Thứ sáu, ngày 23/05/2025 07:48 GMT+7
Tào Nga Thứ sáu, ngày 23/05/2025 07:48 GMT+7
Giúp ôn thi tiếng Anh vào lớp 10 năm 2025 điểm cao như mong đợi, chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô giáo Trần Thị Thu Hiền, tổ trưởng tổ Ngoại Ngữ, Trường THCS Giảng Võ đã có những lưu ý cho học sinh.
Cô giáo Trần Thị Thu Hiền, tổ trưởng tổ Ngoại Ngữ, Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội, nhiều năm qua là giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố và lãnh đội đội tuyển học sinh giỏi môn Tiếng Anh của trường, của quận.
Học sinh của cô đạt rất nhiều giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi môn Tiếng Anh cấp Quận, Thành phố, Quốc Gia và Quốc tế, tham gia các cuộc thi Hùng biện trong nước và trong khu vực… Điểm thi trung bình của các lớp cô dạy luôn nằm top đầu của quận Ba Đình. Đặc biệt môn Tiếng Anh của lớp cô chủ nhiệm (lớp 9A2) luôn đạt điểm trung bình 9.5 trở lên – luôn đứng đầu bảng xếp hạng các lớp 9 của Quận.
Trước kỳ thi cam go vào lớp 10 năm 2025, cô Hiền đã có những chia sẻ nội dung ôn thi hữu ích cho học sinh.

Theo cô Hiền, kỳ thi năm nay đặc biệt đối với học sinh lớp 9 vì đây là lứa học sinh chịu nhiều thiệt thòi vì 2 năm phải học online do dịch bệnh Covid-19, là lứa học sinh đầu tiên áp dụng chương trình GDPT mới – 2018, cấu trúc của đề thi cũng khác mọi năm.
Những nội dung học sinh cần ghi nhớ khi ôn thi môn Tiếng Anh
Về mặt từ vựng
– Học sinh cần ôn lại các từ vựng theo các chủ đề đã được học trong chương trình Tiếng Anh lớp 9 như (chủ đề về môi trường, nghề nghiệp, tuổi vị thành niên, vũ trụ, sở thích, công nghệ…).
– Khi học từ vựng các em nên ôn tập theo “chùm từ”: bao gồm các từ loại – tính từ, trạng từ, danh từ và giới từ đi theo (nếu có), cụm từ, thành ngữ…
Quan trọng hơn nữa các em phải học thuộc cách phát âm, trọng âm của các từ đó thông qua từ điển hoặc các bài học trên lớp.
Về mặt ngữ pháp, cấu trúc câu
– Học sinh cần ôn tập kỹ lại các kiến thức ngữ pháp đã được học trong chương trình lớp 9: dạng so sánh, câu mệnh đề quan hệ (câu mệnh đề xác định và không xác định), câu điều kiện (loại 1 và loại 2), câu ước (wish), sử dụng các liên từ cho chính xác, cụm động từ …. Thông qua các bài luyện theo chuyên đề.
Về bài đọc hiểu
– Các en cần biết một số kỹ năng đọc hiểu cơ bản: Scanning và Skimming, nắm bắt các ý chính trong bài đọc thông qua một số các key words, tập đoán các cụm từ nếu không biết dựa vào ngữ cảnh.
Về dạng bài biển báo
– Học sinh cần luyện bài tập này bằng cách phải đọc kỹ nội dung biển báo và câu hỏi cho biển báo đó (chú ý câu hỏi dạng khẳng định hay phủ đinh: ví dụ can/ can’t, do/ don’t…). Đọc kỹ các đáp án chọn để tìm ra câu trả lời hợp lý nhất.
– Việc hiểu được biển báo rất quan trọng, bởi vậy các con cần phải luyện tập nhiều phần này hàng ngày.
Dạng bài điền từ vào chỗ trống trong đoạn văn thông báo hoặc bài đọc
– Đây là dạng bài đòi hỏi học sinh cần biết tổng hợp kiến thức cơ bản về từ vựng và ngữ pháp. Để chọn được đáp án đúng học sinh cần đọc kỹ nội dung văn bản, nắm bắt được các từ xoay quanh từ khuyết thiếu để suy đoán cho chính xác.
Các lỗi sai học sinh thường mắc phải khi làm bài thi tiếng Anh vào lớp 10
Phần Phonetics (phát âm và trọng âm):
– Phát âm: học sinh thường phân biệt sai cách đọc khác nhau của các âm tiết: nguyên âm, phụ âm ví dụ như; – o -e, – ou, – ea, -g,- ch, – s, – h ….
– Trọng âm: học sinh thường nhớ không chính xác trọng âm của từ đặc biệt là các trường hợp đặc biệt, ví dụ: động từ có 2 hoặc 3 âm tiết nhưng trọng âm rơi vào âm tiết thứ nhất (‘celebrate, ‘decorate), danh từ có 2 âm tiết, trọng âm lại rơi vào âm tiết thứ 2 (ma’chine), từ không theo qui tắc có tận cùng là – ee: ví dụ như com’mittee
Phần từ vựng và ngữ pháp
– Học sinh không đọc kỹ câu, ngữ cảnh nên chọn sai đáp án
– Học sinh xác định sai chủ ngữ nên chọn thì thể của động từ sai. Ví dụ như cấu trúc Subject, along with sbd, + Verb + Object -> thì Verb này phảt chia theo thì thể của Subject chính.
– Học sinh chưa còn nhầm lẫn cách sử dụng liên từ như: Despite với Although, khi nào sử dụng: However, Therefore, Nevertheless, Otherwise, In case, As soon as, If only….
– Phần giới từ và cụm động từ (phrasal verbs), cụm từ là một phần khó nhớ nên học sinh cũng gặp khó khăn.
Phần đọc hiểu
– Với câu hỏi: What is the best title for the passage? / What is the main idea of the text? học sinh dễ mắc lỗi vì đáp án chọn có nhiều phương án gây nhiễu.
– Vì vốn từ vựng hạn hẹp và áp dụng chưa tốt các kỹ năng đọc hiểu nên còn mắc lỗi khi chọn đáp án đúng.
– Hiểu sai nội dung câu hỏi, ví dụ như tìm từ OPPOSITE & CLOSEST meaning.
Phần bài sắp xếp thông tin để tạo thành đoạn văn
– Học sinh dễ bị phân tán bởi quá nhiều các thông tin, sự kiện nên dẫn đến việc khó sắp xếp các câu theo thứ tự cho hợp lí, trừ trường hợp đầu bài cho các từ chỉ các steps, process. Học sinh hay bị mất phương hướng.
Phần điền từ vào chỗ trống cho đoạn văn/ bản thông báo
– Học sinh chưa hiểu kỹ nội dung đoạn văn.
– Học sinh chưa nắm bắt được các cụm từ thích hợp dùng trong ngữ cảnh nên còn nhiều lúng túng.
Phần biển báo
– Học sinh hiểu sai nội dung biển báo.
– Học sinh phân vân nghĩa các đáp án.
Kỹ năng tô phiếu trắc nghiệm trả lời câu hỏi
– Học sinh quên không tô mã đề
– Học sinh tô lệch đáp án so với bài làm trong đề
– Học sinh tô 2 đáp án
– Học sinh tẩy không sạch câu trả lời sai nên khi chấm sẽ bị hiện lên 2 đáp án
– Học sinh bỏ xót câu không tô.
Lời khuyên cho học sinh ôn thi vào lớp 10 – giai đoạn tăng tốc về đích
Đây là giai đoạn quan trọng học sinh cần ôn lại và tổng hợp các kiến thức đã học. Các em luyện đề hàng ngày nhưng không nên đua theo số lượng đề làm được mà nên tập trung vào chất lượng đề luyện được thể hiện như sau:
+ Bước 1: Học sinh chọn 1 đề bất kỳ trong các cuốn tài liệu luyện.
+ Bước 2: Bấm thời gian làm bài theo đúng quy định (60 phút).
+ Bước 3: Làm bài nghiêm túc (không dùng bất cứ tài liệu tham khảo nào) và tô mã đề.
+ Bước 4: Kiểm tra đáp án, tự chấm điểm cho mình.
+ Bước 5: Kiểm chứng lại các câu bị làm sai bằng cách tìm hiểu tại sao lại sai (quên kiến thức, chưa biết từ mới, hiểu sai nội dung câu hỏi, hiểu chưa đúng nội dung bài đọc….) tự mình hoặc nhờ bạn bè, thầy cô giảng lại sau đó ghi chép và học lại các kiến thức đó một cách nhuần nhuyễn.
+ Bước 6: Sau đó làm lại đề
Học sinh cần bổ sung từ vựng hàng ngày: có thể đọc lại các bài học trong sách giáo khoa Tiếng Anh 9, học từ vựng ở cuối sách, dịch bài khóa…
Các em cần tìm ra phương pháp hiệu quả nhất cho riêng mình khi tô mã đề để tránh nhầm lẫn, sai sót (có thể làm hết bài trong đề rồi mới tô hoặc làm được câu nào tô luôn câu đó).
“Một việc rất quan trọng là các con cần giữ tâm lý bình tĩnh trong phòng thi. Chúc các con ôn tập thật tốt, giữ sức khỏe, minh mẫn và tự tin và đạt điểm cao”, cô Hiền nhắn nhủ.