CÓ MỘT TRƯƠNG VÔ KỴ HOÀN HẢO TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM – TÂY SƠN TAM KIỆT – ĐÔNG ĐỊNH VƯƠNG NGUYỄN LỮ
Những nét tương đồng đến kỳ lạ giữa nhân vật lịch sử Nguyễn Lữ và nhân vật tiểu thuyết hư cấu Trương Vô Kỵ:
Nguyễn Lữ (阮侶) sinh ra và lớn lên trong thời buổi loạn lạc và chuyển giao lịch sử, là một trong ba người đặt nền móng kiến lập nhà Tây Sơn.
Ông thường được miêu tả là một người ôn hòa, theo học văn võ cùng một thầy với hai người anh. Ông thường hay đi xa giao du đây đó quen biết rộng, lấy nghề thuốc giúp người nên dân chúng gọi ông là thầy tư Lữ.
Tương truyền ông theo Minh giáo (đạo Mani), hay lên vùng thượng đạo chữa bệnh trừ tà, Minh giáo thờ thần lửa gần giống với sự thờ cúng của các dân tộc ít người tại Tây Sơn thượng. Đạo Minh giáo rất thịnh hành ở Tây Sơn thượng, nên ông Lữ qua việc truyền giáo đã quen biết rất nhiều các tộc trưởng, nhiều bộ lạc, người dân tộc thiểu số như sắc tộc Xà Đàn (Sédang), Ra Đê (Rhadé), Gia Rai (Djarais) v.v… Vì vậy khi Tây Sơn khởi nghĩa việc xây dựng lực lượng ban đầu không thể không kể đến công lao của ông.
Nữ chúa Hỏa hay còn gọi là Bà Hỏa, nữ chúa Thị Hỏa là thủ lĩnh của người Chăm quản lĩnh một vùng đất rộng lớn mà sử sách xưa thường gọi là “nước Hỏa Xá”. Địa bàn của bà chúa Hỏa trải rộng khắp khu vực miền núi ngày nay thuộc phía tây nam Phú Yên kéo dài đến Cheo- reo (Kon Tum). Trong quá trình tập hợp, xây dựng lực lượng, Nguyễn Lữ đã tìm đến bắt liên lạc, kết thân với Nữ chúa Hỏa. Một điều ít ai biết, Nguyễn Lữ có mối quan hệ đặc biệt với bà chúa Hỏa .
Trên đường hành đạo, ông Lữ nhờ đức tính hiền hòa cộng với sự tin tưởng vào bản thân tuyệt đối, hòa với võ công đặc biệt là môn nhu quyền mà ông đã vượt qua mọi trở ngại, hiểm nguy. Khi gặp phải bọn côn đồ, không thể dùng lời lẽ ôn tồn khuyên răn, ông đã dùng đến vũ lực để chinh phục. Nhờ môn nhu quyền mà ông đã thu phục được nhiều kẻ anh hùng, vũ dũng, sống ngoài vòng cương tỏa của xã hội, sau này trở thành tướng sĩ của nhà Tây Sơn.
Không những tham gia xây dựng lực lượng, Nguyễn Lữ còn góp công trong nhiều trận đánh quan trọng thời kì đầu giúp quân Tây Sơn đánh bại chúa Nguyễn tiêu diệt gần hết gia tộc này, chỉ trừ Nguyễn Ánh. Khi nội bộ anh em nhà Tây Sơn xảy ra mâu thuẫn dẫn đến việc Bắc Bình vương – tức Quang Trung hoàng đế (về sau) bao vây anh trai là Thái Đức đế – tức Tây Sơn vương (về sau) ở thành Quy Nhơn, ông đã đứng ra làm trung gian hòa giải giữa các anh em, sau sự kiện này ông được tấn phong là Đông Định Vương, trấn giữ đất Gia Định.
Tuy nhiên, khi được trao trách nhiệm đứng đầu một vùng đất rộng lớn và có vị trí chiến lược rất quan trọng thì vai trò của Đông Định Vương Nguyễn Lữ mờ nhạt dần. Nguyễn Lữ đã tỏ ra thiếu kiên quyết và sắc sảo trong nhiệm vụ quản lí đất Gia Định. Khi lần cuối đánh mất Gia Định bản thân Nguyễn Lữ đã mang bệnh nặng trong người, khi rút đi về đến Quy Nhơn một thời gian ngắn thì qua đời, vì vậy những lời chê của sử Nguyễn có phần phiến diện nhằm bôi nhọ ông mà thôi. Ông mất khi tuổi còn rất trẻ, khoảng chừng ba mươi.
HÙNG KÊ QUYỀN CỦA NGUYỄN LỮ
Quân đội Tây Sơn thần dũng vô địch trên chiến trường cũng nhờ công huấn luyện của các chủ tướng. Các tướng lĩnh Tây Sơn toàn là cao thủ võ nghệ tuyệt luân. Trong đó nổi bật nhất chính là Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.
Người ta biết nhiều về Nguyễn Huệ nhưng không hiểu rằng Nguyễn Lữ mới chính là đại tông sư về võ học trong cả ba anh em Tây Sơn. Vì võ học là một thứ Đạo dùng để tu thân, nên khi đạt Đạo thì người ta sẽ không màng danh lợi và tranh giành quyền lực. Nguyễn Lữ là người ít tiếng tăm và sống một cuộc sống kín đáo cho đến lúc mất.
Nhưng trình độ võ công của ông lại trội hơn rất nhiều so với 2 người anh. Nguyễn Lữ chính là người sáng tác ra bài quyền Hùng Kê nổi tiếng còn lưu lại đến ngày nay. Bài quyền này là một trong 10 bài quốc võ của Việt Nam hiện đại.
Tương truyền rằng Nguyễn Lữ vốn nhu hòa hơn các anh mình là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ. Tính ông hiền hòa, ưa thanh tịnh, thích giao du với các nhà sư Ấn Độ và Trung Quốc, thích cả văn lẫn võ.
Với tính cách đó ông có khiếu hơn về các môn võ lấy nhu chế cương. Nguyễn Lữ nhận thấy võ thuật Thiếu Lâm phần nhiều thiên về dương cương, có những điểm không phù hợp với thể chất người Việt Nam và nhất là tính thực tiễn áp dụng trong chiến đấu.
Nguyễn Lữ cũng say mê nghệ thuật chọi gà. Trong một dịp Tết, ông quan sát đôi gà chọi, một con to lớn kềnh càng, dũng mãnh, mặt đỏ gay, các đòn nặng nề sát thủ và một con nhỏ bé mà linh hoạt. Cuối cùng, khi giao đấu, con gà to lớn kia đã liên tục phải cúp đuôi bỏ chạy trước sức tấn công bền bỉ, liên tiếp, nhanh như chớp của con gà nhỏ.
Với ngộ tính rất cao của mình, ông thấy được sức mạnh mà con gà nhỏ kia dùng có cùng nguyên tắc với dòng nước. Vì gà là thuần Kim thuộc Ngũ Hành, Kim lại sinh Thủy nên đòn đánh của nó tương sinh ra một dòng nước với năng lượng rất mạnh mẽ. Nó có đặc tính gồm cả âm dương, khi thì miên viễn, bền bỉ, nhẹ nhàng nhưng khi cần thì nhanh như sóng chồm dữ dội, có thể chọc phá bất cứ sự phòng thủ nào.
Ông đã sáng tạo ra bài Hùng Kê Quyền vừa phù hợp với sở học của bản thân, vừa phù hợp với thể chất người Việt nói chung. Đặc tính của nước được áp dụng trong bài bằng những yếu lĩnh, nhằm đến mục tiêu, yếu có thể đánh mạnh, thấp có thể đánh cao, nhỏ có thể đánh lớn, ít có thể đánh nhiều, gần có thể đánh xa. Bài quyền này đã thể hiện 1 cách tận tường về phong cách võ công cũng như bản tính của Nguyễn Lữ.
Vì uy lực lớn của bài quyền này, hiện nay nó thường chỉ được truyền dạy cho môn đồ đã có trình độ nhất định, chẳng hạn như cấp huấn luyện viên. Đặc điểm của các bài quyền hay binh khí trong võ thuật cổ truyền Việt Nam là lời thiệu luôn được viết bằng thơ cho dễ nhớ, dễ thuộc, thể hiện chất văn trong võ đạo. Hùng Kê Quyền cũng không phải là ngoại lệ, thiệu của bài là một bài thơ thể thất ngôn bát cú.
Nguyên văn:
Lưỡng kê giao thủ thủy tranh hùng
Song túc tề phi trảo thượng xung
Trấn ải kim thương như Bạch Hổ
Thủ quan ngân kiếm tựa Thanh Long
Xuyên cung độc triểu tăng ư trác
Hồi thủ đơn câu thọ tứ hung
Thiểu, tẩu, vượt, trầm thiên sở tứ
Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung
Dịch nghĩa:
Hai con gà chọi nhau để tranh hùng
Hai chân cùng bay, móng chân đâm hất lên
Trấn biên ải, cây thương vàng như cọp trắng
Giữ cửa quan, lưỡi kiếm bạc tựa rồng xanh
Mũi tên độc đâm vào hầu được cất giấu từ mỏ gà (mổ thóc)
Quay đầu móc đâm vào ngực kẻ địch
Chạy, nhảy lên, luồn, hụp xuống là thế trời cho
Mềm, cứng, mạnh, yếu, tất cả đều trong bài quyền này.
Cre : Quỷ Lệ
Nguồn tham khảo:
– Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
– Võ nhân Bình Định.
– Danh tướng Việt Nam.
P/s: Hình ảnh là phân cảnh lấy trong phim Tân Ỷ Thiên Đồ Long Ký mà tại hạ ấn tượng nhất.