Mở đầu cho một mối tình đầy bí ẩn
Theo các trang báo mạng (như vnexpress, baomoi, thanhnien, vedepphatphap, nguoiduatin, v.v…) và một số page, group như Weibo Việt Nam đưa tin, đăng tải về một câu chuyện tình bi thương. Nay xin dẫn vài trang:
– https://baomoi.com/chuyen-tinh-don-phuong-bi…/c/23617463.epi
– https://afamily.vn/moi-tinh-don-phuong-bi-ai-nhat-trong-hoa…
– http://tapchisonghuong.com.vn/…/n1…/Cong-chua-Ngoc-Anh.html…
Nó bắt đầu từ việc công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh (con thứ 3 của vua Gia Long) nảy sinh tình cảm đặc biệt với thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành của chùa Đại Giác. Thiền sư là người của nhà Phật nên ông thường né tránh, nhưng càng né, công chúa Ngọc Anh càng muốn gần gũi với ông. Trong lần gặp nhau cuối cùng, công chúa xin phép vị thiền sư cho mình được nắm bàn tay ông rồi ra đi và ông chấp nhận. Ngay trong đêm hôm đó, thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành đã châm mồi tự thiêu để về với đức Phật, còn Ngọc Anh thì ngày hôm sau uống thuốc độc quyên sinh, mất năm Quý Mùi (1823).
Tuy nhiên
Giai thoại này được các nguồn tin tức lấy từ trong cuốn sách “Lịch sử Phật giáo Đàng Trong” của tác giả Nguyễn Hiền Đức. Câu chuyện tình trên nằm ở chương XI, tiết 2, trang 231-235: Hòa thượng Liên Hoa (1759-1823) (phái thiền Lâm Tế, đời 35) hay Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt. Nếu ở các trang báo, page nêu là công chúa Ngọc Anh thì trong sách là công chúa Long Thành. Điều đáng nói, đây là một cuốn sách về lịch sử Phật giáo nhưng tác giả đã không dựa vào chính sử và các sự kiện lịch sử mà thay vào đó là những ghi chép tùy tiện đầy tính chủ quan, thiếu căn cứ chính xác.
Ngay cả cuốn sách “Việt sử giai thoại” của tác giả Nguyễn Khắc Thuần, quyển “Đại Nam liệt truyện” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cũng không có ghi chép gì về sự việc này. Các trang báo, page và một số kênh Youtube lấy câu chuyện này ra và cho đó là thật. Thế nên đã gây không ít sự hiểu lầm tai hại cho người đọc, khi nó ngang nhiên lồng câu chuyện vô lý vào dòng chảy của lịch sử, biến “hư ảo” thành “có thật”.
Sự thật đằng sau câu chuyện
Để biết thực hư như thế nào, ta sẽ quay lại dòng thời gian xa xưa. Bảo Lộc Công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Anh (1790 – 1850) đúng thật là hoàng nữ thứ 3 của vua Gia Long nhà Nguyễn, nhưng công chúa không có quy y cửa Phật và bà mất năm 1850 – cách 27 năm so với trong sách. Người được nhắc đến ở đây phải là Long Thành Công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Tú (1759 – 1823), chị của vua Gia Long. Theo sử sách, năm Quý Mão (1783), tướng nhà Tây Sơn đem quân tấn công nơi Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) đóng quân. Chồng bà là Lê Phước Điển lúc này xin giả làm vua để giúp Ánh chạy thoát ra Côn Lôn (Côn Đảo này ngay), sau Điển bị bắt và bị giết hại. Từ đấy, công chúa Ngọc Tú không tái giá, đến khi lấy lại kinh đô cũ thì bà xuất gia.
Bà còn có mối quan hệ mật thiết với các vị cao tăng, trong đó có thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt. Có thể bà đã quy y và thọ tại gia Bồ tát giới với ngài Liễu Đạt và được ban pháp danh Tế Minh, hiệu Thiên Nhựt. Từ đó, bà vâng lời bổn sư ủng hộ trùng tu các tổ đình thuộc môn phái của Tổ sư Nguyên Thiều, như chùa Từ Ân (Gia Định), Quốc Ân (Thừa Thiên Huế). Bà trở về Huế với em mình vào năm 1801 và mất năm 1823, thọ 65 tuổi. Còn tiểu sử của thiền sư thì không thấy sách sử nào ghi chép.
Vậy nên, câu chuyện tình ái nói trên chỉ là sản phẩm của tuồng tích dân gian, hoặc được ngụy tạo do ý đồ nào đó để hợp thức hóa một hiện tượng hiện hành. Việc các vị tiền bối hữu công, đế vương, công hầu, hậu phi… có công hộ pháp được thờ chung ở gian thờ Tổ trong các cổ tự không phải là điều đáng ngạc nhiên. Trước năm 1945, phần lớn các chùa chiền như quốc tự, tổ đình sắc tứ, quan tự phần lớn đều thờ long vị của các vị hữu công tại chánh tẩm của tổ đường, thậm chí nếu là quốc tự thì long vị của hoàng đế, thái hậu được thờ ngay ở chánh điện…
Bài viết có sử dụng nguồn tài liệu:
– https://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2012/06/28/33C25B/…
– Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần
– Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn