chuyen-gia-canh-bao-nhung-moi-nguy-hiem-nao-khi-chuot-bo-vao-thuc-an-sau-vu-“chem-che-tren-tui-bun”?

Chuyên gia cảnh báo những mối nguy hiểm nào khi chuột bò vào thức ăn sau vụ “chễm chệ trên túi bún”?

Chuột là sinh vật mang nhiều mầm bệnh

Mới đây vụ việc “chuột chễm chệ trên túi bún” ở ngõ 4 Phương Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội gây xôn xao dư luận. 

Sự việc ngay sau đó cũng đã được UBND phường Phương Mai kiểm tra, ra quyết định chủ quán xử phạt hành chính chủ quán số tiền 2.250.000 đồng về các hành vi: Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy, ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Chuyên gia cảnh báo những mối nguy hiểm nào khi chuột bò vào thức ăn sau vụ

Hình ảnh con chuột trên túi bún gây xôn xao dư luận. Ảnh: H.Đ.C.

Sau sự việc này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, chuột bò đi kiếm ăn diễn ra hàng ngày. Các nhà hàng, quán ăn bao giờ cũng phải đề phòng chuột. 

“Chuột là sinh vật rất bẩn khi bò trong cống rãnh, dưới mặt đất lên kiếm ăn. Chân chuột mang nhiều vi khuẩn, chất độc… chạm vào thực phẩm. Điều quan trọng nhất đó là chuột mang nhiều mầm bệnh. Ngày xưa bệnh dịch hạch rất nguy hiểm khiến không ít người ám ảnh, sợ hãi. Lâu nay phương pháp chống dịch của chúng ta tốt cùng với đó thế giới cũng đã tiêu diệt được bệnh dịch hạch, nếu không bệnh dịch hạch vào nồi bún, bát bún… chắc chắn lan tràn rất nhanh”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh. 

Chuyên gia cảnh báo những mối nguy hiểm nào khi chuột bò vào thức ăn sau vụ

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cảnh báo chuột mang nhiều mầm bệnh vào thức ăn. Ảnh: NVCC

Theo ông Thịnh, chúng ta nên phòng tránh những côn trùng, sinh vật có hại như chuột, gián, kiến, ruồi, muỗi… Tất cả sinh vật đó có thể mang những vi khuẩn từ bãi bẩn, bãi rác…

“Việc xử phạt quán bún trên là đúng, vấn đề cơ bản cơ quan chức năng phải làm thế nào để chống được nó. Nhiều người trong quá trình kinh doanh thấy chuột vào đã dùng thuốc để diệt. Khi đánh bả chuột một mặt đây là chất độc rất dễ lan sang dụng cụ gia đình vì trước đó chuột ăn bả nhưng chưa chết ngay mà chúng tiếp tục bò đi kiếm ăn. Thứ 2, chuột khi chết không chết ngay tại chỗ mà bò vào hang hốc không ai tìm được dễ gây ra mầm bệnh khác”, ông Thịnh thông tin.

Nếu cửa hàng, quán ăn không đảm bảo không khác gì tự “tiêu diệt” mình

Ông Thịnh cho rằng, một trong những phương pháp bẫy chuột hiệu quả nhất là đặt trong các phòng rộng rãi, thoáng không có khe hở, làm tất cả rào chắn, dùng lưới sắt chuột không chui vào được, thậm chí ruồi, gián, muỗi không chui được, vệ sinh thường xuyên.

Chuyên gia cảnh báo những mối nguy hiểm nào khi chuột bò vào thức ăn sau vụ

Sau sự việc quán bún đã phải tạm đóng cửa. Ảnh: Gia Khiêm

Vị chuyên gia thực phẩm này cho hay, không ít cửa hàng bán thực phẩm tuềnh toàng, không có cửa, phải làm tủ để thực phẩm vào tủ kính hoặc tủ lưới.

“Bản thân người ăn phải có ý thức, cửa hàng nào cảm quan không được sạch sẽ, nhếch nhác không nên sa vào. Cửa hàng cũng như người bán hàng phải sạch sẽ, trang phục tươm tất…”, ông Thịnh khuyên.

Trước tình trạng đặt shipper (giao hàng nhanh) đang phổ biến, đặc biệt tại các nơi gần bệnh viện, văn phòng… PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng mọi người cũng nên chú ý hơn trong việc lựa chọn những cửa hàng, quán ăn đảm bảo vệ sinh.

“Từ đợt xảy ra dịch Covid-19 cho đến nay thì đặt đồ ăn nhanh là một trong những giải pháp bán hàng rộng rãi. Nếu người chủ hàng không tiếp cận được với khách hàng cũng khó lòng kiểm soát được quy trình chế biến thực phẩm của họ. Chính vì vậy các biện pháp giáo dục, kiểm soát của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý địa phương về an toàn thực phẩm là rất quan trọng. Phải nâng cao nhận thức cho mỗi gia đình kinh doanh thực phẩm để họ có trách nhiệm với khách hàng. Có như thế nhà hàng, quán ăn mới tồn tại được lâu dài”, ông Thịnh phân tích.

Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra lý lẽ nếu cửa hàng, quán ăn làm không đảm bảo người tiêu dùng truyền tai nhau không khác gì tự “tiêu diệt” mình. Bản thân mỗi người bán hàng có tâm làm tử tế, ngon, sạch sẽ thì phục vụ khách hàng được lâu dài và sẽ phát triển hơn. Đó là tương tác qua lại giữa người bán và người mua.

“Người bán mà không có ai mua thì bán cho ai. Đó là mối quan hệ xã hội mà mình cần phải nâng cao. Vai trò của chính quyền địa phương, tổ dân phố… rất quan trọng. 

Vấn đề an toàn thực phẩm giờ đây không phải vấn đề của một con người mà là vấn đề của xã hội. Mỗi người một chút ít và không mất nhiều thời gian nhưng mang lại hiệu quả. Trên phương tiện thông tin đại, chúng ta nên thường xuyên nhắc nhở và có những cảnh báo…”, ông Thịnh nói thêm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *