chuyen-ve-nguoi-dan-ong-nhat-10-nam-di-nhat-rac-quanh-ho-guom-(bai-1)

Chuyện về người đàn ông Nhật 10 năm đi nhặt rác quanh hồ Gươm (bài 1)

Chuyện về người đàn ông Nhật 10 năm đi nhặt rác quanh hồ Gươm (bài 1) - Ảnh 1.

Đều đặn 8 giờ ngày Chủ nhật hàng tuần, ông Tohru Ninomiya (73 tuổi), cùng khoảng 20 người nước ngoài và tình nguyện viên Việt Nam tập trung tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để cùng chung tay vào công việc nhặt rác quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. 

Sau khi chào hỏi, mọi người phân chia túi giấy, găng tay, kẹp sắt, rồi tản đi khắp hồ Gươm để nhặt rác. Dưới cái nắng oi ả tại Thủ đô nhưng ai nấy đều vui vẻ, háo hức một tay cầm túi nilon, tay kia một cái kẹp sắt dài cặm cụi gom từng đầu mẩu thuốc lá, cái vỏ kẹo, vỏ chai nước… mà những người vô ý vứt lại.

30 phút sau, các tình nguyện viên quay về điểm tập kết, trên tay là những túi giấy mà bên trong chứa đầy rác, phế liệu… Tại đây mọi người tiến hành thu gom, phân loại. Những loại rác còn tái chế được thì gom ra để riêng. Bà Nguyễn Thị Minh Phương, chuyên gia khí tượng thuỷ văn – thành viên của nhóm có nhiệm vụ sẽ chuyển rác tái chế đến trụ sở các dự án môi trường. Các đơn vị này sau đó đưa rác đến các nhà máy xử lý. Còn rác khác thì được bọc cẩn thận chuyển ra nơi tập kết.

Kết thúc buổi nhặt rác, các tình nguyện viên Nhật Bản và Việt Nam cùng chụp một bức ảnh lưu niệm.

Bộ dụng cụ nhặt rác gồm túi giấy, găng tay, kẹp sắt… được các tình nguyện viên xếp ngay ngắn.

Hơn một thập kỷ qua vẫn góc chụp bên hồ Gươm, có người đến nhưng cũng có người đi, tuy nhiên hoạt động nhặt rác vẫn luôn bền bỉ 30 phút mỗi sáng chủ nhật hàng tuần kể cả những ngày mưa gió, rét mướt hay những ngày hè oi nóng…

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, ông Tohru Ninomiya khuôn mặt toát lên vẻ nghiêm trực nhưng lại rất vui vẻ. Người đàn ông ngoại quốc ấy tỏ vẻ khiêm tốn, hành động nhiều hơn lời nói. Ông Tohru Ninomiya là một doanh nhân người Nhật Bản, sang Việt Nam làm việc và gắn bó với Hà Nội, con người nơi đây vừa tròn 25 năm. Ngay từ những ngày đầu đặt chân đến Thủ đô, sự thanh bình, yêu chuộng hoà bình cùng những con người mang nét văn hoá nghìn năm Thăng Long, văn minh, thanh lịch đã cuốn hút ông. Chính bởi vẻ đẹp đó mà dường như cuối tuần nào ông cũng dành thời gian dạo chơi khắp các phố phường, tìm hiểu về từng góc phố, từng con đường.

Có lần đi bộ quanh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, ông quan sát thấy dù đã có các thùng rác công cộng nhưng có khá nhiều người hay tiện tay vứt mẩu thuốc lá, chai nhựa đựng nước,… ra đường. Ông liền nghĩ, nếu điều này không sớm thay đổi thì Hồ Gươm sẽ dần mất đi vẻ đẹp vốn có. 

Ngay tuần kế tiếp, ông đã đi xe từ nhà ở quận Long Biên sang. Ông tự sắm kẹp, găng tay và một tập túi giấy, cần mẫn đi quanh Hồ Gươm nhặt rác với mong muốn góp sức gìn giữ sự sạch đẹp cho nơi đây. Sau vài lần như thế, công việc của ông được bạn bè biết đến và hưởng ứng.

Chuyện về người đàn ông Nhật 10 năm đi nhặt rác quanh hồ Gươm (bài 1) - Ảnh 3.

Chuyện về người đàn ông Nhật 10 năm đi nhặt rác quanh hồ Gươm (bài 1) - Ảnh 4.

Tháng 3/2011, ông Tohru Ninomiya cùng một số bạn bè là người Nhật Bản thành lập lên nhóm nhặt rác và quy định cứ hai tuần một lần, vào sáng chủ nhật, nhóm này lại hẹn nhau ở Bờ Hồ để cùng nhau tham gia công việc nhặt rác 30 phút. Sau này thì nhóm hoạt động đều đặn Chủ nhật hàng tuần.

“Công việc nhặt rác làm sạch Hồ Gươm đến nay đã hơn 10 năm. Điều đáng mừng là không chỉ người Nhật tham gia mà người Việt Nam cũng có ý thức tham gia rất đông, trong đó có nhiều trẻ em. Điều này làm tôi vui nhất. Bởi muốn xây dựng một thói quen tốt, chúng ta nên bắt đầu từ trẻ em. Ở Nhật Bản trẻ em được giáo dục từ những cái nhỏ nhất từ bé tôi mong ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng sắp tới hệ thống giáo dục đào tạo ý thức trẻ nhỏ từ bé. Tôi mong muốn lan tỏa một thói quen tốt đến mọi người, nhất là trẻ em.

Việc thu gom rác gọn gàng, không vứt rác bừa bãi cũng điều mà mọi người nên ý thức để xây dựng và xem đây là một nét văn hoá. Làm những việc này đơn giản vì tôi yêu văn hoá, con người Hà Nội”, ông Tohru Ninomiya chia sẻ.

Chuyện về người đàn ông Nhật 10 năm đi nhặt rác quanh hồ Gươm (bài 1) - Ảnh 5.

Năm 2013, bức ảnh có tên “Nhặt rác vì tình yêu Hà Nội”, chụp khoảnh khắc ông Ninomiya mặc áo mưa màu đỏ cặm cụi nhặt rác ở hồ Gươm đã đạt giải Nhất cuộc thi “Vì môi trường xanh 2013”.

Hình ảnh này lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng Việt Nam, truyền cảm hứng cho nhiều người yêu môi trường ở Hà Nội. Trong số đó, bà Nguyễn Thị Minh Phương (65 tuổi), chuyên gia khí tượng thủy văn về hưu, đã tham gia và hỗ trợ ông Ninomiya từ tháng 10/2012 đến nay.

“Tôi đã có quãng thời gian dài gắn bó với con người và văn hóa Hà Nội. Ở Hà Nội mỗi ngày đều cho tôi cảm giác như mình đang ở nhà. Hà Nội có sự cổ kính, sự rêu phong hoài niệm của những căn tập thể cũ… Tất cả đều cho tôi thấy sự thân thuộc, gần gũi. Tôi chọn ở lại đây lập nghiệp bởi tôi nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế rất nhanh trên tất cả lĩnh vực. Tôi muốn mình là một phần trong sự phát triển này”, ông Tohru Ninomiya bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Minh Phương, chuyên gia khí tượng thuỷ văn – thành viên của nhóm có nhiệm vụ sẽ chuyển rác tái chế đến trụ sở các dự án môi trường. Các đơn vị này sau đó đưa rác đến các nhà máy xử lý.

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Minh Phương (65 tuổi), chuyên gia khí tượng thủy văn về hưu tham gia dự án bảo vệ môi trường bờ hồ Hoàn Kiếm hơn 10 năm nay cho biết, trước đây mọi người chưa hề quan tâm nhiều đến bảo vệ môi trường. Mặc dù thành phố đã bố trí nhiều thùng rác nhưng không ít người “tiện đâu vứt đó”. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh cũng như ảnh hưởng đến nét văn hoá Thủ đô tới du khách cũng như bạn bè quốc tế.

“Tôi vô tình đọc được những chia sẻ tâm huyết của ông Tohru Ninomiya tôi liền tham gia ngay. Một con người ngoại quốc họ làm điều đó vì tình yêu văn hoá con người Hà Nội thì tại sao mình ở Thủ đô mình lại không làm được. Việc chúng tôi làm chủ yếu muốn mọi người thay đổi ý thức, mỗi gia đình, cộng đồng đều là những người có văn hoá. Khi thấy chúng tôi dọn rác làm đẹp bờ hồ mọi người đã rất tích cực tham gia. Tôi thấy vui vì điều đó”, bà Phương nói.

Chuyện về người đàn ông Nhật 10 năm đi nhặt rác quanh hồ Gươm (bài 1) - Ảnh 7.

Cũng theo bà Phương, trong công cuộc phát triển văn hoá và xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, Đảng, Nhà nước và các cấp lãnh đạo thành phố đã luôn quan tâm, định hướng phát triển để trái tim của cả nước ngày một giàu đẹp hơn.

“Tôi thấy thành phố đã làm được rất nhiều và cố gắng như có nhà máy xử lý rác, đền bù cho người dân ở gần nơi có bãi tập kết rác gây ảnh hưởng, có chương trình giảm thiểu rác thải. Đơn cử như ở quận Hoàn Kiếm nơi tôi sinh sống có các chương trình đổi rác, tái chế với sản phẩm từ vài năm nay, dự án thu góm rác thải nhựa tái chế…

Tôi chỉ mong mọi người hãy phân loại rác và giáo dục trẻ nhỏ ý thức hơn trong bảo vệ môi trường vì các cháu là thế hệ tương lai của đất nước. Đến một ngày, khi ông Ninomiya về nước, chúng tôi sẽ tự làm sạch thành phố của mình”, bà Phương nói.

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền cùng con trai và bạn hào hứng đi nhặt rác nhiều năm nay.

Hơn 3 năm qua, ngày Chủ nhật nào chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (41 tuổi, ở phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng chở theo con trai là cháu Lê Đại Dương (11 tuổi) cùng người bạn của Dương là bé Trương Trần Anh vượt quãng đường hơn 10km đến bờ hồ Hoàn Kiếm nhặt rác.

Chị Huyền cho biết, khi tham gia vào hoạt động này các con chị rất hào hứng. Chị mong muốn con nhận thức được bảo vệ môi trường là việc làm rất quan trọng, rèn cho con tính kỷ luật yêu môi trường, yêu thiên nhiên từ lúc bé.

“May mắn con trai tôi và bạn rất thích. Ngay từ tối hôm trước bé Trần Anh được mẹ chở qua nhà tôi ngủ rồi 6h sáng chúng tôi đi xe máy đến đây. Các con thích đi một cách rất vui vẻ, không ép buộc. Thực sự việc nhặt rác này chúng tôi muốn lan toả mọi người ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống xung quanh mình, trước mắt đổ rác đúng quy định.

Các tình nguyện viên Nhật Bản và Việt Nam chụp ảnh sau buổi nhặt rác

Tiếp xúc với nhiều người Nhật Bản tôi thấy họ luôn ý thức về sự cho đi và sự cống hiến. Khi họ đến đây họ muốn dành sự biết ơn tới Việt Nam trong đó có Thủ đô Hà Nội khi đã cho họ công việc. Tôi cũng muốn con học được điều đó… đó là sự khiêm tốn và luôn nỗ lực trong cuộc sống”, chị Huyền chia sẻ.

Sau hơn 10 năm, ông Ninomiya nhận thấy ý thức vệ sinh xung quanh hồ Gươm đã được cải thiện đáng kể, nhiều thùng rác được chính quyền địa phương bố trí xung quanh khu vực này. Ông cũng nhận ra điểm mấu chốt để duy trì dự án, chính là sự tham gia nhiệt tình của những người Việt Nam yêu môi trường. Mỗi lần ông về nước hoặc đi công tác, các thành viên khác đã thay phiên tổ chức để hoạt động không bị gián đoạn.

“Tôi không nói dự án này đem đến kết quả tích cực ra sao. Tôi chỉ mong đây là nơi mọi người cùng nhau làm việc tốt. Sau hơn 10 năm tôi thấy ý thức của mọi người đã thay đổi hơn rất nhiều. Sở dĩ chúng tôi chỉ tổ chức nhặt rác 30 phút mỗi dịp cuối tuần bởi chúng tôi muốn lan toả về việc ý thức bảo vệ môi trường ở mỗi người. Mọi người biết đến và xem việc phân loại rác, vứt rác đúng nơi quy định như một nét văn hoá để xây dựng Hà Nội xanh -sạch – đẹp hơn”, ông Tohru Ninomiya chia sẻ.

Chuyện về người đàn ông Nhật 10 năm đi nhặt rác quanh hồ Gươm (bài 1) - Ảnh 10.

Chuyện về người đàn ông Nhật 10 năm đi nhặt rác quanh hồ Gươm (bài 1) - Ảnh 11.

Nhiều năm gắn bó, ông Tohru Ninomiya nhận ra Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có nền kinh tế, văn hoá phát triển điển hình như có nhiều ô tô, đất nước đang trong đà phát triển đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, thành phố cũng rất chú trọng đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, các thùng phân loại rác được lắp đặt khắp mọi nơi, nhân viên vệ sinh môi trường cũng được tăng cừng và quan trọng mọi người có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.

“Tôi không biết có thể gắn bó với Việt Nam đến bao giờ nhưng tôi yêu Hà Nội, yêu con người nơi đây. Tôi đã hoàn thành sứ mệnh người khởi xướng và dẫn dắt, hy vọng thế hệ tiếp theo sẽ kế thừa và mở rộng dự án. Tôi cũng sẽ tiếp tục gắn bó với việc làm này đến khi nào sức khoẻ không cho phép mới thôi”, ông Tohru Ninomiya bày tỏ.

Ông Tohru Ninomiya, 73 tuổi, quốc tịch Nhật Bản.

Từ năm 2008 đến nay, ông làm việc tại các công ty Ishigaki Vietnam (2008 – 2015), Hiroshima Energy Supply (2015 – 2018) và Kubota Kasui Vietnam (2018 – nay).

Năm 2018, ông Ninomiya được UBND quận Hoàn Kiếm biểu dương “Người tốt, việc tốt”, với hoạt động nhặt rác xung quanh hồ Gươm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *