Có ai cũng thấy phát bực khi bị người khác bảo làm một việc bản thân đã dự định làm không?

Y như tiêu đề. Tui luôn có một lịch trình buổi sáng của mình, thức dậy với một danh sách những thứ phải làm trong đầu: xếp giường cho gọn, đun một ít trà, cho chó ăn,… Tui sẽ làm chúng, thậm chí là khá hào hứng nữa. Và rồi ai đó sẽ bảo tui cho chó ăn đi trong khi tui đang đun nước pha trà và tự nhiên tui thấy bực bội khó ở 1 cách vô lý luôn. Tui gần như chả muốn làm cái việc đó nữa chỉ vì tui bị bảo hãy làm đi. Có ai cũng cảm thấy tương tự vậy không?

_____________________

Thường thì tui ít khi mà tự nhiên phát khùng kiểu này trừ khi đối tượng bám theo nhằn nhẵn cả ngày thôi…

Sếp tui có 1 cách nói chuyện khá hay ho để tránh trường hợp này. Cổ hay nói kiểu “tui chắc bạn đã có dự tính rồi nhưng mà bạn có làm cái ‘abc’ hôm nay không vậy?” hoặc nếu cổ muốn chắc chắn là một việc được hoàn thành theo một cách nhất định mà cổ muốn thì cổ sẽ nói “tui chắc là bạn sẽ làm việc này nhưng mà khi làm cái ‘abc’ thì hãy chắc chắn là nó ‘xyz’ nhé.” Cổ luôn nói những điều đó 1 cách vô cùng thông minh và mang lại một cảm giác khen ngợi tích cực cho tất cả mọi người luôn ấy.

>u/emskow (129 points)

Đây mới là cách đúng đắn để nhắc người khác làm 1 việc gì đó nè.

_____________________

u/bdbtchcs (969 points)

Phiền như quỷ luôn. Bởi vì bồ sẽ cảm thấy như thể họ chắc là bồ sẽ không làm đâu trừ khi họ bảo bồ làm. Hơn nữa, cái làm tui bực là vì tui biết trách nhiệm của mình, không ai giỏi hơn tui ở việc theo dõi những thứ tui phải làm đâu. Và tui không hề ngu đần hay vô trách nhiệm nhé. 

>u/Dexiro (11 points)

Kiểu như họ đang trộm hết mọi sự thỏa mãn của tui khi làm xong cái việc kia vậy.

>u/Reapr (30 points)

Cái tụi cuồng kiểm soát thích làm cái này lắm nè, việc này khiến tụi nó cảm thấy đang nắm kiểm soát mọi thứ. Bồ có thể thử nói là bồ hoàn toàn không hề cảm kích việc họ làm và làm ơn dừng lại đi, và nếu họ vẫn cứ tiếp tục thì bồ nên làm ngược lại với họ cách mà họ làm bồ thấy phiền nhiễu, gậy ông đập lưng ông là hiểu ra thôi ha.

>u/fancydancy12 (327 points)

Y chang! Và khi tui nói “có chứ tui đã có kế hoạch cho nó rồi” họ sẽ phát điên rồi nói “ừa thì chỉ nhắc vậy thôi à!” với kiểu vô cùng bực mình cáu kỉnh.

Nhưng mà có thể chính họ cũng nhận ra sự phiền nhiễu và phản ứng lại nó ấy chứ.

>u/curious_blob (12 points)

Chính cmn xác luôn và phiền gấp 100 lần nếu người nhắc là bố mẹ tui,

 lý do tui chuyển ra ngoài nè chứ đâu!

_____________________

u/rationalpoints (1.1k points – x1 helpful)

Có nè, tui hoàn toàn hiểu vụ này luôn. Nhưng với tui nó hơi khác chút. Tui không phải là người năng suất giỏi giang gì lắm nên mỗi khi tui cảm thấy muốn làm cái gì đó là tui thấy tự hào về bản thân lắm. Rồi cái tự nhiên có người kêu tui làm cái việc mà tui đã phải dành cả tiếng dồn hết sức lực tinh thần để làm thì như kiểu toàn bộ niềm vui với sự tự hào của tui tuột xuống âm vô cực vậy á và nó khiến tui cảm thấy như thể tui đang chậm trễ chứ không phải là chủ động làm một việc gì đó nữa. Thì cũng chả phải lỗi của họ, họ đâu biết những thứ diễn ra trong đầu tui đâu. Đặc biệt là khi tui là đứa thường hay phải được nhắc nhở và thúc đẩy để hoàn thành công việc nữa.

>u/pladin517 (403 points)

Tóm tắt ngắn gọn nè: “Động lực bên trong sẽ mất đi khi có một động lực khác tác động từ bên ngoài”. Cái chuyện biến sở thích của mình thành sự nghiệp cũng tương tự vậy đó.

>u/Independent-Composer (74 points)

Có thể ông bị ADHD* (T/N: rối loạn tăng động giảm chú ý – Đọc note ở cuối bài) đó – sự lơ mơ và cần phải kiếm động lực để làm những việc bình thường hàng ngày là điển hình của ADHD dạng 2 – vấn đề là ông bị giảm lượng dopamin trong não dẫn tới khó thực hiện những việc vặt thường ngày, thay vào đó tâm lý của ông ưu tiên những việc giúp tăng lượng dopamin hơn. Hầu hết mọi người không nhận ra 1 khía cạnh của ADHD là cực kì tập trung vào một việc duy nhất – vì đó là việc giúp lượng dopamin của ông tăng lên. Biết được cái này đã thay đổi cuộc sống của tui hoàn toàn đó.

_____________________

T/N:

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một hội chứng bao gồm khó chú ý, hiếu động thái quá và hấp tấp, bốc đồng. 3 dạng ADHD chủ yếu là giảm chú ý, tăng động/bốc đồng, và kết hợp cả hai dạng trên.

Bệnh gây ra nhiều hệ lụy như các mối quan hệ không ổn định, hiệu suất làm việc hoặc học tập kém, lòng tự trọng thấp và các vấn đề khác.

Triệu chứng của một số người tăng động giảm chú ý giảm đi theo tuổi tác, số khác ngược lại, tiếp tục mang các triệu chứng chính của bệnh, gây cản trở hoạt động hàng ngày. Ở người lớn, các triệu chứng chính của ADHD có thể bao gồm khó chú ý, bốc đồng và bồn chồn. Các triệu chứng có thể biểu hiện ở mức độ từ nhẹ đến nặng dần.

Nhiều người lớn bị ADHD không biết họ mắc bệnh, họ chỉ biết rằng với những người như họ các công việc hàng ngày là một thách thức không nhỏ. Người lớn bị tăng động giảm chú ý có thể khó tập trung và sắp xếp công việc ưu tiên dẫn đến chậm deadline và lãng quên các cuộc họp hoặc kế hoạch đã đặt ra. Người bệnh thiếu khả năng kiểm soát, biểu hiện rõ trong một số tình huống như thiếu kiên nhẫn khi xếp hàng hoặc lái xe dẫn đến bùng phát cơn giận dữ.

Các triệu chứng tăng động giảm chú ý ở người trưởng thành có thể bao gồm:

  • Tính bốc đồng
  • Thiếu khả năng tuân thủ và sắp xếp các vấn đề ưu tiên
  • Khả năng quản lý thời gian kém
  • Gặp vấn đề trong việc tập trung vào một nhiệm vụ
  • Gặp rắc rối khi được phân nhiều nhiệm vụ cùng lúc
  • Bồn chồn, năng động quá mức
  • Tổ chức kế hoạch kém
  • Khả năng chịu đựng cảm giác thất vọng thấp
  • Thay đổi tâm trạng thường xuyên
  • Gặp vấn đề trong tiến trình hoàn thành công việc
  • Nóng tính
  • Thường xuyên căng thẳng

Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định chính xác, các yếu tố nguy cơ bao gồm di truyền, môi trường sống độc hại và gặp vấn đề trong quá trình phát triển. Rối loạn tăng động giảm chú ý có thể được chữa trị thông qua thuốc men, tư vấn tâm lý và tập trung cải thiện các mối quan hệ xã hội.

_____________________

Dịch bởi Trường Nguyễn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *