CHÚNG TA CÂN BẰNG KHI SỐNG THỰC TẾ

Con người cân bằng khi họ sống một cách thực tế. Thực tế (đối mặt trọn vẹn với thực tại) chứ không phải thực dụng (chỉ biết đến lợi ích cá nhân mình, đề cao vật chất, xem nhẹ tinh thần). Thực chất, hai cách sống này cũng cho thấy sự trái ngược nhau. Sống thực tế thì mang đến sự giàu có về mặt tinh thần, tự do dần khỏi những dính mắc, kể cả dính mắc vào vật chất. Còn sống thực dụng chỉ khiến người đó đánh mất chính mình, dễ rơi vào sa ngã và cám dỗ trong cuộc sống. 

Khi nói về nỗi sợ, chúng ta thường liệt kê những nỗi sợ trông có vẻ phổ biến như sợ ma, sợ nghèo, sợ khổ, sợ chết, sợ bị bỏ rơi,… Nhưng sau tất cả, thì điểm chung cho những nỗi sợ này lại chính là sợ đối diện với chính mình. Khi người ta sợ khổ, nghĩa là người ta sợ đối diện với nỗi khổ bên trong mình. Khi người ta sợ ma, người ta sợ đối diện với sự thật là họ sợ ma. Chung quy lại, vẫn là nỗi sợ sống thực tế, nỗi sợ sống thật với bản thân. Vì thế, hầu hết tất cả con người trên trái đất này đều tự tạo ra các ảo tưởng riêng và sống với ảo tưởng đó. Họ tự nhào lộn tinh thần họ trong thế giới ảo, để rồi tự đánh tráo khái niệm thực và ảo, hay không thể phân biệt nổi đâu là thực đâu là ảo nữa. Thế nên, khi người ta nói đến tu học, thì đó chỉ đơn giản là sống thực tế, trở về thực tại mà thấy thôi. 

Cuộc sống vốn không phức tạp, mà chỉ có tâm của chúng ta phức tạp. Chính tâm phức tạp của hàng tỷ con người trên trái đất đã phóng chiếu sự phức tạp ra thế giới bên ngoài. Chúng ta có quyền đổ lỗi cho cuộc sống là phức tạp, lòng người là khó đoán, thị phi, nhưng sau tất cả, hãy nhìn vào chính bản thân mình, chẳng phải tất cả những gì ta thấy ở đời sống đều có mặt bên trong ta hay sao? Khi bạn chì chiết một kẻ ác, bạn có nhận ra là tâm cũng bạn cũng đang độc ác (tâm sân) không? Vì thế, tu học là nhận diện được sự thật (hiện tượng và thực tánh) của tâm, để rồi không để bị buông xuôi theo hiện tượng tâm hay để bị kiểm soát bởi nó. Nhưng thật tiếc khi giờ đây, chúng ta lại thường chảy đuổi quá nhiều bên ngoài, để rồi không còn rõ tâm mình như thế nào nữa. Chúng ta đều muốn lên tiếng bảo vệ công lý, nhưng khi lên tiếng, chúng ta nhiều lúc lại quên mất “công lý” bên trong chúng ta, và nhiều phần nó cũng đang thực sự méo mó mất rồi.?!

Kể từ khi tu học, tôi cũng nhận ra một điều rằng bản thân cân bằng khi có thái độ thực tế. Thái độ thực tế tức là trở về thực tại mà thấy chính mình giữa những mối quan hệ trong cuộc sống. Thật lòng, trước đây, tôi từng nhiều lần sống một cách mộng mơ và bay bổng trong sự tưởng tượng của chính mình. Nhưng dù sự tưởng tượng đó là đẹp đẽ, thì nó cũng khiến chúng ta dễ nghiện ngập, và đặc biệt, khi trải nghiệm khó khăn và đau khổ trong đời, chúng ta không thể nào đón nhận. Chính thói quen từ chối sống thực tế, mà ta không có khả năng vững chãi nội tại trước các nhân duyên biến thiên trong đời sống. Vậy thì, cuối cùng, tất cả mọi chuyện đến với cuộc đời ta (một cách dồn dập) cũng chỉ để nhắc nhở ta hãy biết đối diện với chính mình mà thôi. Chỉ khi nào ta chịu đối diện với những đến đi trong cuộc đời mình, thì khi đó ta mới có thể thanh thản được. 

Nhưng quả thực, chuyện bi hài trong đời sống này nằm ở chỗ, không nhiều người thấy ra sống trong ảo tưởng là khổ đau. Và dù biết vậy, thì họ cũng đã bị nghiện đến nỗi để chúng dẫn dắt. Và cho rằng đó là một kiểu sống bình thường hay lý tưởng. Như vậy, nếu một người tu đúng, tức là họ phải có một sự phân biệt thật rõ ràng và tỉnh táo, giữa thực – ảo, ngã – vô ngã, đúng – sai… Nhiều người lầm tưởng rằng tu tức là thấy mọi thứ như một, nhưng đó là tà kiến. Giác ngộ như tấm gương sạch, nó soi mọi thứ đến đi rất rõ ràng. Nếu tấm gương mờ (chưa ngộ), thì nó không thể soi hay phân biệt thứ này hay thứ khác. Tất nhiên, sự phân biệt này không phải là tâm phân biệt, mà là cái thấy sáng suốt để có nhận thức và hành vi đúng tốt. Còn tâm phân biệt tức là thái độ phán xét đúng sai, phải trái,… bắt nguồn từ bản ngã tham, sân và si. 

Trang Ps

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *