CHUYỆN TÌNH NGHĨA

“ANH CON SONG”

       Anh người Cà Mau, xa lắm, tuốt Năm Căn, anh hay nói chơi là quê anh ở cuối trời, chỉ có 5 căn nhà, nhà anh là căn thứ năm đó. Anh lên Sài Gòn trọ học rồi cũng như bao nhiêu người khác, Sài Gòn cưu mang anh luôn từ đó. Anh tên Đước, kêu bằng Hai Đước.

    Vợ Hai Đước thì ngược lại, ở tuốt phía đầu kia của đất nước, Quảng Ninh. Hai người quen nhau qua một hội diễn văn nghệ thời sinh viên. Hai Đước không phải ca sĩ gì, chỉ là một sinh viên năm cuối đi theo đoàn văn nghệ. Vợ Hai Đước đẹp gái, trắng và cao, đối nghịch với cái dáng vẻ khắc khổ, đen đúa của Hai Đước. Sau này, Hai Đước vẫn nói với vợ, hai đứa mình chắc ông Trời se duyên, chớ làm sao mà đứa đầu này đứa đầu kia mà thương nhau được hay thiệt. 

    Chuyện tình đẹp rồi đám cưới và một đứa trẻ ra đời, tới năm 2020 thì thằng Hoan, con trai của họ, vừa tròn 15 tuổi. Lúc này hai vợ chồng bắt đầu lục đục, thực ra họ đã cơm không lành canh không ngọt từ rất lâu rồi, tới giờ bùng lên, công việc của Hai Đước bấp bênh, thu nhập giảm sút còn vợ thì lại bị bịnh.   

   Hai vợ chồng cãi lộn hầu như mỗi ngày, đến mức thằng Hoan tuyên bố bỏ nhà đi thì hai người mới ngưng. Đỉnh điểm là một đêm sau khi cãi lộn thì Hai Đước bỏ nhà đi nhậu suốt đêm, gọi điện không nghe máy. Lúc đó chị vợ đưa đơn ly hôn, Hai Đước ký cái rẹc. Vừa Tết xong là Hai Đước dọn ra ngoài, thuê cái phòng trọ nhỏ ở một mình, căn nhà nhỏ trong hẻm ngày xưa được hai vợ chồng chung tay xây nên từng viên gạch thì Hai Đước để lại cho hai mẹ con.

      Tháng 7 dịch ở Sài Gòn bùng mạnh, Hai Đước lo lắng cho vợ con nên ngày nào cũng nhắn tin cho vợ, dặn khẩu trang, xông sả, uống cam… dặn đủ thứ. Vợ Hai Đước còn giận nên tin nhắn chỉ “đã xem” mà không hề có tin trả lời. Hai Đước vốn làm nghề liên quan đến y tế, khi thấy y tế thành phố quá tải, ở nhà trọ một mình cũng buồn nên Hai Đước đăng ký làm tình nguyện viên y tế liền.  

   Càng làm việc càng ra ngoài nhiều thì Hai Đước càng hoảng, người bệnh nhiều quá, người ta chết mỗi ngày ở khắp nơi, cả thành phố như một chiến trường thảm khốc. 

     Hai Đước cố gắng giữ mình, anh chạy công việc, rồi tranh thủ mua thuốc, mua cồn, mua thức ăn, rau củ… ghé qua căn hẻm cũ gửi cho vợ, à người sắp thành vợ cũ. Bà con hẻm cũng có mấy nhà khó khăn, khu trọ sinh viên bên trong còn kẹt gần chục đứa cũng thiếu thốn, vậy là Hai Đước lại chạy đi xin gạo, thuốc, nhu yếu phẩm về cho bà con hẻm cũ.

   Rồi tới hẻm cũ cũng bị giăng dây, một nhà, rồi hai nhà, và rất nhiều nhà dương tính. Hai Đước còn lo thêm ô xy, thuốc men, liên hệ bác sĩ tư vấn để giúp bà con trong hẻm. Những tin nhắn của Hai Đước gửi vợ vẫn chỉ “đã xem”, nó dài ra mỗi ngày, đều đặn cứ rửa tay, rửa mũi, uống c, thể dục, ăn rau… chẳng có nội dung nào khác.

     Rồi một ngày cuối tháng tám, tin nhắn không đến nữa, vợ Hai Đước bắt đầu lo lắng. Chị hỏi thằng Hoan, bố mày quên mẹ thật rồi, Hoan nhắn cũng không thấy bố trả lời. Đến ngày thứ ba không có tin nhắn thì bà con trong hẻm chạy qua hỏi luôn, em ơi Hai Đước đâu hổm rày nó không về hẻm. Chị vợ coi lại tin nhắn cuối của Hai Đước “em và con nhớ thể dục đều”, chị nhắn lại: “anh ở đâu”. Suốt mấy ngày liền chị gọi Hai Đước không được, chị chỉ biết nhắn câu đó “anh ở đâu”. Đến một tuần thì chị hoảng loạn, chị gọi công ty, gọi bạn bè anh, chị gọi hết các bệnh viện… không có tung tích gì của anh. 

    Lúc đó tin tức về số người chết vì dịch bệnh tăng dữ dội, bất giác chị nghĩ “hay là…”, chị bắt đầu gọi các bệnh viện điều trị bệnh nhân covid, chẳng ai rảnh mà tìm anh giúp chị. Chị bắt đầu khóc hoảng, chị hết sợ dịch, đeo khẩu trang ra đầu hẻm đứng, vẫn hy vọng nhìn thấy cái dáng cao cao, đen đúa chạy ào vô hẻm, mà vô vọng. Ngoài đường chỉ có xe cứu thương. Chị cứ đứng đó, cả ngày lẫn đêm, bất chấp lệnh cấm ra đường sau 18h, ai nói gì cũng mặc kệ, bà con trong hẻm cũng buồn, nghĩ kỳ này chắc Hai Đước về trong hũ tro rồi.

     May quá, tới ngày thứ mười  ba thì Hai Đước nhắn lại. Anh nằm trong hồi sức, mới cai máy thở ra. Tin nhắn anh không có dấu, có lẽ anh đang mệt hung. Anh nhắn có 3 chữ “anh con song”

    Vợ Hai Đước cầm cái điện thoại, vừa khóc vừa cười đi suốt con hẻm, gặp ai cũng nói: chồng em không có chết, chồng em khỏe rồi, hết thở máy rồi, sắp về với mẹ con em rồi các bác ơi…

* Đàm Hà Phú

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *