Từ kho báu trở thành rác và ngược lại (Phần 1)
Đón nhận kinh tế tuần hoàn
Viết bởi Dan Ferber – Nguồn: https://link.medium.com/FQeriC3P46
THE MOONSHOT(1): Sự gia tăng CO2 trong khí quyển cùng với các đảo rác thải nhựa khổng lồ ở đại dương, sự biến mất của các loài động vật hoang dã và cạn kiệt nguồn nước sạch chỉ là một vài trường hợp trong số các dấu hiệu cho thấy loài người đang ở điểm uốn(2)trong công nghiệp. Cho tới thời điểm hiện tại, cuộc chơi vẫn được vận hành theo kiểu khai thác nguyên liệu thô, dùng chúng để tạo ra sản phẩm, và sau đó – với số lượng tái chế và tái sử dụng khiêm tốn – vứt bỏ các sản phẩm và những tài nguyên trong sản phẩm đó đi khi chúng không còn hữu ích nữa. Bây giờ chính là thời điểm thích hợp để thay thế mô hình kinh tế tuyến tính này bằng một mô hình kinh tế tuần hoàn hơn – nền kinh tế mà chúng ta hiểu rõ nguồn tài nguyên của trái đất là hữu hạn. Giống như trong hệ sinh thái tự nhiên, kinh tế tuần hoàn dựa trên mạng lưới nguyên vật liệu và nguồn năng lượng phức tạp, trong đó rác thải của một ngành trong hệ thống trở thành nguyên liệu thô của ngành khác. Tạo ra nhiều việc làm hơn cho số đông người hơn đồng thời ngày càng giảm số lượng tài nguyên tiêu thụ là một trong số những thách thức Moonshot mà nhân loại bây giờ không còn sự lựa chọn nào khác ngoại trừ việc nhận ra vấn đề và đón nhận nó.
CƠ HỘI THIỆN NGUYỆN(3): Một sự thay đổi ở quy mô cực kỳ lớn như chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự cam kết của tất cả mọi người. Những nhà cầm quyền ở cả cấp quốc gia và địa phương, những nhà cải cách chuyên môn và cả giới thương mại đều sẽ cần phải đóng góp cho mục tiêu chung. Chuyển sang mô hình sản xuất và tiêu thụ tuần hoàn đòi hỏi phải có vô số những đổi mới về công nghệ, chính trị, xã hội và cơ sở hạ tầng. Những nhà thiện nguyện cũng có thể đóng vai trò then chốt. Ví dụ, bằng việc hỗ trợ tài chính cho các hoạt động kinh tế tuần hoàn, họ có thể thúc đẩy nhanh sự bền vững trong các lĩnh vực từ sản xuất đến thực phẩm, và từ thời trang cho đến nhựa. Hơn nữa, họ có thể làm điều đó mà không đòi hỏi lợi tức đầu tư ngắn hạn khi mà sự chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang tuần hoàn vẫn đang dần hình thành ở giai đoạn đầu.
Từ cách mạng công nghiệp trở về sau, tiềm năng của sự tiến bộ dường như không bao giờ kết thúc và nguồn tài nguyên dường như cũng vô tận. Hàng thập kỷ trôi qua, chúng ta lùng sục khắp hành tinh để tìm kiếm nguyên liệu thô, và rồi chuyển đổi những nguyên liệu đó thành hàng ngàn sản phẩm. Những tiến bộ trong sản xuất và công nghệ, từ động cơ hơi nước cho đến sản xuất hàng loạt, từ thép Bessemer cho đến vô vàn sản phẩm nhựa vận hành bằng các hệ thống chạy bằng điện. Than và dầu đã tiếp thêm năng lượng cho nền kinh tế. Ngày càng có nhiều người trên thế giới trở thành tầng lớp trung lưu, mua ô tô, máy giặt, tivi và đồ chơi mà những hoạt động sản xuất mang đến. Và khi những sản phẩm này bị hỏng, chúng ta đã làm những gì thuận tiện nhất – chúng ta ném chúng đi.
“Chúng ta đã vận hành hoàn hảo thứ gọi là nền kinh tế tuyến tính hiệu quả trong vòng 150 năm, ở đó chúng ta lấy nguyên liệu ra khỏi mặt đất, biến chúng trở thành vật gì đó, và cuối cùng vứt bỏ nó đi”, phát biểu của bà Dame Ellen MacArthur, nhà sáng lập Ellen MacArthur Foundation, tổ chức dẫn đầu trong trong việc tìm kiếm mô hình thay thế, “Nó là một nền kinh tế mà về cơ bản không thể tồn tại trong thời gian dài”.
Nguyên nhân rất đơn giản: Những nguồn tài nguyên, trên thực tế, sẽ cạn kiệt – và chúng ta đang làm cạn kiệt chúng. Chúng ta đã làm cạn kiệt đất trồng trọt, phá rừng, tàn phá thủy sản và đốt cháy nhiên liệu hóa thạch không thể tái tạo. Chúng ta tạo nên 2 tỷ tấn chất thải mỗi năm trên toàn thế giới. Đến năm 2030, có thêm 3 tỷ người trên hành tinh sẽ muốn đặt chân vào cuộc sống trung lưu. Trong viễn cảnh thường lệ, điều đó đồng nghĩa với việc tiêu thụ nhiều tài nguyên hơn, gia tăng khổng lồ lượng rác thải và các căng thẳng môi trường đi kèm với nó.
MacArthur, một cựu tay đua thuyền buồm – người một mình đi thuyền khắp thế giới, vừa trở về đất liền vào năm 2005 khi tất cả những điều này gây ảnh hưởng đến bà. Để tồn tại 3 tháng trong chuyến đi vòng quanh thế giới, MacArthur cần phải mang ra biển tất cả những gì bà ấy cần để sống sót. “Những thứ ở ngoài kia là tất cả những gì chúng ta có”, bà ấy nói. “Sẽ chẳng thể có thêm đâu”.
Khi MacArthur hoàn thành hải trình của mình, bà có một trăn trở. Một khi chúng ta khai thác cạn kiệt tất cả các nguồn tài nguyên không thể tái tạo trên hành tinh, mọi thứ sẽ kết thúc. Không còn than, không còn dầu, không còn khí tự nhiên. Không thể có thêm Ôxít thiếc indi – một khoáng chất quan trọng được sử dụng để sản xuất màn hình phẳng và các thiết bị màn hình cảm ứng. Cũng chẳng thể có thêm neodymi – một nguyên tố đất hiếm cần thiết dùng cho nam châm neodymi-sắt-bo mà các tuabin gió lớn sử dụng để tạo ra điện từ gió. Và cũng không còn stibnite – nguồn cung cấp quan trọng của antimony dùng để chế tạo vật liệu chống cháy. Nếu không có các nguyên tố này cùng với nguyên liệu hóa thạch và các nguyên tố quý hiếm khác, thì ngành sản xuất của chúng ta bao gồm cả sản phẩm công nghệ cao và các sản phẩm dành cho quân sự sẽ biến mất hoặc ngừng hoạt động. Trừ khi những nhà sản xuất tìm ra được các nguồn nguyên liệu thay thế, nếu không thì đến một thời điểm nào đó, sự tham lam của con người đối với các sản phẩm hiện đại sẽ đạt đến đáy nguồn cung hạn chế của trái đất, gây ra sự thiếu hụt, gián đoạn chuỗi cung ứng và làm giá cả leo thang hoặc thậm chí là xung đột do tranh giành tài nguyên. Viễn cảnh đó chỉ ra một thực tế nghiêm túc rằng giấc mơ mà con người có được tất cả mọi thứ chúng ta muốn chỉ là ảo ảnh.
“Những thứ ở ngoài kia là tất cả những gì chúng ta có. Sẽ chẳng thể có thêm đâu” – Ellen MacArthur
Tuy nhiên, vẫn còn những “mỏ vàng” chưa được khai thác ở ngoài kia nếu bạn biết tìm kiếm đúng chỗ. Nhưng thay vì khai thác đến cạn kiệt các nguồn tài nguyên để phục vụ cho mục đích kinh tế, chúng ta có thể tìm cảm hứng từ hệ sinh thái tự nhiên, nơi mà sự tiết kiệm thống thị, năng lượng được tái tạo và các chất thải sẽ quay trở lại làm nguồn nguyên liệu. Về mặt kinh tế, rác thải của một ngành sẽ trở thành nguyên liệu cho một ngành khác. Các công ty nên sử dụng ít tài nguyên hơn, tạo ra ít chất thải hơn, đồng thời thiết kế những sản phẩm có tuổi thọ lớn – và quan trọng nhất, chính các công ty cũng sẽ thu được lợi nhuận thông qua việc này. Khi các sản phẩm hết hạn sử dụng, chúng sẽ được tân trang và tái sử dụng. Cho đến khi việc tái sử dụng trở nên bất khả thi, các sản phẩm sẽ được tháo rời và mang đi tái chế. Việc gây ô nhiễm và lượng chất thải cần phải được tính toán ngay từ khi thiết kế sản phẩm.
Trong mô hình này (được nhiều người gọi là mô hình kinh tế tuần hoàn), các sản phẩm khi kết thúc vòng đời của mình sẽ trở thành nguồn nguyên liệu và được đưa trực tiếp đến các khu quặng kim loại hoặc khoáng sản lớn. Hàng hóa và sản phẩm được sản xuất sẽ thúc đẩy nguồn cung ứng các vật tư hoặc nguyên liệu có khả năng tái sử dụng, nhất là khi dân số ngày càng tăng mà nguồn tài nguyên không thể tái tạo lại ngày càng khan hiếm. Các doanh nghiệp áp dụng phương pháp tiếp cận tuần hoàn này sẽ có thể tạo ra thêm việc làm mới, xây dựng các khu công nghiệp phát triển mà vẫn ít bị phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên bên dưới mặt đất, và đồng thời có được lợi nhuận từ việc bảo tồn và tái tạo tài nguyên.
Năm 2010, MacArthur đã ra mắt Quỹ Ellen MacArthur có trụ sở tại Vương quốc Anh để thúc đẩy tầm nhìn này , sau đó nó đã trở thành một trong số các tổ chức hàng đầu trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn phát triển. Cụ thể, Quỹ Ellen MacArthur đã thành công trong việc nêu bật những lợi ích to lớn có thể có nếu một nền kinh tế tuần hoàn được triển khai trên quy mô quốc gia và toàn cầu. Với sự hỗ trợ từ nhà từ thiện Wendy Schmidt, họ đã bắt đầu sáng kiến Kinh tế Nhựa mới (New Plastics Economy). Sáng kiến này tập hợp hơn 400 doanh nghiệp và chính phủ cùng hướng tầm nhìn chung về việc chuyển từ nền kinh tế tuyến tính nơi vật liệu được sử dụng và vứt bỏ sang nền kinh tế tuần hoàn tái sử dụng, tái chế và thay đổi mục tiêu sử dụng của các mặt hàng nhựa.
Một báo cáo được Diễn đàn Kinh tế Thế giới soạn thảo cùng với Quỹ Ellen MacArthur đã chỉ ra rằng vào năm 2050, nền kinh tế tuần hoàn sẽ làm giảm 75% nhu cầu về nguyên liệu trên toàn cầu cũng như giảm khối lượng chất thải chôn lấp hàng năm lên đến 68% bằng việc trả lại các thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu hao mòn có khả năng tân trang.
Việc giảm mạnh trong sản xuất hàng loạt sẽ làm giảm tốc độ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, cho phép các nguồn tài nguyên sinh học như rừng có thời gian hồi phục; và nó cũng đồng nghĩa với việc ô nhiễm đất, nước và không khí trở nên ít hơn. Một lợi ích lớn khác ở đây chính là giúp giảm đáng kể lượng khí thải CO2. Theo báo cáo năm 2019 của Quỹ Ellen MacArthur, chỉ riêng việc áp dụng chiến lược kinh tế tuần hoàn trong năm ngành công nghiệp chính bao gồm xi măng, nhôm, thép, nhựa và thực phẩm đã có thể loại bỏ tương đương 9,3 tỷ tấn khí thải CO2mỗi năm vào năm 2050. Con số này bằng với 25% lượng khí thải CO2 toàn cầu hiện tại của chúng ta và tương đương với việc loại bỏ tất cả lượng khí thải từ ngành vận tải toàn cầu ngày nay.
Quan trọng không kém, các công ty sẽ tăng lợi nhuận bằng cách sử dụng các mô hình kinh doanh tuần hoàn, chú trọng việc thuê, cho thuê hoặc chia sẻ sản phẩm nhiều lần thay vì bán chúng, giống như cách thức mà các công ty cho thuê xe và chuỗi khách sạn hiện đang thực hiện. Điều này sẽ thúc đẩy việc tạo ra các sản phẩm bền bỉ hơn, thay vì lên kế hoạch thay đổi mẫu mã để tránh sự lỗi thời. Điều này cũng sẽ giúp giảm ô nhiễm hơn, bảo tồn nguồn tài nguyên và giảm áp lực cho các hệ sinh thái Trái đất, cho phép chúng hồi phục. Nói cách khác, nền kinh tế tuần hoàn hoạt động bằng cách tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi việc tiêu thụ tài nguyên. Đó là lý do tại sao nền kinh tế tuần hoàn sẽ mở ra một sự tăng trưởng trị giá 4,5 nghìn tỷ đô la vào năm 2030 – theo một báo cáo năm 2015 có tiêu đề Waste to Wealth (tạm dịch: Từ Rác Thải Thành Của Cải) của Accenture, một công ty tư vấn quốc tế tập trung vào công nghệ.
Nền kinh tế ngày nay vẫn còn cách rất xa so với kinh tế tuần hoàn: 91% nhiên liệu hóa thạch, quặng, khoáng chất và sinh khối nuôi sống nền kinh tế toàn cầu mỗi năm vẫn được khai thác từ hành tinh này, với chỉ 9% nguyên liệu sản xuất lấy từ sản phẩm được sản xuất và sử dụng trước đó – theo báo cáo của Circle Economy, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Amsterdam. Tuy nhiên, ý tưởng về một nền kinh tế tuần hoàn toàn cầu đã tạo được một lực thúc đẩy trong giới kinh doanh, với các doanh nghiệp bao gồm cả các công ty mới thành lập cho đến các tập đoàn đa quốc gia dần áp dụng các mô hình kinh doanh tuần hoàn, đồng thời những tổ chức đóng vai trò quan trọng như Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Tổ chức Thương mại Hoa Kỳ cũng đang thực hiện việc quảng bá mô hình này.
Các chính phủ cũng bắt đầu chấp nhận tư duy kinh tế tuần hoàn. Trung Quốc, một trong những quốc gia áp dụng sớm mô hình kinh tế tuần hoàn, đã thông qua một đạo luật vào năm 2008, buộc các chính sách công nghiệp mới phải thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đất nước này đã xây dựng hàng trăm khu công nghiệp sinh thái được mô phỏng theo nguyên mẫu ở Đan Mạch, nơi chất thải từ một quy trình hoặc một ngành trở thành nguyên liệu thô cho các ngành khác.
91% nhiên liệu hóa thạch, quặng, khoáng chất và sinh khối nuôi sống nền kinh tế toàn cầu mỗi năm vẫn được khai thác từ hành tinh này, với chỉ 9% nguyên liệu sản xuất lấy từ sản phẩm được sản xuất và sử dụng trước đó – The Circle Economy
Về phần mình, Ủy ban Châu Âu đã thông qua một kế hoạch áp dụng kinh tế tuần hoàn đầy tham vọng vào năm 2015. Trong 5 năm kể từ ngày đó, kế hoạch đã thu hút khoản đầu tư 10 tỷ euro trong việc chuyển đổi nền kinh tế khu vực từ tuyến tính sang tuần hoàn. Ủy ban cũng đã thông qua các sáng kiến để hiện đại hóa các hệ thống quản lý chất thải, thúc đẩy thiết kế sản phẩm tuần hoàn và loại bỏ ô nhiễm nhựa nhằm hướng tới sự chuyển đổi tổng thể của ngành nhựa từ tuyến tính sang tuần hoàn.
Thông qua các sáng kiến này cùng với sự đổi mới trong công nghệ và kinh doanh, nền kinh tế tuần hoàn có khả năng mở ra một mô hình công nghiệp mới mà tại đó, số lượng tiêu thụ và sản xuất gần như bằng nhau tạo nên sự thanh lịch và tiết kiệm thông qua việc không còn rác thải và xây dựng nên thế giới tự nhiên vận hành bởi các nguồn năng lượng tái tạo.
Rác thải là một nguồn tài nguyên
Trước khi nền kinh tế tuần hoàn trở thành một tiêu chuẩn toàn cầu, nhiều thành phố, tiểu bang, khu vực và quốc gia sẽ phải tìm cách thực hiện nó. Sự thay đổi này đang bắt đầu và các mô hình tuần hoàn đã mọc lên ở những nơi đáng ngạc nhiên. Như thường lệ, ở nhiều địa phương, chính khủng hoảng là thứ thúc đẩy sự biến đổi.
Thành phố Phoenix gặp phải một cuộc khủng hoảng như vậy chưa đầy một thập kỷ trước. Đầu những năm 2010, 1.5 triệu cư dân của thành phố này đã tạo ra nhiều rác thải hơn bao giờ hết. Chính quyền phải thu nhặt rác từ 400,000 hộ gia đình, bị vứt bừa bãi trong một thung lũng rộng 500 dặm vuông và chở chúng đến bãi chôn lấp cách đó 75 dặm. Các xe chở rác đi một đoạn đường dài 3.3 triệu dặm mỗi năm, tất cả đều cần đến nhiên liệu và tiền bạc. Số lượng rác mỗi năm đủ để lắp đầy Chase Field – sân vận động nơi diễn ra giải đấu bóng chày lớn của thành phố, giải Arizona Diamondbacks. Thành phố chỉ chuyển 16% số lượng rác thải rắn trong bãi rác đi tái chế, tái sử dụng và làm phân ủ. Con số này thấp hơn một nửa so với số trung bình quốc gia, khoảng 34%.
Tỷ lệ tái chế thấp chỉ là một phần của vấn đề. Trong quyển sách Bird on Fire xuất bản năm 2011 của mình, tác giả Andrew Ross đã gọi Phoenix là thành phố kém bền vững nhất thế giới, bởi vì dân số tăng vọt, tình trạng thiếu nước sạch kéo dài, nhiệt độ mùa hè như thiêu đốt, sử dụng phương tiện vận chuyển cá nhân qua nhiều và ô nhiễm không khí. Vào năm 2013, Phoenix gần như đánh mất danh tiếng của mình, được so sánh như thể một gã tồi trong lĩnh vực môi trường. Vì vậy, bên cạnh các vấn đề quan trọng khác, họ cần phải làm gì đó để giải quyết mớ rác thải của thành phố. John Trujillo, cựu giám đốc công trình công cộng thành phố cùng với thị trưởng thành phố lúc bấy giờ, Greg Stanton – hiện tại đang làm việc tại Hạ Viện, đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là chuyển 40% chất thải của thành phố ra khỏi bãi rác vào năm 2020, và tăng lên 100% vào năm 2040.
Cả hai sau đó đã trình ra cho hội đồng thành phố Phoenix, những người khá là bảo thủ, một kế hoạch để tăng cường tái chế rác thải như một sáng kiến phát triển kinh tế. “Bọn họ đã nói rằng: ‘Chúng tôi sẽ lấy tất cả những thứ rác rưởi mà chúng ta đang chôn vùi này và biến nó trở thành việc làm cho thung lũng’”, Rajesh Buch, một nhà khoa học cao cấp của Viện nghiên cứu Sự bền vững Julie Ann Wrigley thuộc Đại học bang Arizona (ASU) nhớ lại. Để tìm ra cách tạo ra lợi nhuận từ rác thải của thành phố Phoenix, Trujillo và Stanton đã tiếp cận ASU, một trường đại học danh tiếng của địa phương, nằm ở gần Tempe. ASU được biết đến là một trong những trường hàng đầu về kinh doanh và sự bền vững. “Chúng tôi muốn tạo ra một vườn ươm tạo(4) hoặc trung tâm hỗ trợ tăng tốc(5)cho các công ty đang tìm cách kiếm lợi nhuận từ những vật liệu đó”, Brandie Barrett, phó giám đốc công trình công cộng Phoenix cho biết.
Kết quả của sự hợp tác, cùng với sự lãnh đạo của Trujillo và Stanton đã dẫn đến một sáng kiến đầy tham vọng ra đời vào năm 2013 với tên gọi Reimagine Phoenix (tạm dịch: Tái Tạo Hình Ảnh Cho Phoenix), nhằm tăng hơn 2 lần tỷ lệ chuyển đổi rác thải từ các bãi chôn lấp. Thông qua sáng kiến này, vào năm 2017 thành phố và ASU đã thành lập Trung tâm hỗ trợ Kinh tế Tuần hoàn đầu tiên của quốc gia, có tên Resource Innovations Solutions Network (RISN). Kể từ đó RISN đã hỗ trợ 16 doanh nghiệp với mô hình kinh doanh tuần hoàn. Họ đã huy động được 3,9 triệu đô la vốn, kiếm được 4,1 triệu đô la doanh thu, nộp bằng sáng chế, ra mắt sản phẩm và tạo ra 74 việc làm. Quỹ Ellen MacArthur đã công nhận mối quan hệ đối tác công-tư giữa ASU và chính quyền thành phố Phoenix là đủ cải tiến để đưa vào CE100, danh sách những nhà tiên phong trong việc tiến hành kinh tế tuần hoàn của Ellen MacArthur.
Một trong những công ty mà RISN hỗ trợ là Renewlogy, có trụ sở tại Salt Lake City, tập trung vào việc chuyển đổi nhựa #3 – #7 khó tái chế (loại nhựa hiếm khi được đưa vào hệ thống tái chế của thành phố) thành nguyên liệu hóa học để sản xuất dầu diesel, dung môi và nhựa mới. Đã có các kế hoạch xây dựng nhà máy công nghiệp lớn nhằm thực hiện việc chuyển đổi này thông qua quá trình được gọi là nhiệt phân, nhưng họ cần đến hơn 20 triệu đô la để xây dựng và 100 tấn nhựa mỗi ngày để vận hành. Yêu cầu về nguyên liệu đầu vào lớn hơn rất nhiền so với sản lượng mà kể cả một thành phố có độ lớn trung bình như Phoenix có thể thu thập – chỉ ở mức 15 tấn/ngày , theo lời của ASU, người đứng đầu các hoạt động kinh tế tuần hoàn của ASU. Với sự hỗ trợ từ RISN, người sáng lập Renewlogy – Priyanka Bakaya và đồng nghiệp của bà đã thiết kế và thử nghiệm một mô-đun công nghiệp chi phí thấp – hàng năm sẽ tiêu thụ 3,000 tấn nhựa #3 – #7bị chôn lấp tại bãi rác. Các mô-đun này có kích thước bằng với kích thước một sân tennis, đủ nhỏ để nằm trong hầu hết các cơ sở xử lý chất thải.
Renewlogy vẫn chưa đưa mô-đun biến-nhựa-thành-nhiên liệu vào sử dụng ở Phoenix hoặc bất cứ nơi nào khác, nhưng vào năm 2019, họ đã thử nghiệm mô-đun này thành công tại trụ sở của họ ở Salt Lake City. Họ và một công ty đối tác, Sustane Technologies, sẽ đưa mô-đun đầu tiên vào sử dụng trong năm 2020 tại Chester, Canada. Sau đó, công ty có kế hoạch cài đặt một mô-đun xử lý các vật liệu tái chế ở mảnh đất trống rộng 50 mẫu tại một trạm trung chuyển chất thải thuộc sở hữu của thành phố Phoenix. Vùng đất đó sẽ là nhà của Resource Innovation Campus – một trung tâm hỗ trợ kinh doanh được thành lập bởi liên doanh giữa chính quyền và RISN. Tại đây, các công ty sẽ thuê đất từ chính quyền Phoenix với mức giá ưu đãi hấp dẫn và sử dụng rác thải tái chế của thành phố làm nguyên liệu thô để chuyển đổi thành các sản phẩm mới nhằm tạo ra doanh thu.
—————————————————
(1) “The Moonshot”: từ dùng để chỉ một dự án hoặc một sứ mệnh cực kỳ tham vọng được thực hiện để đạt được một mục tiêu lớn lao, cao cả.
(2) Nguyên văn “inflection point”: điểm uốn dùng để chỉ thời điểm xảy ra sự thay đổi bất ngờ, dễ nhận biết hoặc thay đổi quan trọng trong một công ty, ngành, thị trường,…
(3) Nguyên văn “philanthropy”: thường từ này vẫn được dùng để chỉ các hoạt động từ thiện nói chung, nhưng nó hơi khác với “charity” một chút. “Charity” nghĩa là mang tiền bạc, hàng hóa hay vật phẩm của mình cho người có hoàn cảnh bất hạnh hoặc khó khăn trong khi “philanthropy” thì không chỉ nói riêng việc quyên góp tiền, tài sản mà nó là tất cả các hành động hoặc ý tưởng mang lại lợi ích cho con người, bao gồm cả đầu tư cho khoa học, công nghệ như trong bài viết này. Ngoài ra thì “charity” nó thường mang tính chất ngắn hạn, tức thời trong khi “philanthropy” thì mang tính chất dài hạn và có chiến lược, kế hoạch cụ thể. Vậy nên, một số bài viết gọi “philanthropy” là “từ thiện chiến lược”. Ở đây mình tạm dịch nó là “thiện nguyện” thôi, không sát nghĩa cho lắm.
(4) Nguyên văn “incubator”: nghĩa đen của từ này là lồng ấp trứng nhưng trong kinh tế nó dùng để chỉ các tổ chức hỗ trợ/giúp đỡ các công ty start-up non trẻ, nhất là các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao.
(5) Nguyên văn “accelerator”: nghĩa đen của từ này là bộ gia tốc của xe hoặc chất xúc tác làm tăng tốc độ phản ứng hóa học. Trong kinh tế thì nó cũng là để chỉ các tổ chức hỗ trợ các công ty start-up. Nhưng mà 2 cái này nó hơi khác nhau một xíu, nghe tên chắc bạn cũng hiểu “accelerator” nhằm tăng tốc tức là tập trung vào việc thúc đẩy nhanh sự phát triển của các doanh nghiệp non trẻ còn “incubator” thì tập trung vào việc hỗ trợ trong việc “ươm mầm” cho ý tưởng hoặc công ty. Mình nói có thể hơi khó hiểu, nên nếu bạn muốn biết rõ thì có thể đọc thêm tại đây.