Sài Gòn không chỉ là Thành phố sôi động, giải trí và hiện đại, mà còn là địa điểm thu hút khách du lịch vì sự phong phú, đa dạng về ẩm thực. Những món ăn nổi tiếng, đặc sản nơi đây như: Cơm tấm Sài Gòn, bánh mì Sài Gòn, lẩu mắm, món cuốn Sài Gòn, vịt quay kiểu Hồng Kông, hủ tiếu Sài Gòn, sủi cảo… đã gây ấn tượng và là món ăn yêu thích của nhiều du khách khi đến Sài Gòn.
Có thể nói, Sài Gòn là nơi hội tụ văn hóa ẩm thực truyền thống của đồng bằng sông Cửu Long, miền Tây, thậm chí của người Hoa ở Sài Gòn.
Vừa qua, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đã công bố 121 danh sách Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam giai đoạn I-2022 và trao chứng nhận cho các món ăn này.
Trong đó, Sài Gòn đã có 5 món lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam gồm: Cơm tấm Sài Gòn, bánh mì Sài Gòn, lẩu mắm, món cuốn Sài Gòn, mì xào giòn.
Ẩm thực Sài Gòn: Cơm tấm
Cơm tấm Sài Gòn từ xa xưa được coi là món ăn cứu đói của người lao động nghèo. Sở dĩ như vậy là vì hạt gạo tấm ít nở, giá thành lại rẻ nên có thể dùng trong bữa cơm hàng ngày để tiết kiệm chi phí. Trước đây, món ăn này hầu như chỉ dành cho người công nhân, nông dân nghèo hay học sinh, sinh viên không có điều kiện kinh tế. Nhưng đến bây giờ, cơm tấm lại trở thành đặc sản và được nhắc đến thường xuyên trên toàn quốc. Đặc biệt nó đã trở thành món ăn đặc trưng của Sài Gòn.
Theo người dân Sài Gòn, trước đây, cơm tấm Sài Gòn được sử dụng như bữa ăn hàng ngày, dọn ra mâm với bát đũa đầy đủ các món chính, món phụ. Cũng trong thời kỳ đó, thành phố này luôn nhộn nhịp người nước ngoài từ nhiều nước trên thế giới. Vì thế, người Sài Gòn cũng biến tấu cách bài trí món ăn này để bắt mắt hơn, phù hợp phục vụ cả người dân trong nước và người nước ngoài. Từ đó, cơm tấm và các món ăn kèm được bày trên cùng một chiếc đĩa to và sử dụng thìa, dĩa khi ăn gần giống các món Tây.
Đồng thời, nếu như trước đây cơm tấm Sài Gòn thường là món ăn đường phố phục vụ mọi đối tượng thực khách, thì hiện nay, du khách có thể tìm thấy món ăn này từ các tiệm bình dân cho đến các nhà hàng sang trọng.
Một đĩa cơm tấm truyền thống gồm có: 1 phần cơm, 1 phần sườn nướng, 1 phần bì lợn, 1 phần chả trứng và nước chấm ăn kèm. Ngày nay cơm tấm cũng được biến tấu để trở nên đa dạng hơn so với cơm tấm truyền thống. Người ta có thể cho thêm vào món cơm tấm một số món ăn kèm nổi tiếng khác như xá xíu, nem nướng, chả giò, trứng ốp la… Về trứng ốp la, thực khách sẽ được lựa chọn độ chín của trứng tùy theo sở thích (trứng chín hoặc trứng lòng đào).
Món cơm tấm Sài Gòn tạo nên sự khác biệt so với các món cơm khác như cơm gà Phú Yên, Cơm gà Hội An thì với cơm tấm Sài Gòn, trước tiên phải nói đến đó là gạo tấm.
Loại tấm để nấu cơm chính là phần đầu của hạt gạo bị vỡ ra trong quá trình xát gạo. Theo cách truyền thống, cơm tấm ngon nhất khi sử dụng nồi đất hoặc nồi gang nấu trên củi lửa. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, để tiết kiệm thời gian, nhiều người thường áp dụng cách hấp cách thủy. Trước khi nấu, gạo tấm sẽ được ngâm với nước vài giờ cho hạt gạo mềm rồi hấp cách thủy đến khi chín.
Tiếp đến là chả trứng cũng được làm khá cầu kỳ khi trộn các nguyên liệu gồm trứng, thịt, mộc nhĩ, nấm hương,… và một số gia vị nêm nếm vừa đủ. Chả thường được hấp cách thủy. Sau khi làm chín, chả trứng thường được cắt thành miếng chữ nhật hoặc một góc hình tròn.
Với bì lợn thì được làm sạch, luộc sơ qua chín tới và thái sợi. Sau đó, trộn thêm vào bì một chút gia vị và đặc biệt phải thêm thính để bì thơm ngon hơn.
Và thành phần quan trọng và là điểm đặc biệt nhất của cơm tấm Sài Gòn, tạo sức hấp dẫn và ngon đó là sườn cốt lết nướng. Món sườn cốt lết nướng này ở mỗi nơi sẽ có một bí quyết nướng sườn riêng. Với người dân Sài Gòn, tẩm ướp sườn với gia vị chua ngọt rất khéo, nướng trên than hoa thơm phức. Nhiều quán ăn sẽ nướng sườn ngay trước quán cơm để thu hút thực khách.
Nước chấm là gia vị cuối cùng để tạo nên hương vị ngon của cơm tấm Sài Gòn. Ở mỗi đĩa cơm tấm đều được phục vụ cùng với bát nước chấm. Một bát nước chấm gồm có nước mắm, chanh, tỏi, ớt, đường với tỉ lệ phù hợp để có vị chua ngọt, đậm đà vừa phải. Điểm đặc biệt trong cách ăn của người Sài Gòn là tưới nước chấm lên đĩa cơm tấm và thưởng thức mà không chấm vào bát như bình thường.
Khi thưởng thức cơm tấm Sài Gòn, du khách sẽ cảm nhận được hạt cơm tấm dẻo thơm, vị chả trứng béo ngậy, sườn bì bùi thơm và không thể thiết vài lát dưa chuột giòn ngon, cà chua sống thái lát thanh mát. Tất cả hòa quyện tạo nên hương vị đậm đà đặc trưng khó lẫn với bất kỳ món cơm nào khác.
Ẩm thực Sài Gòn: Bánh mì
Bánh mì theo chân người Pháp đến địa điểm đầu tiên ở Việt Nam là Sài Gòn, xuống các tỉnh miền Tây, ra miền Bắc và rộng khắp cả nước.
Ổ bánh mì nóng hổi mới ra lò còn thơm mùi bột mì nướng, giòn rụm, vàng ươm, ruột trắng mịn và xốp đã trở thành món quà của nhiều người khi mang về quê, ăn sáng, ăn trưa, chiều, tối.
Khi bánh mì mới du nhập vào Việt Nam, cách ăn bánh mì cũng được dùng như phương Tây, ăn kèm với trứng, thịt nguội, mứt trái cây hoặc dùng kèm với soup cho bữa tối. Tuy nhiên, người dân Sài Gòn đã nhanh chóng cải tiến để hợp khẩu vị như ăn bánh mì với phô mai, bơ mặn Bretel, rắc thêm chút đường trắng. Bánh mì chấm sữa nóng, sữa đặc, hay trét bơ chấm cà phê sữa cũng là món ăn ngon đầy bổ dưỡng được người Sài Gòn dùng hàng ngày.
Thời gian sau và cho đến ngày nay, cách ăn bánh mì đã được sáng tạo bằng cách kẹp một số nguyên liệu vào giữa ổ, gọi là bánh mì thịt. Hương vị đặc trưng của bánh mì thịt phản ánh thị hiếu ẩm thực của người dân nơi đây, trở thành “đặc sản” được đông đảo du khách quốc tế ca ngợi. Phần nhân bên trong bánh mì thịt được chia làm 3 loại chính: phần thịt (thịt heo, thịt gà, thịt bò, hoặc trứng, cá), phần rau (dưa leo, dưa chua, hành ngò, ớt,…), phần gia vị (muối tiêu, xì dầu, tương ớt, bơ,…).
Có thể nói, Sài Gòn được mệnh danh là vùng đất khai sinh ra bánh mì thịt, món ăn đường phố hết sức bình dị có thể mang theo người và thưởng thức ở mọi thời điểm trong ngày, lấy lòng nhiều đối tượng khách hàng. Du khách khi đến Sài Gòn sẽ dễ dàng bắt gặp xe đẩy bánh mì thịt ở bất kỳ địa điểm, các con phố với bất kể là sáng, trưa, chiều, tối.
Ngày nay, bánh mì Sài Gòn được phát triển muôn kiểu thiên hình, vạn trạng cả về hình thức lẫn chất lượng, có lẽ không nơi nào có nhiều tiệm bánh mì từ bình dân đến cửa hàng sang trọng như Sài Gòn. Cũng từng ấy nguyên liệu, nhưng mỗi địa điểm bán lại mang một màu sắc rất riêng mà tin chắc rằng ai ai trong chúng ta cũng từng có một quán “ruột” của riêng mình.
Ẩm thực Sài Gòn: Lẩu mắm
Lẩu mắm là một món ăn mang đậm nét dân dã đúng kiểu “cây nhà lá vườn” nhưng công đoạn chế biến để có được một nồi nước lẩu thơm ngon, đậm đà nhưng cách chế biến lại khá cầu kỳ. Để có được những con mắm cho một nồi lẩu, phải là loại mắm ngon đã được chế biến qua một quá trình công phu kéo dài. Từng con cá, sau khi bắt được sẽ mang về rửa sạch, ủ với muối theo một công thức nhất định.
Quá trình ủ mắm phải kéo dài ít nhất từ 2 tháng đến 6 tháng thì mới cho ra đời được loại mắm ngon và đúng kiểu. Khi ăn, chỉ cần lấy mắm ra và pha chế theo sở thích của từng nhà và từng người.
Nguyên liệu để tạo nên món lẩu mắm ngon là tôm, cá, trong đó có cá linh, cá quả… cùng thịt ba chỉ, quả dứa, sả, cà tím và điểm nhấn của lấu mắm đó là rất nhiều loại rau như: rau muống, rau cải, rau đắng cho đến hoa súng, hoa điên điển, hoa so đũa… tất xả được ăn kèm thì lẩu mắm trở nên hấp dẫn và có vị ngon đậm đà.
Ẩm thực Sài Gòn: Món cuốn
Món gỏi cuốn Sài Gòn có nguồn gốc từ nhiều tỉnh Nam Bộ mang hương vị thanh mát, nhẹ bụng, phù hợp đổi vị trong những ngày nóng bức. Gỏi cuốn không sử dụng dầu mỡ để chiên xào.
Món gỏi cuốn tôm thịt rất dễ dàng tìm thấy ở Sài Gòn, từ hàng quán vỉa hè cho đến các nhà hàng sang trọng. Đây là món ăn tuy gọn nhẹ nhưng vẫn đầy đủ dưỡng chất và giàu hương vị.
Gỏi cuốn gần như không có một công thức cố định cho các món dùng bánh tráng cuốn, bởi tùy địa phương, vùng miền, nguyên liệu dùng để cuốn có nhiều khác biệt.
Với gỏi cuốn Sài Gòn được làm bằng các nguyên liệu gồm rau xà lách, giá, rau thơm, húng quế, tía tô, tôm khô, rau thơm, thịt luộc, tôm tươi, bì lợn, tai lợn… tất cả được cuộn trong vỏ bánh tráng.
Để có món cuốn ngon trước hết phải có nguyên liệu tươi và đòi hỏi người cuốn phải khéo tay, cuốn chắc tay, gọn ghẽ. Nhưng yếu tố quyết định lại nằm ở phần nước chấm.
Mắm nêm được chọn là loại nước chấm dùng cho gỏi cuốn ngon hơn cả, mắm nêm được pha cùng tỏi ớt giã nhuyễn, chanh đường để nước chấm có đủ vị mặn, ngọt, chua, cay, thêm một ít thơm bằm nhuyễn để món chấm có vị thanh dịu.
Ngày nay, du khách dễ dàng tìm ăn hay mua về món gỏi cuốn tôm thịt, cuốn bì lợn, cuốn tai lợn, gỏi cuốn tôm nhảy, cuốn tôm thịt…ở mỗi góc phố, góc chợ của Sài Gòn. Và những món gỏi cuốn này đã được nhiều du khách nước ngoài mê mẩn, ấn tượng.
Ẩm thực Sài Gòn: Mì xào giòn
Cái tên mì xào giòn tưởng chừng chỉ là món ăn đơn giản và dễ làm cũng không có gì đặc sắc để cho người ăn phải ấn tượng. Thế nhưng khi nhìn đĩa mì xào giòn cùng những chia sẻ bí quyết tạo nên món ăn này, hay khi được thưởng thức đĩa mì xào giòn thì dường như ai cũng bị mê hoặc, thậm chí bị nghiện.
Món mì xào có nguồn gốc từ Trung Quốc và du nhập vào Việt Nam, đặc biệt là nơi tập trung đông cộng đồng người Hoa như khu vực Chợ Lớn, Thành phố Hồ Chí Minh.
Mì xào giòn ở Sài Gòn có những quán, xe đẩy là của người Hoa và là món ăn gia truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mì xào giòn ngon đúng điệu sẽ gồm có 2 phần đó là phần sợi mì vàng ươm, giòn rụm và phần nước xốt, đồ ăn ăn kèm.
Mì xào giòn là món ăn có thành phần nguyên liệu rất phong phú, từ những sợi mì được chiên giòn, đến các loại rau như: cải thảo, cải ngọt, cà chua… các loại hải sản tôm, mực, bạch tuộc kết hợp với thịt lợn, tim, gan… cùng nước sốt sền sệt đã tạo nên một món ăn ngon miệng nhiều màu sắc. Một đĩa mì xào giòn vàng ươm, nóng hổi kết hợp với độ bóng mượt của dầu mỡ nhưng không cho cảm giác ngấy. Mặc dù sợi mì ngập trong nước sốt nhưng vẫn giữ được độ giòn, đĩa mì xào nhiều màu sắc trông thật hấp dẫn. Nhấm nháp từng sợi mì, du khách sẽ cảm nhận cái giòn tan của sợi mì, vị đậm đà của nước sốt cùng hương vị thơm ngon của những nguyên liệu ăn kèm.