Thứ năm, ngày 29/05/2025 17:33 GMT+7
Tào Nga Thứ năm, ngày 29/05/2025 17:33 GMT+7
Các chuyên gia đưa ra các giải pháp và kỳ vọng sẽ góp phần tạo đà phát triển mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tư nhân. Dưới góc độ đào tạo, nhà trường cam kết đóng vai trò là một “trung tâm tri thức hành động”.
Thách thức chuyển đổi số trong doanh nghiệp tư nhân
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ là sự thay đổi về công nghệ mà còn đang tái cấu trúc nền sản xuất, mô hình kinh doanh và quản trị quốc gia. Khu vực kinh tế tư nhân – một động lực then chốt của tăng trưởng – đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải chuyển đổi số để không bị tụt hậu. Nếu được hoạch định đúng đắn, chuyển đổi số sẽ đóng vai trò như một “hệ điều hành mới” cho tăng trưởng, sáng tạo và hội nhập.
Đó là nội dung được bàn đến trong Hội thảo công bố Tư vấn chính sách với chủ đề “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp tư nhân – Hướng tới tăng trưởng hai con số tại Việt Nam” tổ chức ngày 29/5 tại Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Năm 2024, kết quả tăng trưởng GDP đạt 7% và mục tiêu tăng trưởng hai con số năm 2025 không chỉ thể hiện quyết tâm của Chính phủ vượt qua thách thức mà còn là khát vọng vươn lên mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong phiên thảo luận chuyên sâu giữa ba chủ thể chính: Nhà nước – Học thuật – Doanh nghiệp, các chuyên gia đưa ra giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn về tài chính, thể chế, nhân lực và tư duy trong chuyển đổi số của khu vực tư nhân – đúng như yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết 68 và Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
Theo các chuyên gia hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam có khoảng hơn 940.000 doanh nghiệp và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, đóng góp gần 50% GDP, chiếm hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước, và sử dụng tới 82% lực lượng lao động toàn quốc. Tuy vậy, khu vực này vẫn đang phải đối mặt với nhiều điểm nghẽn phát triển, bao gồm: thiếu vốn, hạn chế về nhân lực công nghệ, hạ tầng chưa đồng bộ, thể chế thiếu linh hoạt, và đặc biệt là sự chênh lệch đáng kể trong nhận thức và mức độ sẵn sàng chuyển đổi số giữa các loại hình doanh nghiệp.
Những điểm nghẽn này thể hiện rõ nét trong thực tiễn hoạt động của phần lớn doanh nghiệp tư nhân – đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) – với những biểu hiện cụ thể như thiếu chiến lược chuyển đổi số rõ ràng và phù hợp với đặc thù doanh nghiệp; Hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao; Thiếu hụt nền tảng dữ liệu, hệ thống dùng chung và hạ tầng kết nối số; Hành lang pháp lý và chính sách hỗ trợ vẫn còn phân tán, thiếu tính liên kết và hiệu lực thực thi.
Để tháo gỡ các điểm nghẽn này và đưa khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành một trong những động lực chiến lược cho tăng trưởng kinh tế quốc gia, cần có một nỗ lực hành động mạnh mẽ, đồng bộ và toàn diện – từ phía Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, giới nghiên cứu – đào tạo và toàn xã hội.
Giải pháp từ các chuyên gia
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Kim Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, khẳng định, chuyển đổi số đã không phải là câu chuyện để bàn bạc mà là then chốt sống còn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong doanh nghiệp cần gắn thêm khoa học công nghệ.
“Nhiều doanh nghiệp mới chỉ áp dụng triệt để làm thế nào để bán nhiều hàng hoá hơn trên nền tảng trực tuyến. Còn công tác chuyển đổi số trong quản trị vận hành mới dừng lại ở việc mua nền tảng số có sẵn để đưa vào doanh nghiệp. Để đạt được những bước tiến để tác động như chúng ta mong muốn vẫn là vấn đề cần thời gian”, ông Hùng bày tỏ.
TS Hoàng Xuân Vinh, Giảng viên Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết rất cần vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước.
“Các doanh nghiệp hiện nay rất cần. Nhà nước cũng cần có nền tảng công nghệ số để hỗ trợ phát triển. Cùng với đó, xây dựng, phát triển, quản trị kho dữ liệu và xử lý dữ liệu”, ông Vinh chia sẻ.
Dưới góc độ đào tạo, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị ra đời như một bước ngoặt mang tính lịch sử, thổi luồng sinh khí mới vào khu vực tư nhân. Lần đầu tiên, kinh tế tư nhân được xác lập là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân”.
Cũng theo PGS Nguyễn Trúc Lê: “Nhà trường cam kết đóng vai trò là một “trung tâm tri thức hành động” trong quá trình thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW. Chúng tôi đã và đang thiết kế các chương trình đào tạo mới, theo hướng “thực chiến – hội nhập – công nghệ” nhằm cung cấp nguồn nhân lực sẵn sàng cho nền kinh tế số.
Ngoài ra, nhà trường thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, góp phần là bệ đỡ cho các doanh nghiệp trẻ phát triển mô hình kinh doanh số. Bên cạnh đó, chúng tôi tích cực kết nối các chuyên gia quốc tế, doanh nghiệp và các cơ quan hoạch định chính sách để xây dựng các giải pháp thể chế phù hợp thực tiễn phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam”.