Chúng ta đều biết thế nào là một thói quen xấu. Hút thuốc, ăn thức ăn không lành mạnh, uống rượu bia, ngồi quá nhiều, là một vài trong số rất nhiều thói quen xấu mà chúng ta nên tránh để cải thiện cuộc sống của mình.
Tuy nhiên một nghiên cứu bởi các nhà khoa học tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (U.S. Centers for Disease Control and Prevention (CDC)) đã chỉ ra rằng những thói quen nên tránh như ăn uống thiếu chất, không tập thể dục thường xuyên, hút thuốc và sử dụng thức uống có cồn góp phần vào việc dẫn đến tử vong ở Mỹ.
Thuốc lá: 435,000 (18.1% trong tổng số người chết ở Mỹ)
Ăn uống không lành mạnh: 400,000 (16.6%)
Tiêu thụ thức uống có cồn: 85,000 (3.5%)
Nếu chúng ta đã biết những thói quen xấu gây hại cho cơ thể mình, vì sao chúng ta vẫn duy trì chúng?
1. Tại sao chúng ta không thể cưỡng lại những thói quen xấu?
Chúng ta luôn chìm đắm trong những thói quen mà bản thân chúng ta hiểu rõ chúng gây bất lợi cho cơ thể mình. Tuy nhiên chúng ta vẫn không từ bỏ những thói quen xấu. Vì sao?
a. Thói quen xấu đem đến cảm giác thoải mái
Lý do thứ nhất, chúng ta cảm thấy thoải mái với những thói quen này, bất kể chúng gây hại cho cơ thể ta.
Mọi hành động đều có lý do của nó, dù có thể bạn không biết chính xác lý do đó là gì. Và lý do phổ biến nhất, nhưng cũng sâu kín nhất là cảm giác thoải mái mà những thói quen này mang lại. Não bộ của chúng ta vận hành dựa trên cảm giác được trao thưởng, và phần thưởng chính là cảm giác thoải mái. Có những tác động khiến não bộ tiết ra hoóc-môn “hạnh phúc”. Như vậy, chúng ta càng thích thú và tiếp tục tìm kiếm cảm giác thích thú này trong khi thực hiện những thói quen xấu.
Điều này lý giải vì sao chúng ta tiếp tục chìm đắm trong những thói quen xấu và không tài nào thoát ra. Chúng đem lại cảm giác thoải mái, quan trọng hơn, chúng khiến chúng ta có cảm giác được ở trong vùng an toàn. Hay nói cách khác, chúng ta bị hấp dẫn bởi những “phần thưởng” là cảm giác thỏa mãn, dù chúng ta hiểu rõ những thói quen này gây hại.
Hút thuốc trong giờ nghỉ khiến não bộ tự động hiểu rằng đây là thói quen giúp chúng ta thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Sử dụng thức uống có cồn có thể khiến não bộ chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang chiều chuộng bản thân một chút, cho phép bản thân được thư giãn sau một tuần làm việc vất vả. Mong muốn tập thể dục không thể đánh bại mong muốn ‘dễ dàng thực hiện’ hơn là ngồi trên ghế bành và xem chương trình truyền hình yêu thích. Bạn có thể thấy, thói quen gắn liền với những phần thưởng.
b. Mọi người cũng có những thói quen xấu, y như mình!
Chúng ta có xu hướng hợp lý hóa những hành vi của mình bởi vì phần lớn mọi người trong xã hội cùng đều làm như thế. Phần lớn mọi người đều có những thói quen này, nên hoàn toàn ổn nếu tôi cũng có những thói quen ấy. Không khó để xã hội chấp nhận những thói quen xấu. Ăn vặt, không tập thể dục, thậm chí rất nhiều người hút thuốc.
Điều này khiến chúng ta tự hợp lý hóa những hành vi xấu của mình, kiểu như “nốt hôm nay cũng không chết được” hoặc “mình sẽ quyết tâm thay đổi vào tuần sau, bởi vì hôm nay mình đã có một ngày rất tồi tệ rồi.” Những lời xoa dịu nhất thời như thế khiến chúng ta khó có thể kiên trì lâu dài với những thói quen tốt.
Chúng ta cũng có thể nhìn ra xung quanh rồi tự biện minh cho mình, kiểu như “Ông mình hút thuốc mỗi ngày nhưng vẫn sống tới 90 tuổi”. Não bộ chúng ta luôn thích tìm cớ cho những quyết định của chúng ta, dù quyết định đó tốt hay xấu.
2. Tác hại lâu dài của những thói quen xấu
Hầu hết mọi người hiểu rõ tác hại của những thói quen xấu. Trên những bao thuốc lá còn in dòng chữ cảnh báo “Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi”. Chính phủ lan truyền thông điệp ăn uống lành mạnh thông qua quảng cáo và các chương trình truyền hình trên TV. Nhưng chúng ta có thực sự biết về những hậu quả về lâu về dài của những thói quen xấu?
– Ung thư, phá thủy tế bào
– Cảm giác không hạnh phúc, suy sụp, trầm cảm
– Sức khỏe thể chất yếu kém dẫn đến đau nhức và mệt mỏi
– Gia tăng các vấn đề sức khỏe ở tuổi già
Phần lớn những tác hại kể trên đều khó nhận biết ngay, đều là tác hại về lâu về dài, dẫn đến chúng ta không thực sự bận tâm đến chúng, dễ dàng bỏ qua chúng. Nhưng thời khắc này tâm trí bạn quyết định điều gì, có thể khiến cho bạn có một sức khỏe tốt hơn trong tương lai hay không.
3. Làm thế nào để loại bỏ những thói quen xấu?
Rất khó để từ bỏ những thói quen xấu vốn dĩ đã ăn sâu bám rễ trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Đôi khi, stress và áp lực chính là nguồn cơn đẩy chúng ta đến những thói quen xấu. Giải pháp để từ bỏ chúng nằm ngay ở việc tái thiết lập lại tâm trí của bạn.
Đầu tiên, liệt kê rõ ràng những thói quen xấu bạn đang có, bạn thực hiện chúng thường xuyên đến mức nào. Chính xác thì điều gì đã dẫn bạn đến thói quen xấu đó? Một lý do nào đó mà bạn chưa nhận thức được? Lần đầu tiên bạn có thói quen này là bao giờ, và vì sao?
Thứ hai, thực hiện cam kết với bản thân rằng bạn thực sự thực sự rất muốn loại bỏ thói quen xấu. Bây giờ bạn đã hiểu lý do đằng sau thói quen xấu của mình (ví dụ như stress), hãy đặt câu hỏi tiếp theo: mình có thể thay thế bằng điều gì tích cực hơn không? Ví dụ bạn thường ăn chocolate sau một ngày làm việc vất vả. Bạn có thể thay thế ‘phần thưởng’ chocolate bằng một loại snack dinh dưỡng hơn? Hoặc giới hạn khoảng thời gian bạn được phép ăn chocolate? Nếu stress là nguyên do dẫn đến những thói quen xấu của bạn, hãy cố gắng loại bỏ nó bằng cách cho não bộ của bạn một ‘phần thưởng’ khác để gia tăng hoóc-môn hạnh phúc.
Thứ ba, hãy kiên nhẫn. Chìa khóa của việc tạo nên những thói quen mới là sự kiên trì. Đúng vậy, rất khó khăn trong thời gian đầu, bởi não bộ của bạn phải thích ứng với một thói quen mới cho đến khi nó cảm thấy quen thuộc.
Tất cả chỉ là cách bạn thay đổi suy nghĩ của mình, chuyển sang một hướng đi mới tích cực hơn.
Sống một cuộc sống hạnh phúc hơn, lành mạnh hơn, bắt đầu bằng việc lựa chọn những thói quen tốt. Hãy lưu tâm đến lý do dẫn bạn đến với những thói quen xấu và bắt đầu thay đổi nó, bắt đầu đầu tư cho sức khỏe của chính mình. Không phải vì tương lai của bạn, mà là vì một hiện tại tích cực và lành mạnh hơn.
Tác giả: Leon Ho