chuyen-ve-ngoi-lang-tung-bi-bao-xoa-so-sau-gan-20-nam-o-nam-dinh

Chuyện về ngôi làng từng bị bão xóa sổ sau gần 20 năm ở Nam Định

Ký ức về ngôi làng bị bão xóa sổ 

Dọc theo bờ biển Thịnh Long, cách trung tâm huyện Hải Hậu (Nam Định) chừng 25km, du khách tới đây hẳn sẽ để ý tới những ngôi nhà cấp 4 đổ nát, lổn nhổn nằm đằng sau những triền đê chắn sóng.

Những mái nhà trơ trụi, mất nóc; những bức tường đổ nát cùng những viên gạch lăn lóc trên sàn. Ít ai biết, đó là những chứng tích còn sót lại từ trận bão Damrey cách đây 19 năm đã xoá sổ toàn bộ một ngôi làng.

Năm 2005, nơi đây là Tổ dân phố số 23 của thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Theo ông Vũ Duy Hiền (nguyên Tổ trưởng Tổ dân phố số 23) cho biết, thời điểm trước khi trận bão đổ bộ, Tổ dân phố số 23 có khoảng 100 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, trồng cây hoa màu và các công việc miền biển khác như đánh bắt, chăn nuôi thuỷ hải sản.

Ngày 27/9/2005, cơn bão Damrey – cơn bão được xem là lớn nhất thời điểm bấy giờ đổ bộ vào miền bắc Việt Nam. Mưa to, gió giật, sóng biển kết hợp với triều cường lên cao đã làm nhiều tuyến đê ở vùng tâm bão Thanh Hóa, Nam Định bị vỡ.

Ông Hiền nhớ lại: “Chúng tôi trước đó cũng đã từng trải qua bão rất nhiều và đều vượt qua. Nhưng lần đó được dự báo trước đây là cơn bão lớn nhất trong vòng 9 năm đổ lại. Trước bão mấy ngày, rất nhiều người từ bộ đội tới nhân dân được huy động để gia cố lại những tuyến đê có nguy cơ bị vỡ.

Tôi cùng bà con trong làng chủ động chằng chống lại nhà cửa để đề phòng bão gió giật mạnh. Đến sát ngày thì tất cả người dân được lệnh phải đi sơ tán tại các trường học nằm sâu trong đất liền”.

Ông Hiền chia sẻ, khi bão diễn ra, chỉ thấy tiếng gió rít mạnh, tiếng mưa xối xả. Tới đầu giờ chiều ngày 27/9/2005, bỗng có tiếng nước đổ ầm ầm, át cả tiếng gió và tiếng mưa bão trước đó. Khi đó, không ai bảo ai, nhưng người dân xung quanh đều biết chuyện gì đang xảy ra. Tất cả đều chỉ biết im lặng, thở dài. Kinh nghiệm của người dân miền biển cho họ biết rằng, đê chắn sóng chắc chắn đã bị vỡ.

Sáng hôm sau, khi bão tan, người dân Tổ dân phố số 23 trở về từ nơi sơ tán, cảnh tượng hiện lên trước mắt những chỉ là một biển nước. Cả một ngôi làng sau bão chỉ còn là một đống hoang tàn, đổ nát. Có những gia đình còn không thể xác định được nhà mình nằm tại vị trí nào cho nước ngập cuốn theo cả đất đá vùi lên.

Chị Trần Thị Hiền (42 tuổi), công dân sống tại Tổ dân phố số 23, Thị trấn Thịnh Long bấy giờ cho biết: “Chúng tôi đứng trên đê nhìn xuống, chỉ toàn thấy là nước. Gần trăm nóc nhà thì còn được khoảng ba chục nóc nhà đứng vững. Có những gia đình chắc chỉ còn mỗi móng nhà. Đồ đạc, cây cối, hoa màu; chó, mèo, lợn, gà gì thì cũng xác định là mất trắng. Ai cũng nhìn nhau lắc đầu ngao ngán. Những gốc cây rất lớn ven đê trôi sâu vào trong các khu nhà”.

Chuyện về ngôi làng từng bị bão xóa sổ sau gần 20 năm ở Nam Định- Ảnh 5.
Chuyện về ngôi làng từng bị bão xóa sổ sau gần 20 năm ở Nam Định- Ảnh 6.

Ông Vũ Duy Hiền và người dân từng sinh sống tại Tổ dân phố số 23 nghỉ ngơi tại căn nhà cũ của chính mình. Ảnh: Phạm Thứ.

Chị Hiền bấy giờ còn là cô gái trẻ mới lập gia đình. Căn nhà bị đổ hoàn toàn của gia đình chị Hiền khi ấy chỉ vừa mới được xây cất được 6 tháng sau thời gian dài hai vợ chồng tích góp, vay mượn.

“Phủ xanh” hoa màu từ đống hoang tàn

Trận bão Damrey lịch sử làm đảo lộn toàn bộ đời sống của người dân thuộc Tổ dân phố số 23, Thị trấn Thịnh Long bấy giờ. “Có nhà nhưng không thể về” – đó là những từ ông Vũ Duy Hiền (nguyên Tổ trưởng Tổ dân phố số 23, TT. Thịnh Long) diễn tả cuộc sống của người dân sau bão.

Nước rút, nhưng đồ dùng thiết yếu trong sinh hoạt đều bị cuốn trôi. Nhà ai chưa bị đổ hoặc chỉ bị bay mất mái ngói thì có thể tu sửa qua loa ở tạm. Nhà ai không thể tiếp tục ở được phải đi ở nhờ nhà người quen để cầm cự.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Tiến, chủ tịch UBND Thị trấn Thịnh Long cho biết, thời điểm xảy ra bão năm 9/2005, chính quyền địa phương từ tỉnh, huyện tới thị trấn đã kịp thời quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ để nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân. Sau thiên tai, người dân Tổ dân phố 23 được di dời, cấp đất để xây nhà mới tại Tổ dân phố số 18 và Tổ dân phố số 19. Tới nay sau gần 20 năm, đời sống của người dân đã được ổn định, phát triển.

Tuy nhiên, để có được cuộc sống tương đối ổn định như hiện tại, người dân tại Tổ dân phố 23 khi ấy từng phải rất chật vật. Ông Hiền chia sẻ, nhanh thì 1-2 năm, chậm thì mất thời 5-7 năm, người dân mới ổn định lại được cuộc sống. Như gia đình ông Hiền sau bão phải mất tới 7 năm mới có thể hoàn thành được ngôi nhà mới. Đó là chưa kể tới, đất cũng bị nhiễm mặn nên hoạt động canh tác của người dân cũng không có được năng suất cao trong một vài năm sau đó.

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, tại ngôi làng thuộc Tổ dân phố 23 cũ hiện nay, vẫn còn một hộ gia đình sinh sống. Đó là gia đình bà Nguyễn Thị Dinh (85 tuổi), hiện đang sống cùng người con dâu và các cháu. Sau trận bão lịch sử, ngôi nhà của bà Dinh là ngôi nhà duy nhất trong làng không bị bão xô đổ. Bà Dinh bộc bạch, dù được cấp đất mới để di dời vào sâu trong đất liền, nhưng do điều kiện không đủ, bà đành bám trụ lại ngôi làng cũ bất chấp hiểm nguy từ thiên tai. 

Hiện nay, trên mảnh đất của ngôi làng cũ thuộc Tổ dân phố số 23, Thị trấn Thịnh Long được người dân từng sinh sống tại đây tận dụng vào việc trồng trọt các loại hoa màu như lạc, vừng, rau, dưa,… Tùy theo từng vụ, người dân sẽ trồng những loại cây phù hợp.

Trong những ngôi nhà cũ đổ nát, cũng được người dân tận dụng, sửa sang lại để chăn nuôi gà, lợn. Những căn nhà nhỏ hơn như nhà vệ sinh, nhà tắm thì được làm trạm bơm phục vụ hoạt động tưới tiêu. Nhờ vậy, quanh năm, mảnh đất từng bị tàn phá bởi thiên tai đều được hồi sinh sức sống, phủ xanh bởi các loại hoa màu.

Theo ông Hiền tâm sự, mỗi hộ gia đình từng sống ở đây đều đang trồng từ 3-5 sào hoa màu quanh năm. Nếu chăm sóc tốt, giá trị của mỗi sào hoa màu quy đổi có thể tương đương khoảng 1 tấn lúa. Đời sống của người dân vì thế cũng được cải thiện, tăng thêm thu nhập. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *