm thêm sinh viên

Nguyễn Anh Đức (SV năm 2 – Học viện Bưu chính viễn thông) tranh thủ làm thêm ở quán cơm khi không phải đi học. Ảnh: Trung Hiếu

Hiện, Việt Nam đã có lương tối thiểu giờ được chia làm 4 vùng, cụ thể vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ và vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

Mới đây, Bộ LĐTBXH cũng vừa lấy ý kiến vào dự thảo tờ trình Nghị định quy định mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng. Theo đó, mức lương tối thiểu được đề xuất sẽ tăng 6%, nâng mức lương theo giờ của vùng 1 lên là 23.800 đồng/giờ, vùng 2 là 21.200 đồng/giờ, vùng 3 là 18.600 đồng/giờ và vùng 4 là 16.600 đồng/giờ.

Đây là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ. Trên thực tế, học sinh, sinh viên hay người lao động làm việc bán thời gian có thể thỏa thuận để có mức lương cao hơn với người sử dụng lao động.

Ông Vũ Quang Thọ – Nguyên viện trưởng Viện Công nhân lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thì việc quy định giờ làm thêm tối đa cho sinh viên là cần thiết. Điều này nhằm đảm bảo thế hệ trẻ ưu tiên thời gian tập trung học hành, nâng cao trí tuệ. Đồng thời cũng đảm bảo để xây dựng nguồn nhân lực quốc gia có đủ năng lực, kỹ năng cho tương lai. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đến từ vùng sâu vùng xa. Để hỗ trợ giúp các em yên tâm học hành, thầy cô nhà trường và cả gia đình phải hỗ trợ các em. Nhà nước cũng cần tăng cường các chính sách cho vay vốn ưu đãi cho học sinh, sinh viên; thầy cô, nhà trường có thêm nhiều học bổng… và đặc biệt gia đình cần động viên các em.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *