CHUYỆN TÌNH MỘT SĨ QUAN ĐỨC VỚI NỮ DU KÍCH NGA

Cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941-1945 là một trang khủng khiếp nhất trong lịch sử Liên Xô. Hàng chục triệu người chết, hàng trăm nghìn người mất tích, hàng triệu trẻ mồ côi và phụ nữ góa bụa. Tuy nhiên, ngay cả trong địa ngục này, tình yêu vẫn được thắp sáng, thậm chí từ hai bên chiến tuyến.

“KẺ PHẢN BỘI”

Tại thành phố bị chiếm đóng Rylsk (vùng Kursk), trung úy người Đức Otto Adam phụ trách một kho vũ khí. Năm 1941, Otto gặp cô gái Nga Maria Vasilyeva, 18 tuổi, phiên dịch viên trong sở chỉ huy Đức, có nét đẹp thanh tú, mái tóc vàng, nụ cười duyên. Người dân địa phương rất ghét Maria vì cô làm việc cho quân Đức, ngay cả mẹ ruột cũng không nói chuyện với cô. Khi viên trung úy Đức bắt đầu phải lòng Maria, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn.

Cư dân Rylsk đã nguyền rủa Vasilyeva vì không biết rằng cô làm việc cho quân Đức theo nhiệm vụ được giao từ bộ chỉ huy du kích và nhờ đó đã giúp đỡ các đơn vị kháng chiến thu thập được nhiều thông tin quý báu trong khi dịch các tài liệu của quân địch. Ngoài ra, Maria còn đánh cắp đạn dược của quân Đức để cung cấp cho du kích.

Là một người thông minh, Adam nhanh chóng biết được những hoạt động bí mật của Maria Vasilyeva. Thay vì giao nộp cô gái, anh bắt đầu giúp cô. Thứ nhất, vì quá yêu, và thứ hai, vì anh chán ghét chế độ Quốc xã.

Mối quan hệ với Maria đã mang lại cho viên sĩ quan Đức sức mạnh, điều mà anh ta gần như đã đánh mất kể từ sau khi tận mắt chứng kiến những gì diễn ra trong các trại tập trung của Đức quốc xã.

Maria Vasilyeva tất nhiên không biết rằng Adam đã có vợ và con gái ở Đức. Nhưng với cô, có lẽ điều đó cũng không quan trọng lắm…

HOẠT ĐỘNG BÍ MẬT

Ở ngoại ô Rylsk có một thân cây có hốc to mọc khá kín đáo, nơi Maria đặt các tài liệu quan trọng (thông tin về việc di chuyển của quân đội và đạn dược, danh sách những người bị đưa sang Đức làm nô lệ) và thậm chí cả thuốc nổ, được đưa ra khỏi văn phòng chỉ huy với sự giúp đỡ của Otto, trong một chiếc túi đựng từ điển Nga-Đức. Adam giúp đỡ bằng mọi cách có thể và thậm chí mời cô đến câu lạc bộ sĩ quan Đức, vì biết rằng, khi say rượu, các đồng nghiệp của anh trở nên lắm lời và thường tiết lộ nhiều bí mật quân sự quan trọng. Mỗi lần tiễn Maria về nhà, Otto đều “vô tình” để lại vũ khí và đạn dược trong sân nhà cô.

Thế rồi một ngày nọ, Vasilyeva suýt bị phát hiện, nhưng Adam đã kịp thời xóa tất cả các đoạn ghi âm liên quan đến cô gái trong cuốn băng.

Hai người rất mong đợi ngày cuộc chiến kết thúc. Mỗi người đều có kế hoạch của riêng mình. Vasilyeva muốn đến Moscow học để trở thành bác sĩ, người yêu của cô thì lên kế hoạch xây dựng cầu, theo gương người cha của anh, một kỹ sư cầu cống. Một trong những cựu thành viên du kích quen biết với cặp đôi này nói rằng họ mơ có ba đứa con, và để mọi người chắc chắn là con trai, họ muốn đặt tên cho đứa con đầu lòng là Otto.

Chẳng bao lâu sau, quân Đức bắt đầu nhận thấy những vụ mất tích đạn dược xảy ra khá thường xuyên. Maria và Otto hiểu rằng tình hình đang vượt quá tầm kiểm soát. Nữ điệp viên du kích trẻ tuổi đã bị bắt quả tang bởi viên chỉ huy trưởng, người mà một thời gian đã nghi ngờ cô hoạt động chống phát xít. Hắn ra lệnh cho Adam dẫn giải Vasilyeva đến trụ sở Gestapo để thẩm vấn và giam giữ. Tuy nhiên, viên sĩ quan Đức không thể chấp nhận cái chết của người mình yêu và quyết định thực hiện một bước tuyệt vọng. Anh ta giết viên chỉ huy trưởng, cùng cô gái chạy trốn vào rừng, gia nhập biệt đội của người chỉ huy du kích lừng danh Afanasy Sinegubov. Ông đã chào đón những kẻ đào tẩu, nhờ họ mà hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn sinh mạng được cứu.

Một người bạn giữa những người xa lạ, đồng thời là một người xa lạ giữa những người bạn – Otto thấy mình như thế trong hoàn cảnh khó khăn này, nhưng anh đã hy sinh tất cả vì người phụ nữ anh yêu.

Bộ chỉ huy du kích ra lệnh cho Sinegubov giết chết Adam, trong khi đó, phía Đức treo giá cái đầu anh ta bằng một phần thưởng ấn tượng là 15.000 Reichsmarks. Lần này, Maria đứng ra bảo vệ Otto. Cô đảm bảo với người chỉ huy biệt đội rằng người yêu của cô luôn chống lại chế độ Quốc xã và ủng hộ những lý tưởng của người cộng sản.

Đó là sự thật. Ở nhà, giống như người chú của mình, Otto không kịp gia nhập Đảng Cộng sản, vì chiến tranh đột ngột nổ ra. Một số người trong hàng ngũ du kích phát hiện ra rằng một người họ hàng của Adam đã phải vào trại tập trung vì quan điểm chính trị chống Quốc xã. Vì vậy, viên sĩ quan người Đức đã trở thành “người của mình” trong hàng ngũ kháng chiến. “Otto cũng là một người bình thường. Điều khác biệt duy nhất là anh ta hoàn toàn không nói được tiếng Nga, nhưng nhìn chung anh ta chẳng khác gì mấy so với các đội viên du kích của chúng tôi. Anh ấy đội mũ bịt tai, cuốn thuốc lá sâu kèn giỏi chẳng kém gì người Nga”, Vladimir Golovanov, người cùng phân đội, nhớ lại về Adam.

KHÔNG NƠI TRỐN CHẠY

Bất chấp khả năng bị lộ, Otto và Maria đã đi đến các ngôi làng gần đó và thu thập thông tin về các đợt di chuyển của quân Đức.

Vào mùa xuân năm 1943, bộ chỉ huy Đức đã tung lực lượng lớn để tiêu diệt biệt đội du kích, nơi có Maria và Otto hoạt động. Đã có những trận chiến ác liệt. “Phân đội bị đuổi vào rừng, trận chiến diễn ra suốt ngày đêm, không có nơi nào để chạy trốn, do đang mùa lũ lụt, sông Seim đã tràn bờ và làm ngập tất cả các vùng đất thấp. Chúng tôi phải rút lui qua những đầm lầy được bao phủ bởi một lớp băng do sương giá ập đến. Bị sụp qua lớp băng mỏng, tất cả chúng tôi lần mò lội trong làn nước lạnh giá sâu đến thắt lưng” – Vladimir Golovanov nhớ lại. Trong trận chiến, Vladimir bị thương, nhưng Adam đã cõng anh qua đầm lầy băng giá, rồi sau đó để anh lại trong nhà dân ở ngôi làng gần nhất. Đó là lần cuối cùng Vladimir nhìn thấy Otto. Hai tuần sau, Vladimir Golovanov biết tin Otto qua đời.

KẾT THÚC BI THẢM

Vào tháng 3 năm 1943, không xa làng Zvannoe, Quận Glushkovsky, Vùng Kursk, Maria và Otto đã bị bắt bởi một đội trừng phạt của Đức. Đức Quốc xã đã dành nhiều tháng để tìm kiếm một kẻ đào tẩu và người yêu của anh ta. Một khoản tiền thưởng lớn được đặt ra cho cái đầu Adam, nhưng nó chỉ có thể nhận được nếu Otto còn sống.

Thực hư chuyện gì vẫn chưa ai biết, nhưng dân làng nhất trí nhắc lại rằng Adam đã ôm siết đầu Vasilyeva vào ngực mình rồi tự bắn vào mang tai cô – viên đạn đã giết chết cùng lúc cả hai người.

Rõ ràng, Adam rất sợ những gì Gestapo có thể làm với người yêu và với chính anh ta. Otto nhận thức rõ về những cuộc tra tấn khủng khiếp của SS, và không muốn Maria phải chịu đựng điều đó.

HỌ ĐÃ CHẾT BÊN NHAU

Vài tuần sau, mẹ của Vasilyeva tìm thấy xác của họ ở chính nơi mà quân Đức đã bỏ họ lại. Maria và Otto được chôn cùng nhau ở Glushkovo. Trong bảo tàng địa phương, một cuộc triển lãm được tổ chức dành riêng cho câu chuyện tình yêu đầy bi kịch của họ, và ngay sau khi chiến tranh kết thúc, vở kịch “Trên vòng cung Kursk” đã được viết và dàn dựng. Nhà viết kịch kiêm nhà nghiên cứu Oleg Vasiliev không chỉ lưu lại ký ức về chiến công của Vasilyeva và Adam, mà thậm chí còn truy tìm cha mẹ của người sĩ quan Đức này.

Vào những năm 1960, ông đã tìm thấy một bức ảnh mà Otto đã để lại tại trụ sở đội du kích trước khi xuất phát đi thực hiện nhiệm vụ cuối cùng của mình. Oleg Vasiliev đã gửi bức ảnh cho một trong những tờ báo của CHDC Đức và ông đã rất ngạc nhiên khi nhận được phản hồi.

KÝ ỨC VĨNH CỬU

Cha mẹ Adam đinh ninh rằng Otto đã mất tích trong chiến tranh. Ngay sau đó mẹ của Maria đã liên lạc với người phụ nữ Đức và mời vợ chồng bà đến thăm. Cha mẹ Adam đã đến thăm mộ con trai họ nhiều lần. Tại Berlin, họ đã dự đinh dựng một tượng đài bằng đá cẩm thạch trắng trong vườn nhà: Một cô gái mảnh mai với bím tóc dài tựa đầu vào ngực người đàn ông, một tay cô ôm lấy người yêu, tay kia bóp chặt quả lựu đạn đã rút chốt, với tấm biển đồng ghi dòng chữ: “Tình yêu đẹp của Masha Vasilyeva và Otto Adam. 1941–1943”. Nhưng tiếc thay, dự định chưa kịp hoàn thành thì cha mẹ Otto chẳng may qua đời đột ngột trong một tai nạn ô tô…

Phạm Bá Thủy

Theo rusian7

Ảnh:

Maria Vasilyeva và Otto Adam

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *