Cnut Sweynsson, còn được gọi là Cnut Đại Đế, là một nhà cai trị Anh quốc, Đan Mạch, Na Uy, và một phần Thụy Điển. Lãnh thổ của ông thường được gọi là Đế Chế Bắc Hải, hay là Liên Hiệp Các Vương Quốc Angle-Scandinavia và Cnut là một những nhà cai trị hùng mạnh nhứt Châu Âu trong suốt thế kỷ 11. Cnut còn là một nhà cai trị thành công và có năng lực vì đã kiểm soát hoàn toàn nhiều phần khác nhau trong đế chế của mình. Sau khi ông qua đời, Đế Chế Bắc Hải nhanh chóng suy tàn. Đế chế chìm dần vào quên lãng với tư cách là từng có một người Đan Mạch cai trị Anh quốc, do một cuộc xâm lược khác từ hải ngoại, mà còn gọi là Cuộc Chinh Phục của Người Norman, xảy ra vài thập niên sau cái chết của Cnut.
Cnut Đại Đế ra đời vào khoảng giữa năm 985 và năm 995 Công Nguyên. Cha ông là Sweyn Forkbeard, còn danh tính mẹ của ông thì lại không rõ ràng lắm. Theo nhiều tài liệu thời Trung Cổ, mẹ của Cnut là con gái của Mieszko I xứ Ba Lan. Trong một vài tài liệu khác, mẹ của Cnut không có danh tính, bà chỉ được gọi là Gunhild. Còn có tuyên bố rằng mẹ của Cnut là Sigrid Kiêu Căng, người từng là Nữ hoàng của Thụy Điển mà Sweyn đã lấy sau cái chết của chồng bà.
I. SWEYN FORKBEARD — CHA CỦA CNUT ĐẠI ĐẾ VÀ LÀ MỘT VỊ VUA NỔI BẬT NGƯỜI VIKING
So với vợ của ông thì chúng ta biết được nhiều hơn về Sweyn. Cha của Cnut là một chiến binh người Viking hùng mạnh, nắm quyền toàn Đan Mạch vào năm 986 Công Nguyên, sau cái chết của cha Sweyn. Năm 1000, Sweyn đánh bại và tiêu diệt Olaf I Trygvessön, Vua Na Uy. Vương quốc sau đó bị xâu xé bởi đồng minh người Đan Mạch và người Thụy Điển. Năm 1013, một thời gian ngắn trước khi qua đời, Sweyn chinh phục nước Anh. Chính Sweyn là người thành lập nên Đế Chế Bắc Hải. Sau cái chết của ông, Đế chế dần suy tàn khi Na Uy, Đan Mạch và Anh Quốc lần lượt được các vị vua khác nhau cai trị. Ở Đan Mạch, do một trong những người con trai của Sweyn, Harald II, thừa kế ngai vàng. Ở Na Uy, Sweyn truyền lại cho Olaf II. Còn ở Anh là do Aethelred II làm vua.
Sau cái chết của cha ông, Cnut được đưa vào chỉ huy quân đội Đan Mạch ở Gainsborough, Anh Quốc. Có rất ít tư liệu về cuộc đời trước đây của Cnut. Trên thực tế, ông dường như chỉ là một nhân vật không mấy nổi bật cho tới tận năm 1013. Đó là năm mà Sweyn tiến hành xâm lược Anh Quốc và Cnut sát cánh cùng cha ông trên con đường mở rộng lãnh thổ. Khi Sweyn tiến tục tiến hành chiến dịch, Cnut phải ở lại Gainsborough để chỉ huy đội quân đóng tại đây. Khi Sweyn qua đời, quân đội Đan Mạch tôn Cnut là vị tân vương của nước Anh. Tuy nhiên, giới quý tộc Anh thì lại khôi phục Aethelred về lại ngai vàng.
II. SỰ TRỞ LẠI CỦA AETHELRED VÀ KẾ HOẠCH TRẢ THÙ CỦA CNUT
Sau khi bị Sweyn đánh bại, Aethelred phải sống lưu vong tại vùng Normandy. Khi Aethelred nhận được tin giới quý tộc muốn ông quay trở lại làm vua, ngay lập tức, ông tập hợp quân đội và ra khơi quay trở lại Anh. Nhận thấy lực lượng của mình không đủ để chống lại Aethelred, Cnut rời bỏ nước Anh và quay lại Đan Mạch. Khi người Đan Mạch đi thuyền ngang đảo Sandwich, Cnut sát hại tất cả con tin mà giới quý tộc đưa về cho cha ông như một lời cam kết hỗ trợ, và để xác trên bờ biển. Điều này nhằm mục đích gởi thông điệp cho người Anh rằng những kẻ phá bỏ lời thề sẽ bị trừng phạt. Và chỉ vài năm sau sự kiện tàn bạo trên, Cnut sẽ giáng cơn báo thù của ông lên người Anh.
Khi Cnut quay lại Đan Mạch, vương quốc đang nằm dưới quyền cai trị của người anh em của ông là Harald. Do đó, ông đề nghị rằng cả hai anh em nên cùng nhau cai trị đất nước. Không ngạc nhiên lắm khi Harald thấy đề xuất này không tốt đẹp gì cho lắm, và thay vào đó, ông đề nghị sự hỗ trợ của Cnut để xâm lược nước Anh, đổi lại, ông sẽ chấp nhận thoái vị ngai vàng Đan Mạch. Cnut chấp nhận yêu cầu của người anh em này. Năm 1015, Cnut tập hợp một đội quân 1 vạn người và tiến hành xâm lược Anh Quốc. Trong số những người tham gia vào đội quân của Cnut còn có Erik Hakonarson, người anh rể ở Na Uy của Cnut; Thorkell Thông Thái, một thủ lãnh đánh thuê hùng mạnh; và Eadric Streona, Quận công xứ Mercia. Thorkell và Eadric gia nhập với Cnut sau khi người Đan Mạch đã đổ bộ lên đất Anh.
Cnut đầu tiên đổ bộ lên Wessex, nơi ông dễ dàng chiếm được. Sau đó ông tấn công và bao vây Northumbria, xử tử Quận công ở đây là Uhtred, vì đã phản bội lời thề với Sweyn. Người Đan Mạch tiếp tục công cuộc chinh phục nước Anh trong nhiều tháng sau. Tháng 4 năm 1016, họ xuôi dòng Sông Thames, và bao vây London. Aethelred qua đời trong cuộc bao vây này và truyền ngôi lại cho con trai là Edmund Ironside. Tại Trận Assandun vào tháng 10, người Anh bị đánh bại bởi người Đan Mạch, và Edmund bị ép phải ngồi đàm phán với Cnut. Và kết quả là, nước Anh bị chia cắt. Edmund kiểm soát vùng Wessex và Cnut cai trị phần còn lại. Khi Edmund qua đời vào tháng 1 năm tiếp theo, Cnut trở thành người cai trị duy nhứt trên toàn nước Anh.
III. CNUT BẢO TOÀN VỊ TRÍ — HÔN SỰ VỚI PHU NHÂN CỦA AETHELRED QUÁ CỐ
Để bảo vệ vị trí của mình, Cnut hành động một cách dứt khoát và tàn nhẫn. Vì ông vẫn chưa tin tưởng được giới quý tộc Anh sau sự phản bội của họ vào năm 1013, Cnut cho người bao vây lãnh địa của họ và bắt họ giao con tin. Đây còn là việc đảm bảo sự trung thành của các tân lãnh chúa này. Ví dụ như, Erik được phong làm Bá tước xứ Northumbria, còn Thorkell là Bá tước xừ Đông Anglia. Hơn nữa, Cnut còn cho người xử tử các quý tộc Anh trung thành với Eadwig, anh em của Edmund. Cnut còn ra lệnh tiêu diệt toàn bộ con trai của Edmund, mặc dù họ đã cố bỏ trốn tới Hungary.
Một khi ngai vàng nước Anh của Cnut đã vững chắc, ông trở thành một nhà cai trị có năng lực. Ông chia nước Anh ra thành 4 khu vực hành chánh — Wessex, Mercia, Đông Anglia, và Northumbria. Hệ thống lãnh thổ như vậy sẽ là cơ sở cho nước Anh hàng thế kỷ sau đó. Cách quản lý nước Anh của Cnut không còn phụ thuộc nhiều những người đồng hương Scandinavia tiền nhiệm, ông sử dụng nhiều người Anh bản xứ hơn, chẳng hạn tước vị “Bá tước vùng Wessex và Mercia” được trao lại vào tay người Anh từ năm 1018. Cùng năm đó, một thỏa thuận được ký kết giữa người Đan Mạch và người Anh tại Oxford, và hạm đội của Cnut được hoàn trả nợ nần đầy đủ.
Cnut cũng có những đóng góp đáng chú ý khác cho nước Anh. Ví dụ, ông đã ban hành hai dự luật bổ sung. Mặc dù những luật này dựa trên những luật đã được Edgar Hòa Bình thông qua, nhưng đã được cải cách. Ngoài ra, một số luật mới cũng được thêm vào.
Dưới quyền cai trị của người Đan Mạch, nước Anh phát triển thạnh vượng về mặt kinh tế. Trong nhiều thập niên trước khi Cnut xuất hiện, người Viking thường xuyên đột kích các bờ biển còn lục địa thì dịch bệnh hoành hành tàn phá nền kinh tế nước Anh. Cnut mang lại sự vững chắc cho nội lực nước Anh, bảo vệ vương quốc khỏi các cuộc đột kích của người Viking, điều này thì khá dễ dàng vì dù sao ông cũng là người Viking quyền lực nhứt thời bấy giờ.
IV. TÂN VƯƠNG CỦA ĐAN MẠCH VÀ NA UY
Không lâu sau khi trở thành người cai trị duy nhứt của nước Anh, Cnut cũng trở thành Vua Đan Mạch. Người anh em của Cnut là Harald, qua đời vào năm 1018 và không có người nối dõi. Với sự trợ giúp của quân đội Anh, Cnut thành công bảo vệ ngôi vương của mình. Vì không thể có mặt cùng lúc tại Anh và Đan Mạch, ông chỉ định anh rể là Ulf Jarl, làm Bá tước xứ Đan Mạch, là Bảo Hộ Công cho vương quốc. Cnut tin rằng ông nắm chắc Đan Mạch trong tay, và tuyên bố rằng con trai ông, Harthacnut, sẽ là người kế thừa ngai vàng Đan Mạch, dưới sự bảo trợ của Ulf. Sự vắng mặt của Cnut tại Đan Mạch lại tạo cơ hội cho người Thụy Điển và người Na Uy tấn công vương quốc. Cùng lúc đó, sự vắng mặt của Cnut gây nên sự bất bình ngày càng tăng cho người dân Đan Mạch. Ulf tận dụng cơ hội để vận động người Đan Mạch bầu cho Harthacnut, người vẫn còn là một đứa trẻ, là vị vua mới. Vì thế, Ulf coi như là một người quyền lực nhứt Đan Mạch.
Khi Cnut nhận được tin báo về tình hình Đan Mạch, ông rời khỏi nước Anh để giải quyết mớ rắc rối này. Năm 1026, Cnut đánh bại người Thụy Điển và người Na Uy tại Trận Helgeå. Lúc này, Cnut nhận được sự hỗ trợ của Ulf, người đã quay lại phe của nhà vua. Câu chuyện về họ tiếp tục diễn ra với buổi tiệc đêm Giáng Sinh. Một cuộc tranh cãi đã nảy ra giữa hai người. Ngày tiếp theo, Cnut lệnh cho một trong các vệ binh của ông ám sát Ulf tại Nhà thờ Chúa Ba Ngôi (sau này trở thành Đại Thánh Đường Roskidle).
Mục tiêu tiếp theo của Cnut là Na Uy. Ông bắt đầu chinh phục vương quốc này từ bên trong, bằng cách gây ra mối bất hòa giữa người Na Uy với nhà vua của họ. Năm 1028, Cnut tới Na Uy và Vua Na Uy khi đó là Olaf II Haraldsson không thể phát động một cuộc chiến vì người của ông đã từ bỏ ông. Được ghi nhận trong “Biên Niên Sử Anglo-Saxon”, Cnut tới Na Uy từ Anh với một hạm đội gần 50 tàu chiến và thành công trong việc loại bỏ Olaf khỏi ngai vàng vương quốc.
V. CNUT ĐẠI ĐẾ — NGƯỜI BẢO TRỢ CHO CƠ ĐỐC GIÁO HAY LÀ NGƯỜI NGOẠI ĐẠO?
Cnut trao Na Uy cho Hakon Eriksson, con trai của Erik Hakonarson. Năm 1027, khi Cnut quay trở về từ Rome sau khi tham dự lễ đăng quang của Conrad II, Hoàng đế La Mã Thần Thánh, ông gởi thư cho người của mình, tuyên bố rằng ông là Vua nước Anh, Đan Mạch, Na Uy và một phần Thụy Điển.
Hành trình của Cnut tới Rome được cho là thể hiện cho Giáo Hội thấy ông là một vị quân chủ Công Giáo, một địa vị mà ông chứng tỏ bằng cách là người bảo trợ cho Giáo Hội. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ là việc bảo trợ của Cnut là do đức tin của ông hay vì mục đích chánh trị, có lẽ là cả hai. Nhưng dựa vào mối quan hệ thân tình giữa ông và Conrad thì khó có thể nói rằng ông là người ngoại đạo.
Sau khi chinh phục nước Anh, Cnut cho tu sửa toàn bộ nhà thờ và tu viện bị quân đội cướp phá. Ông còn cho xây mới nhiều tu viện và nhà thờ hơn nữa đồng thời hiến tặng nhiều bảo vật vô giá. Sự hào phóng của Cnut không chỉ mang lại lợi ích cho Giáo Hội tại Anh mà còn cho cả người dân Anh, những người hành hương từ Anh tới Rome. Nhờ mối giao hảo giữa Cnut và các quân chủ Công Giáo khác trong thời gian ông ở Rome mà những người hành hương từ Anh được giảm thuế phí (hay được miễn ở một số vùng) và được bảo vệ an toàn khi hành hương tới Rome.
Tuy nhiên, một vài hành động của Cnut lại chứng tỏ tính chất “ngoại đạo” của mình như mối quan hệ của ông với dàn hậu cung, xử tử các quý tộc Công Giáo sau khi chinh phạt thành công nước Anh, khoan dung với tôn giáo ngoại đạo, vì nhiều binh lính người Viking của ông vẫn tôn thờ các vị thần Bắc Âu.
Ví dụ cuối cùng về lòng mộ đạo Cơ Đốc của Cnut được ghi nhận trong truyền thuyết nổi tiếng có tên là “Cnut and the Waves”. Câu chuyện gốc được tìm thấy trong tác phẩm “Historia Anglorum” thế kỷ 12, được viết bởi Henry, phó giám mục xứ Huntingdon. Trong câu chuyện này, Cnut ra lệnh đặt một chiếc ghế trên bờ biển khi thủy triều rút. Nhà vua ngồi trên chiếc ghế của mình, tuyên bố tước hiệu thống lãnh biển cả và ra lệnh cho sóng biển ngừng xâm phạm đất đai của mình. Đại dương không để ý đến nhà vua, và những con sóng tiếp tục ập đến, làm ướt đẫm đôi chân của Cnut. Nhà vua giật mình, tuyên bố rằng quyền lực của các vị vua trên mặt đất không là gì, và chỉ có Thiên Chúa là Đấng Tối Cao trên trời, dưới đất và trong biển cả. Kể từ ngày đó trở đi, Cnut không bao giờ đội vương miện của mình nữa mà đặt nó trên một cây Thánh Giá. Truyền thuyết đã được kể lại nhiều lần trong nhiều thế kỷ, đôi khi có thêm những chi tiết mới. Trong một số phiên bản, Cnut được cho là đã làm điều này để trách những kẻ xu nịnh.
Ngày nay, Cnut được tưởng nhớ tới như là một nhà cai trị có năng lực, đặc biệt là khi so sánh với những kẻ kế thừa ông. Ông qua đời vào năm 1035, kéo theo đó là Đế Chế Bắc Hải mà ông gây dựng bị chia cắt bởi các người con trai. Tuy nhiên, không ai trong số họ có thể gìn giữ được cơ đồ của ông. Dẫn tới kết quả là Anh, Đan Mạch và Na Uy rơi vào tay các triều đại phong kiến khác.
