Công chúa Ngọc Anh – Hoàng nữ của vua Gia Long, nổi tiếng là người am hiểu Phật pháp, kiến thức uyên thâm lại có nhan sắc hơn người. Tương truyền khi cùng vua cha chạy trốn đến chùa Đại Giác (nay thuộc Biên Hoà, Đồng Nai) nàng đã xin vua cha cho mình ở lại ẩn mình nơi cửa Phật. Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh lên ngôi và liền ra chiếu chỉ triệu công chúa về cung. Không thể kháng chỉ vua, công chúa Ngọc Anh thu xếp lên đường về cung mà lòng vấn vương nơi cửa Phật. Chứng kiến nhiều cảnh rối ren loạn lạc tại kinh thành, nàng nguyện không lấy chồng, ăn chay niệm Phật tại phủ để cầu cho quốc thái dân an.
Thế nhưng duyên trần chưa dứt, nàng lại phải lòng thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành – vị thiền sư nổi tiếng phương Nam. Tương truyền Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành có dáng người cao to, gương mặt tuấn tú phúc hậu, giọng nói truyền cảm, đĩnh đạc. Nhờ trí tuệ uyên bác và phẩm hạnh trong sáng, Thiền sư đã trở thành nhà sư đầu tiên ở miền Nam được phong Quốc sư. Khi vua Minh Mạng lên ngôi, Thiền sư được mời vào cung giảng dạy Phật pháp cho Hoàng tộc.
Lần đầu tiên gặp Thiền sư, công chúa đã đem lòng say đắm người. Ngày ngày nghe Thiền sư giảng dạy kinh Phật, nàng lại càng đem lòng thương nhớ và ngưỡng mộ. Dẫu biết Thiền sư là người nhà Phật, nhưng vì tình cảm không thể giấu kín, nàng vẫn đề nghị Thiền sư phá giới để nên duyên cùng mình.
Khi biết tình cảm của công chúa, Thiền sư vô cùng khổ tâm, ngài đã dùng Phật pháp giảng giải cho nàng sớm tỉnh ngộ. Nhưng mặc cố gắng ấy, công chúa vẫn kiên quyết muốn cưới Thiền sư và còn nhờ vua Minh Mạng nói giúp.
Đúng lúc này, sư phụ của Thiền sư viên tịch, người bèn xin với vua cho về chùa Từ Ân ở Gia Định làm trụ trì thay sư phụ. Từ khi Thiền sư rời khỏi kinh thành, công chúa ngày đêm nhớ nhung không thiết ăn ngủ. Nàng xin với vua Minh Mạng được vào chùa Từ Ân để cúng dường, cũng là gặp Thiền sư để thoả nỗi nhớ thương.
Hay tin công chúa đến, Thiền sư vô cùng lo lắng, ngài kiên quyết lẫn tránh công chúa. Lúc công chúa bước vào chùa, Thiền sư đã lên chùa Đại Giác để nhập thất 2 năm. Đến nơi không thấy thiền sư, hỏi tăng ni không ai biết, công chúa thất vọng phần vì đường xa nên lâm trọng bệnh. Lo sợ đến sức khoẻ của nàng, các tăng chúng trong chùa đành nói sự thật Thiền sư đang ở chùa Đại Giác. Hay tin mừng, công chúa liền khỏi bệnh và lên chùa Đại Giác cúng dường.
Sau buổi sáng cúng dường, nàng đã nhờ người đưa đến tịnh thất của Thiền sư, nhưng ngài nhất quyết không chịu ra. Đau khổ tột cùng, công chúa không ăn không uống ngồi chờ bên ngoài tịnh thất đòi gặp bằng được Thiền sư mới thôi. Thiền sư vẫn im lặng, cuối cùng công chúa dập đầu trước tịnh thất mà nói rằng:
“Nếu hoà thượng không tiện ra gặp tiện thiếp, xin hoà thượng cho thiếp được nhìn thấy bàn tay của hoà thượng, thiếp sẽ hân hoan ra về”.
Cảm động trước tấm lòng của công chúa, Thiền sư đã đưa cánh tay qua ô cửa nhỏ cho công chúa nhìn. Nhưng khi nhìn thấy tay Thiền sư, công chúa vội nắm chặt và hôn say mê bàn tay, vừa hôn vừa khóc sướt mướt. Đêm hôm đó, tịnh thất của Thiền sư bỗng nhiên bốc cháy, nhục thân của Thiền sư cũng cháy đen. Trên tường tịnh thất, người còn để lại bốn câu thơ:
“Thiệt đức rèn kinh vẹn kiếp trần
Thành không vẩn đục trong ngần
Liễu tri mộng huyễn chơn như huyễn
Đạt đạo mình vui đạo mấy lần”
Nguyên do được cho là chính Thiền sư thấy cuộc đời có quá nhiều mộng ảo, nên đã dùng ngọn lửa tự thiêu để thức tỉnh và giáo dục công chúa. Tuy nhiên khi Thiền sư qua đời, công chúa vô cùng đau khổ, sau khi lo tang lễ xong nàng cũng uống thuốc độc tự vẫn ngay tại hậu viện của chùa.
Mối tình của công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh được người đời ví như câu chuyện tình đơn phương bi ai nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.