Bố mình bảo: “Bọn trẻ bây giờ áp lực lắm”.
Chúng mình lớn lên với nhiều áp lực.
Khi còn bé, chúng ta hay được bà được mẹ “ép” ăn mỗi khi biếng ăn, thật ra đó cũng là một loại áp lực, khiến nhiều đứa trẻ sợ đến giờ ăn. Vì vậy nên bây giờ mới có nhiều phương pháp ra đời để “Nuôi con không còn là cuộc chiến”. Áp lực lên con vì con biếng ăn 1 thì mẹ áp lực 10 vì lo lắng cho con. Vậy là bé tí đã áp lực
Khi đi học, chúng ta áp lực với điểm số của bạn cùng lớp, với học sinh giỏi toàn diện, với sự kỳ vọng của ông bà cha mẹ. Sự áp lực kéo dài suốt những năm tháng phổ thông với những môn văn hóa như toán, lý, hóa, sinh văn, sử, địa…
Bước qua kỳ thi đại học, tưởng chừng áp lực được tháo bỏ thì lại áp lực vì bạn bè cùng lớp đại học đạt học bổng, bạn thì đi làm thêm ngay từ năm nhất, bạn thì đi du học, bạn thì chủ tịch CLB nọ hay bạn thì đi thực tập rồi đi làm sớm, từ lâu không sống dựa vào bố mẹ với mức lương 8 chữ số từ khi còn ngồi trên giảng đường.
Nhưng bạn à…
Đến cả hệ điều hành còn cập nhật từng chút một, sửa từng lỗi một. Thì bản thân bạn, cũng chỉ cần tốt hơn bản thân mình ngày hôm qua một chút mà thôi. Đừng đặt áp lực rằng bản thân mình phải giỏi hơn người, phải xuất chúng. Chúng ta đều là những con người bình thường, cố gắng để ngày mai tốt hơn.
Áp lực tạo nên kim cương, nhưng nếu bản chất không cứng như cacbon thì có thể vỡ vụn bất cứ lúc nào. Áp lực là con dao hai lưỡi, quan trọng là bạn đang dùng lưỡi nào hướng về phía mình. Áp lực tạo nên động lực cho bản thân thay đổi nhưng áp lực cũng có thể khiến một người trẻ tự tử vì đè nặng.
Bố mẹ cho bạn ăn học mười mấy năm, dạy dỗ bạn nên người, không kỳ vọng bắt buộc bạn thành người phi thường, đôi khi chỉ cần bạn thành một người có cuộc sống bình thường và sống một đời bình yên mà thôi.
Hãy sống và tiến về phía trước. Chỉ cần không đi lùi thì khi tới cuộc đời bằng tiếng khóc, đến lúc rời đi cũng có thể mỉm cười.