Những tựa sách “Cô gái” làm mình có một cảm giác hơi nhức đầu. “Cô gái mất tích” thì điên loạn, “Cô gái trên tàu” thì thảm hại và mệt mỏi. Nên lần đầu nghe thấy tựa “Cô gái trong cabin số 10”, nói thật mình không có ý định đọc. Lại unreliable narrator chứ gì? Lại một nữ chính uống rượu thảm hại chứ gì?
Mình đột ngột bẻ lái vào một ngày Hà Nội đổi mùa, trở bệnh dị ứng mùa. Một cuốn sách giải trí là thứ mình cần để xua tan sự khó chịu của thời tiết. Có lẽ nhờ hạ thấp tiêu chuẩn và kỳ vọng, mình cảm thấy cuốn sách là một sự giải trí ổn. Cụ thể điểm cộng và trừ, mình sẽ nói đến ngay sau đây.
Laura, ngoài ba mươi, sự nghiệp báo chí đi vào lối mòn không thăng tiến, làm việc ở một vị trí xoàng xĩnh cho một tạp chí du lịch. Đúng lúc sếp nghỉ thai sản, cô may mắn được một suất lên du thuyền hạng sang Aurora để lấy tin. Cơ hội hiếm có nhưng cũng là một biến cố chí mạng, khi cô tình cờ chứng kiến một án mạng có phần nhập nhoạng, để rồi sau đó phát hiện ra người bị hại chẳng hề tồn tại trên du thuyền.
Cô gái trong cabin số 10 có thể được xếp vào thể loại Mystery. Từng liên tục được các bookstagram nước ngoài nhắc tới trong một thời gian dài, là đề cử sáng giá cho Goodreads Choice Award 2016 cho hạng mục Mystery & Thriller, cuốn sách cũng đôi chút khiến mình tò mò. Cuốn sách được Ruth Ware xây dựng như một cuốn trinh thám phòng kín, với phong cách rất giống như các cuốn sách của nữ hoàng trinh thám Agatha Christie. Thay vì thực sự nhốt nhân vật của mình vào một phòng kín theo nghĩa đen, Ruth Ware đưa tất cả nhân vật của mình ra ngoài khơi, đẩy ra giữa vùng biển quốc tế và nhốt họ vào trong một chiếc du thuyền hạng sang. Một vụ án mạng hoàn hảo làm sao nếu hung thủ chỉ việc canh khi tất cả mọi người chìm vào giấc ngủ để đẩy nạn nhân rơi xuống giữa biển. Tõm! Nạn nhân chìm xuống, vấn đề được giải quyết!
Cách kể chuyện của cuốn sách khá trẻ trung, kết hợp nhiều dạng thông tin (như email giữa các nhân vật, tin tức trên báo chí về một vụ án mạng, những thảo luận trên một forum về vụ việc, …). Mình cũng đánh giá cao cách mà tác giả cố tạo cảm giác tù túng và chật chội cô lập trong một không gian kín (dù sang trọng tới mấy) giữa đại dương mênh mông. Cái cảm giác ở giữa đại dương, trên một con tàu lúc nào cũng dập dềnh, không có mạng để có thể liên hệ với người thân và có thể gặp hiểm nguy chí mạng bất cứ lúc nào quả thật là nghẹt thở.
Với độ dày khoảng 450 trang, đã xác định trước là một cuốn sách giải trí, mình hoàn toàn thoải mái với việc đọc nhanh và skim qua những đoạn tả cảnh mà mình cảm thấy không quan trọng. Vì vậy mình hoàn thành cuốn sách trong một ngày.
Điều may mắn là mình không cảm thấy khó chịu như khi đọc hai cuốn “Cô gái” trước đó. Nhân vật “Laura” tuy cũng có những điểm ngớ ngẩn riêng như hay tự ti hay ngại giao tiếp hay thiếu chí tiến thủ thì bù lại cô cũng có những suy đoán cho tình hình của bản thân rất tốt. Bị đưa vào hoàn cảnh mập mờ về ký ức, Laura vẫn có lòng tin vào bản thân. Khá lắm!
Giờ là tới khoản kể điểm trừ: Plot-twist. Mọi tình tiết suy đoán được đưa đẩy cho tới climax khá ổn, cho tới khi tác giả gỡ giải vấn đề. Mình trông chờ một cái plot-twist lật bàn lật ghế một chút. Nếu có một cách gỡ nút tốt hơn, “Cô gái trong cabin số 10” nhất định có thể trở thành một cuốn sách rất ra gì. Đáng tiếc.
Tóm lại, “Cô gái trong cabin số 10” không đem lại ấn tượng tồi tệ cho mình như “Cô gái trên tàu”. Đây là một cuốn sách phù hợp để đọc giải trí trong một ngày hơi nóng nực không muốn làm gì khác ngoài việc đọc một cuốn sách dễ trôi về một vụ án mạng bí ẩn.