Có bao giờ bạn thấy khó để mở lòng?

Nhiều khi chúng ta cảm thấy thật khó để biểu lộ con người mình ra với ai đó, là vì những gì càng chân thật và sâu kín đối với mình, lại càng dễ để bị tổn thương.

Tiếc thay, việc này nhiều khi ta học được từ trải nghiệm: khi ta từng tin tưởng một ai đó, đủ để nhẹ nhàng trút bỏ những lớp vỏ ngoài và chia sẻ thành thật cảm nghĩ của mình, nhẹ nhất thì những tâm tư ấy chẳng được ai lắng nghe thấu hiểu, hay tệ hơn, ta còn bị vùi dập trong sự phán xét chỉ trích của họ.

Những trải nghiệm như vậy khiến chúng ta thường nghĩ rằng có điều gì đó không ổn về mình, một sự khác biệt “không bình thường” từ tận sâu trong bản chất, khiến ta ngày càng tự đóng mình lại, cô lập bản thân trong những mối quan hệ xã giao và những nụ cười gượng gạo.

Tuy vậy, nhu cầu được kết nối với ai đó một cách sâu sắc vẫn cồn cào từ bên trong mà ta không thể chối bỏ. Một khoảnh khắc nào đó khi ta bỗng thấy cuộc đời mình lạc nhịp, ta khao khát được giải thoát và phơi bày con người thật của mình, mong mỏi được ai đó nhìn thấu và đồng cảm, trao cho ta sự bao dung ấm áp.

Sự kết nối sâu sắc ấy giữa người với người, giữa trái tim với trái tim, thật khó để tìm thấy trong cuộc sống hiện đại, cho dù các thiết bị thông minh luôn tìm cách “đem con người đến gần nhau hơn”.

Thế nhưng, tâm hồn của hai người không nhất thiết phải đồng điệu hay trùng khớp để ta có thể thấu hiểu được nhau. Thế giới quan của chúng ta đôi khi có thể có những sự bất đồng, nhưng điều ấy không có nghĩa rằng ta không thể hòa hợp.

Dù biết rằng ta khác biệt, nhưng không vì thế mà phán xét lẫn nhau, việc ấy có lẽ mới càng đáng trân quý.

Trong quá trình chia sẻ và bóc tách tâm hồn mình, những khác biệt ấy có thể trở thành chướng ngại. Đôi khi lời nói của ai đó có thể vô tình khiến ta bị tổn thương, nhưng có khi nó không đến từ sự ác ý của họ, mà là từ sự vụng về của việc chưa biết phải đồng cảm với ta thế nào. Lỗi lầm có thể chẳng phải là của ai.

Những mâu thuẫn nhất thời như vậy, có thể chính là thử thách để giúp hai con người hiểu được nhau hơn. Nếu như vượt qua được nó, sự khác biệt có thể khiến cho mối quan hệ trở nên độc nhất, bù đắp cho nhau những gì còn thiếu như những mảng màu tương phản mà bổ khuyết.

Những khám phá của tâm lý học cũng khẳng định rằng: những mối quan hệ xã hội là yếu tố quan trọng bậc nhất giúp ta hạnh phúc. Và chất lượng, đặc biệt quan trọng hơn số lượng.

Để có được sự kết nối sâu sắc ấy, không có con đường nào khác ngoài việc ta phải học cách mở lòng mình mà không cho phép mình tổn thương, cũng như học cách lắng nghe, chấp nhận, và trân trọng những mối quan hệ xung quanh mình.

Việc ấy tuy không dễ, nhưng hoàn toàn xứng đáng để ta cùng nhau trui rèn.

The Cosmic Writer

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *