Nhìn vào sách giáo khoa (SGK) giờ đây vẫn không hiểu vì sao sau nhiều thập kỷ cả xã hội đổ tiền của cho con em học ngoại ngữ, học sinh thì được khuyến khích tìm kiếm tài liệu đọc thêm trên Internet, giờ đây các em vẫn phải vò đầu bứt trán trước những “Xôn-phê-ri-ô”, “A-lếch-xăng-đờ-ri”, “A-pô-lô-ni-ut”, “Xít-tơn”, “Y-an-gun” hay “Phoi-ơ-bắc”.
Cô Hoàng Thị Diễm Trang, Hiệu phó Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM), nói: “Bản thân tôi dạy môn địa lý, nhận thấy môn này có rất nhiều từ phiên âm quốc tế. Đơn cử như ở bài Hoa Kỳ (Địa lý 11) có các địa danh như Washington, New York… Khi dạy, tôi thường lấy nguyên bản để giảng cho học sinh chứ không dùng phiên âm tiếng Việt. Trước khi làm việc này, tôi đã lấy ý kiến của các em, đa phần đều tán đồng để nguyên bản”.
Nhiều giáo viên cũng cho rằng hầu hết học sinh đã được học tiếng Anh từ đầu cấp 2 và hiện nay đang thí điểm dạy tiếng Anh từ lớp 3, do vậy để nguyên bản là hợp lý. “Nếu các em quen với cách phiên âm tiếng Việt, khi nói chuyện với người nước ngoài, e rằng lúc phát âm các danh từ người ta sẽ không hiểu, không biết mình đang nói gì”, ông Trần Phước Đức lo ngại.
Nhưng có ý kiến lại cho rằng nếu để nguyên bản tên nước ngoài thì học sinh sẽ khó đọc nên cần kèm theo cách đọc phiên âm?
PGS-TS Vũ Kim Bảng – Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ – cho rằng: “Học sinh ở lớp 1, lớp 2 có thể ban đầu sẽ khó khăn, nhưng tôi tin đó cũng là một cách để các em làm quen với ngoại ngữ. Vì nếu mở ngoặc phiên âm thì chúng ta lặp lại tình trạng rắc rối trong việc phiên âm thế nào là đúng. Phiên âm dù có biện minh là hay giỏi mấy cũng không giống với nguyên bản. Tên riêng tiếng nước ngoài khi được phiên âm rất bất cập, nhìn vào văn bản cũng thấy thiếu thiện cảm.”
Theo đề xuất của ông: “Tuy nhiên, cũng là chữ Latin nhưng nếu tên riêng của các nước được dịch sang âm Hán – Việt mà chúng ta đã quen dùng quá lâu như nước Đức, Pháp, Nga… thì vẫn nên dùng chứ không bắt buộc phải thay. Hệ chữ Slav như tiếng Nga, Bulgaria thì Latin hóa các tên riêng và lấy tiếng Anh làm chuẩn. Còn tất cả các hệ chữ khác, theo tôi nên chia thành 2 loại: Loại thứ nhất là chữ Trung Quốc. Đây là vấn đề lớn vì chữ Trung Quốc gắn liền với lịch sử văn hóa của chúng ta từ lâu. Ví dụ, lâu nay chúng ta viết và đọc theo âm Hán – Việt là chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Vạn lý trường thành… thì cứ dùng như vậy, chứ không phiên âm theo cách đọc của tiếng Trung Quốc hiện nay. Loại thứ hai gồm chữ viết như: Hàn Quốc, Lào, Thái Lan… thì nên dùng cách phiên âm của tiếng Anh, ví dụ: Seoul, Tokyo…”
Ông Chu Vĩnh Thành, chuyên viên Phòng Giáo dục quận 5, TP.HCM, cho rằng: Y-an-gun (Yangun – cố đô Myanmar), Xít-tơn (Seattle), Xin-ga-po (Singapore), Sicagô (Chicago). Những phiên âm này phù hợp với thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp đang cần được phổ cập. Ngày nay quá trình hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ, không thể tiếp tục sử dụng lối phiên âm tùy tiện. Phiên âm tùy tiện cũng góp phần thui chột các kỹ năng nghe nói khi học ngoại ngữ”.
Sau 2015 mới thay đổi?
Bộ GD-ĐT và NXB Giáo dục đã bàn vấn đề này rồi nhưng nếu giữ nguyên ngữ ở bậc tiểu học theo một số ý kiến đề nghị là không khả thi. Học sinh của chúng ta ở rất nhiều vùng miền khác nhau. Do vậy, SGK hiện nay vẫn dùng phiên âm và mở ngoặc nguyên ngữ trong lần đầu xuất hiện. Chúng tôi đã mời chuyên gia của Viện Ngôn ngữ, của Viện Từ điển và Bách khoa để tìm giải pháp tốt nhất nhưng đi theo hướng nào cũng không thành công như mong muốn, công việc này quá phức tạp. Sở dĩ có tình trạng ngay cả phiên âm trong SGK cũng không thống nhất là vì hàng trăm tác giả viết sách khác nhau, mỗi tác giả có một quan điểm và bản lĩnh của họ mà chúng tôi cũng không thể bắt người này phải theo người kia được.
Khi đổi mới chương trình, SGK sau năm 2015, với tình hình thực tế của nước ta thì quan điểm của chúng tôi là từ cấp THCS trở lên phải để nguyên ngữ tên riêng của ngôn ngữ hệ chữ Latin, còn từ tiểu học trở xuống thì vẫn phải mở ngoặc phiên âm để học sinh ở các vùng miền khác nhau có thể đọc được. Có một quy chuẩn mang tầm quốc gia và thống nhất một cách sử dụng, không phải chỉ trong SGK mà cả các ấn phẩm, báo chí… là điều mà chúng tôi mong muốn nhất.