“Có một nguyên tắc thế này: bao giờ cạnh núi cao cũng là vực sâu, còn đồng bằng bằng…

“Có một nguyên tắc thế này: bao giờ cạnh núi cao cũng là vực sâu, còn đồng bằng bằng…

“Có một nguyên tắc thế này: bao giờ cạnh núi cao cũng là vực sâu, còn đồng bằng bằng phẳng thì tất cả xung quanh sẽ bằng phẳng. Cuộc sống cũng vậy, muốn vượt trội lĩnh vực này phải hy sinh đâu đó những việc khác. Vì thế những người thành công vang dội trong sự nghiệp phải hy sinh nhiều điều nhất định”, Shark Nguyễn Xuân Phú

Lý giải đơn giản, Shark Phú cho biết mỗi người đều có khoảng thời gian 24 giờ giống nhau, nhưng cách sử dụng khác nhau. Ví dụ nếu một người tiêu dùng kiểu đều đều, 1 tiếng cho gia đình, 1 tiếng chơi thể thao, 1 tiếng học tập,…thì mọi thứ họ có sẽ không nổi bật xuất chúng. Nhưng ngược lại, nếu muốn chơi thể thao giỏi, họ sẽ phải tập trung 10 tiếng/ngày, nghĩa là mất đi 9 tiếng dành cho việc khác.

“Tôi nghĩ cuộc đời là sự công bằng. Ai muốn hài hoà sẽ không có đỉnh cao. Muốn đỉnh cao phải chấp nhận khiếm khuyết. Điều đó là bình thường, do lựa chọn của mỗi người mà thôi”.

Shark Phú nhớ lại, thời điểm mới khởi nghiệp, đầu óc ông luôn chỉ nghĩ đến công việc, ít thời gian dành cho giải trí, vui chơi, chia sẻ,… Ngay cả khi Sunhouse đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, ông vẫn tiếp tục bị những khía cạnh khác của công việc cuốn đi. Có giai đoạn, cả tuần ông đi tiếp khách, không về ăn cơm với gia đình. Đến hôm không bận việc, được về sớm thì nhà cửa trống trải, thiếu người này người kia. Lúc ấy bản thân ông mới cảm nhận rõ ràng thấy có gì đó hụt hẫng, cô đơn.

“Đây là thực trạng không chỉ tôi mà nhiều người khác cũng phải trải qua để đổi lại thành công trong sự nghiệp. Quan trọng là bạn lựa chọn thế nào và có chấp nhận những đánh đổi mà lựa chọn đó mang lại hay không”, Shark Phú chia sẻ.

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch Sunhouse cho rằng câu chuyện đánh đổi hay không đối với người trẻ có thể khác với giai đoạn của ông, vì hoàn cảnh xã hội đã thay đổi.

Shark Phú lấy ví dụ những năm 1980-1990, Việt Nam vừa thoát khỏi chiến tranh, cuộc sống khó khăn thiếu thốn nhiều thứ, đặc biệt là về kinh tế, vật chất, thì chuyện đánh đổi là cần thiết. Còn trong giai đoạn hiện nay, thời thế đã thay đổi. Đất nước phát triển đến một mức ổn định nhất định thì điều mọi người cần là một xã hội hài hoà, mọi thứ cân bằng. Như vậy, một người hy sinh để đánh đổi có khi lại thành lạc lõng.

“Hãy nhìn Nhật Bản giai đoạn 1930-1940, những người sinh ra ở giai đoạn đó là những người thay đổi đất nước. Ở Hàn Quốc, những người sinh năm 1950-1960 là những người làm nên sự bứt phá thần tốc cho quốc gia. Giờ thế hệ sinh sau muốn thay đổi, muốn đột phá cũng khó mà thay đổi được, tức là thời thế tạo anh hùng”.

Riêng ở Việt Nam, Shark Phú nhận định thế hệ 7x, 8x hay 9x là thế hệ có khả năng thay đổi vận hội đất nước. Với thế hệ từ 2000 trở đi, “có muốn cũng không được” bởi xuất phát điểm của quốc gia đã khác: Cuộc sống tương đối ổn định về vật chất nên không đòi hỏi sự đánh đổi bằng mọi giá như trước đây mà hướng tới sự hài hoà cân bằng.

“Ý tôi muốn nói là mỗi giai đoạn, mỗi lứa tuổi có những điều kiện mà tại đó nếu đánh đổi sẽ được gì và mất gì. Nếu bạn thấy cái bạn nhận được thật sự có ý nghĩa với cuộc sống của bạn thì nên đánh đổi, còn đánh đổi mà chả được gì thì đánh đổi làm gì”.

Trong quan điểm của Shark Phú, không đánh đổi cũng không có nghĩa là bạn không làm được gì có ích cho đất nước. Thậm chí, đạt được cuộc sống cân bằng ở thời điểm hiện tại là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội.

“Không ai bắt chước được ai. Sự đánh đổi có đáng giá hay không chỉ các bạn mới biết, không ai biết thay được. Quan điểm của tôi là các bạn trẻ hãy quan sát chứ không bắt chước, hãy xem xét, học hỏi để ngộ ra rồi áp dụng cho chính mình. Đây là lời khuyên tôi nghĩ giới trẻ nên để ý”, Shark Phú kết luận.

________________
Hồng Lam | Trí Thức Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *