A Chiếu và bố cô không hề thân thiết, đến nỗi từ “bố” cũng gần như chẳng gọi được mấy lần.
Người bố đó thực ra là bố dượng của cô.
Năm cô bốn tuổi, bố mẹ ly hôn, mẹ gửi cô cho bà ngoại chăm sóc, còn mình đi Đài Bắc làm việc. Năm A Chiếu học lớp hai, mẹ cô cùng một người đàn ông trở về, nói đó là bố mới của cô. Cô không nhớ rõ lúc đó mình có gọi ông là bố hay không, ngược lại cô chỉ nhớ người đàn ông đó cho cô một bao lì xì. Sau đó cô đổi họ theo họ ông. Việc cô đổi họ bị bạn học hỏi đến mức phiền phức, vì vậy đối với cô mà nói, người bố này không chỉ xa lạ, thậm chí còn cảm thấy hơi đáng ghét.
Mãi cho đến năm học lớp mười, A Chiếu mới được mẹ đón từ nhà bà ngoại về để “đoàn viên”, hơn nữa nghe nói đây là đề nghị của người đàn ông đó, nói sau này nếu muốn thi vào một trường đại học tốt thì nên để cô đến Đài Bắc học tập. Khi ấy, con trai của mẹ cô và người đàn ông đó đã vào tiểu học rồi.
Sau đó không lâu, người đàn ông ấy xuất ngũ, làm bảo vệ ở xưởng sản xuất, lúc làm ca ngày khi làm ca đêm. Mẹ cô cũng nấu ăn tại công xưởng đó, đi sớm về trễ, cả nhà chẳng mấy khi đầy đủ, ai lo việc người nấy.
Mấy năm sau, A Chiếu thi đậu đại học Đài Bắc, thuê phòng trọ ở bên ngoài. Cho dù là ngày nghỉ cô cũng rất ít về nhà, nghỉ hè nghỉ đông đều về nhà bà ngoại, gần vào học mới miễn cưỡng về nhà mẹ vài ngày, nhân tiện xin tiền học và sinh hoạt phí.
A Chiếu học năm ba đại học thì bà ngoại qua đời, nhưng những kì nghỉ hè và nghỉ đông sau đó, A Chiếu vẫn rất ít về nhà. Lý do cô tự đưa ra là do bận đi làm thêm, bận học, bận yêu đương. Thực ra, cô tự hiểu, nguyên nhân chủ yếu là vì cô đối với gia đình không có một chút tình cảm nào.
Không biết có phải do đứa con trai mình sinh ra không có hy vọng gì hay không, người đàn ông đó với hai đứa trẻ cũng đối xử khác biệt rõ ràng. Ông ta khi nói chuyện với con trai luôn cáu gắt to tiếng, với A Chiếu lại nhẹ nhàng hòa nhã. Lì xì năm mới cũng là A Chiếu phần nhiều, con trai chỉ càm ràm đôi câu, ông liền lớn tiếng mắng: “Bình thường cho mày, mày lén lấy còn chưa đủ hay sao?”
Năm A Chiếu tốt nghiệp đại học, cô làm đơn xin đi Mỹ du học, người đàn ông đó cũng vừa về hưu. Mẹ vốn hy vọng A Chiếu đi làm vài năm, có tiền rồi hãy đi nước ngoài, không ngờ người đàn ông đó khuyên mẹ cô, nói đi học phải tranh thủ lúc còn trẻ, nói lương hưu của ông có thể để cô đi học. Ông nói: “Nói không chừng để đó lại bị thằng mất dạy kia tìm lý do lấy mất.” Ông còn nói: “Con gái lấy được bằng cấp của Mỹ, ít nhất tôi cũng được chút ít tự hào.”
A Chiếu nhớ hôm đó cô nói với ông: “Bố, cám ơn!”. Có điều, lời mới nói ra tới miệng đã thấy hơi ngượng, vì cô không nhớ trước đây mình đã gọi ông như vậy bao giờ chưa.
Sau khi từ Mỹ trở về, A Chiếu làm việc ở công ty nước ngoài. Em trai trong mấy năm cô ra nước ngoài hình như đã gây ra chuyện gì, lén lút trốn qua đại lục không nghe tin tức. Đến cả mấy năm sau đó, mẹ cô bị ung thư qua đời cũng không thấy trở về. Người bố dượng cô quạnh cũng không gây gánh nặng gì cho A Chiếu. Ông bán nhà, tiền đưa A Chiếu nói nhờ cô giữ giúp, tự mình đến viện dưỡng lão sống.
A Chiếu vẫn luôn một mình, vì vậy ngày nghỉ của những năm sau đó, số lần hai người gặp và trò chuyện ngược lại nhiều hơn trước. Có một lần, A Chiếu đến thăm ông, ông không có ở viện dưỡng lão. A Chiếu đi đến cổng mới gặp ông ngồi taxi trở về, nói đi tham gia tang lễ một người bạn trong quân ngũ trước kia. Trên đường A Chiếu cùng ông trở vào phòng, ông vô cùng trầm mặc, mãi sau mới nói với A Chiếu, có thể mua cho ông một cái máy ảnh đơn giản hay không? Ông bảo muốn chụp ảnh cho mấy người bạn cũ, bảo rằng: “Ảnh thờ của lão Tống hôm nay chẳng giống chút nào cả.”
Sau đó A Chiếu mua máy ảnh giúp ông, rồi cũng quên mất ông sau đó có dùng không hay đã chụp được những gì. Mùa đông năm ngoái, ông qua đời. A Chiếu đến thu dọn đồ đạc cho ông. Đồ đạc của ông không nhiều nhặn gì, trong đó có một cái hộp giấy lớn. A Chiếu phát hiện trong đó đầy những tấm ảnh phóng to, cùng với cái máy ảnh cô mua dạo nọ. Máy ảnh rất mới, có lẽ cũng chưa dùng được mấy lần, cũng có lẽ do ông cất giữ rất cẩn thận, bởi vì không chỉ hộp giấy vẫn còn, đến cả lớp xốp và nilon đóng gói bên trong đó cũng vẫn được giữ gìn rất cẩn thận.
Đó đều là ảnh những người bạn cũ của ông, họ đều đã già, khung cảnh phía sau họ hoặc là núi đồi hoặc là vườn cây, có cổng thành cũng có cảng biển, còn có cả bãi biển đầy đá cuội. Nhưng những người trong ảnh rất hợp tác, họ đều mỉm cười nhìn về phía ống kính. Đến cả một người trong hình đang nằm trên giường bệnh, mũi cắm ống thở cũng vậy, đưa bàn tay với những vết đồi mồi miễn cưỡng làm một chữ V lớn.
A Chiếu vừa xem vừa tưởng tượng, để chụp những bức ảnh này, ông đã phải trải qua những hành trình cô đơn nhường nào, tưởng tượng dáng ông một mình ngồi xe lửa hay xe bus đường dài, tưởng tượng bóng ông trên những con đường núi hiểm trở, tưởng tượng ông và những người bạn già mình đi gặp đã ăn những gì, uống những gì, nói chuyện gì, thậm chí cả tâm trạng của ông khi nói lời từ biệt cuối cùng.
Nhưng khi tấm ảnh cuối cùng bày ra trước mắt A Chiếu, cô trước tiên là kinh ngạc, sau đó không thể kìm được mà nức nở khóc lớn. Tấm ảnh đó có lẽ được chụp bằng chế độ tự động. Ông mang ảnh của mẹ, em trai và A Chiếu để ở nhà đi phóng to, đóng khung, sau đó đặt tất cả lên một cái bàn, ông choàng tay làm động tác ôm ba khung ảnh hướng về máy ảnh cười thật tươi.
Bên dưới ấm ảnh cũng y hệt như những tấm ảnh hồi trước, in lên một hàng chữ: “Đoàn viên nhà họ Ngụy, mùa thu 1998”.
A Chiếu nói rằng, chỉ khi đó cô mới hiểu được nỗi cô đơn sâu thẳm không nói nên lời của người đàn ông ấy.